<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Kỳ I: Chuẩn bị chiến dịch </span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Thời gian đã lùi xa 60 năm, nhưng diễn biến cuộc chiến đấu hào hùng vẫn còn in đậm trong ký ức của cựu chiến binh, Đại tá Lê Quang Tuấn (ngụ ở phường Tân Phong, quận 7, TP Hồ Chí Minh; nguyên Đại đội trưởng Đại đội 36, Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nguyên cán bộ Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam). Nghe ông kể chuyện, chúng tôi như được xem những thước phim về một mũi tiến công ở chiến trường Điện Biên năm xưa.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span></span><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Ngăn chặn, truy kích địch từ xa</span></span><br />
</strong></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ngày 15-11-1953, chúng tôi tạm biệt Vạn Mai, tạm biệt các mẹ, các cô gái Mường xinh đẹp với những chiếc khăn màu trắng, chiếc vòng sáng long lanh chuẩn bị lên đường đi chiến dịch. Là lính, chúng tôi hay đoán mò, không biết năm nay đánh ở đồng bằng hay rừng núi? Đến ngày 20-11-1953, chúng tôi được tin địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Ngay hôm ấy, nhận lệnh của cấp trên, đơn vị tôi xuyên rừng vượt núi cấp tốc chặn đánh địch cơ động từ tỉnh Lai Châu về Điện Biên. Tôi được giao chỉ huy 1 trung đội bộ binh, 1 trung đội súng cối 60 và 1 trung đội đại liên. Qua điều nghiên, chúng tôi quyết định chọn con đường vắt qua địa bàn các xã Pu San, Mường Pồn (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) để xây dựng trận địa phục kích.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ngày 11-12-1953, Đại đội 35 chặn đánh địch ở Cò Cháy, buộc chúng phải quay lại Pu San, Mường Pồn. Do địa bàn xã Pu San có đỉnh núi Pu San cao 1.168m, cỏ tranh rậm rạp cao lút người khó quan sát, nên chúng tôi phải vừa phục kích, vừa lùng sục tìm địch. Nhưng khi gặp địch, các súng đại liên không phát huy được, tôi nhanh chóng tổ chức ngay cho đơn vị dùng súng cối 60 đánh địch. Sau khoảng 30 phút chiến đấu, đơn vị tôi bị pháo địch ở Điện Biên và máy bay thả bom na-pan vào ngay phía sau đội hình. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, cán bộ, chiến sĩ đã lợi dụng địa hình, địa vật linh hoạt cơ động chiến đấu bảo vệ vững chắc cao điểm 1168. Đây là cao điểm mà địch tìm cách khống chế, nhằm mở rộng hành lang, tạo bàn đạp từ xa để chúng thuận lợi trong xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Do vậy, suốt ngày hôm ấy, địch dùng nhiều bom, đạn ném xuống điểm cao hòng cố chiếm lại, nhưng chúng đều bị đơn vị tôi đánh bật, buộc chúng phải bỏ chạy về Điện Biên. Đơn vị tôi tiếp tục tổ chức truy kích và đánh cho chúng tan tác, bắt sống được vài chục tên. Nhưng những đêm sau đó, địch vẫn liên tục bắn pháo vào cao điểm 1168.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><img width="450" height="295" alt="" src="14042014mthang20150821398.jpg" /><br />
</span><em><span style="font-family: Arial;">Lê Quang Tuấn (thứ ba, từ trái qua) cùng đồng đội tại Điện Biên Phủ, năm 1954. Ảnh chụp lại.</span></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đến ngày 25-12-1953, đơn vị tôi nhận được tin một cánh quân của địch bị quân ta chặn đánh tại Si Pa Phìn (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) đang tìm đường rút chạy sang Lào, và theo lệnh của cấp trên, đơn vị lại cấp tốc lên đường chiến đấu. Chúng tôi phải trèo hết đèo này đến núi khác. Nhiều ngày hết gạo, cả đơn vị phải tỏa vào rừng để đào củ mài ăn thay cơm. Đào nhiều nên các chiến sĩ rất có kinh nghiệm, chỉ cần nhìn qua cũng đoán trúng ngay nơi có nhiều củ mài và củ to. Những ngày gian khổ truy kích địch cũng là những ngày chúng tôi gần gũi, gắn bó mật thiết với đồng bào. Nhìn đồng bào còn khó khăn vất vả, mỗi cán bộ, chiến sĩ càng tỏ rõ quyết tâm chiến đấu, đồng thời tích cực giúp đỡ đồng bào. Chúng tôi làm bất cứ mọi việc, từ quét dọn nhà cửa đến cho lợn, gà ăn… Muối lúc bấy giờ là thứ đồng bào rất quý, chúng tôi đã vận động nhau tiết kiệm muối đem biếu các cụ già. Đồng bào thấy bộ đội tốt bụng, nên mọi người đều tình nguyện đoàn kết cùng chúng tôi truy kích địch.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">Diễn kịch cũng là đánh giặc</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Sau những ngày truy kích địch, ngày 1-1-1954, đơn vị tôi được lệnh bí mật tiến vào bao vây Trần Đình (mật danh Chiến dịch Điện Biên Phủ). Để bảo đảm bí mật, lệnh cấp trên không cho đốt lửa và phải ăn uống nguội. Hôm ấy, trời rét như dao cắt, nhưng cả đơn vị tôi ai cũng thấy rất bình thường. Anh em nói vui với nhau, bọn địch ở dưới "cái túi thung lũng" kia bị ta bao vây còn khổ hơn ta nhiều.<br />
</span></span></div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><img width="450" height="468" src="14042014mthang21150757414.jpg" alt="" /><br />
</span><em><span style="font-family: Arial;"> Đại tá Lê Quang Tuấn</span></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Từ ngày 24-1-1954, đơn vị tôi được lệnh xuống xây dựng trận địa gần Pu Hồng Mèo chuẩn bị công kích Trần Đình. Theo kế hoạch, đại đội tôi trong đội hình Trung đoàn 98 có nhiệm vụ đánh chiếm đồi C1, C2. Bảo đảm hậu cần cho chiến đấu, mỗi cán bộ, chiến sĩ chỉ được một cái bánh chưng và một bình tông nước. Chúng tôi được phổ biến quyết tâm đánh trong hai ngày ba đêm. Chiến dịch này, quân ta có pháo lớn, cao xạ xuất trận, nên ai cũng phấn khởi vì không lo máy bay địch hoành hành như trước. Tinh thần chiến sĩ quyết tâm tiêu diệt Trần Đình rất cao. Đồng chí Chu Huy Mân, Chính ủy Đại đoàn 316, còn xuống từng đơn vị kiểm tra, động viên bộ đội. Cùng đi với đồng chí chính ủy còn có đội văn công đại đoàn phục vụ văn nghệ. Khí thế đang hừng hực, đột nhiên chiều 26-1-1954, có lệnh của cấp trên “rút quân” ra. Chúng tôi được cấp trên phổ biến: Địch đã tăng cường tại Điện Biên Phủ từ 11 tiểu đoàn lên 17 tiểu đoàn và có nhiều pháo binh, xe tăng... Đại tướng và Bộ chỉ huy Chiến dịch chủ trương thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”, nên phải rút quân ra để chuẩn bị lại bảo đảm đánh “chắc thắng”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đầu tháng 2-1954, tôi được lệnh lên đại đoàn công tác. Khi đến đại đoàn, tôi mới biết nhiệm vụ là đi diễn lại vở kịch mà chúng tôi đã sáng tác vào thời gian chỉnh quân năm 1953, vì vở kịch của đại đội tôi khi biểu diễn phục vụ hội nghị chiến sĩ thi đua đại đoàn để lại nhiều ấn tượng với cán bộ, chiến sĩ, nhiều người xem giàn giụa nước mắt. Em Khải, em Vân, em Công còn xông lên sân khấu định đánh tôi (vì đóng vai thư ký) rất tốt. Cùng tham gia diễn kịch còn có Phúc là cán bộ đại đội và Thích, Liễu, Chè, Quẩy đều là cán bộ trung đội, tiểu đội. Nhận nhiệm vụ diễn kịch giữa lúc đơn vị tôi đang mở đường bảo đảm cho xe kéo pháo vào trận địa rất vất vả, nên tâm trạng tôi cũng lo lắng và cảm thấy chẳng yên tâm chút nào. Biết sự băn khoăn của tôi, đồng chí Chu Huy Mân bảo rằng: Diễn kịch phục vụ bộ đội để nâng cao lòng căm thù và quyết tâm đánh thắng cũng là nhiệm vụ quan trọng.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Quán triệt nhiệm vụ, từ ngày 9 đến ngày 16-2-1954, chúng tôi phối hợp với đội văn công đại đoàn tập luyện và biểu diễn vở “Gia đình cụ Thích”. Trong vở diễn, Thảo (văn công) đóng vai vợ Hàn Đỗ Oanh (văn công) đóng vai con gái cụ Thích; Phúc trong vai Hàn Đỗ Liễu, Chè mỗi cậu một vai. Tôi vào vai thư ký Hàn Đỗ. Tập văn nghệ cũng rất vất vả nhưng hôm diễn, vở kịch được nhiều cán bộ, chiến sĩ cổ vũ động viên và đánh giá cao. Kết thúc vở diễn, đồng chí Chu Huy Mân góp ý: “Vở diễn tốt, nhưng Hàn Đỗ chưa gian ác, xảo quyệt lắm. Vợ Hàn Đỗ chanh chua kiểu hàng tôm, hàng cá hơn là vợ địa chủ”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Để chuẩn bị lại chiến dịch, dù trong điều kiện khó khăn, đơn vị tôi vẫn được xem nhiều bộ phim: Chiến sĩ Mát-trơ-sốp (phim Liên Xô), Trung Quốc nữ nhi, Liên Xô kiến thiết và Tiến lên cộng sản chủ nghĩa... Những bộ phim và các hoạt động văn nghệ đã góp phần xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Từ ngày 20-2-1954, chúng tôi bận rất nhiều công việc. Đại đội tôi được giao nhiệm vụ hạ một đoạn dốc từ 40 độ xuống 10 độ. Trong tay chỉ có cuốc, xẻng, dao, nhưng anh em vẫn kiên trì đục đá. Đơn vị quán triệt nghiêm mệnh lệnh của cấp trên tuyệt đối không sử dụng thuốc nổ để giữ bí mật. Những lúc vất vả, chúng tôi thường nói chuyện tiếu lâm, trêu chọc nhau, làm quên cả mỏi mệt. Ngày hoàn thành đoạn đường dốc, nhìn những chiến sĩ nông dân chiến đấu, lao động, việc gì cũng hăng, việc gì cũng làm được, tôi tự thấy mình cũng cần phải học những điều bình dị của các chiến sĩ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Mấy ngày cuối tháng 2-1954, tôi được giao nhiệm vụ đi chuẩn bị chiến trường với Tiểu đoàn phó Việt và đơn vị trinh sát trung đoàn. Ngày ngày trèo đèo, lội suối vào Mường Thanh hiểm nguy, gian khó, cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Những lúc khó khăn, gian khổ trong thực hiện nhiệm vụ trinh sát, tôi nhớ đến những chiến sĩ trinh sát trong phim Chiến sĩ Mát-trơ-sốp của Liên Xô. Có hôm, ngồi trên đỉnh đồi, cây cối um tùm, nhìn xuống Mường Thanh, chúng tôi thấy rất rõ những máy bay địch. Có chiến sĩ thốt lên vẻ nuối tiếc: Mục tiêu ngon quá, chúng tao chỉ cho loạt cối là chúng mày tan xác.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Trong đại đội trinh sát, tôi ấn tượng nhất là Quang, Đại đội trưởng. Một lần, Quang cho tôi xem điếu xì gà mà Quang lấy được của Tây khi trinh sát, làm tôi thán phục, bởi đi trinh sát mà lấy được xì gà của Tây phải là chiến sĩ trinh sát gan dạ, mưu trí lắm. Tìm hiểu, tôi được biết, Quang là con một ông tuần phủ nhưng có sức khỏe, thông minh, dũng cảm nên được chọn làm Đại đội trưởng Đại đội trinh sát. Chiến dịch không chỉ có chiến sĩ nông dân mà có mọi thanh niên không phân biệt thành phần xuất thân. Chúng tôi đều tự hào về Đảng ta, quân đội ta đã rèn luyện, đào tạo chúng tôi biết căm thù giặc, khát khao chiến thắng, nguyện một lòng chiến đấu tiêu diệt hết lũ giặc ở Trần Đình. Chúng tôi cũng chẳng ai nghĩ đến chuyện sống, chết luôn cận kề bên mình.<br />
</span></span><strong><br />
</strong></div>
<div style="text-align: justify;"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">NGUYỄN DUY HIỂN </span></span></strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">ghi theo lời kể của <strong>Đại tá LÊ QUANG TUẤN.</strong><br />
<em>Nguyên Đại đội trưởng Đại đội 36 (Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316) trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.</em></span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><em>Theo báo Quân đội Nhân dân</em><br />
<br />
</span></span></div> </html>