<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><strong>Hồ Chí Minh là người có sự kiên nhẫn khổng lồ, đó là cội nguồn của tất cả sự sáng suốt và sự đúng đắn của Người.</strong></p>
<div style="clear: both; text-align: justify;">Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trò chuyện với Báo điện tử Chính phủ nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2015).</div>
<p style="text-align:justify"><em>Trong lịch sử hiện đại, Hồ Chí Minh là một người đặc biệt trong số các vị lãnh tụ cách mạng trên thế giới. Những người yêu chuộng tự do, hòa bình đều gọi Hồ Chí Minh là Bác Hồ. Bác đã hoàn thành sự nghiệp của mình, cũng chính là sự nghiệp của dân tộc Việt Nam và sự nghiệp của loài người tiến bộ. Hồ Chí Minh đã ra đi nhưng Người không trở thành một kỷ niệm của quá khứ mà sống mãi cùng với dân tộc. Xin ông phân tích về những ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lịch sử dân tộc Việt Nam?</em></p>
<p style="text-align:justify"><strong>Ông Nguyễn Trần Bạt:</strong> Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người yêu nước, một người hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Sự hiểu biết của Bác về thế giới, về những vấn đề của Việt Nam là rất rộng lớn, rất sâu sắc và rất cụ thể. Với tư cách là người tiên phong trong con đường đi tìm cách thức giành lại độc lập dân tộc, giải phóng người dân Việt Nam, Hồ Chí Minh tiếp cận với tất cả các trào lưu chính trị tiên tiến của thời đại ông. Bác đã tìm rất trúng, sử dụng rất đúng và có những thành tựu rất thực tế.</p>
<p style="text-align:justify">Độc lập dân tộc mà chúng ta có bây giờ là kết quả của sự đúng đắn của các tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề độc lập dân tộc. Khi nghiên cứu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, nghiên cứu lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta thấy rất rõ điều ấy. Bác đi tìm độc lập dân tộc và đi tìm sự thống nhất đất nước bắt đầu bằng hoạt động tìm ra khuynh hướng chính trị phù hợp. Chủ nghĩa cộng sản vào thời Người tìm thấy là cách đúng nhất. Hiện nay nhiều người nói nếu mà không phải chủ nghĩa cộng sản thì tốt hơn, đấy là cách quan niệm sau khi đã ăn “bữa cỗ” độc lập dân tộc. Người ta ăn cỗ rồi mới bảo nếu như có món này thì ngon hơn món kia. Nói vậy nhưng để có được bữa cỗ độc lập dân tộc ấy Hồ Chí Minh buộc phải bươn trải. Người đã lựa chọn khuynh hướng chính trị, thực hiện nhiệm vụ chính trị một cách cực kỳ chính xác.</p>
<p style="text-align:justify">Vào những năm đầu của thế kỷ 20, chủ nghĩa cộng sản là một khuynh hướng chính trị có ưu thế không thể chối cãi được và Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cho dân tộc. Tuy nhiên nếu chỉ nhìn thấy chủ nghĩa cộng sản như yếu tố duy nhất trong các phương thức mà Hồ Chí Minh sử dụng để tìm kiếm độc lập dân tộc và giải phóng cho người dân Việt Nam thì chúng ta sẽ sai. Hồ Chí Minh còn dùng nhiều phương pháp khác. Vào thời điểm chúng ta tìm lại được độc lập dân tộc là thời điểm tình hình chính trị thế giới rất khốc liệt, đó là những năm cuối của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Thế giới vừa tổ chức kỷ niệm kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai ở London, ở Paris, ở Moscow và nhiều nơi trên thế giới. Hồ Chí Minh phải tìm cách sử dụng động lực của chủ nghĩa cộng sản để tìm kiếm độc lập dân tộc cho Việt Nam, nhưng phải làm thế nào để việc đó vẫn nằm trong trào lưu của đời sống chính trị thời kỳ cuối chiến tranh thế giới thứ hai, tức là phải đứng về phía đồng minh. Để đứng về phía đồng minh, Hồ Chí Minh phân tích rất rõ vai trò của nước Nga Xô Viết trong cấu thành đồng minh ấy, đặc biệt là với cả khu vực này, khu vực có một trong những đại diện rất mạnh của châu Á tham gia vào cuộc chiến tranh với tư cách là kẻ gây chiến, đó là Nhật Bản.</p>
<p style="text-align:justify">Sự phân tích của Hồ Chí Minh về tình hình thế giới và sự lựa chọn của Người đối với các phương thức chính trị, các tuyến chính trị để thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc, tìm kiếm độc lập dân tộc là vô cùng chính xác. Tất cả những sự phê phán sau này đều xuất phát từ chỗ không hiểu lịch sử. Cách thức của Bác rất kỳ lạ. Mới chân ướt chân ráo đến Nga một thời gian ngắn, Bác tìm cách về nước. Người quan niệm muốn giải phóng đất nước, thống nhất đất nước thì trước hết phải thống nhất chính trị, nên vấn đề đầu tiên mà Người chú ý là thống nhất ba tổ chức cộng sản lúc đó là biểu hiện đặc trưng của sự phân chia, sự chia cắt đất nước. Vì Việt Nam là một dân tộc bất trị đối với bất kỳ đế quốc nào, nếu không chia cắt ra thì người ta không thể cai trị Việt Nam dễ dàng. Để chống lại sự chia cắt, để thống nhất lại đất nước của mình, Hồ Chí Minh quan niệm rằng trước hết phải thống nhất chính trị, Người đã tiến hành thống nhất ba tổ chức cộng sản của ba kỳ.</p>
<p style="text-align:justify">Tôi rất ngạc nhiên trước sự chính xác của các tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình tạo ra sự nghiệp chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người hiểu đất nước, hiểu chế độ thực dân, hiểu cái yếu của người Việt, nên đã đưa ra những đối sách cực kỳ chính xác. Thống nhất các tổ chức đảng cộng sản ở ba miền tức là thống nhất chính trị đất nước và thống nhất chính trị là điểm khởi đầu của sự thống nhất lãnh thổ, thống nhất nhà nước. Kết quả là chúng ta thấy Người đã làm một cuộc cách mạng rất nhẹ nhàng và ngoạn mục để có được độc lập dân tộc.</p>
<p style="text-align:justify">Tuy nhiên, đế quốc mà chúng ta phải đối đầu sau khi giành được độc lập lại là người Pháp, một trong những cánh rất sắc nét của phe đồng minh trong chiến tranh thế giới thứ hai. Họ là người thắng trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, họ có những ưu thế nào đó và ưu thế ấy không may lại được sử dụng để khôi phục lại chế độ thực dân ở Đông Dương. Cho nên chúng ta buộc phải kéo dài cuộc chiến tranh. Hồ Chí Minh trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã nói rất rõ về việc chúng ta đã nhân nhượng, chúng ta rất mềm dẻo nhưng họ vẫn lấn tới và chúng ta bắt buộc phải chiến tranh. Trong tất cả các đặc trưng chính trị mà Hồ Chí Minh có, thì sự mềm dẻo là đặc trưng lớn nhất, hễ còn cứu vãn được hòa bình thì Người vẫn còn tiếp tục mềm dẻo.</p>
<p style="text-align:justify">Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự vĩ đại có thật, sự vĩ đại mà bằng con mắt bình thường cũng có thể nhận thấy, là một thực tế không chối cãi được. Công lao của Người vĩ đại lắm, tất cả những gì chúng ta có là hệ quả của sự sáng suốt, sự đúng đắn của Người.</p>
<p style="text-align:justify"><em>Theo Hồ Chí Minh, để rời xa những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, để làm mực thước cho dân, người cán bộ, đảng viên nhất định phải thường xuyên tiến hành phê bình và tự phê bình. Song cũng theo Bác, phê bình và tự phê bình phải trên cơ sở “tình đồng chí” thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, làm cho điều thiện sinh sôi, điều ác thui chột. Đó không phải đập cho tơi bời, hả giận, đó chính là có lý, có tình, chân thành, thẳng thắn, là văn hóa Đảng, là bản chất tâm hồn và đạo đức dân tộc Việt Nam. Theo ông, đến nay toàn Đảng, toàn dân cần phải làm những gì để thực hiện lời dạy của Bác?</em></p>
<p style="text-align:justify"><strong>Ông Nguyễn Trần Bạt:</strong> Trước khi đặt vấn đề phê bình và tự phê bình thì chúng ta phải có hai kiến thức cơ bản. Thứ nhất là kiến thức về đoàn kết. Sức mạnh thật sự của người Việt trong tất cả các cuộc kháng chiến là đoàn kết. Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải đã thể hiện sự hòa giải chính trị thông qua những câu chuyện nổi tiếng trong lịch sử. Cha ông ta đã có những bằng chứng như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người kế tục sự nghiệp chính trị vĩ đại mà cha ông ta có để tìm kiếm độc lập và giữ gìn độc lập dân tộc. Nguồn gốc của mọi triết lý đúng đắn về việc xây dựng hệ thống tư tưởng của Hồ Chí Minh chính là đoàn kết và đại đoàn kết. Tôi cũng muốn kêu gọi tất cả những ai có vấn đề cần phải đoàn kết, nếu không biết đoàn kết và không thấy được sự đoàn kết như là động lực chính trị cơ bản để dẫn người Việt Nam đi từ thành tựu này đến thành tựu khác thì không thể tiến hành đối sách mà Đảng ta vẫn đang sử dụng là phê bình và tự phê bình. Phê bình và tự phê bình là hoạt động đặc thù của các quan hệ đồng chí, nó không phải là đấu tranh một mất một còn, nó cũng không phải là đấu tranh bằng mọi giá. Chân lý chỉ đến một cách có ích khi nào nó được thực hiện trong tinh thần vô cùng to lớn của Hồ Chí Minh là đoàn kết và đại đoàn kết.</p>
<p style="text-align:justify">Thứ hai, khi chúng ta khảo cứu khái niệm phê bình và tự phê bình là chúng ta phải khảo cứu khái niệm tu thân. Tu thân là một hoạt động đặc trưng cho mọi thứ văn hóa. Tất cả các khuynh hướng văn hóa trên thế giới này liên quan đến con người người ta đều sử dụng phương thức tự phê bình để tu thân. Tự phê bình là công cụ cơ bản để tu thân, và tu thân là công cụ để cấu tạo sự lành mạnh của xã hội, nền tảng đạo đức xã hội. Khi nào chúng ta hiểu được tinh thần đại đoàn kết là cơ sở thứ nhất, tu thân là cơ sở thứ hai thì chúng ta sẽ hiểu phê bình và tự phê bình là gì.</p>
<p style="text-align:justify">Trong câu hỏi bạn có đặt ra cho tôi khái niệm văn hóa Đảng. Giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, những công việc ấy đã tạo ra những vết quan trọng của văn hóa. Có thể mạnh dạn gọi đó là văn hóa yêu nước và văn hóa Đảng. Hay nói cách khác, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo ra một nền văn hóa chính trị.</p>
<p style="text-align:justify">Trong tất cả các cấu trúc nội hàm của khái niệm văn hóa chính trị Việt Nam thì phê bình và tự phê bình là một nội hàm lớn, nó trở thành động lực. Tất cả những gì tác động lên con người đều phải mềm, dùng những thứ thô cứng tác động lên con người đều không có hiệu quả. Tất cả những đổ vỡ có trong lịch sử chính trị của chúng ta đều gắn liền với những thứ thô cứng. Những gì tác động lên con người một cách mềm mại và từ tốn đều có giá trị và nó tạo ra các thành tựu có chất lượng lịch sử của người Việt. Phê bình và tự phê bình là một công cụ vạn năng để cấu trúc ra sự đúng đắn của con người.</p>
<p style="text-align:justify">Không được phép coi nhẹ và không được phép tảng lờ công cụ phê bình và tự phê bình. Xét về mặt cá nhân mỗi một Đảng viên đều phải tu thân bằng tự phê bình. Còn xét trên bình diện một Đảng, phê bình cộng với tự phê bình là công cụ chung để làm trong sáng một tổ chức. Phê bình và tự phê bình là công cụ phổ quát của nhân loại, không phải là công cụ riêng của những người cộng sản. Những người cộng sản chỉ sử dụng nó trong khuôn khổ tổ chức của mình để cấu tạo ra chất lượng chính trị của mình mà thôi.</p>
<p style="text-align:justify">Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến phê bình và tự phê bình rất sớm, từ năm 1947 trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”. Phê bình và tự phê bình được sử dụng như một công cụ có chất lượng động lực để sửa đổi chính trị, để đổi mới chính trị. Đừng nghĩ rèn luyện chính trị hay sửa đổi chính trị, đổi mới chính trị là cái gì ghê gớm. Nó bắt đầu bằng thái độ của mỗi con người đối với chính trị và đối với đối tượng của chính trị là dân chúng, đối với đối tượng của tiến bộ chính trị là phát triển. Thái độ của những người lãnh đạo về tất cả các đối tượng ấy đều phải nghiêm túc và hơn nữa là họ phải tự ngẫm. Khi nào chúng ta đề ra một chính sách tác động lên con người mà tự ta không yên tâm về nó thì chính sách ấy bao giờ cũng sai, “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” tức là cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Nếu không tuân thủ nguyên lý ấy thì mọi chính sách vĩ mô đều hỏng, chỉ đẹp khi nói, nhưng không có sức sống trên thực tế vì không được hoan nghênh.</p>
<p style="text-align:justify">Tôi không muốn ca ngợi một cách trực tiếp Hồ Chủ Tịch đối với vấn đề rất lớn là phê bình và tự phê bình, mà thông qua phân tích khía cạnh triết học của khái niệm này để nói rằng Hồ Chí Minh đúng đến cặn kẽ. Do đó có thể kết luận sức sống các phương pháp của Người và các tư tưởng của Người là một tất yếu.</p>
<p style="text-align:justify"><em>Vì sao trong thời điểm hiện nay và trong tương lai, chúng ta vẫn cần học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, thưa ông?</em></p>
<p style="text-align:justify"><strong>Ông Nguyễn Trần Bạt:</strong> Hồ Chí Minh là tiêu điểm của giai đoạn hiện đại của Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Những tư tưởng, những tinh thần của Hồ Chí Minh còn sống mãi.</p>
<p style="text-align:justify">Phân tích hệ quả chính trị của hiện tượng Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rằng Người còn đi theo chúng ta suốt. Phương pháp ấy là phương pháp không khác được đối với một nền chính trị vừa nhỏ bé vừa nghèo khổ vừa khó khăn. Chúng ta phải chịu đựng, phải phấn đấu để ra khỏi những khó khăn giai đoạn và cũng phải rèn luyện để đủ phẩm chất chịu đựng những khó khăn lâu dài. Dân tộc chúng ta có những khó khăn lâu dài không bao giờ thay đổi được, không bao giờ hết được. Chúng ta đành phải làm cho mình mạnh lên để có sức chịu đựng những khó khăn lâu dài ấy, không có cách nào khác. Trong tình thế ấy, sự khôn ngoan, sự sáng suốt, sự mềm dẻo là phẩm chất số một. Tất nhiên nếu không có sự dũng cảm, không có sự cương nghị, kiên quyết thì chúng ta bị bắt nạt. Người Việt chúng ta phải học sự kiên nhẫn. Một trong những con người chúng ta có thể học được điều ấy chính là Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là tấm gương khổng lồ về sự kiên nhẫn và sự kiên nhẫn đạt đến mức chính trị. Hồ Chí Minh là người có sự kiên nhẫn chính trị khổng lồ, đấy là cội nguồn của tất cả sự sáng suốt và sự đúng đắn của Người.</p>
<p style="text-align:justify"><em>Xin cảm ơn ông!</em></p>
<p style="text-align:right"><strong>PHƯƠNG LIÊN </strong>(<em>thực hiện</em>)</p>
<p style="text-align:right">Theo: Chinhphu.vn</p>
</body></html>