<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>New Page 2</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span class="text16b" id="lbHeadline">“Phép màu” của anh công nhân nghèo</span></font></b></p>
<div style="float: left; width: 145px; height: 209px">
<table border="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="phep%20mau%20cua%20anh%20cong%20nhan%20ngheo.bmp" width="135" height="180"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><font color="#808080">
<span id="AvatarDesc" style="font-size: 10pt; font-style: italic; font-family: Arial">
Anh Lương Xuân Việt bên công cụ bơm mủ cao su tự chế</span></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<font face="Arial" size="2"><span class="indexstorytext">Những công nhân mồ hôi
nhễ nhại, mệt "ná thở" nhưng vẫn phải gồng mình chuyển từng thùng mủ cao su họ
vừa cạo được lên bồn chứa cao gần 3m. Thi thoảng, có tiếng kêu ré lên vì bị mủ
rớt xuống áo quần, tóc tai, vì phải rướn quá cao mất thăng bằng hoặc vì thùng mủ
đứt quai nện trúng người đau điếng... </span></font>
<span class="indexstorytext" id="lbBody">
<p><font face="Arial" size="2">Những hình ảnh đó cứ tái hiện trong cuộc sống
thường nhật khiến anh công nhân Lương Xuân Việt (28 tuổi, thuộc Nông trường cao
su Nhà Nai, Công ty cao su Phước Hòa, tỉnh Bình Dương) luôn trăn trở. Việt thổ
lộ: "Thường xuyên chuyển mủ theo lối dựa vào 100% sức người như vậy nên ngay cả
những thanh niên mạnh khỏe cũng bị chứng đau lưng nặng!". </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Có người mẹ suốt đời gắn bó với công việc cạo mủ,
bản thân anh cũng "dính" chặt nghề này đã 10 năm liền, hơn ai hết, Việt thấu
hiểu nỗi vất vả cực nhọc của người công nhân cao su. Thế nên, trong nhiều năm,
chàng trai này luôn mơ về một "phép mầu" có thể giúp công nhân đưa mủ lên bồn
chứa một cách thuận tiện ngay trong những khu rừng cao su bạt ngàn điện không
đến được. Một ngày nọ, Việt tình cờ nhìn thấy người sửa xe thử lại động cơ honda
trước khi giao cho khách. Những âm thanh vang dội cùng những guồng quay mạnh mẽ,
liên tục bỗng gây cho Việt cảm giác hồi hộp khó tả vì nảy ra ý tưởng làm sao ráp
nối với chiếc máy bơm nước để dùng máy bơm và công suất xe gắn máy để làm ra
chiếc máy bơm mủ cao su. Từ đó sau giờ làm, Việt lại đem chiếc xe máy cũ của gia
đình đưa ra làm... thí nghiệm. Anh thử tới thử lui, rồi tranh thủ hỏi thăm kinh
nghiệm từ các bác sửa xe. Hằng tháng, Việt phải "ngắt" ra một số tiền từ khoản
lương khiêm tốn để dành cho việc chế tạo... Tuy nhiên, hai năm trôi qua, "phép
mầu" vẫn chưa chịu xuất hiện. Mọi người bắt đầu bàn ra tán vào vì trong gia
đình, Việt là con cả, anh còn cáng đáng hai người em bị bại liệt và tâm thần
cùng vợ con của mình. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Trong khi đang bế tắc thì "vị cứu tinh" của Việt
xuất hiện. Đó là anh Lê Bá Tĩnh - Bí thư chi đoàn 1 (Nông trường cao su Nhà Nai
- Công ty cao su Phước Hòa, Bình Dương). Người bí thư chi đoàn này đã ra sức
động viên và giao kèo với Việt là sẽ hỗ trợ 1,6 triệu đồng để Việt nghiên cứu
"cú chót". Nếu công trình thất bại thì mỗi người (anh Việt, anh Tĩnh) chịu 800
ngàn đồng, còn thành công thì sản xuất đại trà phục vụ công ty. Tháng 10.2005,
anh công nhân trình độ chưa qua hết lớp 9 bổ túc Lương Xuân Việt đã "trình làng"
thành công giải pháp "Sử dụng động cơ xe mô tô để bơm mủ và các chất lỏng khác
trong điều kiện không có điện" tại một vườn cao su. Theo nhận xét của những
người trong nghề, thiết bị này dễ lắp đặt, dễ sử dụng, giúp tiết kiệm đáng kể
thời gian và sức lực của công nhân. Sau khi ứng dụng khá hiệu quả hai thiết bị
bơm mủ trên tại Nông trường cao su Nhà Nai, đích thân Giám đốc Công ty cao su
Phước Hòa đã đến thăm và thưởng "nóng" 5 triệu đồng. Công trình này cũng đã đoạt
được giải khuyến khích trong hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Dương năm 2006.</font></p>
<p align="right"><b><i><font face="Arial" size="2">Theo Thanh Niên</font></i></b></p>
</span>
</body>
</html>