<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">“Hồi sinh” những dòng sông chết</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Nhằm thực hiện đề án “Công trình cải thiện môi trường, cảnh quan sông Sài Gòn, giai đoạn 2009 – 2014” và phát huy sự sáng tạo của tuổi trẻ thành phố thực hiện phong trào xung kích bảo vệ môi trường, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ tổ chức diễn đàn khoa học “Bảo vệ và phát triển cảnh quan sông Sài Gòn” nhằm đưa ra giải pháp khắc phục những vấn đề ô nhiễm và cải tạo cảnh quan dọc bờ sông Sài Gòn. <br />
<br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">Báo động đỏ ô nhiễm môi trường</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Kết quả của các công trình nghiên cứu cho thấy sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm bởi các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh và hữu cơ. Nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp đang là “hung thủ” đầu độc dòng sông, gây nguy hiểm đến sức khỏe con người. Hiện nay, nguồn nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn TP.HCM sử dụng chủ yếu là nước máy đã qua xử lý từ nguồn nước thô lấy tại sông Sài Gòn - Đồng Nai, và một phần trên kênh Đông.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span></span></div>
<div style="text-align: center;"><em><img width="319" height="400" alt="" src="HINH%201(1).jpg" /><br />
</em></div>
<div style="text-align: center;"><em><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Nước thải sinh hoạt xả trực tiếp ra sông Sài Gòn - Ảnh chụp trên địa bàn P.An Phú Đông, Q.12</span></span></em></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Trong nhiều năm qua, việc giám sát chất lượng nước cấp cho sinh hoạt đã được đặt tại các trạm thượng lưu sông Sài Gòn như Bến Củi, Bến Súc. . . Nhưng kết quả cho thấy một số chỉ tiêu đạt chuẩn cho phép như: pH, độ đục, nồng độ chất rắn hòa tan trong nước, oxy hòa tan, nồng độ dầu và vi sinh vật tại hầu hết các trạm quan trắc vượt mức cho phép. Điều đặc biệt là càng lùi về phía hạ nguồn, chất lượng nước sông Sài Gòn càng suy giảm do bị ảnh hưởng mạnh bởi nước thải sinh hoạt và công nghiệp từ TP.HCM và tỉnh Bình Dương đổ ra. Trong đó, nước thải sinh hoạt là nguồn gây ô nhiễm đáng kể nhất, chiếm đến 62, 2% tổng lưu lượng thải ra sông Sài Gòn. Các kênh rạch mang chất thải đổ thẳng ra sông cũng khiến cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước con sông lớn nhất đi qua TP.HCM trầm trọng hơn.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Bên cạnh đó, trên lưu vực sông Sài Gòn còn có gần 50 khu công nghiệp và cụm công nghiệp đang hoạt động, với tổng lượng nước thải khoảng hơn 100.000 m3/ngày đêm. Mặc dù hầu hết các khu công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện đấu nối mà xả nước thải trực tiếp ra bên ngoài. Tiếp theo là các cơ sở công nghiệp phân tán nhỏ nằm lẫn trong khu dân cư đô thị cũng thường xuyên xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh rạch. Đoạn chảy qua địa phận tỉnh Bình Dương, khu vực Lái Thiêu, tình trạng nguồn nước đang bị ô nhiễm nặng vì phải tiếp nhận nước thải từ một số nhà máy sản xuất gốm sứ, gạch và các quán nhậu ven sông. Hầu như các điểm sản xuất kinh doanh này đều xả tất cả nước sinh hoạt và chất thải ra sông Sài Gòn.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span></span></div>
<div><strong>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Những “tia sáng” xanh</span></span></div>
</strong></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
“Đến cỏ cây cũng lên tiếng!” là vấn đề mà nhóm sinh viên đến từ trường Đại học Hoa Sen mang đến tại diễn đàn, trong đề tài nghiên cứu khoa học: Khả năng xử lý nước thải ô nhiễm kênh mương Tp. HCM của một số thực vật bản địa. Các bạn sinh viên của trường đã thử nghiệm bằng việc tìm ra khả năng xử lý nước thải sinh hoạt lấy từ kênh rạch tại thành phố Hồ Chí Minh của một số loài thực vật thủy sinh vùng nhiệt đới như: Lục bình, Cỏ nến, Hoa chuối, Thủy trúc. Sau đó áp dụng các loài thực vật này như một công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt theo phương pháp tự nhiên và đã cho kết quả rất khả thi. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Việc nghiên cứu và ứng dụng thành công cây thực vật thủy sinh bản địa để làm giảm ô nhiễm nước trên kênh rạch thành phố Hồ Chí Minh sẽ mang lại nhiều lợi ích về nhiều mặt kinh tế và xã hội, đặc biệt là lợi ích dưới góc độ môi trường. Tuy nhiên, hiện nay mô hình này chỉ đưa vào ứng dụng dành cho xử lý nước thải chăn nuôi. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đặc biệt trong buổi tọa đàm là bài tham luận nhằm nghiên cứu và nâng cao cảnh quan khu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và hai tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa của nhóm sinh viên đến từ khoa Đô thị học trường ĐH KHXH và Nhân văn TP.HCM đã mang lại nhiều thông điệp. Uốn lượn giữa trung tâm Sài Gòn không chỉ tạo điểm nhấn cảnh quan đô thị mà dòng kênh còn đóng vai trò tiêu thoát nước thải, giảm ngập lụt và góp phần điều hòa khí hậu. Thế nhưng trong suốt quá trình phát triển của thành phố, đặc biệt là sau khi đất nước thống nhất, nạn lấn chiếm lòng kênh, xây cất nhà ở do hệ quả của quá trình đô thị hoá và phát triển dân số thiếu quy hoạch làm xuất hiện hàng ngàn căn nhà ổ chuột dọc kênh. Từ đó hệ thống kênh trở thành nơi tiếp nhận chất thải từ các hoạt động sinh hoạt, sản xuất của người dân sinh sống ven kênh và trên lưu vực. Tất cả các chất thải chưa được xử lý thải trực tiếp vào kênh đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nước và mất mỹ quan đô thị nghiêm trọng. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Bạn Đoàn Diệp Thùy Dương, sinh viên khoa Đô tthị học trường ĐH KHXH& NV chia sẻ rằng: Đề tài là tâm huyết của nhóm nhằm cải thiện môi trường và cảnh quan của thành phố góp phần nâng cao nhận thức của người dân. Các bạn đưa ra ý tưởng bày trí cảnh quan tại hai tuyến kênh sao cho thật đẹp mắt, tạo môi trường thông thoáng để cải tạo dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ngoài ra chương trình còn có những đề tài nghiên cứu của trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Phân viện Khí tượng Thuỷ văn và Môi trường phía Nam, Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐHQG TP.HCM.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: right;"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
MỸ LỆ</span></span></strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<br />
</span></span></div> </html>