<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: justify;"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Đề cương tuyên truyền:</span></span></strong></div>
<div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
KỶ NIỆM 73 NĂM NGÀY NAM KỲ KHỞI NGHĨA (23/11/1940 – 23/11/2013)</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">I. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA QUẬN HÓC MÔN TRƯỚC KHI CUỘC KHỞI NGHĨA NAM KỲ NỔ RA:</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tháng 9/1939, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp ở Đông Dương đã đi vào con đường phát xít hóa, chúng thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Những quyền dân chủ sơ đẳng mà quần chúng nhân dân Hóc Môn đã giành được trong phong trào đấu tranh dân chủ 1936 – 1939 đều bị xóa bỏ, các tổ chức dân chủ, Hội ái hữu, Hội âm công đều bị giải tán, quyền tự do hội họp bị thủ tiêu, khả năng hoạt động hợp pháp không còn.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Những năm 1939 – 1940, đời sống nhân dân Hóc Môn vô cùng tối tăm, cơ cực dưới ách áp bức, bóc lột nặng nề của thực dân Pháp và bọn tay sai. Ngoài ra, chúng còn khuyến khích các tệ nạn xã hội nhằm lôi kéo thanh niên, làm băng hoại tâm hồn và ý chí của tuổi trẻ, nhằm làm cho thanh niên quên đi nỗi nhục bị mất nước, nỗi nhục làm nô lệ cho ngoại bang. Chúng còn ra sức vơ vét, bóc lột nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của nước ta để phục vụ cho nền kinh tế của nước Pháp bị kiệt quệ do chiến tranh đế quốc phi nghĩa.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tại Đông Nam Á, Pháp đánh nhau với Xiêm (Thái Lan), chúng bắt thanh niên Việt Nam (trong đó có thanh niên Hóc Môn) đi lính sang Xiêm để làm bia đỡ đạn cho chúng. Từ đó, lòng người dân Hóc Môn – Bà Điểm càng căm thù sôi sục đối với thực dân Pháp và bọn tay sai. Mọi người ai cũng muốn đứng lên đấu tranh giải phóng đất nước, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tại quận Hóc Môn, dưới sự lãnh đạo của Quận ủy và các chi bộ Đảng, nhiều cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ở các làng đã nổ ra. Lúc này, thực dân Pháp đã bắt hàng ngàn thanh niên của tỉnh Gia Định và các nơi khác về giam giữ tại các trường học của quận Hóc Môn đã đấu tranh liên tiếp đòi phải trả lại con em của họ. Những thanh niên bị giam giữ cũng tích cực hưởng ứng các cuộc đấu tranh này làm cho bọn Pháp phải nhượng bộ và cho thi hành những yêu sách mà quần chúng đưa ra. Tiêu biểu nhất là cuộc biểu tình của 500 quần chúng ở tổng Bình Thạnh Trung đòi bãi bỏ việc bắt lính.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><strong><span style="font-family: Arial;"><br />
II. QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ KHỞI NGHĨA CỦA XỨ ỦY NAM KỲ:</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><em><span style="font-family: Arial;"><br />
1. Sự chuyển hướng chỉ đạo cách mạng của Đảng ta:</span></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Trước sự biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới và trong nước do tác động của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai; đặc biệt là sự đàn áp, khủng bố dã man của thực dân Pháp đối với Đảng Cộng sản và phong trào cách mạng của nhân dân. Từ ngày 6 đến ngày 8/11/1939, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần VI đã được triệu tập tại nhà ông Trần Văn Hy ở làng Tân Thới Nhất (Bà Điểm) do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Hội nghị đã ra nghị quyết: đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu của cách mạng Đông Dương, tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất để tập trung mọi năng lực vào nhiệm vụ chủ yếu là chống đế quốc giành độc lập, tự do cho dân tộc. Hội nghị cũng đã đề ra hình thức đấu tranh thích hợp: “Bước tới bạo động làm cách mạng giải phóng dân tộc. Song phải hết sức tránh những cuộc đấu tranh non, đấu tranh vô phương pháp, vô chuẩn bị”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần VI là một nghị quyết quan trọng, đánh giá bước chuyển hướng chiến lược chỉ đạo cách mạng Việt Nam của Đảng ta. Nghị quyết đã trở thành nguồn ánh sáng soi đường, tiếp thêm nguồn sức mạnh cho đảng viên và quần chúng cách mạng tỉnh Gia Định, trong đó có quận Hóc Môn.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><em><span style="font-family: Arial;">2/ Chủ trương khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ:</span></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ VI (11/1939) sau khi ra đời đã được phổ biến sâu rộng đến tổ chức Đảng các cấp. Chính trong bối cảnh lịch sử ấy, Xứ ủy Nam Kỳ đã thông qua chủ trương phát động khởi nghĩa trong toàn xứ, đánh vào bộ máy cai trị của thực dân Pháp nhằm giành chính quyền về tay nhân dân.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Từ ngày 21/7 đến ngày 27/7/1940, Xứ ủy Nam Kỳ đã triệu tập cuộc hội nghị tại nhà bà Lê Thị Lợi ở làng Tân Hương, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. Tại hội nghị này, đồng chí Tạ Uyên được bầu làm Bí thư Xứ ủy (thay cho đồng chí Võ Văn Tần bị giặc bắt) chủ trì hội nghị. Sau khi phân tích tình hình quốc tế, tình hình trong nước và cân nhắc mọi mặt, tuy còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề khởi nghĩa nhưng hội nghị vẫn nhất trí chủ trương khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị cũng đã quyết định thành lập các Ban quân sự, Ban khởi nghĩa ở tất cả các cấp, vận động quần chúng tích cực thành lập các đội du kích, vũ trang, rèn đúc và mua sắm vũ khí. Sau nhiều cuộc họp của Xứ ủy bàn về khởi nghĩa, Xứ ủy Nam Kỳ tán thành việc cử đồng chí Phan Đăng Lưu ra Bắc xin ý kiến Trung ương.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tháng 9/19940, Phát xít Nhật đánh vào Lạng Sơn, quân Pháp nhanh chóng đầu hàng Nhật. Trước tình hình trên, từ ngày 21 đến ngày 23/9/1940, Xứ ủy Nam Kỳ đã triệu tập hội nghị tại nhà bà Nguyễn Thị Hương ở làng Xuân thới Đông (nay là xã Xuân Thới Đông – huyện Hóc Môn). Tại hội nghị này, đồng chí Tạ Uyên đã nhận định tình hình: Pháp gặp nhiều khó khăn, tinh thần suy sụp, quân Nhật mới đến, chưa vững, tình hình quần chúng đang sục sôi chờ khởi nghĩa. Về phía ta thì tổ chức chưa củng cố, phong trào chưa đủ mạnh. Tuy nhiên, việc Nhật – Pháp đánh nhau được hội nghị cho rằng thời cơ đã đến. Hội nghị đã quyết định tích cực chuẩn bị khởi nghĩa và trao cho Thường vụ Xứ ủy quyền ra lệnh khởi nghĩa sớm.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Nghị quyết khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ vào tháng 7/1940 và tháng 9/1940 đã làm nức lòng nhân dân Nam bộ nói chung và nhân dân Mười tám thôn vườn trầu nói riêng. Đảng viên và quân chúng nhân dân Hóc Môn rất phấn khởi khi được nghe phổ biến nghị quyết khởi nghĩa.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lâm thời (họp từ ngày 6 đến ngày 8/11/1940 ở Đình Bảng – Bắc Ninh), sau khi nghe đồng chí Phan Đăng Lưu báo cáo việc chuẩn bị của Xứ ủy Nam Kỳ, hội nghị đã phân tích thấy rằng những điều kiện khách quan và chủ quan để phát động cuộc tổng khởi nghĩa cho cả nước chưa đầy đủ nên yêu cầu Xứ ủy Nam Kỳ hoãn cuộc khởi nghĩa lại, chờ Xứ ủy Trung Kỳ và Bắc Kỳ chuẩn bị rồi sẽ tổ chức khởi nghĩa theo một kế hoạch chung của Trung ương. Hội nghị giao cho đồng chí Phan Đăng Lưu truyền đạt chủ trương hoãn khởi nghĩa đến cho Xứ ủy Nam Kỳ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">III. DIỄN BIẾN CỦA CUỘC KHỞI NGHĨA NAM KỲ TẠI QUẬN HÓC MÔN:</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ngày 20/11/1940, Thường vụ Xứ ủy ra lệnh khởi nghĩa vào đêm 22 rạng 23/11/1940. Sau khi lệnh đã gửi đi đến các tỉnh trong toàn xứ Nam Kỳ thì trưa ngày 22/11/1940, đồng chí Phan Đăng Lưu (Ủy viên trung ương Đảng) từ miền Bắc vào, mang chủ trương của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lâm thời đề nghị hoãn cuộc khởi nghĩa lại. Nhưng lệnh khởi nghĩa đã gởi xuống, cơ sở không thể thu lại được nữa. Do đó, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã nổ ra ở khắp các tỉnh thành phía Nam.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Trước khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra, ngày 22/11/1940 các đồng chí: Nguyễn Như Hạnh (Bí thư Thành ủy Sài Gòn), đồng chí Phan Đăng Lưu (Ủy viên Trung ương Đảng) đều bị mật thám bắt. Những tên đầu hàng, phản bội cách mạng đã khai báo với địch về chủ trương khởi nghĩa của ta nên kế hoạch đã bị lộ. Thực dân Pháp đã bố trí phòng thủ khắp nơi trong thành phố. Ngoài ra, chúng còn cho mật thám và cảnh sát đi lùng sục, bắt bớ những người mà chúng tình nghi. Cuộc khởi nghĩa ở thành phố Sài Gòn – Gia Định đã bị lộ trước giờ nổ súng.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tại tỉnh Gia Định và các vùng xung quanh thành phố, đêm 22 rạng 23/11/1940 lực lượng nghĩa quân và quần chúng vẫn tiến hành khởi nghĩa vì không bắt liên lạc được với Xứ ủy và Thành ủy. Theo kế hoạch khởi nghĩa của tỉnh Gia Định phải có sự phối hợp với kế hoạch khởi nghĩa của thành phố là chờ tiếng pháp lệnh mới tiến hành nổ súng đồng loạt.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tại Quận Hóc Môn, khoảng 24 giờ đêm ngày 22/11/1940 mà vẫn chưa nghe tiếng pháo lệnh ở Sài Gòn, mọi người đều lo lắng. Theo liên lạc, các cánh nghĩa quân của các tổng báo về là đã có mặt ở những nơi qui định, khí thế của đảng viên, quần chúng và nghĩa quân đang hừng hực lửa căm thù. Ban lãnh đạo và chỉ huy khởi nghĩa quận Hóc Môn đã hội ý chớp nhoáng và quyết định ban hành lệnh tấn công.<br />
Lập tức các cánh nghĩa quân từ bốn phía tiến thẳng vào đồn Hóc Môn – nơi ngự trị của tên quận trường Bùi Ngọc Thọ. Nghĩa quân bốn phía xông vào đồn như nước vỡ bờ. Cờ đỏ búa liềm xuất hiện để cổ vũ tinh thần chiến đấu của nghĩa quân và nhân dân.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Với quyết tâm tiêu diệt tên Quận Thọ và bọn tay sai ngoan cố, đồng chí Đỗ Văn Dậy (Quận ủy viên) đã hô hào anh em tiến lên. Bản thân đồng chí đã bám ống nước để đột nhập lầu cao, đến lưng chừng, địch phát hiện, chúng dùng súng bắn từ trên xuống, đồng chí bị thương và sau đó đã hi sinh. Gương dũng cảm quên mình của đồng chí Đỗ Văn Dậy đã thúc giục tinh thần chiến đấu của nghĩa quân, từng toán quân xung kích tiếp tục chồng người lên nhau để làm thang leo lên đồn.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Cuộc chiến đấu quyết liệt và bất lợi cho nghĩa quân kéo dài cho đến gần sáng. Nghĩa quân phải rút khỏi quận lỵ, phân tán về các làng.<br />
Khoảng hơn 4 giờ sáng ngày 23/11/1940, thực dân Pháp cho 2 đội quân từ Thủ Dầu Một và Gia Định đến giải vây cho Hóc Môn.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">IV. THỰC DÂN PHÁP ĐÀN ÁP, KHỦNG BỐ KHỐC LIỆT NHÂN DÂN HÓC MÔN SAU CUỘC KHỞI NGHĨA NAM KỲ:</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Sau khi chiếm lại dinh quận, để bảo vệ tên quận Thọ và bè lũ tay sai, ổn định tình hình ở Hóc Môn, giặc Pháp tăng cường lực lượng quân lê dương từ 2 lên 3 đại đội đóng tại quận lỵ. Liên tiếp trong những ngày 25, 26 và 27/11/1940 chúng bắt đầu cuộc khủng bố đàn áp nhân dân. Tại các làng: Bình Lý, Tân Mỹ, Mỹ Bình, Nhị Bình, Hòa Phú Thôn,… là những nơi mà trước đây quân khởi nghĩa đã nổi dậy diệt tề, trừ gian, cướp đồn bót và công sở, giặc Pháp đã cho lính đến bao vây ruồng bắt nhân dân, chúng đốt nhà cướp đoạt tài sản, bắn giết đồng bào và bắt đi hàng loạt dân thường đem giam cầm tra tấn.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Giặc Pháp còn đưa xe tăng về các làng: Vĩnh Lộc, Tân Đông Thượng, Tân thới Nhất, Bình Hưng Hòa,.. ủi nát vườn trầu cau, ruộng lúa, hoa màu của nhân dân, chúng đốt nhà, cướp của, bắn giết bừa bãi dân làng. Điển hình nhất là cuộc tàn sát đẫm máu, dã man tại ấp Bến Đò (làng Tân Phú – nay thuộc huyện Củ Chi) vì chúng cho đây là nơi xuất phát của cộng sản nỗi dậy. Chúng thực hiện triệt để chính sách “cướp sạch, giết sạch, đốt sạch”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, thực dân Pháp dựng lên ở Hóc Môn 3 trường bắn. Các đồng chí lãnh đạo của Đảng bị bắt trước cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã bị chúng lợi dụng dịp này để giết hại. Để uy hiếp tinh thần cách mạng của nhân dân Hóc Môn, mỗi lần tổ chức xử bắn các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta, chúng đều bắt nhân dân kể cả học sinh đến xem.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
+Tại trường bắn thứ nhất ở cạnh rạp hát cũ của Trung tâm quận lỵ Hóc Môn, giặc Pháp đã giết hại các đồng chí: Phạm Văn Sáng (Bí thư Quận ủy), Đặng Công Bỉnh (người chỉ huy cánh quân mũi nhọn tổng Long Tuy Hạ) và nhiều đồng chí khác.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
+Tại trường bắn thứ hai ở cạnh giếng nước (nay là khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn) ngày 28/8/1941, giặc Pháp đã giết hại các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương như: đồng chí Hà Huy Tập (Tổng Bí thư), Võ Văn Tần (Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ), Nguyễn Thị Minh Khai (Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn), Nguyễn Hữu Tiến (tức Hải Đông) Xứ ủy viên.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
+Trường bắn thứ ba ở Ngã Ba Giồng (nay là khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng, xã Xuân Thới Thượng). Tại đây, chúng đã xử bắn nhiều đợt nhưng không cho nhân dân xem. Hàng trăm chiến sĩ cộng sản và đồng bào yêu nước bị xử bắn, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Cừ (Tổng Bí thư), Phan Đăng Lưu (Ủy viên TW Đảng),…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, ngày 21/12/1940 Xứ ủy Nam Kỳ đã mở cuộc họp tại nhà bà Nguyễn Thị Châu ở làng An Phú Tây và sau đó họp tại nhà ông Nguyễn Văn Luông, làng Đa Phước (Bình Chánh) để kiểm điểm, rút kinh nghiệm cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và bầu lại Xứ ủy mới do đồng chí Phan Văn Khỏe làm Bí thư. Hội nghị đã chủ trương cho các lực lượng phân tán, cất giấu vũ khí chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa sau này, các đồng chí trở về địa phương, bám dân khôi phục và gầy dựng lại cơ sở.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Để tuyên dương công trạng của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940) vì đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chung của toàn dân tộc, ngày 14/3/1948, toàn Nam Kỳ đã vô cùng tự hào, vui sướng và vinh dự đón nhận sắc lệnh số 163 của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất cho đội quân khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, tuyên dương công đức đại nghĩa của chiến sĩ Nam Kỳ: “Đã nổ lên chiến đấu oanh liệt với địch và đã biểu dương được ý chí quật cường của dân tộc”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><strong><span style="font-family: Arial;"><br />
V. Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA CUỘC KHỞI NGHĨA NAM KỲ TẠI QUẬN HÓC MÔN (23/11/1940):</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Chấp hành lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ, Đảng bộ và nhân dân Hóc Môn đã anh dũng tiến hành cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940) tấn công vào Dinh quận Hóc Môn. Cuộc khởi nghĩa tuy chưa đạt yêu cầu như mong muốn nhưng đã để lại những ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">1/ Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở quận Hóc Môn có sự lãnh đạo toàn diện, triệt để của Đảng bộ Hóc Môn, thể hiện được ý chí chiến đấu bất khuất, kiên cường và lòng dũng cảm hy sinh của các chiến sĩ cộng sản.</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Qua khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, Đảng bộ Hóc Môn một lần nữa đã chúng tỏ là một Đảng bộ của quê hương có truyền thống cách mạng lâu đời, có ý chí kiên trung trước sau như một, là cái nôi của cách mạng, của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Chính vì vậy, dù cuộc khởi nghĩa bị thất bại, tổ chức Đảng và những chiến sĩ cộng sản của quận Hóc Môn bị địch đàn áp và tàn sát dã man nhưng vẫn không dập tắt được ngọn lửa kiên cường bất khuất của Đảng bộ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Sau cuộc khởi nghãi Nam Kỳ, các chiến sĩ cộng sản lại âm thầm móc nối, gầy dựng lại cơ sở trong lòng nhân dân. Qua cuộc khởi nghĩa, đảng viên và quần chúng cách mạng được thử thách, tôi luyện và trưởng thành. Từ những kinh nghiệm quý báu của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Đảng bộ Hóc Môn tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh anh dũng và góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của cuộc cách mạng Tháng Tám(1945) và ngày toàn thắng 30/4/1975 lịch sử.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><strong><span style="font-family: Arial;"><br />
2/ Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở quận Hóc Môn đã thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí chiến đấu quật khởi của nhân dân Mười Tám thôn vườn trầu Hóc Môn – Bà Điểm.</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng nhân dân Hóc Môn đã tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, một lòng theo Đảng tiến hành cuộc khởi nghĩa với tinh thần cách mạng tiến công, không sợ mất mát, hy sinh để giành lấy quyền sống, quyền độc lập tự do cho dân tộc. Cuộc khởi nghĩa nổ ra với một khí thế tiến công, vừa mạnh mẽ vừa rộng rãi, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân Hóc Môn tham gia.<br />
Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, nhân dân Hóc Môn đã che chở, nuôi giấu, bảo vệ an toàn cho cán bộ Đảng viên và tiếp tục tham gia chiến đấu để đi đến thắng lợi cuối cùng.<br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;"><br />
3/ Nghị quyết khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ đã đáp ứng được nguyện vọng cùng tiếp thêm nguồn sức mạnh và thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh sôi sục của đảng viên và quần chúng nhân dân Hóc Môn. Cuộc khởi nghĩa đã được tiến hành với tinh thần sáng tạo và đảm bảo được yếu tố bí mật, bất ngờ.</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Truyền thống quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa là mốc son chói lọi, mãi mãi là niềm tự hào sâu sắc, là bài học cách mạng vô giá để giáo dục cho các thế hệ thanh thiếu niên Hóc Môn hôm nay và mai sau học tập noi theo.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Truyền thống quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt để Đảng bộ và nhân dân Hóc Môn vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương Hóc Môn theo mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, xứng danh là huyện Anh hùng của Thành phố mang tên Bác.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Phát huy truyền thống hào hùng của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Hóc Môn không ngừng phát huy sức mạnh đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân, quyết tâm khắc phục khó khăn, tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng do huyện, xã – thị trấn phát động, thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của huyện đề ra trong năm 2013.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><strong><br />
VI. KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN</strong><br />
1. Tinh thần ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940) bất diệt.<br />
2. Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 73 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 – 23/11/2013)</span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<strong>BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN ỦY HÓC MÔN</strong><br />
</span></span></div> </html>