<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><strong>ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN</strong><br />
</span></span><strong><span style="font-size: small;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><span style="font-family: Arial;">55 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH<br />
NGÀY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN<br />
(19-5-1959 * 19-5-2014)</span></span></span><br />
</strong></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;"> <br />
1- Sự ra đời của Đoàn 559.</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Đầu tháng 1 năm 1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (Khóa II) mở rộng tại Hà Nội do Bác Hồ chủ trì. Hội nghị xác định: "Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam, phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đánh đổ quyền thống trị của đế quốc, phong kiến; trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ, thiết lập chính quyền cách mạng". Nghị quyết còn chỉ ra phương hướng xây dựng, chiến đấu của lực lượng vũ trang trên hai miền Nam-Bắc; giao nhiệm vụ cho quân đội chủ động chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển của tình hình cách mạng.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Thực hiện Nghị quyết 15 của Đảng, ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy, chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam. Biên chế ban đầu của Đoàn là 500 cán bộ, chiến sĩ, lấy phiên hiệu là Đoàn 559 do Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng. Đoàn 559 tổ chức Tiểu đoàn vận tải bộ mang tên 301, tổ chức thành 11 đội (9 đội làm nhiệm vụ vận tải, 1 đội trinh sát bảo vệ, 1 đội làm nhiệm vụ xây dựng hậu cứ, xây dựng kho, bao gói hàng hoá, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm...). Bộ Tổng Tham mưu đã tăng cường cho Đoàn 559 3 trung đội trinh sát (từ Lữ đoàn 341) cùng với lực lượng trinh sát của D301 làm nhiệm vụ bảo vệ những cung đường trọng yếu của tuyến chi viện.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ngày 19/5/1959 trở thành ngày truyền thống của Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Đầu tháng 6 năm 1959, Đoàn 559 tổ chức đội khảo sát mở tuyến vào Nam bắt đầu từ Khe Hó, phát triển về hướng Tây Nam, điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin, kế cận trạm tiếp nhận của Liên khu 5. Để bảo đảm tuyệt đối bí mật của công tác chi viện, khẩu hiệu có tính chất mệnh lệnh lúc này của Đoàn 559, là: “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Ngày 13/8/1959, sau 8 ngày đêm, chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn đã được đưa tới Tà Riệp tuyệt đối bí mật và an toàn. Chuyến hàng đầu tiên tuy ít ỏi song đã làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ Liên khu 5, thể hiện sự quyết tâm của Đảng và tình cảm của Bác Hồ, của quân, dân miền Bắc gửi tới đồng bào miền Nam.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ngày 12/9/1959, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 46/QĐ-QP chính thức thành lập Đoàn 559 trực thuộc Bộ Quốc phòng.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
18 tháng làm nhiệm vụ chi viện, Đoàn 559 đã giành được thắng lợi bước đầu quan trọng: Mở tuyến giao liên, vận tải quân sự dài hàng trăm ki-lô-mét trong điều kiện vô cùng khó khăn và gian khổ, địa hình bị chia cắt và kẻ thù ngăn chặn quyết liệt. Theo những con đường rừng ấy, hàng chục tấn vũ khí, khí tài thiết yếu đã được chuyển giao cho lực lượng vũ trang Liên khu 5 và Tây Nguyên, hơn hai ngàn cán bộ, chiến sĩ được bảo đảm hành quân an toàn vào các chiến trường.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tổng Quân uỷ đã đánh giá: "...Các đồng chí đã đảm nhận một nhiệm vụ rất vinh quang, góp phần cống hiến rất cụ thể vào sự nghiệp đấu tranh hoàn thành giải phóng dân tộc của nhân dân ta...". Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 đã viết nên màn dạo đầu của bản trường ca hào hùng "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".<br />
<br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">2- Phát triển tuyến chi viện, bước đầu tổ chức vận tải cơ giới.</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Thực hiện Nghị quyết của Đại hội toàn quốc lần thứ 3 của Đảng (Đại hội tổ chức từ ngày 5 đến 10 tháng 9 năm 1960), ngày 31/1/1961, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về nhiệm vụ quân sự 5 năm (1961-1965) và phương hướng, nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam. Bộ Chính trị chỉ rõ những nhiệm vụ quan trọng của cách mạng miền Nam lúc này là: Phát triển nhanh lực lượng vũ trang, cả lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động; chú trọng mở rộng đường hành lang vận chuyển Bắc-Nam, cả đường bộ và đường biển; tăng cương cán bộ chỉ huy, chính trị, hậu cần và một số đơn vị chiến đấu cấp đại đội, tiểu đoàn, nâng dần quy mô và khối lượng tiếp tế, vận chuyển phương tiện, vũ khí, cung cấp tài chính từ miền Bắc vào miền Nam...</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Sau khi được hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào chấp thuận, Đoàn 559 khẩn trương “lật cánh” sang Tây Trường Sơn, mở tuyến chi viện qua đất bạn Lào. Cuối tháng 6 năm 1961, đường mới mở nối liền Đường 12 ở Lằng Khằng tới Pác Nha Năng; Đến tháng 12 năm 1961 đã thông tới Đường số 9 ở Mường Phìn tỉnh Savannakhet. Đây là một bước phát triển quan trọng của tuyến chiến lược 559 – Đường Hồ Chí Minh. Từ thế độc tuyến Đông Trường Sơn, Đoàn 559 mở thêm đường dọc theo biên giới Việt - Lào và đặc biệt quan trọng là Đường Tây Trường Sơn. Từ đường gùi thồ, Đoàn đã tiến tới mở thêm ở Tây Trường Sơn gần 200 km đường cho xe cơ giới.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Năm 1961, với tuyến mới mở, Đoàn 559 đã vận chuyển giao cho Khu 5 317 tấn vũ khí, trang bị, vận chuyển tiếp tế hành quân 91 tấn gạo, tiếp tế cho Mặt trận Trị - Thiên 29 tấn gạo, muối; bảo đảm cho bộ đội Khu 5 ra trực tiếp lấy 324 tấn gạo; đưa đón 7.664 cán bộ, chiến sĩ qua tuyến an toàn tăng cường cho các chiến trường và 616 người từ Nam ra Bắc.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Do yêu cầu của tình hình, vào thời kỳ này mọi hoạt động và thành tích của Đoàn 559 vẫn không được tuyên truyền công khai dưới mọi hình thức.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 96/QP phát triển Đoàn 559 tương đương cấp Sư đoàn; thành lập thêm Trung đoàn 71 trực thuộc Đoàn 559. Bộ Tổng Tham mưu bổ sung cho Đoàn 559 thêm 800 tân binh từ Nghệ An, Hà Tĩnh và 400 cán bộ chiến sĩ thuộc đối tượng quân tình nguyện. Đây là số chiến sĩ nghĩa vụ quân sự đầu tiên tăng cường cho tuyến chi viện chiến lược 559.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Năm 1961 với tuyến đường mới, Đoàn 559 đã vận chuyển giao cho Khu 5 được 317 tấn (265 tấn vũ khí, trang bị, 52 tấn hàng dân dụng); vận chuyển tiếp tế bảo đảm hành quân 91 tấn gạo, tiếp tế cho Mặt trận Trị -Thiên 20 tấn gạo và muối; ngoài ra còn 117 tấn vũ khí trang bị được chuyển tải trên tuyến, lập chân hàng ở khu vực Đường 9; tổ chức đưa đón, bảo đảm cho 7.664 cán bộ, chiến sĩ qua tuyến tăng cường cho các chiến trường và 616 người từ Nam ra Bắc tuyệt đối bí mật, an toàn.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Mùa khô 1963-1964, Tổng cục Hậu cần quyết định tăng cường lực lượng cơ giới vận chuyển hàng trên đường 129; Đoàn xe 245 được điều động vào Trường Sơn. Ngày đầu nhập tuyến với 60 chiếc sau đó nâng dần lên hàng trăm chiếc. Bộ Quốc phòng quyết định tăng cường cho Đoàn 559 một đơn vị trung đoàn vận tải cơ giới vào Trường Sơn, đánh dấu một bước phát triển quan trọng của quá trình tổ chức vận chuyển trên tuyến chi viện chiến lược.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Cuối tháng 9 năm 1963, Đoàn 559 chuyển giao cho chiến trường 240 tấn vũ khí, trang bị tiếp tế cho hành lang Trị - Thiên 11, 232 tấn gạo, bảo đảm 47,256 tấn gạo cho hành quân.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Tháng 5/1963, Mỹ-nguỵ điều 6 tiểu đoàn bộ binh có máy bay yểm trợ mở cuộc hành quân "Lam Sơn 12" càn quét vào khu vực tây Trao (Trạm 3), cắt đứt hành lang vận chuyển của Khu 5. Đoàn 559 đã tổ chức 3 tiểu đoàn vào "tiếp quản" hành lang vận chuyển của Khu 5 và kéo dài thêm 8 cung trạm trên tuyến hành lang chiến lược từ Pe Hai, A Túc vào đến La A Bơ Rơ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Tháng 6/1964, Trung đoàn công binh 98 được Bộ điều vào tăng cường lực lượng cho Đoàn 559 làm nhiệm vụ mở đường cơ giới. Sau 3 tháng quên mình làm nhiệm vụ, E98 đã hoàn thành mở đường cơ giới từ Mường Noòng vào Bạc. Cũng thời gian này, Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 70 khai thác vận tải đường sông, tạo nguồn hàng để D4 gùi thồ vào Tà Xẻng.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Tháng 10/1964, Trung đoàn ô tô vận tải 265 được điều vào tăng cường cho Đoàn 559.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Để tăng cường bảo vệ tuyến hành lang vận chuyển, tháng 11/1964, Bộ quyết định tăng cường 2 tiểu đoàn pháo phòng không cho Đoàn 559. Ngày 18/11/1964, lực lượng pháo phòng không bảo vệ Lằng Khằng (Cha Lo), tây Quảng Bình đã chiến đấu dũng cảm, bắn rơi máy bay Mỹ. Trong trận chiến đấu dũng cảm này xuất hiện tấm gương chiến đấu dũng cảm của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân, với lời hô "Nhằm thẳng quân thù mà bắn". Lời hô của anh đã trở thành tư tưởng chỉ đạo, khẩu hiệu của lực lượng pháo phòng không Việt Nam trong cuộc chống Mỹ, cứu nước.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Sau hơn 5 năm thực hiện nhiệm vụ, Đoàn 559 đã mở hệ thống gùi thồ, đường ô tô dã chiến kết hợp với đường sông với tổng chiều dài gần 2.000 km (có 751 km đường ô tô, hơn 600km đường gùi, thồ, đường giao liên và hơn 300 km đường sông); vận chuyển giao cho các chiến trường 2.912 tấn, hơn 12.000 cán bộ, chiến sĩ được bảo đảm hành quân qua tuyến vào công tác và chiến đấu ở chiến trường miền Nam.<br />
<br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">3- Tổ chức vận tải cơ giới, chiến đấu chống chiến tranh ngăn chặn của địch, trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968.</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Ngày 3/4/1965, Thường trực Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết nâng cấp Đoàn 559 thành Bộ Tư lệnh 559 tương đương cấp Quân khu. Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ Tư lệnh kiêm Chính ủy 559. Bộ Tư lệnh 559 được tổ chức thành 3 Tuyến (1,2,3). Tuyến tương đương cấp Lữ đoàn, chưa kể các đơn vị trực thuộc.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Đế quốc Mỹ tiến hành đánh phá ác liệt tuyến giao thông vận tải Nam Khu 4 hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đế quốc Mỹ cũng tăng cường đánh phá trực tiếp tuyến chi viện của Đoàn 559 bằng mọi thủ đoạn và cường độ. Phong trào bắn rơi máy bay địch bằng mọi thứ vũ khí, trên mọi địa hình, trong mọi thời tiết được phát động trong các đơn vị truyên toàn tuyến. Tháng 2/1967, toàn tuyến bắn rơi 38 chiếc máy bay, tháng 4 bắn rơi 39 chiếc, có 6 chiếc hạ bằng súng bộ binh, 3 chiếc rơi ban đêm...</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Năm 1965 mở các đường ô tô: Đường 128 song song với đường 129, Đường 20, Đường 12; Mở các tuyến đường thồ: Đường B44, B46 và C4…Năm 1966, Bộ Tư lệnh 559 bỏ Tuyến, thành lập 7 Binh trạm nhằm tăng cường chỉ huy trực tiếp.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Tháng 1 năm 1967, Quân ủy Trung ương quyết định Đại tá Đồng Sĩ Nguyên, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, đặc trách Tổng Cục Hậu cần Tiền phương kiêm Tư lệnh Đoàn 559 thay Tư lệnh Hoàng Văn Thái nhận nhiệm vụ khác. Cũng thời gian này, 5 đơn vị và 3 cá nhân của Đoàn 559 được tuyên dương Anh hùng LLVTND đầu tiên là: D 20 cao xạ, D 25 công binh, C 1 thuộc D52 và C9 thuộc D102 ô tô vận tải, C4 súng máy 12,7 ly; Trần Minh Khâm (lái xe), Hoàng Văn Nghiên (công binh), Nguyễn Viết Sinh (giao liên).</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Cuối mùa khô 1966-1967, Thường trực Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì làm việc với Bộ Tư lệnh 559, đánh giá cao sự sáng tạo của Bộ đội Trường Sơn và khẳng định chủ trương cơ giới hóa tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn là chính xác.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Giữa tháng 7 năm 1967, Bộ Tư lệnh 559 tổ chức Mừng công lần thứ 3, đón nhận Huân chương Quân công Hạng Nhất. Đến thời điểm này các phương tiện thông tin đại chúng lần đầu tiên được phép tuyên truyền về tổ chức và hoạt động của Đoàn 559 với tên gọi “Đoàn vận tải quân sự Quang Trung”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Tháng 11 năm 1967, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh 559 họp Hội nghị chuyên đề và giao nhiệm vụ cụ thể cho các Binh trạm về công tác giúp bạn Lào tại 11 huyện dọc theo tuyến hành lang một cách toàn diện và kiện toàn đội ngũ chuyên gia giúp bạn.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Mùa khô 1967-1968, Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ thị Tuyến 559 vừa thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chiến lược, vừa vận chuyển chiến dịch, khi cần thì làm cả nhiệm vụ phục vụ chiến đấu. Trong khi làm nhiệm vụ, Tuyến 559 phải kết hợp chặt chẽ thành một khối với các chiến trường Trị-Thiên, Khu 5, Tây Nguyên và Đoàn 565 bộ đội tình nguyện để giữ bằng được con đường vận chuyển chiến lược ngày càng vững chắc, phát triển sâu vào các chiến trường; tăng cường lực lượng bảo vệ trên không và mặt đất đất, khi cần thì chuyển các hoả lực tăng cường cho chiến trường. Bản thân Tuyến 559 vừa là một tuyến chiến đấu, vừa mang tính chất một bộ phận tiền phương của Bộ đối với các lực lượng hành quân qua tuyến, đồng thời cũng là căn cứ chiến lược chung của các chiến trường.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Chuẩn bị cho Mậu Thân 1968, Đoàn 559 lần đầu tiên vận chuyển cơ giới cho 1.977 người hoả tốc vào chiến trường đúng thời gian quy định. Đây là một bước phát triển mới trong chỉ huy vận tải quân sự. Các Binh trạm 42, Binh trạm 37, Binh trạm 44 (3 Binh trạm tiếp giáp với chiến trường B4, B1, B3 và B2) hoàn thành vượt mức kế hoạch giao hàng cho các chiến trường đạt từ 106-131%. Lực lượng công binh nâng chất lượng cầu đường được 1.567 km; mở thêm 457 km đường mới, làm được 15.412m cầu, bảo đảm vận chuyển quy mô lớn và cơ động binh khí kỹ thuật thông suốt. Về giúp Bạn, đã xây dựng vùng giải phóng trên địa bàn 11 huyện tiến triển tốt.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Bộ Tư lệnh 559 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho các hướng chiến trường mở Chiến dịch Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá thắng lợi tại Lễ mừng công tổng kết mùa khô 1968-1969 của Đoàn 559: “Một điều hết sức quan trọng là cuộc chiến đấu anh dũng và sáng tạo của Đoàn 559 đã xác minh một sự thật là trong điều kiện địch đánh phá giao thông ác liệt, ta vẫn có thể thực hiện đều đặn, ngày càng cao hơn việc tiếp tế vận tải cho tiền tuyến, vượt qua những hành động điên cuồng của kẻ địch có nhiều phương tiện hiện đại”. Nhân dịp này, Bác Hồ đã gửi tặng Lẵng hoa cho Đoàn 559. Lần thứ hai, Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT cho 4 đơn vị và 9 cá nhân của Đoàn 559.<br />
<br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">4- Đánh bại âm mưu ngăn chặn bằng mọi thủ đoạn của địch bằng không quân và bộ binh, thực hiện thắng lợi Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Đầu tháng 3/1969, đường ống xăng dầu đã vào tới tuyến 559, tạo nên yếu tố quan trọng cho vận chuyển cơ giới quy mô lớn. Đến cuối năm 1969, đường ống dẫn xăng dầu từ hậu phương vào chiến trường theo 2 trục: Đường 12 và Đường 18 đã hoàn thành. Đây là một kỳ tích đồng thời là một sáng tạo của Đoàn 559 trong việc nâng cao hiệu quả, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện. Cũng thời gian này, hệ thống thông tin tải ba từ Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh đến Sở Chỉ huy các Binh trạm, Trung đoàn, Tiểu đoàn, Đại đội…trên toàn hệ thống đường bộ, đường sông, đường giao liên đã thông suốt, liên tục. Đây không những chỉ là kỳ tích mà còn là sự phát triển của các lực lượng trên tuyến đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và hiệu quả của công tác chỉ huy, chiến đấu trong điều kiện mới. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Sau khi buộc phải tạm ngừng ném bom miền Bắc, đế quốc Mỹ đã huy động lực lượng không quân tập trung đáp phá tuyến 559 ác liệt chưa từng thấy. Bộ đội Trường Sơn vẫn kiên cường làm thất bại mọi âm mưu ngăn chặn của địch giữ vững được tuyến chi viện, đặc biệt là đánh bại cuộc hành quân của sư đoàn bộ binh "Anh cả đỏ" của Mỹ ra vùng căn cứ Trị - Thiên; tham gia Chiến dịch giải phóng Khe Sanh (Quảng Trị); bảo đảm đưa 120 đoàn với 30.800 quân vào bổ sung cho chiến trường Nam Bộ, đưa 4.000 thương binh từ Nam Bộ ra hậu phương miền Bắc.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Kết thúc mùa khô 1969-1970, Đoàn 559 đã giành thắng lợi to lớn và toàn diện tốt nhất từ trước tới nay.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Đoàn 559 được Bộ Chính trị phê duyệt đề nghị của Quân ủy Trung ương về việc tăng cường về tổ chức cho Đoàn 559: Thành lập Bộ Tư lệnh khu vực 470, Bộ Tư lệnh Hậu cứ 571 (tương đương cấp sư đoàn), thành lập thêm Cục Tham mưu Phòng không, Cục Chuyên gia, Cục Sản xuất và Văn phòng Bộ Tư lệnh, sáp nhập Sư đoàn quân tình nguyện 968 và Đoàn chuyên gia quân sự 565 về trực thuộc Bộ Tư lệnh 559. Ngày 29/7/1970, Quân ủy Trung ương quyết định đổi tên Bộ Tư lệnh 559 thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh và Quân ủy Trung ương, giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn thống nhất lãnh đạo, chỉ huy tất cả các lực lượng hoạt động của ta tại Trung, Hạ Lào.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Mùa khô 1970-1971, Bộ Tư lệnh Trường Sơn được Bộ bổ sung 24.114 người, trong đó có 3.335 lái xe, 382 thợ sửa chữa, 124 kỹ thuật viên đường ống; về phương tiện: bổ sung 3.657 ô tô các loại, 96 máy húc, 64 xe BTR phóng từ, 188 xe ben. Tăng cường 3 trung đoàn công binh (219, 83 và 7); phối thuộc 6 trung đoàn phòng không, trong đó có 4 trung đoàn cao xạ (282, 224, 284, 230), 2 tiểu đoàn cao xạ (105, 11) và 2 trung đoàn tên lửa phòng không (238, 275).</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã huy động nhiều Binh trạm, nhiều đơn vị pháo cao xạ, công binh và bộ binh trực tiếp tham gia chiến đấu. Lực lượng của Bộ đội Trường Sơn là lực lượng tại chỗ quan trọng đánh tan nhiều cuộc hành quân, đổ bộ của Mỹ, nguỵ Lào và nguỵ Sài Gòn. Ngày 23/3/1971, Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi. Ta đã đập tan âm mưu dùng lực lượng tổng hợp qui mô chưa từng có của Mỹ ngụy hòng ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược của ta. Trong thời gian chiến dịch, Bộ Tư lệnh Trường Sơn vừa xuất sắc bảo đảm kế hoạch chi viện cho các hướng chiến trường vừa bảo đảm hậu cần cho các lực lượng tham gia chiến dịch. Bộ đội Trường Sơn còn là một lực lượng tại chỗ hùng hậu, thiện chiến và quan trọng của Chiến dịch. Các lực lượng của Bộ đội Trường Sơn đã trực tiếp chiến đấu tiêu diệt 5.695 tên, bắt 614 tên, gọi hàng 64 tên, bắn rơi 346 máy bay (có 310 trực thăng), thu 24 khẩu pháo, 4 máy húc, 6 xe tăng, xe bọc thép và 91 xe các loại. Sau Chiến dịch, ta đã mở rộng căn cứ chiến lược với chính diện từ Đông sang Tây Trường Sơn khoảng 200 km; phát triển thêm chiều sâu, mở thêm nhiều trục dọc, cải thiện thế trận vận tải chiến lược.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Trong Chiến dịch giải phóng Quảng Trị xuân hè năm 1972, Bộ đội Trường Sơn đã sử dụng Binh trạm 12, 2 Trung đoàn pháo cao xạ, 2 Trung đoàn công binh và lực lượng của Sư đoàn 473, Sư đoàn phòng không 377 trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu giải phóng Đông Hà, giải phóng thị xã Quảng Trị, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Tiểu đoàn 166 ca nô Binh trạm 12 vượt qua bom đạn ác liệt của địch trên dòng sông Thạch Hãn trực tiếp cung cấp vũ khí, đạn dược, hậu cần bảo đảm cho Trung đoàn 48 và các lực lượng chiến đấu bảo vệ Thành cổ suốt 81 ngày đêm. Tiểu đoàn 166 còn chịu trách nhiệm chuyển thương binh từ Thành cổ ra tuyến sau. Các lực lượng của Bộ đội Trường Sơn còn trực tiếp chiến đấu cùng Mặt trận B3 giải phóng Đức Cơ (Gia Lai).<br />
<br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">5- Đổi mới về tổ chức, hoàn thiện thế trận mới.</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Tháng 6-1971, nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chi viện, theo đề nghị của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Quân uỷ và Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập thêm 3 Bộ Tư lệnh khu vực: 471, 472, 473. Trước đó, năm 1970 đã thành lập Bộ Tư lệnh 470 và Bộ Tư lệnh Hậu cứ 571.<br />
- Đầu năm 1971, Bộ Tư lệnh quyết định mở tuyến đường kín chạy ban ngày dài 800 km từ Long Đại đến Tà Xẻng và mở thêm nhiều tuyến đường kín mới nối các trục dọc, trục ngang và thi công kéo dài tuyến đường ống xăng dầu vào phía nam.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Bước vào mùa khô 1971-1972, lực lượng Bộ đội Trường Sơn có 8 sư đoàn và 23 trung đoàn trực thuộc. Địa bàn hoạt động của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn rộng khoảng 132.000 km2.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Tháng 10-1971, Quân ủy Trung ương điều Đại tá Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân vào làm Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn thay đồng chí Vũ Xuân Chiêm nhận nhiệm vụ khác.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Giữa năm 1972, sau khi ta giải phóng Đắc Tô - Tân Cảnh, Bộ đội Trường Sơn đã cấp tốc cải tạo, nâng cấp Đường 14 từ Đắc Pét đi Ngọc Hồi đến Ngọc Vinh, Kon Tum. Đường ống dẫn xăng dầu và đường thông tin tải ba cũng được xây dựng đến Plêicần. Cuối năm 1972, với 128 ngày đêm, lực lượng Bộ đội Trường Sơn phối hợp với bộ đội Pathét Lào mở chiến dịch tấn công liên tục, giải phóng một vùng rộng lớn từ ngã ba đường 11, 13 đến Đồng Hến và từ Saravan, Bôlôven đến Attôpơ ở Hạ Lào, mở rộng vùng căn cứ của ba nước Đông Dương.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Sau Hiệp định Pari, Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn đã thăm và chúc Tết Bộ đội Trường Sơn. Đồng chí Lê Duẩn đánh giá cao đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh và Bộ đội Trường Sơn.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Lần thứ ba (7/3/1973), Đại tướng Võ Nguyên Giáp dự Lễ Mừng công lần thứ tư của Bộ đội Trường Sơn và đi thị sát chiến trường, thăm hỏi động viên cán bộ, chiến sĩ một số đơn vị làm nhiệm vụ trên một số trọng điểm nổi tiếng của Trường Sơn. Cũng thời gian này, Bộ đội Trường Sơn đã tổ chức chuyến đi tốt đẹp cho vợ chồng Quốc trưởng Cămpuchia Nôrôđôm Xihanúc sau nhiều năm sống lưu vong ở nước ngoài trở về thăm quê hương trong vùng giải phóng theo Đường Hồ Chí Minh.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong điều kiện mới, các lực lượng vận tải Trường Sơn đã nỗ lực vượt bậc, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu vận chuyển 132% kế hoạch Bộ giao, với các chiến trường đã thực hiện 147%. Mùa khô 1972-1973, ta đã mở 359 km đường mới, cải tạo 778 km đường cũ với khối lượng 7,817 triệu mét khối đất đá, làm công trình vượt sông được 134 cầu cứng, 15 cầu nổi, 489 cống và tôn cao các ngầm. Nhờ đó mà hệ thống cầu đường Trường Sơn bảo đảm lưu lượng trên dưới 1.000 xe chạy cả ngày và đêm với tốc độ 25-30 km/giờ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Ngày 3/4/1973, Chính ủy tài ba và mẫu mực của Bộ đội Trường Sơn Đặng Tính hy sinh trong chuyến đi công tác ở Nam Lào. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Để đáp ứng yêu cầu của công tác chi viện trong tình hình mới, giữa năm 1973, được phê chuẩn của Bộ, 2 Bộ Tư lệnh khu vực 571 và 473 được tổ chức thành 2 Sư đoàn binh chủng: F571 ô tô vận tải và F473 công binh.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Tháng 10 năm 1973 Tổng Bí thư, Thủ tướng Cộng hòa Cu Ba Phiđen Caxtơrô đến thăm Bộ đội Trường Sơn ở bắc Quảng Trị. Đồng chí Phiđen cũng quyết định cử chuyên gia sang giúp Việt Nam và tặng thiết bị làm đường Trường Sơn.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Giữa năm 1974, để chuẩn bị lực lượng, thế trận và phương thức vận tải trong giai đoạn cuối của sự nghiệp giải phóng miền Nam, được đồng ý của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã thành lập Sư đoàn ô tô vận tải cơ động 471 và chuyển 2 Bộ Tư lệnh khu vực 472 và 470 thành 2 Sư đoàn công binh, thành lập thêm 1 sư đoàn công binh mới là F565…Tuyến đường ống xăng dầu đã tới Bù Gia Mập (Đông Nam Bộ) và phát triển tuyến thông tin trên cả 2 tuyến Đông và Tây Trường Sơn nối thẳng đến chiến trường Nam Bộ, bảo đảm vận chuyển cả hai mùa mưa nắng, rút ngắn thời gian vận chuyển từ 22-28 ngày xuống còn 7-10 ngày.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Nhiệm vụ vận chuyển năm 1974 kết thúc thắng lợi chưa từng có, tổng khối lượng vận chuyển cho các hướng chiến trường được 360.043 tấn, đạt 102%. Đưa đón quân vào, quân ra trong năm bằng 155,96% so với năm 1973 và tiếp nhận 93.000 thương binh của các chiến trường chuyển về tuyến sau. Đặc biệt năm 1974 bảo đảm hành quân bộ chuyển sang hành quân bằng cơ giới đường bộ và đường sông. Nhờ vậy thời gian vào chiến trường xa nhất giảm được 43 ngày (giảm 3-4 lần so với trước đây).</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Ngày 25/11/1974, Bộ Tư lệnh Trường Sơn phát lệnh mở màn Chiến dịch vận tải, với quyết tâm: Cả Trường Sơn vào trận, khẩu hiệu thi đua "tất cả cho chiến trường đánh to thắng lớn", "hàng nào cũng chở, tuyến nào cũng đi, đã đi là thắng lợi".<br />
<br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">6- Tham gia cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam. </span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Lực lượng Bộ đội Trường Sơn năm 1973-1975 bao gồm 9 Sư đoàn (có 42 trung đoàn từ: 4 sư đo</span></span><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">àn công binh (470, 472, 473, 565), 2 sư đoàn ô tô vận tải cơ động (571, 471), 1 sư đoàn bộ binh (968), 1 sư đoàn phòng không (377), 1 đoàn chuyên gia quân sự) và 21 trung đoàn trực thuộc, quân số hơn 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và hơn 1 vạn thanh niên xung phong.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- 3 Sư đoàn của Bộ Tư lệnh Trường Sơn (Sư đoàn 968, Sư đoàn công binh 470, Sư đoàn xe 471 (thiếu 1 trung đoàn) đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Giải phóng Tây Nguyên, giải phóng Buôn Mê Thuột. Sư đoàn 968 được Bộ phân công nhiệm vụ đánh nghi binh địch thu hút địch ở bắc Tây Nguyên bằng việc nổ súng tiêu diệt Đồn Tầm chốt Mỹ. Đây là trận mở màn Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi ngày 1/3/1975.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Từ cuối năm 1974, đầu năm 1975, đường ống xăng dầu Trường Sơn đã được xây dựng nối thông tới Lộc Ninh. Xăng dầu được cấp trực tiếp cho các lực lượng của ta ở chiến trường Nam Bộ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Hệ thông tin tải ba từ nhiều năm trước đó đã được xây dựng hoàn chỉnh, bây giờ được nâng cấp về chất lượng. Hệ thống thông tin tải ba bảo đảm chỉ huy thông suốt từ Tổng hành dinh không chỉ tới thẳng các lực lượng của Trường Sơn mà còn tới Trung ương Cục, Bộ Tư lệnh Miền và các đơn vị của Bộ Tư lệnh B2.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của diễn biến mới trên các chiến trường, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã thành lập 3 Bộ Tư lệnh Tiền phương: Tây Nguyên (từ Chiến dịch Tây Nguyên), Đà Nẵng và một Sở Chỉ huy bên cạnh Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. Các Sư đoàn công binh của Bộ đội Trường Sơn đã bảo đảm cầu đường cho các lực lượng tham gia chiến dịch thắng lợi. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sư đoàn 571 và Sư đoàn 471 ô tô vận tải của Bộ đội Trường Sơn với 4650 xe đã cơ động Quân đoàn 1, Quân đoàn 3 từ miền Bắc vào tham gia chiến dịch Tổng tấn công giải phóng miền Nam. Lực lượng xe cơ động của Bộ đội Trường Sơn hợp thành với lực lượng tăng thiết giáp của Quân đoàn 2 trở thành lực lượng cơ giới, hành quân thần tốc vừa đi vừa chiến đấu giải phóng các địa phương Duyên hải miền Trung. Chỉ trong 10 ngày đầu tháng 4/1975, Sư đoàn ô tô 471 đã cơ động Sư đoàn 2, Sư đoàn 3B và cơ quan Quân đoàn bộ, tiếp đó là các Sư đoàn 10, Sư đoàn 320A, Sư đoàn 316 vào Lộc Ninh, Đồng Xoài gọn đội hình, bảo đảm thời gian, đồng thời vận chuyển 61.000 tấn đạn hoả lực cho Chiến dịch. Sư đoàn công binh 470 và 472 và 1 trung đoàn công binh trực thuộc bảo đảm giao thông từ đường 9 theo Tây Trường Sơn đến Bình Phước, Tây Ninh. Sư đoàn công binh 473 và 2 trung đoàn cầu trực thuộc bảo đảm gia thông trên quốc lộ 1 từ Quảng Trị vào Xuân Lộc (Đồng Nai) và một số tuyến đường ngang 19, 21... Trên chặng đường dài gần 1.000 km từ Đà Nẵng vào Xuân Lộc có hàng trăm cầu lớn nhỏ bị địch phá sập sau khi rút chạy, bộ đội công binh Trường Sơn đã nhanh chóng bắc cầu tạm bằng vật liệu thu được của địch, bảo đảm cho bộ đội hành quân cơ động thần tốc theo yêu cầu của Chiến dịch. Lực lượng phòng không của Bộ Tư lệnh Trường Sơn làm nhiệm vụ bảo vệ đội hình hành quân của các lực lượng, các cánh quân chủ lực.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Các lực lượng của Bộ đội Trường Sơn đã đáp ứng mọi yêu cầu của hậu cần Chiến dịch. Trước khi lệnh tấn công được phát đi từ Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tướng Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng Cục Hậu cần, Phó Tư lệnh phụ trách hậu cần - kỹ thuật Chiến dịch đã hùng hồn tuyên bố: “Các cậu cứ bắn thật mạnh vào! Bắn cho chúng nó sợ. Sợ đến ba đời”. Đúng như ông đã hứa trước Trung ương: “…vũ khí đạn dược có thể bắn đến mấy đời”. Số lượng vô cùng lớn của đạn hỏa lực phục vụ Chiến dịch trước đó đã được các đơn vị của Sư đoàn 471 dồn dập chở đến tận kho Chiến dịch chính là cơ sở để đồng chí Đinh Đức Thiện tuyên bố đanh thép như vậy.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các lực lượng ô tô chiến đấu của 2 Sư đoàn Bộ đội Trường Sơn đã trở thành lực lượng cơ động bộ binh đi cùng xe tăng, thiết giáp của các Quân đoàn chủ lực đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa, Bộ Tổng Tham mưu ngụy và chiếm Dinh Độc lập ngày 30/4/1975. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã kết thúc sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vĩ đại của dân tộc.<br />
<br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">7- Kỳ tích của Bộ đội Trường Sơn.</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- 16 năm ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, giặc Mỹ đã thực hiện 733.000 trận oanh kích bằng đủ loại máy bay, trút xuống Trường Sơn 4 triệu tấn bom đạn các loại.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- 16 năm chiến đấu anh dũng trên tuyến đường mang tên Bác, lực lượng cầu đường với 4 sư đoàn công binh và 1 vạn TNXP và dân công hoả tuyến, kiên cường bám trụ, giành giật từng thước đường. “Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”, Bộ đội công binh Trường Sơn đã làm nên một hệ thống giao thông vĩ đại gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang với gần 17.000 km đường xe cơ giới;</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Lực lượng vận tải với 2 Sư đoàn ô tô cơ động xứng đáng với danh hiệu “gan vàng dạ ngọc” “còn người còn xe, còn hàng”, vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực chi viện cho các hướng chiến trường. Từ 1973 đến đầu 1975 đã chở bằng cơ giới 40 vạn quân và tổ chức hành quân 25 đoàn binh khí kỹ thuật vào chiến trường, cơ động bằng xe cơ giới 10 lượt Sư đoàn quân chủ lực tham gia chiến dịch;</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Lực lượng bộ binh đã tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải phóng một vùng giải phóng rộng lớn ở Nam Lào, bảo vệ vững chắc hành lang tuyến chi viện;</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Lực lượng phòng không gồm 1 Sư đoàn và 9 Trung đoàn và các đơn vị khác của Trường Sơn đã bắn rơi tại chỗ 2.455 máy bay các loại, bảo vệ thắng lợi lực lượng vận tải chi viện cho các hướng chiến trường;</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Lực lượng giao liên xứng đáng với 10 chữ vàng “Tận tình với đồng chí, tận nghĩa với chiến trường” mở 3.000 km đường giao liên, tổ chức cho hơn 2 triệu lượt người vào ra chiến trường an toàn;</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Các lực lượng thông tin với khẩu hiệu “Coi dây như ruột, coi cột như xương” xây dựng 1.350 km đường thông tin tải ba và hàng vạn ki lô mét dây thông tin các loại, bảo đảm thông tin tới các đơn vị, các hướng chiến trường;</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Bộ đội xăng dầu đã mở 1.400 km đường ống xăng dầu, 600 km đường sông…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Bộ đội Trường Sơn đã phối thuộc 6 Sư đoàn của mình tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
16 năm chiến đấu anh dũng, Bộ đội Trường Sơn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, được tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Kỷ niệm 40 năm thành lập, Bộ đội Trường Sơn vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cao quý. 82 đơn vị và 47 cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng LLVTND”.<br />
<br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">8- Vị trí và tầm vóc của Bộ đội Trường Sơn trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
1- Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một sáng tạo lịch sử vĩ đại của Đảng và Quân đội ta; là sự thể hiện sáng tạo và đúng đắn trong việc biến Nghị quyết 15 của Đảng ta về cách mạng miền Nam trở thành hiện thực trong thực tiễn chiến tranh cách mạng. Đường Hồ Chí Minh trở thành điều kiện nền móng và tiên quyết bảo đảm sự thành công của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Không có tuyến chi viện chiến lược - Đường Hồ Chí Minh thì không thể có thắng lợi của Sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
2- Đường Hồ Chí Minh trở thành một chiến trường có không gian rộng lớn trải dài trên 11 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh Nam Lào và 4 tỉnh Đông bắc Campuchia. Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ chiến lược, tạo cơ sở vật chất, tạo điểm tựa vững chắc và là sức mạnh to lớn cho cách mạng của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
3- Đế quốc Mỹ và nguỵ quyền tay sai đã nhìn thấy vị trí vô cùng quan trọng của chiến trường Trường Sơn đối với cách mạng giải phóng miền Nam của ta và Lào, Campuchia nên đã tập trung ngăn chặn bằng mọi thủ đoạn và mọi vũ khí, phương tiện hiện đại, tối tân nhất. Địch đã biến Trường Sơn thành một chiến trường thực nghiệm chiến lược phá hoại, ngăn chặn hiện đại nhất, từng ngày, từng tháng, từng năm nhằm cải tiến nhiều loại vũ khí, khí tài, phương tiện tối tân nhất mà chúng có. Chiến trường Trường Sơn trở thành một chiến trường phá hoại bằng không quân ác liệt và quy mô lớn nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
4- Đường Hồ Chí Minh được tổ chức lực lượng với quy mô lớn: hệ thống đường bộ với 5 trục dọc và 21 trục ngang, đường thuỷ, đường giao liên, đường dây thông tin, đường ống xăng dầu... Bộ đội Trường Sơn với một lực lượng binh chủng hợp thành thiện chiến gồm hơn 10 vạn quân và hơn 1 vạn thanh niên xung phong. Bộ đội Trường Sơn đủ sức vừa đảm nhận nhiệm vụ chi viện chiến lược, vừa là lực lượng tác chiến tại chỗ bảo vệ tuyến hành lang chi viện, mở rộng vùng giải phóng vừa làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Lào và Campuchia.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
5- Hoạt động tác chiến của Bộ đội Trường Sơn là sự phối hợp tác chiến hợp đồng quân binh chủng hợp thành, được tổ chức, chỉ huy chặt chẽ, hiệu quả và đầy sáng tạo. Bộ đội Trường Sơn đã đối phó thành công một cách thông minh, sáng tạo trước mọi thủ đoạn, mọi phương tiện và vũ khí tối tân, hiện đại nhất của đến quốc Mỹ. Đối phó với các loại máy bay tiêm kích, máy bay trinh sát hiện đại, máy bay B52, bom từ trường, bom từ trường hẹn giờ, bom thông minh, cây nhiệt đới, đối phó với máy bay AC 130 được trang bị máy ngắm tia hồng ngoại, máy khuếch đại ánh sáng mờ, máy ngắm bằng tia laze... Bộ đội Trường Sơn đã sáng tạo ra nhiều công cụ, nhiều biện pháp, chiến thuật, nhiều cách đánh thông minh, táo bạo, bất ngờ nhưng hiệu quả. Thắng lợi của Bộ đội Trường Sơn đã góp phần vào sự sáng tạo nghệ thuật quân sự mới, độc đáo của quân đội ta trong cuộc chiến tranh giải phóng.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
6- Chiến trường Trường Sơn luôn gắn chặt và là nơi tham gia trực tiếp thực hiện những quyết sách của Đảng trên chiến trường: Chiến dịch giải phóng Khe Sanh - Quảng Trị, Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972, Chiến dịch giải phóng Trị - Thiên - Huế, Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột, cuộc Tổng tấn công mùa xuân năm 1975 kết thúc với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
7- Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là biểu tượng sinh động, thể hiện hiệu quả của sự đoàn kết chiến đấu anh em giữa Đảng, quân đội và nhân dân ba nước Đông Dương trong sự nghiệp đấu tranh chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ. Đường Hồ Chí Minh là căn cứ địa vững chắc, là điểm tựa, là bàn đạp để cách mạng của mỗi nước Đông Dương phát triển, đi tới thắng lợi. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">9- Nguyên nhân thắng lợi và bài học kinh nghiệm</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Nguyên nhân thắng lợi</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Chặng đường phấn đấu hy sinh đầy khí phách anh hùng và tài năng sáng tạo của Bộ đội Đường Hồ Chí Minh là biểu hiện rực rỡ, sinh động bản chất và truyền thống tốt đẹp của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã làm nên thắng lợi có ý nghĩa chiến lược.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Thắng lợi ấy trước hết thuộc về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Thắng lợi ấy không tách rời sự hỗ trợ của các Bộ, các ngành; sự phối hợp của các quân chủng, binh chủng, các chiến trường; sự chi viện của các cấp, các ngành và nhân dân cả nước, nhất là nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, đặc khu Vĩnh Linh; sự giúp đỡ hết lòng của nhân dân Lào, Campuchia và các nước XHCN anh em.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Đó là thắng lợi của tinh thần yêu nước nồng nàn, quyết tâm chiến đấu ngoan cường, sáng tạo của tập thể cán bộ, chiến sĩ, TNXP...trên Đường Hồ Chí Minh đã xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì CNXH, là thắng lợi của nghệ thuật tổ chức, chỉ huy, nghệ thuật hiệp đồng quân, binh chủng của Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Bài học kinh nghiệm</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Thực hiện nghiêm chỉnh các Nghị quyết của Trung ương Đảng, các chỉ thị, mệnh lênh của Chính phủ, Bộ Tổng Tư lệnh, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự vào tuyến vận tải quân sự chiến lược.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Sớm khẳng định lấy vận tải cơ giới là phương thức chủ yếu.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Xác định đúng vị trí của cơ sở hạ tầng, lấy xây dựng mạng đường giao thông đi trước một bước là vấn đề sống còn của tuyến Đường Hồ Chí Minh.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Xây dựng con người về chính trị, tư tưởng, có trình độ kỹ thuật, chiến thuật, trình độ chỉ huy là yếu tố hàng đầu để hoàn thành nhiệm vụ.<br />
- Tổ chức, phát triển bộ đội hợp thành.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Xây dựng thành công căn cứ hậu phương chiến lược trực tiếp cho các chiến trường ta và Bạn.<br />
<br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">10- Binh đoàn 12 – Tổng Công ty Trường Sơn đơn vị kế tục và phát huy truyền thống của Bộ đội Trường Sơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Kết thúc nhiệm vụ lịch sử, các lực lượng của Bộ đội Trường Sơn chuyển sang làm nhiệm vụ kinh tế kế hợp với củng cố quốc phòng. Tháng 10/1977, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Binh đoàn 12 – Tổng công ty Trường Sơn trên cơ sở lực lượng chủ yếu của Bộ đội Trường Sơn, làm nhiệm vụ xây dựng cơ bản, xây dụng thủy lợi, thủy điện, đường giao thông trên những địa bàn trọng yếu của đất nước tại 21 tỉnh, thành phố và 5 tỉnh nước bạn Lào. Binh đoàn 12 là đơn vị kế tục và phát huy truyền thống của Bộ đội Trường Sơn.<br />
- Từ năm 1977 đến nay, Binh đoàn 12 có mặt tại nhiều công trình trọng điểm của quốc gia, mở mới và nâng cấp 5.500 km đường, 5.147 m cầu, 31.758 m cống bê tông, đào đắp hàng triệu mét khối đất đá…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Trong thời kỳ đổi mới, Binh đoàn đã thực hiện một bước đổi mới về tổ chức, đầu tư hàng trăm tỷ đồng để đổi mới trang thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của kỹ thuật xây dựng và kinh tế. Binh đoàn đã thắng thầu nhiều dự án trong nước và quốc tế có yêu cầu cao về kỹ thuật. Uy tín của Binh đoàn ngày càng được khẳng định qua các công trình xây dựng: Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sơn La, Thủy điện Serepook 3, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 5, Quốc lộ 6, Quốc lộ 18, Đường Hồ Chí Minh, Đường cao tốc Thăng Long – Nội Bài, Đại lộ Thăng Long, Đường cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh, Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Quốc lộ 78 (Cămpuchia), Quốc lộ 279, Đường Tuần tra biên giới…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Binh đoàn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với các chỉ tiêu tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước và trở thành một doanh nghiệp kinh tế quốc phòng mạnh của quân đội. Binh đoàn còn đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác thực hiện chính sách xã hội, đền ơn đáp nghĩa.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
- Binh đoàn vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, 5 đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, 3 đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 3 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Binh đoàn Trường Sơn trở thành một đơn vị làm kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng có quy mô lớn, có uy tín của Quân đội ta.<br />
<br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">11- Từ Ban Liên lạc toàn quốc Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đến Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, thống nhất Tổ quốc kết thúc vĩ đại. Non sông đã thu về một mối. Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã kết thúc nhiệm vụ lịch sử sau 16 năm viết nên bản hùng ca vĩ đại trên Đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Trường Sơn anh hùng không chỉ là ký ức trong tâm tưởng mà luôn hiện hữu trong từng hơi thở, trong máu, tim của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và thanh niên xung phong Trường Sơn.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cán bộ, chiến sĩ và TNXP Trường Sơn, từ năm 1989, Ban Liên lạc CCB Trường Sơn khu vực Hà Nội ra đời với nhiều hoạt động truyền thống tốt đẹp, tập hợp hàng ngàn CCB sinh hoạt và hoạt động truyền thống. Từ đó, nhiều Ban liên lạc địa phương và Ban Liên lạc các đơn vị đã ra đời. Tính đến nay đã có 45 tỉnh, thành phố và 84 đơn vị truyền thống từ cấp Cục, Sư đoàn, Binh trạm, Trung đoàn, ngành, bệnh viện, tiểu đoàn, các đội TNXP, dân công hỏa tuyến hình thành Ban Liên lạc của mình và hoạt động đều đặn, có hiệu quả. Các Ban Liên lạc không chỉ tập hợp cán bộ, chiến sĩ của đơn vị, tổ chức viết lịch sử đơn vị, tổ chức họp mặt ôn lại truyền thống tự hào mà còn động viên, giúp đỡ nhau cả về tinh thần và vật chất, vượt qua khó khăn để tiếp tục phát huy truyền thống của Trường Sơn anh hùng trong cuộc sống mới, sống vui, sống khỏe, sống có ích cùng con cháu…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các Ban liên lạc CCB Trường Sơn các địa phương, các đơn vị, tháng 1 năm 2007, Ban Liên lạc toàn quốc Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh đã được thành lập. Qua 4 năm hình thành, Ban Liên lạc Toàn quốc Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh và các Ban Liên lạc địa phương, đơn vị tiếp tục có nhiều hoạt động thiết thực: Xuất bản hàng chục đầu sách truyền thống, thơ ca, nhạc, họa ca ngợi chiến sĩ Trường Sơn trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước trên tuyến đường mang tên Bác; tổ chức giao lưu 141 lần với hàng ngàn đồng chí tham dự tuyên truyền hoạt động trên truyền hình 43 lần; tặng quà, giúp đỡ đồng đội gặp khó khăn cho 3.099 đồng chí với gần 615 triệu đồng; tổ chức khám chữa bệnh cho 95 đồng chí và cấp thuốc trị giá 31 triệu đồng; tặng 44 nhà tình nghĩa trị giá hơn 1,2 tỷ đồng; nữ chiến sĩ Trường Sơn xây ngôi trường 12 phòng học trị giá 10 tỷ đồng tặng học sinh 8 xã vùng biển huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa; các tập thể Bộ đội Trường Sơn đã trực tiếp tặng hàng trăm triệu đồng, hàng chục tấn gạo, mì tôm cho đồng bào bị lũ lụt ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An; tổ chức 108 chuyến đi thăm chiến trường xưa cho gần 3.000 đồng chí với chi phí 2,5 tỷ đồng; giúp hàng ngàn đồng chí làm thủ tục chính sách; tặng Kỷ niệm chương cho hàng vạn đồng chí; mở 3 hội nghị biểu dương CCB Trường Sơn vượt khó, làm kinh tế giỏi; thành lập CLB Văn nghệ Trường Sơn với nhiều hoạt động biểu diễn có chất lượng, được công nhận Hội viên tập thể của Hội Nhạc sĩ Hà Nội; thành lập CLB doanh nghiệp cựu chiến binh Trường Sơn …</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Để hoạt động của các Ban Liên lạc Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh nền nếp, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các CCB Trường Sơn, Hội nghị toàn quốc Ban Liên lạc Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh lần thứ hai, ngày 17/5/2009 đã thống nhất thành lập Ban Vận động thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ngày 13/5/2011, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 1032/QĐ-BNV cho phép thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ngày 4 và 5/7/2011, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Đại hội lần thứ Nhất Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã được tổ chức trọng thể. Đại hội đã thông qua Điều lệ, Chương trình hoạt động 2011-2016, bầu Ban Chấp hành Hội khoá I với 84 Uỷ viên, bầu Ban Thường vụ Hội với 19 Uỷ viên. Đại hội đã suy tôn đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Bộ độ Trường Sơn làm Chủ tịch Danh dự cùng 14 đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo các Bộ ngành, các tướng lĩnh, Anh hùng LLVT, Anh hùng Lao động… làm Uỷ viên BCH Danh dự của Hội. BCH Hội họp phiên thứ Nhất đã bầu Thiếu tướng Võ Sở làm Chủ tịch Hội, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội. Các đồng chí Thiếu tướng Lê Khắc Hy, Thiếu tướng Trần Danh Bích, Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng, TS Lê Thị Phương Thảo được bầu làm Phó Chủ tịch Hội.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Có thể nói, đây là một dấu ấn lịch sử, một mốc son ghi nhận sự đánh giá của Đảng, Nhà nước đối với lịch sử Đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đây còn là cơ hội để hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ và thanh niên xung phong năm xưa và cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 12 hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống của Trường Sơn Anh hùng trong cuộc sống mới. Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam ra đời còn là cơ hội để các CCB Trường Sơn có điều kiện mới trong việc tập hợp, giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay có trách nhiệm với truyền thống lịch sử hào hùng của lớp lớp cha ông làm nên Trường Sơn huyền thoại, làm nên sự nghiệp chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc trong thời đại mới.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Hơn hai năm thành lập, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã vượt lên mọi khó khăn để xây dựng và phát triển nhanh về tổ chức và hoạt động một cách hiệu quả. Tính đến nay Hội có 130 đầu mối với tổ chức Hội và Ban Liên lạc của 45 tỉnh và thành phố cả nước, 83 đơn vị truyền thống. Đã có 26 tỉnh, thành phố tiến hành Đại hội thành lập Hội, 81/183 huyện, 352/1603 xã phường và 10 đơn vị truyền thống thành lập tổ chức Hội. Nhiều địa phương đã cơ bản hoàn thành tổ chức Hội ở 3 cấp và hoạt động có hiệu quả. Hội đã tập hợp được gần 30 vạn hội viên sinh hoạt tại tổ chức Hội các cấp trong cả nước. 2 nhiệm vụ lớn: Giáo dục truyền thống và hoạt động tình nghĩa được các cấp Hội và các Ban Liên lạc truyền thống tiến hành có hiệu quả. Hơn 2 năm qua, Hội đã khai thác các nguồn lực xã hội và sự đóng góp của hội viên, xây dựng được 1.025 ngôi nhà tình nghĩa trị giá 52,5 tỷ đồng tặng hội viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở tặng 342 học bổng cho con hội viên; tặng hàng chục ngàn phần quà cho hội viên nghèo trị giá hơn 8 tỷ đồng; Tổ chức giao lưu, họp mặt và thăm chiến trường xưa cho hàng chục ngàn hội viên với chi phí nhiều tỷ đồng; giải quyết chế độ cho hơn 9.000 hội viên nhiễm chất độc dan cam; hỗ trợ chính sách và tìm kiếm mộ liệt sĩ cho 266 trường hợp, làm Thẻ hội viên cho hàng vạn hội viên các địa phương... 2 cuộc vận động lớn đã được Hội phát động trong cả nước năm 2013: "Viết ký ức Trường Sơn" và "Hội viên Trường Sơn làm kinh tế giỏi, giúp nhau xoá đói giảm nghèo". Hàng trăm hội viên Trường Sơn làm kinh tế giỏi tiêu biểu đã được tuyên dương tại các Hội nghị chiến sĩ Trường Sơn làm kinh tế giỏi của nhiều địa phương. Xuất bản hàng chục cuốn lịch sử các đơn vị và các tuyển tập thơ văn; Trang Thông tin điện tử của Hội ra mắt đã nhanh chóng trở thành địa chỉ tin cậy, tuyên truyền và cung cấp thông tin chính thống hoạt động của Hội trong cả nước; là địa chỉ để các chiến sĩ Trường Sơn gửi gấm tình cảm và những hồi ức sống động về Trường Sơn, về cuộc sống hôm nay qua các tác phẩm thơ và văn của mình...</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã phối hợp với Binh đoàn 12 tiến hành khảo sát, xây dựng hồ sơ đề nghị Chính phủ công nhận Di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh là Di tích Quốc gia Đặc biệt. Ngày 1/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định công nhận Di tích lịch sử Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh với 34 di tích lịch sử tại 11 tỉnh là Di tích Quốc gia Đặc biệt. Đây không chỉ là sự đánh giá giá trị vô giá của Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh mà còn mở ra cơ hội mới để tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử Đường Hồ Chí Minh huyền thoại cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Hơn hai năm thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh không chỉ nhanh chóng trở thành một địa chỉ tin cậy, uy tín, hoạt động có hiệu quả trong hệ thống chính trị xã hội mà còn là điểm tựa tinh thần, là niềm tự hào của hàng chục vạn chiến sĩ Trường Sơn, Thanh niên Xung phong, Dân công hoả tuyến Trường Sơn trong cả nước. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> <br />
Nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam rất vẻ vang nhưng cũng nhiều thử thách, đòi hỏi bản lĩnh vượt khó, sáng tạo vươn lên của những chiến sĩ Trường Sơn năm xưa. Hoạt động tình nghĩa và giáo dục truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh cho thế hệ hôm nay là việc làm vô cùng quan trọng và đầy ý nghĩa của Hội. Làm gì để các thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi tự hào về Trường Sơn, về Đường Hồ Chí Minh là mệnh lệnh thiêng liêng của các hội viên và các cấp Hội hôm nay. Dù khó khăn đến đâu, hai nhiệm vụ quan trọng ấy của Hội Trường Sơn phải được thực hiện một cách tốt đẹp.<br />
<br />
55 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2014) là sự kiện trọng đại đối với hội viên Trường Sơn. Nó càng có ý nghĩa to lớn hơn khi chúng ta vui mừng được đón nhận Quyết định công nhận Di tích Lịch sử Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tự hào về Trường Sơn, tự hào về con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại, mỗi hội viên Trường Sơn chúng ta càng thấy trọng trách to lớn trong việc phát huy các giá trị mà lớp lớp các chiến sĩ Trường Sơn hôm qua đã dùng máu xương, hy sinh tuổi thanh xuân vì sự nghiệp giải phóng đất nước trên Trường Sơn viết nên.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Các hội viên Trường Sơn chúng ta hãy tiếp tục sống và cống hiến những năm tháng cuối của cuộc đời trở nên có ý nghĩa, có giá trị hơn vì Trường Sơn, cho Trường Sơn mãi mãi trường tồn trong tâm thức của các thế hệ hôm nay và ngày mai của đất nước.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Hãy tiếp tục xây dựng tổ chức Hội của chúng ta phát triển, đáp ứng với yêu cầu phát triển của thời kỳ mới. Hãy thực hiện một cách sáng tạo, hiệu quả và thiết thực hai nhiệm vụ lớn quan trọng của Hội.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Hãy làm cho Hội Trường Sơn chúng ta thật sự xứng đáng với Trường Sơn hôm qua, hôm nay và mãi mãi mai sau. <br />
</span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<strong> BAN TUYÊN TRUYỀN THI ĐUA </strong><br />
<br />
</span></span></div> </html>