<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><span style="font-size: small;"><strong>Nhật ký của một chiến sĩ Điện Biên</strong></span></span><em><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><span style="font-size: small;"> (</span></span><span style="font-size: small;">tiếp theo)</span></em></div>
<div style="text-align: justify;"><em> </em></div>
<div style="text-align: justify;"><em><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">3/2/1953 - ngày mùng một Tết Giáp Ngọ</span></span></strong></em></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tiểu đoàn thịt một con ngựa để cả tiểu đoàn ăn Tết.Lâu rồi không ăn thịt tươi ,thịt ngựa hơi gây mà vẫn ngon.Nhớ hồi lên Pu Hồng Mèo, đồng bào bắn được hổ cho ăn,thịt còn gây hơn mà vẫn chén tốt.Đời lính dược nếm trải đủ mùi, thú vị thật!</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><em><strong><span style="font-family: Arial;"><br />
5/2/1954-7/2/1954</span></strong></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Mình được lệnh lên đại đoàn công tác.Tưởng có nhiệm vụ gì đặc biệt,mình đã mang theo cả súng carbine. Hóa ra lại đi diễn vở kịch bọn mình sáng tác hồi chỉnh quân 1953. Lệnh đại đoàn điều lần này dính đến nhiều cán bộ của đơn vị: Mình và Phúc là hai cán bộ đại đội; mấy cán bộ trung, tiểu đội là Thích, Liễu, Chè, Quẩy. Đơn vị đang đi làm đường cho xe kéo pháo vào mà bọn mình lại đi diễn kịch thế này thì chẳng yên tâm chút nào. Nhưng ông Mân (chính ủy) bảo rằng:diễn kịch để nâng cao lòng căm thù và quyết tâm của bộ đội cũng là nhiệm vụ quan trọng. Nhớ hồi chỉnh quân, đội kịch của đại đội mình lên phục vụ hội nghị chiến sĩ thi đua đại đoàn, có người xem dàn dụa nước mắt, em Khải Vân Công còn xông lên định đánh mình(đóng vai thư ký địa chủ) thì thấy cũng tạm thông.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Mấy tối 6 và 7 tháng 2 được xem liền mấy phim:</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
• Chiến sĩ MatrơSốp (của Liên Xô)<br />
• Đại hội liên hoan thanh niên sinh viên thế giới 1952 ở Berlin<br />
• Trung Quốc nữ nhi<br />
• Liên Xô kiến thiết <br />
• Tiến lên Cộng Sản Chủ Nghĩa</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Nhớ mãi hình ảnh MatrơSốp lao mình bịt lỗ châu mai của quân Phát Xít Đức để anh em xông lên diệt địch. Nhớ lá cờ Đảng bay phấp phới trong khu rừng buổi lễ kết nạp người nữ du kích và sự hi sinh cao cả của 8 nữ anh hùng lao mình xuống dòng sông chảy xiết sau khi bắn đến viên đạn cuối cùng không chịu sa vào tay giặc. Chỉ có những quân đội cách mạng mới có những con người anh hùng dám hi sinh vì tổ quốc và nhân dân như vậy.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Những tấm gương còn sáng mãi trong lòng mình. Vững vàng đi lên, chiến đấu đến cùng cho sự nghiệp giải phóng tổ quốc. Tiêu diệt hết lũ giặc ở Trần Đình này không phút nào do dự, đó là lời các đồng chí đã hi sinh nhắn nhủ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span></span><em><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">09/02/1954-16/02/1954</span></span><br />
</strong></em></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Phối hợp với Văn công đại đoàn biểu diễn vở “Gia đình cụ Thích.” Thảo (Văn công) đòng vai vợ Hàn Đỗ Oanh (Văn công) vai con gái cụ Thích; Phúc vai Hàn Đỗ Quẩy, Liễu, Chè mỗi cậu một vai. Mình vẫn vai thư kí của Hàn Đỗ. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Vở kịch của bọn mình thu được kết quả tốt. Người xem toàn cán bộ mà cũng có đồng chí bừng bừng căm giận ném sỏi lên sân khấu. Đồng chí Chu Huy Mân góp ý vài điểm: “Vở kịch tốt, nhưng Hàn Đỗ chưa gian ác, xảo quyệt lắm. Vợ Hàn Đỗ chanh chua kiểu hàng tôm ,hàng cá hơn là vợ địa chủ.” Duyệt xong cả đội lên đường đi biểu diễn, phục vụ các đơn vị làm đường. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Mình và Đổ Phúc là cán bộ đại đội được trả về để chỉ huy đơn vị. Chia tay Văn công, hẹn ngày gặp lại. Đây là lần thứ hai mình ở với Văn công, một cảm giác bâng khuâng như thiếu mợt cái gì.Nhớ hôm nào NT bứt từng mảnh lá chưối đưa cho mình,nhí nhảnh,e thẹn.Chia tay NT, tay trong tay mà không ai muốn rời. NT không nói gì, chỉ gượng cười nhưng đôi mắt ướt long lanh đã nói nhiều.Mình mất mẹ từ nhỏ,thiếu tình thương mẹ hiền.Ước mong sẽ có ngày NT bù đắp cho mình.Nhưng NT ơi ,chúng mình phải chiến đấu mà giành lấy hạnh phúc,phải tiêu diệt Trần Đình. Mình quyết không được giây phút nào để những tình cảm ủy mị làm giảm sút ý chí. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><em><strong><span style="font-family: Arial;"><br />
20/02/1954</span></strong></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Bận nhiều, quên cả viết. Suốt ngày làm đường, rồi họp bàn khắc phục các khó khăn mới nảy sinh. Đại dội mình phụ trách một đoạn dốc 40 độ, phải hạ xuống khoảng 10 độ. Trong tay chỉ có cuốc, xẻng và dao. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Các cây to để nguyên để ngụy trang, khi nào pháo vào mới hạ xuống. Đá khá nhiều, không được dùng thuốc nổ, sợ lộ, nhưng anh em vẫn có cách trục được đá. Lính cười nói luôn miệng, pha cả chuyện tiếu lâm để quên mệt mỏi. Người chiến sĩ nông dân của mình giản dị thật. Chiến đấu, lao động, cái gì hăng, cái gì cũng làm được hết. Bọn giặc làm sao mà chống nổi những con người gang thép của chúng ta. Mình tự thấy phải học hỏi nhiều ở những chiến sĩ bình dị này. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Gặp An Kính (bạn học ở trường lục quân Trần Quốc Tuấn) lúc đang làm đường. Nó cũng là chính trị viên đại đội ở trung đoàn 141. Hàn huyên một lúc, rất vui vì từ khi ra trường tháng 5/1951 đến nay mới gặp lại. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><em><strong><span style="font-family: Arial;">21/02/1954-24/02/1954</span></strong></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đi chuẩn bị chiến trường với tiểu đoàn phó Việt. Chồn chân, mỏi gối lên xuống mấy con dốc quen thuộc gần Pu Hồng Mèo. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ở với trinh sát trung đoàn mấy hôm. Đây là những chiến sĩ mà cuộc dời luôn gắn liền với hiểm nguy, sống chết bất ngờ. Trèo đèo, lội suối, tiềm nhập đêm hôm vào Mường Thanh như cơm bữa. Những con người ấy là những anh hùng không ai biết, như những trinh sát trong phim MatrơSóp. Ngồi trên chòi cao của mỏm đồi, cây cối um tùm che lấp, nhìn xuống Mường Thanh lấp lánh những máy bay của địch. Mục tiêu ngon quá. Tao chỉ cho mấy loạt cối là chúng mày tan xác. Quang, đội trưởng trinh sát đưa mình diếu xì gà lấy của Tây khi đi trinh sát. Nó là con một ông tuần phủ nhưng được chọn làm chỉ huy trinh sát vì gan dạ, thông minh, mưu trí. Thế mới biết lòng yêu tổ quốc của thế hệ thanh niên, chúng mình không phân biệt xuất than từ nơi nào. Tự hào là Đảng ta, quân đội ta đã rèn luyện, đào tạo được những cán bộ như thế. Tâm tình với Quang, cuộc đời chiến sĩ trinh sát vui tươi, giản dị. chẳng ai nghĩ đến chuyện mình có thể chết bất cứ lúc nào. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span></span><em><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">25/02/1954</span></span><br />
</strong></em></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Trở về trung đoàn. Trên đường gặp Minh Mẫn (bạn thiếu sinh quân), nó ở Phan-ry (trung đoàn 45- đại đoàn 351). Gặp cả Dũng và anh Bùi Đức Tiến (nguyên giám đốc trường thiếu sinh quân Liên khu 3). Anh Tiến bây giờ là trung đoàn phó công binh. Mới thế mà đã xa nhau 5 năm rồi. Anh Tiến cho biết một lô tin về các bạn: “Quang Thoại ở trung đoàn 36, Đỗ Bình đi học. Một số bạn đã hy sinh trong hậu địch: Lê Quảng, Lê Hùng, Tuân. Còn Ngọc Nha và Diễm bị bắt. Anh Phạm Ngọc Thạch (giám đốc đầu tiên của trường thiếu sinh quân) cũng mất rồi. Anh bị địch bắt trong chiến dịch ‘địch hậu Bắc Ninh’ khi là chính trị viên tiểu đoàn 938- trung đoàn 98. Anh trốn được khi đang điều trị lao nặng ở bệnh viện Đồn Thủy. Ra đến vùng tự do thì anh mất.” Mình có biết bao kỉ niểm thân thương với anh Thạch. Anh không chỉ dạy chúng mình về văn hóa mà còn cả về cách sống, về lý tưởng, về ý chí và hành động của một chiễn sĩ cách mạng.Anh đỗ tú tài triết học(Bac.Philo).có những suy nghĩ sáng tạo về triết học và rất yêu thơ.Quang Dũng làm xong bài “Tây Tiến” đã đọc nhờ anh góp ý,mình cũng được dự.Anh Tiến cũng rất quý anh. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Lúc chia tay, anh Tiến dặn dò: “Phải chiến đấu thật anh dũng!” Anh kể chuyện Bác bảo rằng : “Người cách mạng không sợ chết nhưng cần biết chết cho có ích. Như một hạt ngô rơi xuống đất rồi nảy mầm thành cây ngô cho nhiều bắp, nhiều hạt.” Nếu phải hy sinh mà đem lại hạnh phúc, tự do cho dân tộc thì mình luôn sẵn sàng. Anh Tiến bảo không dễ đâu, phải dấu tranh gay go để chiến thắng bản thân đấy. Anh chúc lập công mới, anh cũng có huân chương rồi. Mình quyết không phụ lòng người anh đã dìu dắt bọn mình từ những ngày non trẻ. Phải làm rạng rỡ truyển thống thiếu sinh quân. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><em><strong><span style="font-family: Arial;">02/03/1954-03/03/1954</span></strong></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đại đội mình làm gần xong đoạn đường được giao. Được lệnh giao lại cho đơn vị bạn. Cán bộ về trung đoàn học chiến thuật mới và cấu trúc công sự. Chính ủy và tham mưu trưởng trung đoàn phổ biến tình hình chiến trường Đông Dương. Ta đã làm kế hoạch Nava đảo lộn, phải phân tán 48 tiểu đoàn, cơ động chủ lực của chúng khắp nơi: Tây Bắc; Trung Hạ Lào; Bắc Tây Nguyên; Thượng Lào. Riêng Điện Biên Phủ lúc này đã lên đến 17 tiểu đoàn. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Hai tối nay được xem mấy phim, phải đi năm cây số đường rừng mới tới nơi chiếu:</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
• Chiến thắng Tây Bắc<br />
• Trở về Tiền Tuyến (Triều Tiên)<br />
• Nam chinh, Bắc chiến<br />
• Hươu và Sói (phim hoạt hình)<br />
• Khu rừng miền nam Liên Xô</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Phim Nam chinh, Bắc chiến của Trung Quốc nhưng cảm giác như nói với bọn mình. Quân giải phóng Trung Quốc cứ rút lui hết ngày này qua ngày khác để lừa địch, cuối cùng, đã đánh tan quân Tưởng. Ở đây bọn mình rút về chuẩn bị, địch tưởng ta sợ, nó đã giải truyền đơn thách đánh Điện Biên. Chúng mày cứ chờ đấy! Bài học là tuyệt đối tin tưởng ở tổng quân ủy và tổng tư lệnh ..</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><em><strong><span style="font-family: Arial;">04/03/1954-05/03/1954</span></strong></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đơn vị lại được diều ra sửa quãng dốc 15,800. Mệt nhoài mấy hôm nay nhưng lính vẫn làm hăng ra trò. Gần ba tiếng đồng hồ được 100 mét khối. Đã chuẩn bị ra trận địa nhưng lại có lệnh hoãn. Đêm ngày 4, mấy thằng biệt kích vào quấy khu vực C35, bắn bị thương đồng chí anh nuôi. Sáng hôm sau, chuyển đến vị trí mới, lại công sự. Chiều đi lấy gạo, anh em mệt nhiều, khó khăn triền miên, nhưng vẫn khắc phục được hết. Tối họp chi ủy đến 10h đêm, nhận định tình hình đơn vị, sắp xếp lại tổ chức, sẵn sàng cho nhiệm vụ mới. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><em><strong><span style="font-family: Arial;">06/03/1954</span></strong></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Hành quân ra trận địa. Trời tối như mực, đi trong rừng lại càng mù mịt hơn. Chỉ nghe tiếng chân người trước mà đi. Lính va vào cây cối, sứt mày sứt mũi, đút liên lạc từng lúc. Pháo địch liên tục tập kích vào đường đi. Có cảm tưởng như vượt qua tử địa. Rồi pháo nó chuyển làn và bắn từng đợt, 10 phút một. Mình cũng tính theo nhịp để cho bộ đội vượt. Cuối cùng, qua hết an toàn. Ngù gà ngủ gật trong long khe cạn đến sáng. Lại tiếp tục đi.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><em><strong><span style="font-family: Arial;">07/03/1954 </span></strong></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ra đến trận địa lúc 11h. Đi xem chỗ đặt súng mà gục đầu ngủ quên mất một lúc. Lính đi suốt đêm, mắt cũng díp lại nhưng vẫn phải nhanh tay đào công sự. Đã thành tập quán rồi. Bom pháo địch nó có chừa lúc mình mệt mà thôi bắn đâu. Đất khá rắn, đào đến chiều, chưa ngập đến đùi.Chập tối, lại có lệnh chuyển, không thắc mắc gì, cơ động linh hoạt mà! Mình và cậu Nhỡ (liên lạc viên đại đội) ngủ trong hầm, anh em đi quên gọi. Sáng dậy, vội đuổi theo một lúc thì kịp. Đơn vị đi lúc 3h sáng, 6h bọn mình đuổi kịp, tính ra mới đi được hơn 1 cây số. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><em><strong><span style="font-family: Arial;">08/03/1954</span></strong></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tới trận địa mới, lại công sự. Đá nhiều, rất khó ‘nhai.’ Hì hục nậy từng tảng một như hôm làm đường. Mình đi kiểm tra công sự về thì gặp mấy cậu trinh sát đang về đại đoàn. Bên kia, dơn vị bạn cũng đẵn cây lốp cốp. Chỗ nào cũng công sự. Máy bay Hendivơ nhào lên nhào xuống trinh sát,thị uy. Mai kia cao xạ chúng tao xuất trận thì lại chuồn tít lên mây. Chỉ là lũ hổ giấy.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đâu đâu cũng rộn ràng chuẩn bị tác chiến. Mình cũng thấy nôn nao, chờ đợi giờ nổ súng. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><em><strong><span style="font-family: Arial;">10/03/1954</span></strong></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Mấy hôm nay, lính ta công sự liên miên. Hầm ăn ngủ chu toàn rồi, tha hồi cho pháo địch làm trò, cứ yên chí ngáy khò. Giao thông hào được đào chằng chịt, trung đoàn này qua trung đoàn khác, có hầm nhà bếp, có hầm nhà tiêu. Bếp kì này cũng đào sâu 2-3 mét, nắp dầy chống được đạn pháo. Chiến dịch này quân ta tiến vọt về công sự, chẳng kém gì Thượng Cam Lĩnh ở Triều Tiên. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Chỉ nghĩ đến những quả núi quả nước đốc ngược, những dãy đồi rừng trùng điệp xung quanh Điện Biên mà bây giờ đâu đâu cũng có hào, có hầm hố. Nào đường hào lên tiền tuyến, về trung tuyến, hào trục, hào nhánh ngang dọc cánh đồng đủ thây sức mạnh vĩ đại của chúng ta. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tối nay tiếp tục đào hào sang C38, vẫn đá nhiều. 9h tối cho bộ đội nghỉ. Ngoài kia tiểu liên và cối nổ nhiều, có lẽ đơn vị bạn chạm địch. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><em><strong><span style="font-family: Arial;">11/03/1954 – 16/03/1954</span></strong></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đi làm trận địa xuất phát tấn công, chỉ cách địch vài trăm mét. Từ tối thứ ba trở đi càng gay go ác liệt vì đã lộ. Hôm đầu và hôm thứ hai cán bộ đi trinh sát dều chạm địch. Đến hôm thứ ba (13/03) đơn vị bạn tiêu diệt Hin Lam. Ngày 14, ta diệt đồi Độc Lập. Bọn mình có bộ phận nghi binh đồi C. Địch tưởng ta tấn công, nên pháo chúng dội vào chúng mình gần 1 tiếng đồng hồ. Trận pháo ấy đại dội mình không mất ai. Nhưng hôm sau, vừa triển khai đào công sự thì bị một quả cối 120 li rơi xuống đội hình của một tiểu đội. Mai, Phong, Tọa, Ninh hi sinh, bốn đồng chí bị thương. Một không khí đau thương, căm hờn trong đơn vị, nhưng cũng xuất hiện tư tưởng ngại đi đào hào ở một vài chiến sĩ. Anh em cho là hi sinh lúc chiến đấu, vinh quang hơn là hi sinh khi đi đào hào. Các đảng viên phải đi sâu xát, động viên cho anh em thấy được tốn mồ hôi xương máu lúc đào hào một phần thì sẽ đỡ tốn xương máu lúc chiến đấu 10 phần. Nhưng cán bộ chúng mình cũng phải tìm biện pháp giảm thương vong, cho bện các con cúi bằng rơm và bó các cây trúc thành bó lớn để chống đạn bắn thẳng và mảnh pháo. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><em><strong><span style="font-family: Arial;"><br />
18/03/1954 – 20/03/1954</span></strong></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Chuyển sang làm giao thông hào trục. Lệnh Đại tướng phải xong trong ba ngày. Động viên khen thưởng như một trận đánh lớn. Qua học thư Đại tướng về vấn đề công sự, anh em đã hiểu hệ thống hào của ta sẽ cắt dứt cuống họng của địch, là đường hàng không, thế phòng ngự địch sẽ rối loạn. Ta có thể vào sát địch, hạn chế được phi pháo, phát huy được hỏa lực bắn gần.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><em><strong><span style="font-family: Arial;">21/03/1954</span></strong></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Thế là đã xong, các đường hào ngang dọc khắp nơi và như những con trăn khổng lồ bò vào vị trí địch. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Mình được trung đoàn trưởng Vũ Lăng gọi lên giao nhiệm vụ sử dụng phóng lôi vì biết mình học ở Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn về. Mình đem về phía sau bắn thử, thấy đúng như tính toán. Thế là ông Lăng giao cho mình chỉ huy toàn bộ súng cối 60li của trung đoàn bắn phóng lôi để mở hàng rào C1.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><em><strong><span style="font-family: Arial;">30/03/1954</span></strong></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đợt hai tấn công vào khu Đông bắt đầu. Tiểu đoàn mình chuẩn bị hơi gấp vì một số cán bộ mới đi họp ở đại đoàn về. Tiểu đoàn có nhiểm vụ đánh chiếm C1 do một đại đội Âu Phi chiếm giữ. Đồn địch có bảy lớp hàng rào dây thép gai, chiều sâu khoản 50 mét. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
9h sáng, rời vị trí trú quân, 12h tới trận địa, 15h, chiếm lĩnh xong, yên ổn cả. Trên miệng hào giao thông đều phủ rơm che mắt địch nên hàng ngàn quân đi dưới hào mà địch vẫn mù tịt. Càng thấy tác dụng của các đường hào.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Trung đoàn tập trung mười hai khẩu cối 60li cho mình. Mình tổ chức đội hình hai hàng dọc zic-zắc cách nhau mười mét một để bảo đảm phóng lôi rơi xuống toàn bộ đoạn rào cửa dột phá một lúc. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
17h kém 5 phút, pháo binh 105li của ta khai hỏa, khói lửa ngút trời trong các vị trí địch. Hỏa lực của trung đoàn cũng đã nổ súng. Phóng lôi của mình cũng được bắn lên đồng loạt và lừng lững lao xuống như những trái bom, phá tan hoang hàng rào, mở được đột phá khẩu rộng thênh thang, 4-5m. Xung kích ào lên, chỉ năm phút đã chiếm xong lô cốt đầu cầu. Bốn mươi lăm phút chiếm xong C1. Ngay lúc đó, Đại tướng đã điện tặng thưởng huân chương Quân công hạng 3 cho tiểu đoàn vì hoàn thành nhiệm vị gọn và nhanh nhất mặt trận. <br />
Mình cũng vui và tự hào, đã góp phần rút ngắn thời gian mở đột phá khẩu, tiết kiệm xương máu, không phải dùng đến một bộc phá viên nào.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><em><strong><span style="font-family: Arial;">31/03/1954</span></strong></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Sáng, địch dùng hai tiểu đoàn dù, bắt đầu phản kích dữ dội, hòng chiếm lại C1. Pháo 105, cối 120li của địch bắn liên hồi vào C1 và cửa đột phá, hầm rung chuyển suốt đêm. Tiểu đoàn kết hợp đơn vị bạn tăng cường đánh phản kích dưới làn mưa đạn pháo và súng phun lửa của địch. Đôi bên đánh giáp lá cà, chiến sĩ súng cối dùng cả lựu đạn chiến đấu. Bảy lần phản kích cùa địch bị ta đánh lui và thiệt hại nặng nề. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Sau đó, tiểu đoàn bàn giao cho đơn vị bạn trở về vị trí tập kết. Đại đội mình mất hơn một chục đồng chí thương vong. Cứ và Phúc (trung đội trưởng và phótrung đội bazôka); Ngọ (trung đội trường đại liên)- những cán bộ trẻ măng, vui nhộn không còn nữa. Trước đây, có lúc mình phê bình Ngọ vì tác phong lề mề, nhưng khi chiến đấu thì cậu ấy rất nhanh nhẹn và dũng cảm. Hôm trước, Ngọ tâm sự, còn cho mình xem ảnh một cô gái trẻ, có lẽ là người yêu. Ngọ là dân nghèo thành thị ở ngoài thành Hà Nội. Hậu, chính trị viên đại đội cũng bị thương nặng. Đại đội 35 cũng bị thiệt hại nhiều thi đánh tiếp sang C2.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span></span><em><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">16/04/1954</span></span><br />
</strong></em></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Sau đợt hai, trung đoàn tổ chức lại các trận địa thành từng cụm: DKZ, đại liên, cối. Ban chỉ huy đại đội chúng mình cũng chia ra: Ngạch về C34, Thao về C35. Mình về C56 như về nhà vì là đơn vị cũ của mình trước khi đi chiến dịch. Anh em biết nhau từ lâu, qua nhiều chiến dịch nên vui vẻ hồ hởi.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><em><strong><span style="font-family: Arial;">17/04/1954 – 19/04/1954</span></strong></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Làm trận địa suất phát xung phong vào C2 cho trung đoàn. Đầu đoạn hào chỉ cách đồn khoảng 50 mét. Cối 60li, súng phóng lựu địch bắn ra chiến hào không ngớt. Pháo 105 và cối 120li địch bắn chặn đường ra vào ngày đêm. Không đêm nào không có thương vong. Tâm lý ngại đi đào hào lại suất hiện trong một số anh em. Mình hội ý với Thành, Trường và các tổ đảng, ổn định tư tưởng anh em, và đem kinh nghiệm đào hào dùng bó trúc và cúi rơm che chắn mảnh đạn ra thực hiện. Mình và Thụ (trung đội trưởng) có hôm trực tiếp lên đầu hào giáp địch để tìm cách đối phó với hỏa lực địch và cũng để anh em yên tâm đào hào. Chiến hào vào C2 được hoàn thành với xương máu của nhiều đồng chí trong đơn vị mình. Chè bị thương, Thê và một số anh em hi sinh, gần một phần ba đơn vị bị thương nhẹ và nặng trong đợt đào hào này. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><em><strong><span style="font-family: Arial;">20/04/1954</span></strong></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Mình được giao nhiệm vụ lên C1 chỉ huy hỏa lực, cối, DK, đại liên. Lúc này địch chiếm giử nửa quả đồi, từ cột cờ về phía Tây, còn ta về phía Đông. Hai bên chỉ cách nhau 10 mét, giữa có dây thép gai. Hầm hố quân ta trên này cũng cố khá tốt. Các ván hòm đồ hộp được lấy làm nắp hầm và làm cả giường ngủ nữa. Đường hào cũng đã được đào sâu hơn từng đoạn có hàm ếch. Đường về hậu cứ vẫn gay go vì phải đi qua đột phá khẩu cũ, pháo địch bắn nát. Bốc đất chỗ nào cũng có gang thép. Chỉ thị trên là phải cho bộ đội được ăn cơm nóng, canh nóng. Nên việc mang cơm vượt qua đột phá khẩu lên đồi cũng là qua cửa tử. Chính ở đây bọn mình đã mất đồng chí Nghé, chiến sĩ anh nuôi, người Nghệ An đã đứng tuổi rất cần cù, chịu khó. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Chiều hôm ấy, chờ mãi không thấy cơm đem lên, hôm sau ra thì thấy xoong chảo của đơn vị tung tóe nên mới biết đồng chí hi sinh mà không tìm thấy xác.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ở C1, giáp địch nên không sợ pháo lớn và cối 120li, chỉ đề phòng cối nhỏ và phóng lựu. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đêm đêm, địch thả dù lương thực, thực phẩm. Có lần, mấy chục chiếc dù lạc sang phía đơn vị mình. Thôi thì đủ thứ: đồ hộp, thuốc men, hành tây, đậu xanh, đường, v.v. Chiến lợi phẩm đều nộp lên đại đoàn, nhưng những hòm đổ vỡ thường cho phép anh em sử dụng. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Mình còn nhớ hôm trung đoàn trưởng ra kiểm tra bố phòng trận địa, anh em phải tổng vệ sinh chiến hào vì giấy kẹo vứt trắng xóa,Ông Vũ Lăng là trung đoàn trưởng mà ra sát địch thế này làm anh em rất khí thế,tin tưởng. Khi làm việc xong, vào hầm chỉ huy đai đội, ông Vũ Lăng còn đùa: “Này, có gì thì đem ra chiêu đãi đi.” Bọn mình moi ở gầm sạp ra mấy hộp cát-cút mời trung đoàn trưởng bánh kẹo, rượu Rhum. Sợ ông ấy cho là lấy nhiều chiến lợi phẩm, bọn mình nói đây là những cái của hòm bị vỡ, trên cho mỗi </span></span><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">người hai hộp. Ông cười khà khà: “Các cậu là ghê lắm!” Nghe nói trung đoàn trưởng rất nóng tính nhưng ông rất thông cảm với lính sát địch, không biết sống chết lúc nào. <br />
<br />
</span><em><strong><span style="font-family: Arial;">21/04/1954</span></strong></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Có lệnh gọi mình lên gặp trung đoàn trưởng. Tưởng có chuyện gì, hóa ra là chuyện phóng lôi. Ông Lăng bắt tay mình rồi nói: “Hôm trước vous bắn khá lắm, vào đây!” Rồi ông mang thuốc lá đồ hộp ra mời mình. Sau đó ông giao nhiệm vụ cho mình sang huấn luyện và truyền đạt kinh nghiệm bắn phóng lôi cho P8 (tiểu đoàn 938). Huấn luyện cho anh em hết buổi chiều,</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><em><strong><span style="font-family: Arial;">01/05/1954</span></strong></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Hôm nay ngày Quốc tế Lao động và ngày kỉ niệm ba năm thành lập đại đoàn. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Trung đoàn mở đợt tấn công C1 lần 2. Đúng 17h 27 phút, hỏa lực trung đoàn của bọn mình bắn dồn dập vào trận địa địch trên C1. Sơn pháo 75li cùa ta trên đồi D bên cạnh tiêu diệt các lô cốt địch rất chính xác. Sau một giờ chiến đấu, ta đã chiếm lại C1. Quang (đại đội trưởng trinh sát), thằng bạn thân , (con quan tuần phủ),đã hy sinh trong trận này.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span></span><em><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">06/05/1954 – 07/05/1954</span></span><br />
</strong></em></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tiếp tục công kích đợt ba. Trung đoàn có nhiệm vụ tiêu diệt C2, cùng trung đoàn 174 diệt A1, hoàn toàn làm chủ khu Đông. Được phổ biến là lấy tiếng nổ của 1000kg bộc phá nổ ở đồi A1 làm hiệu lệnh tấn công. Nhưng chỉ nghe thấy một tiếng ‘ục’rung lòng đất. Thế là bọn mình trút mưa pháo cối xuống C2. Lần này phối hợp rất đẹp. Mất C2, thì Mường Thanh nằm trực tiếp dưới tầm bắn cùa DKZ và cối ta nên địch từ Mường Thanh cố sống cố chết phản kích. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đến 9h ngày 07/05, sau khi đập tan đợt phản kích cuối cùng, ta chiếm xong C2, bắt sống toàn bộ ban chỉ huy khu Đông và BCH hai tiểu đoàn cùng hàng chục sĩ quan và bốn trăm tên địch. Khu Đông toàn thắng, ta đã cưỡi trên đầu thù. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Trận này, mình lại mất thêm một thằng bạn. Ngạch (đã sang làm đại đội trưởng C35) bất ngờ bị một quà lựu đạn, hy sinh trước giờ toàn thắng chỉ vài tiếng. Ngạch cùng học lục quân khóa 6, cùng một trung đội học viên với mình. Người to béo, cục mịch, mình cứ hay đùa là ‘gà tồ.’ Hôm nào Ngạch còn nói đùa: “Chúng mình xương đồng, da sắt. Chẳng bom đạn nào làm gì được.” Thế mà đau xót quá, Ngạch ơi, anh bạn quê Quang Khải – Tứ Kì ơi!</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
15h 35 07/05, từng loạt đạn họa tiễn H6 của ta nã dữ dội vào Mường Thanh. Đạn bay ào ào như gió bão qua đầu bọn mình, phấn chấn không tả xiết. Từ thuở súng kíp, gậy tre, đến bây giờ hỏa tiễn của ta đang dập nát đầu kẻ địch. Lũ giặc cướp nước, chúng mày đừng hòng thống trị nước ta một lần nữa. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Quá trưa mấy Hen đi vơ lồng lộn bị ta bắn,2 chiếc bốc cháy rơi xuống gần trận địa mình.Nhưng một quả bom tạ rơi vào một khẩu đội,4 đồng chí bị vùi lấp.Đào đến 7g tối mới lấy đươc xác anh em.Các cậu Bồi, Bặc, 2 chiến sĩ đã cùng chiến đấu với mình từ chiến dịch địch hậu Bắc ninh,cùng nằm hầm bí mật rồi bơi qua sông Đuống về Bè Khê,qua bao đồn bốt giặc về đến Phổng vẹn toàn. Những chàng trai Tứ Kỳ dũng cảm, tháo vát đã hy sinh trước lúc địch đầu hàng vài giờ.Đau đớn quá,mất bao nhiêu người con ưu tú của đơn vị. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
5 giờ 30 chiều, địch ở Điên Biên Phủ đầu hàng.Từ phía C2 ,địch lũ lượt đi xuống cánh đồng như một con trăn đuôi dài vô tận.Trên tay đứa nào cũng cầm cờ trắng bằng vải dù. Bọn sĩ quan thì cúi gầm,lính thì hớn hớ.Một lính ngụy nói với mình:”Chúng em thoát được lò sát sinh,ra đây như chim sổ lồng”.Còn một sĩ quan Pháp gọi ngay mình là “camarade” và nói: “Finie la guerre,je suis très heureux .” Dòng tù binh chảy xuống cánh đồng như đi chảy hội.Từ khắp các đường hào trên đồi,dưới ruộng ,lính ta hiện lên như những thiên thần.Gần 2 tháng nằm trong lòng đất,hầm hào bùn lầy,nay đàng hoàng,bình thản ngắm đất trời ĐIỆN BIÊN,hít thở không khí thoáng đãng trên cánh dồng mênh mông.Bao nhiêu hy sinh,bao nhiêu gian khổ để có ngày toàn thắng hôm nay.Bao nhiêu đồng chí,đồng đội, bạn bè thân thiết không còn nữa. Cứ,Ngọ,Ngạch,Quang,Bồi,Bặc,Dừa,Phúc…không còn được thấy giờ phút vinh quang này.Bọn mình,những người còn sống sẽ mãi mãi ghi nhớ công lao của các đồng chí,những người con yêu quý của Tổ quốc đã ngã xuống cho thắng lợi của chiến dịch lịch sử vĩ đại này. <br />
Sắp tối rồi mà dòng tù binh vẫn như nước chảy,đầu ở chân núi Khe Chít xa xa mà đuôi còn vắt sang bên kia đồi Châu Ún (C2).</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><em><strong><span style="font-family: Arial;">08/5/1954-18/5/1954</span></strong></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Về thăm bản Mé, nơi đại đội đóng quân mấy tháng khi trung đoàn tiến vào Diện biên tháng 12/1952 trong chiến dịch Tây Bắc. Bà con người Thái vẫn nhớ bọn mình,đón mừng, xoa tay xoa lưng rất cảm động.Các em nhỏ thì xoắn xít gọi mình: “Bộ đội Tuấn,bộ đội Tuấn.” Các cô gái Me Moon, Me Ụa vẫn còn nhưng bọn Pháp đã phá hoại đời con gái của Moon,cô gái xinh nhất bản. Ụa chạy dược vào rừng nên thoát.Vui với cả bản cho đến chiều.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đại đội mình vào đóng tại sân bay để thu dọn chiến trường và trao trả thương binh địch.Vũ khí,dù dưới kho ẩm ướt phải đem lên phơi và kiểm kê,quản lý. Một số dân công đi qua thấy dù phơi nhiều vào xin.Mình thấy họ cũng chịu đựng gian khổ,ác liệt,góp phần làm nên chiến thắng nên xin chỉ thị trên tặng mỗi người vài mét dù và chục mét giây dù đan võng.Gọi là có chút quà kỷ niệm Điện Biên Phủ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> <br />
Trở về thành lâp lại C36.Mình là đại đội trưởng kiêm chính trị viên.Khi vào chiến dịch ban chỉ huy 4 người,nay chỉ còn mình.Ngạch hy sinh,Hậu bị thương nặng,Thao cũng bị thương phải về hậu tuyến.Lính cũ còn độ 1/3 nhưng đều qua thử lửa Điên Biên. Một số trở thành cán bộ tiểu đội, trung đội.Bắt tay vào củng cố tổ chức lại các trung đội, tiểu đội.Tạm ổn.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Chiều 18/5 lên trung đoàn họp sơ bộ về tổng kết chiến dịch.Cán bộ găp nhau,hỏi nhau ai còn,ai mất,mừng vui,buồn đau ,thương nhớ xen lẫn .Mình cũng biết thêm nhiều tình tiết các trận đánh và trường hợp các bạn bè hy sinh.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><em><strong><span style="font-family: Arial;">19/5/1954-25/5/1954</span></strong></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Sinh nhật Bác. Kỳ đài đài làm toàn bằng dù. Nhân dân,dân công, bộ đội tâp trung gần Cò Mỵ. Xe tăng (lấy của địch) kết hoa treo ảnh Bác tiến vào sân mít tinh,tiếng hoan hô vang dậy, pháo hiệu bay rực trời chào mừng Bác. Không có Bác, Đảng sao có ngày hôm nay. Học tập đạo đức của Người, phải gắng lên làm tròn mọi nhiệm vụ. “Con đường Cách mạng gian truân,dù chogian khổ muôn phần không lui.” Sau mit tinh, văn công biểu diễn và chiếu phim. Mấy ngày sau, trung đoàn cùng hàng trăm tù binh đóng lại một vài trận để quay him. Mình cũng có một cảnh ngồi trên xe tăng lúc diễu hành.Chắc sau này xem phim NT sẽ tự hào có người thân ngồi trên xe chiến thắng. Văn công ở gần, NT đươc phân công thăm đơn vị khác. Mấy em bé Nga, Nghĩa về thăm bọn mình, bùi ngùi khi biết một số không còn nữa. Các em mới 12,13 tuổi mà đã xa gia đình vào Văn công quân đội. Bao giờ đất nước độc lập, giải phóng hoàn toàn để các em được vui chơi, học hành. Phải tiếp tục chiến đấu để cho ngày ấy gần lại. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: right;"><em><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Trích Nhật ký </span></span><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Đại tá Lê Quang Tuấn- nguyên Đại đội trưởng Đại đội 36, Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 trong Chiến dịch Điện Biên.</span></span></em><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> </span></span></div> </html>