<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Kỳ II: Quà kỷ niệm Điện Biên Phủ (tiếp theo và hết) </span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><strong><span style="font-family: Arial;"><br />
"Vũ khí" vây lấn diệt địch</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Địa bàn chiến đấu luôn thay đổi, mỗi lần đơn vị tôi chuyển vị trí là phải xây dựng công sự mới và xóa dấu vết công sự cũ, mỗi bước tiến của người chiến sĩ đều phải gắn với công sự. Để xây dựng công sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến dịch, ngày 2-3-1954, các cán bộ đại đội được trung đoàn tập huấn, bồi dưỡng thêm về kỹ chiến thuật gắn với cấu trúc các loại công sự trên từng địa bàn cụ thể. </span></span></div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tối 6-3-1954, pháo của địch liên tục tập kích cũng là lúc đơn vị tôi tổ chức hành quân ra trận địa. Đêm rừng núi tối đen như mực, chúng tôi chỉ nghe theo tiếng chân đồng đội mà bước nên không ít chiến sĩ va vào cây rừng, rách cả mặt. Vào sát trận địa, pháo của địch càng liên tục tập kích. Mỗi khi pháo binh địch ngừng bắn, tôi lại gấp rút tổ chức bộ đội hành quân. Đến sáng, cả đại đội đã bí mật tiếp cận được trận địa an toàn.<br />
<br />
</span></span><img width="450" height="329" src="14042014mthang29202739750.jpg" alt="" /></div>
<div style="text-align: center;"><em><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> Đại tá Lê Quang Tuấn (bìa phải) cùng đồng đội chụp ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1999. Ảnh do nhân vật cung cấp</span></span></em></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
11 giờ trưa 7-3-1954, tôi nhận vị trí trận địa của đại đội. Mặc dù mệt nhọc nhưng anh em đều hăng hái bắt tay ngay vào đào công sự. Chúng tôi đều nhận rõ, bom, đạn sẽ không chừa một ai và cũng không chừa lúc mình mệt. Đất đá cứng, cả ngày chúng tôi cũng chỉ đào được công sự sâu ngang tầm đùi. Thế nhưng khi trời vừa chập choạng tối, đơn vị tôi lại có lệnh chuyển vị trí. Vậy mà không ai thắc mắc, ý kiến gì, ai cũng chấp hành nghiêm mệnh lệnh, cũng muốn thực hiện đúng phương châm đánh “chắc thắng”. Tinh thần quyết tâm cao, chỉ một đêm mà sáng hôm sau, tôi nhận thấy cả khu rừng núi bốn bề là công sự. Thế nhưng, các chiến sĩ vẫn hì hụi củng cố công sự ngày càng vững chắc. Những quả đồi dốc ngược trùng trùng xung quanh Điện Biên nơi đâu cũng có hào, công sự, hầm hố chiến đấu, có hào lên tiền tuyến, hào về trung tuyến, hào trục, hào nhánh ngang, nhánh dọc, hào nối đại đội này với đại đội khác, trung đoàn này liên hoàn với trung đoàn khác… Mỗi trung đội, đại đội đều có hầm ăn nghỉ, hầm nhà bếp sâu từ 2-3m, nắp dày có khả năng chống được các loại pháo nên anh em chiến sĩ rất yên tâm. Tôi tham gia chiến đấu từ tháng 12-1946 nhưng chưa thấy chiến dịch nào mà công sự nhiều như thế. Quân ta tiến vọt về công sự chẳng kém gì Thượng Cam Lĩnh ở Triều Tiên mà chúng tôi đã được xem trong phim “Trở về tiền tuyến” trong những ngày chuẩn bị chiến dịch. Nhìn núi rừng Điện Biên đâu đâu cũng rộn ràng không khí chuẩn bị tác chiến, tôi cảm thấy nôn nao trong lòng, chờ đợi giờ nổ súng.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ngày 14-3-1954, đơn vị tôi được cấp trên điều một bộ phận tham gia nghi binh địch ở đồi C. Địch tưởng ta tấn công, chúng dùng pháo giội xuống trận địa chúng tôi gần một giờ. Trận pháo dữ dội ấy, nhờ có công sự vững chắc nên đại đội tôi không một ai thương vong. Chúng tôi càng thấy rõ vị trí, vai trò của công sự, vì vậy mọi cán bộ chiến sĩ vừa chiến đấu, vừa không ngừng củng cố công sự, trận địa.<br />
Thế nhưng sáng 15-3-1954, đơn vị tôi đang đào công sự thì bị một quả đạn cối 120mm bắn trúng đội hình một tiểu đội, làm các chiến sĩ Mai, Phong, Tọa, Ninh hy sinh và 4 chiến sĩ khác bị thương. Một không khí đau thương, căm hờn bao trùm đơn vị. Miệng tôi đắng ngắt, trong cổ tôi như có vật gì đó nghẹn lại. Trong đại đội cũng xuất hiện tư tưởng ngại đi đào công sự. Anh em cho rằng, hy sinh lúc chiến đấu vinh quang hơn hy sinh khi đào công sự. Để giải quyết tư tưởng, tôi cùng các đảng viên đi sâu sát động viên, giải thích cho bộ đội hiểu rõ, tổn thất xương máu lúc đào công sự là một phần thì lúc chiến đấu sẽ bớt tổn thất xương máu mười phần. Chính từ việc động viên, giải thích kịp thời, quá trình xây dựng công sự trận địa, đơn vị tôi còn có sáng kiến dùng rơm, cỏ rừng bện thành con cúi, sau đó tẩm nước và chặt trúc, tre… bó thành những bó lớn để chắn, chống mảnh pháo và đạn bắn thẳng để giảm thương vong.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">Trận đánh đồi C1</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ngày 21-3-1954, tôi được đồng chí Vũ Lăng gọi lên hầm chỉ huy trung đoàn giao nhiệm vụ phóng bộc lôi để phá hàng rào. Tôi liền đem vài quả về sau bắn thử thấy đúng như tính toán. Thế là Trung đoàn trưởng Vũ Lăng giao cho tôi chỉ huy toàn bộ cối 60mm của trung đoàn đảm nhiệm bắn mở cửa mở đồi C1. Đồi C1 có 7 lớp hàng rào dây thép gai, chiều sâu khoảng 50m. Ngày 30-3-1954, đơn vị tôi được lệnh tham gia đợt tấn công thứ hai vào khu đông bắc Điện Biên Phủ. Tiểu đoàn tôi có nhiệm vụ đánh chiếm đối C1 do một đại đội Âu Phi chiếm giữ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đúng 15 giờ chiều 30-3-1954, đơn vị chiếm lĩnh xong trận địa xuất phát tiến công. Trên miệng hào, chúng tôi đều phủ lớp rơm che mắt địch nên hàng nghìn quân đi dưới hào mà địch vẫn không hay biết. 17 giờ 5 phút chiều 30-3-1954, hỏa lực của ta khai hỏa, khói lửa ngút trời trùm lên trận địa địch. Tôi nhìn rõ những lưới lửa lừng lững lao xuống phá tan hàng rào của địch. Chỉ trong ít phút, đơn vị đã mở thông cửa mở rộng từ 4-5m. Các phân đội ào ào đột kích. Chỉ 5 phút, ta đã chiếm được lô cốt đầu cầu. Khoảng 45 phút, đơn vị tôi làm chủ đồi C1. Ngay lúc đó, chúng tôi vinh dự được Đại tướng Tổng Tư lệnh điện tặng Huân chương Quân công hạng ba cho tiểu đoàn. Đây cũng là một trong những trận đánh chúng tôi không phải mở cửa bằng bộc phá viên, "tiết kiệm" xương máu bộ đội.<br />
</span></span></div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><img width="336" height="448" alt="" src="Tuan%5B4-1955%5D%20-%20Copy.jpg" /><br />
</span><em><span style="font-family: Arial;">Đồng chí Lê Quang Tuấn năm 1954. Ảnh: Duy Hiển</span></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đến sáng 31-3-1954, địch dùng hai tiểu đoàn dù phản kích dữ dội, hòng chiếm lại đồi C1. Pháo 120, 105mm của địch bắn liên hồi vào đồi C1 và cửa đột phá, hầm rung chuyển suốt đêm. Dưới làn mưa bom, bão đạn và súng phun lửa, cán bộ, chiến sĩ đại đội tôi cùng các đơn vị bạn vẫn kiên cường chiến đấu, bẻ gãy các đợt phản kích của địch. Nhiều tình huống, chúng tôi tiến xuống cận chiến, đánh giáp lá cà. Bọn địch sợ đánh giáp lá cà nên 7 lần phản kích của chúng đều bị chúng tôi đánh bật. Trong trận này, đại đội tôi 10 đồng chí thương vong. Cứ, Phúc, Ngọ là cán bộ trung đội của tôi không còn nữa… Tôi nhớ, trước đây có lúc tôi phê bình Ngọ tác phong chậm nhưng khi vào chiến đấu, Ngọ nhanh như sóc và dũng cảm. Nhớ thương đồng đội, lòng tôi trào dâng… bao căm thù dồn lên nòng súng.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đúng 17 giờ 27 phút ngày 1-5-1954, Trung đoàn 98 mở đợt tiến công đồi C1 lần thứ hai. Ngay những loạt đạn đầu, hỏa lực của ta bắn dồn dập trúng trận địa đồi C1. Từ phía đồi D, sơn pháo 75mm của ta cũng phối hợp bắn tiêu diệt các lô cốt của địch. Ta và địch giằng co từng tấc đất, có lúc ta chiếm được đồi C1 nhưng cũng có lúc, địch phản kích trở lại. Sau hơn một giờ chiến đấu quyết liệt, ta làm chủ đồi C1.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">Trận đánh đồi C2</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Sáng 6-5-1954, đại đội tôi trong đội hình Trung đoàn 98 mở đợt tiến công lần thứ ba vào đồi C2. C2 là đồi án ngữ bảo vệ Mường Thanh, nếu mất C2 thì toàn bộ Mường Thanh nằm dưới tầm bắn DKZ và cối của ta, nên từ Mường Thanh, chúng cố sống, cố chết phản kích điên cuồng. Chúng tôi được phổ biến, lấy tiếng nổ khối bộc phá một tấn ở đồi A1 làm hiệu lệnh tấn công. Hôm ấy, tôi nghe rõ tiếng “ục…” rung lòng đất. Chúng tôi hừng hực khí thế trút "mưa pháo cối" xuống đồi C2. Trận đánh ác liệt kéo dài đến 9 giờ sáng 7-5, chúng tôi mới tiến lên chiếm lĩnh được đồi C2, bắt sống toàn bộ ban chỉ huy khu đông, ban chỉ huy hai tiểu đoàn, hàng chục sĩ quan và 400 tên địch.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
15 giờ chiều 7-5-1954, tôi nhìn rõ từng loạt hỏa tiễn H6 của ta bắn dữ dội vào Mường Thanh. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy hỏa tiễn, đạn bay ào ào như bão làm lòng tôi vô cùng phấn chấn không tả xiết. Đúng 17 giờ 30 phút chiều 7-5-1954, địch ở Điện Biên Phủ lũ lượt từ phía đồi C2 kéo xuống cánh đồng Mường Thanh ra hàng. Bọn sĩ quan thì cúi gằm mặt, một số tên lính thì hớn hở. Quan sát từ các đường hào, trên đồi, dưới ruộng, từ các công sự, tôi nhận thấy quân ta bỗng hiện lên như thiên thần. Gần hai tháng nằm trong lòng đất, hầm hào bùn lầy, tôi bước lên ngắm đất trời Điện Biên. Tôi hít thật sâu không khí trong lành ngày chiến thắng. Bỗng, tôi lặng người cảm động rơi nước mắt nhớ đến những cái tên: Cứ, Ngọ, Ngạch, Quang, Bồi… những cán bộ, chiến sĩ của tôi không còn nữa. Các anh không được chứng kiến giờ phút vinh quang ngày toàn thắng… Trong tôi, hình ảnh bản người Thái, người Mông, bản Mé, những cô gái Me Moon, Me Ụa… trong những ngày cùng chúng tôi truy kích địch cứ thế hiện về. Tôi cũng liên tưởng đến hòa bình, rồi đây các mế, các chị sẽ không còn đói khổ nữa, các em nhỏ sẽ được đến trường.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ngày 8-5-1954, đại đội tôi có nhiệm vụ thu dọn chiến trường tại sân bay Mường Thanh. Đơn vị xuống các hầm hào lấy vũ khí ẩm ướt lên sân băng phơi. Thấy vậy, nhiều đồng bào Mường, Thái… cũng vào giúp bộ đội thu dọn chiến trường. Khi thu dọn, chúng tôi thấy các cô gái Mường xinh đẹp cứ ngắm những tấm dù. Biết ý các mế, các chị, chúng tôi quyết định tặng mỗi đồng bào vài mét vải dù gọi là chút quà Điện Biên Phủ làm kỷ niệm.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Thời gian đã lùi xa 60 năm nhưng tôi vẫn cảm thấy như mới diễn ra hôm qua. Dịp này, tôi cũng mong muốn biết tin về đồng bào Điện Biên, đồng đội của tôi, ai còn, ai đã về gặp bác Giáp, Tổng Tư lệnh. Tôi cũng xin gửi lời tri ân sâu sắc đến đồng bào, chiến sĩ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<strong>NGUYỄN DUY HIỂN</strong> ghi theo lời kể của <strong>Đại tá LÊ QUANG TUẤN</strong><br />
<em>(nguyên Đại đội trưởng Đại đội 36 (Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316) trong Chiến dịch Điện Biên Phủ).</em></span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><em>Theo báo Quân đội Nhân dân</em><br />
<br />
<br />
</span></span></div> </html>