<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: justify;"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ngày 2-9-1945 </span></span></strong></div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
<span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong>Khát vọng muôn đời được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc </strong></span></span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Ngày 2-9-1945 - ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đã đi vào lịch sử dân tộc với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình. Cùng trong sự kiện này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với tư cách là Bộ trưởng Nội vụ, đã có bài diễn văn ứng khẩu rất hùng hồn về quyết tâm bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Nhà sử học David Marr, trong cuốn sách “Vietnam 1945-The Quest for power” (Việt Nam 1945-Giành chính quyền) đã viết khá kỹ về sự kiện này. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
</span><strong><span style="font-size: small;">Bài diễn văn ứng khẩu hùng hồn về độc lập, dân chủ</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Tiến sĩ David Marr là nhà sử học người Mỹ. Cuốn sách “Việt Nam 1945 - Giành chính quyền” của ông đã được Hiệp hội châu Á học ở Mỹ trao tặng giải thưởng “Cuốn sách hay nhất viết về Đông Á”. Trong cuốn sách này, David Marr đã miêu tả sự kiện 2-9-1945 như sau: “Khi các tràng vỗ tay và tiếng reo hò vừa ngớt, Hồ Chí Minh giới thiệu từng Bộ trưởng của mình với công chúng và yêu cầu toàn nội các tuyên thệ, dù có phải liều thân, vẫn lãnh đạo nhân dân bảo vệ Tổ quốc và thực hiện đến cùng các chương trình của Việt Minh. Theo lưu trữ hải ngoại của Pháp (AOM, INF, GF46), Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Nội vụ, đã đăng đàn diễn giải một cách nghiêm trang về bản Tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong một bài diễn văn ứng khẩu, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp ca ngợi truyền thống hào hùng của tổ tiên, của Việt Nam Giải phóng quân, của “trào lưu dân chủ của nhân dân trên toàn cầu”. Ông báo hiệu về cuộc tuyển cử dân chủ trên toàn quốc để bầu ra Quốc hội, là cơ quan sẽ định ra Hiến pháp và phê chuẩn thành phần Chính phủ. Quân đội sẽ được cải tổ và tăng cường lực lượng, kinh tế sẽ được tái thiết, giáo dục sẽ được ưu tiên phát triển…”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Cũng trong bài diễn văn ứng khẩu trên, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã công khai những khó khăn của Chính phủ cách mạng lâm thời, nhất là đang thiếu nguồn tài chính để thực thi các nhiệm vụ, vì vậy sẽ phải dựa vào “các khoản đi vay, quyên góp, và nguồn thuế lợi tức. Chính phủ tin tưởng, sẽ được mọi công dân ủng hộ, vì “nước mất thì nhà tan”, nếu nền độc lập dân chủ cộng hòa lung lay, quyền lợi của từng công dân cũng bị ảnh hưởng”. Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp cũng trích dẫn lời của Tổng thống Mỹ Roosevelt, khẳng định sự đàn áp dã man của thực dân đã làm cho người dân Việt Nam nhận thức rõ thế nào là tự do. Ông cũng khôn khéo trích lời dự báo của Tưởng Giới Thạch, rằng nếu các dân tộc bị áp bức châu Á không được trao tự do và bình đẳng, thì chiến tranh thế giới thứ ba là không tránh khỏi. Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đưa ra những đánh giá “gai người”, nhưng xác đáng, về các tuyên bố lúc đó của Chính phủ Pháp, về lộ trình đưa quân xâm lược trở lại và giành lại quyền đô hộ của Pháp ở Đông Dương. Nếu không có quốc gia nào đứng ra giúp Việt Nam Dân chủ cộng hòa bằng cách dùng con đường ngoại giao chặn bước đi này của Pháp, thì toàn dân Việt Nam sẽ đoàn kết, tự lực, tự cường trong sự nghiệp cứu nước của mình. Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp cũng gửi gắm đến đồng bào: “Trong lúc này, sự chia rẽ, nghi kỵ và thờ ơ ngoài cuộc đều được xem như phản quốc”. Để kết thúc bài diễn văn “bốc lửa” của mình, Võ Nguyên Giáp nói mà như ngâm thơ: “Tiếp bước cha anh, thế hệ người Việt Nam hôm nay sẽ quyết chiến trận cuối cùng để các thế hệ mai sau muôn đời được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
<img width="336" height="381" alt="" src="1.jpg" /><br />
</span><em><span style="font-size: small;">Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên xe đến Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Ảnh tư liệu</span></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
</span><strong><span style="font-size: small;">Mềm dẻo về sách lược, kiên định chiến lược</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Ngay sau sự kiện 2-9-1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn, nguy hiểm, được các sử gia gọi là thế “ngàn cân treo trên sợi tóc”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Mặc dù đã tuyên bố độc lập, nhưng Việt Nam Dân chủ cộng hòa chưa được một nước nào trên thế giới công nhận. Cách mạng Trung Quốc lúc đó chưa thành công. Liên Xô, do sự cẩn thận trong đánh giá đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng đang còn theo dõi để đánh giá Cách mạng Tháng Tám. Trong khi đó, quân đội của Tưởng Giới Thạch đang rầm rập tiến vào Hà Nội với mục tiêu là tiêu diệt Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản. Các thế lực thực dân Pháp bấy lâu bị phát xít Nhật cầm tù, lăm le ngóc đầu dậy để nắm lại các đặc quyền, đặc lợi bấy lâu. Quân Pháp núp bóng quân Anh đang trên đường trở lại Việt Nam. Tàn quân của phát xít Nhật vẫn chưa rút đi. Một phái bộ của nước Mỹ, gồm cả những viên tướng cấp cao như Gallagher, cấp tốc sang Hà Nội để nắm Việt Nam theo ý đồ riêng của Mỹ. Ngân khố quốc gia trống rỗng…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Trước muôn vàn thách thức ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện “dĩ bất biến, ứng vạn biến” với những chính sách mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo “như huyền thoại” để giữ vững thành quả cách mạng. Quân đội Tưởng Giới Thạch muốn tiêu diệt Đảng Cộng sản, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã đưa ra một quyết định “vô cùng đau đớn”, đưa Đảng vào hoạt động bí mật, tuyên bố tự giải tán, khiến cho mục tiêu bước đầu của Tưởng Giới Thạch “biến mất”. Chính sách “Hòa để tiến” từng bước giúp chúng ta củng cố chính quyền, đập tan các mưu mô, thủ đoạn khiêu khích của quân Tưởng, quân Pháp. Và trong các chính sách linh hoạt đó, còn có phương pháp dùng người linh hoạt của Bác Hồ, khi Người để đồng chí Võ Nguyên Giáp, vốn là một cử nhân luật xuất sắc, không giữ trách nhiệm đứng đầu Bộ Quốc phòng, mà sang làm Bộ trưởng Nội vụ-vị trí phải chăm lo xây dựng nền nếp của bộ máy Nhà nước kiểu mới và hàng ngày, hàng giờ phải chỉ đạo công tác ứng phó với các âm mưu, thủ đoạn thâm độc của “thù trong, giặc ngoài” hòng quấy rối, phá hoại Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, thời điểm này, đồng chí Võ Nguyên Giáp cũng không rời xa hẳn công tác quân sự, vì ông vẫn giữ chức Chủ tịch Quân sự Ủy viên hội.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Năm 1946, trong lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đang đi thăm Pháp để đàm phán, tìm cơ hội hòa bình, quân Tưởng và quân Pháp ở Hà Nội đã cấu kết với nhau hòng ám sát các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Lương Bằng, sau đó tổ chức đảo chính ở Hà Nội; cùng lúc đó, phái đoàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở Pháp cũng sẽ bị bắt giữ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Nắm được âm mưu này, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp, người được Bác trao trách nhiệm trợ giúp quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng đã chỉ đạo Nha Công an: “Việc lớn cần phải bóp nhỏ lại, việc nhỏ không cho phát triển thành việc lớn, không để địch bé xé ra to”. Lực lượng công an, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp, đã đột nhập vào trụ sở của bọn phản động Việt Quốc, thu được Bản kế hoạch đảo chính chính phủ Hồ Chí Minh, phá tan âm mưu đảo chính từ trong trứng. Vì lẽ đó, âm mưu bắt giữ Bác Hồ trên đất Pháp cũng không thực hiện được.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Cũng trong năm 1946, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó; đã chủ trì nhiều hoạt động thi hành chính sách “Hòa để tiến” nổi tiếng, như chỉ đạo phá vụ án ở số 7, phố Ôn Như Hầu, dẫn đầu phái đoàn Việt Nam đấu trí với Pháp ở Hội nghị Đà Lạt, từng bước đuổi quân Tưởng ra khỏi Việt Nam, chuẩn bị tốt nhất cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Sainteny - tên thực dân cáo già được Chính phủ Pháp cử sang Hà Nội từ trước ngày 2-9-1945, nhằm dọn đường cho âm mưu xâm lược Việt Nam lần nữa, đã nhận xét về Võ Nguyên Giáp sau cuộc gặp gỡ trực tiếp ngày 27-8-1945: “Tôi biết Võ Nguyên Giáp là một trong những sản phẩm sáng giá của nền văn hóa chúng ta. Là sinh viên đại học nổi tiếng, Tiến sĩ Luật khoa, ông ta đã cho tôi thấy ở ông một con người quyết đoán, cực kỳ cứng rắn, đầy mưu trí và thông minh”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Sainteny đã nhận xét đúng, trừ việc ông ta nhầm Võ Nguyên Giáp là Tiến sĩ Luật khoa. Trên thực tế, khi học cử nhân Luật, sinh viên Võ Nguyên Giáp đã được Nhà nước Pháp cấp học bổng sang Pháp học tiến sĩ, nhưng ông đã từ chối vì cuộc đời cách mạng đã cuốn hút ông.</span></span></div>
<div style="text-align: right;"><strong><br />
</strong></div>
<div style="text-align: right;"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
TS NGUYỄN HỒNG QUYÊN</span></span></strong></div>
<div style="text-align: right;"><em><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Theo báo Quân đội nhân dân</span></span></em><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
<br />
<br />
</span></span></div> </html>