<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><strong>Đó là câu hỏi được đặt ra ngay từ đầu buổi hội thảo “Làm chủ ước mơ” tổ chức tại trường Đại học Kinh tế-Luật – ĐHQGTP.HCM vào sáng 23-5. Rất nhiều bạn sinh viên đưa ra lời giả cho câu hỏi trên nhưng tất cả đều xuất phát từ <em>thái độ tích cực</em>.</strong></p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p style="text-align: justify;"><strong>Tiềm năng người Việt trẻ</strong></p>
<p style="text-align: justify;">“Nếu có một vị trí số 1 ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam”-ông Lý Quang Diệu khẳng định khi đánh giá về tiềm năng của dân tộc ta. Người Việt trẻ không thua kém một người trẻ ở bất kì quốc gia nào. Thậm chí, chỉ số IQ, sự cần cù chăm chỉ, tinh thần ham học hỏi…còn rất cao. Đó là lý do mà Việt Nam có thể giành được những giải thưởng danh giá trên các sân chơi quốc tế.</p>
<p style="text-align: justify;">Tuy nhiên, liệu chúng ta đã khám phá hết tiềm năng trong chính con người mình? Câu trả lời là hầu hết là không.</p>
<p style="text-align: justify;">Lý giải cho điều này, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (<em>Giám đốc Trung tâmUNESCO-CEP</em>) nói: “Ai cũng có trong mình những ước mơ và khát khao. Dẫu vậy, không phải ai cũng dám thực hiện ước mơ đó, dám liều lĩnh đánh đổi để biến ước mơ thành hiện thực. Dám dấn thân đẩy mình vào những thử thách của cuộc sống”. Câu chuyện luân chuyển môi trường làm việc của chị sau 10 năm gắn bó với một công ty là ví dụ cụ thể. Khó khăn trong việc thích ứng môi trường xa lạ, đồng nghiệp mới mẻ, kiếm tiền ra sao. Chị vượt qua trên những khó khăn ban đầu bằng niềm tin. Chị luôn tin tưởng vào bản lĩnh và năng lực của chính mình, đó là chìa khóa thành công trong mọi môi trường. Công ty cũ dẫu rằng cho chị một công việc ổn định, mức lương khá cao nhưng không cho chị niềm vui. Với chị, niềm vui là khi được sống trọn với ước mơ của mình. “Những hoạt động xã hội giúp tác động tới nhận thức của mỗi người hãy nỗ lực cho một cuộc sống tốt đẹp. Đó là nền tảng phát triển một đất nước có năng lực cạnh tranh cao”-Chị đang dần dần dựng xây ước mơ đó của chính mình.</p>
<p style="text-align: justify;">Bạn Ngọc Trầm (<em>sinh viên trường Đại học Quốc tế-ĐHQGTP.HCM</em>) khó khăn trong việc thuyết phục ba mẹ. Bạn chia sẻ: “Sự bảo bọc của ba mẹ khiến cho mình rất sợ thất bại, không dám dấn thân vào ước mơ mà chỉ học theo ý muốn của ba mẹ”. Câu chuyện của bạn là câu chuyện của rất nhiều bạn trẻ khác-chị Quỳnh Anh khẳng định. Chính bản thân chị cũng vậy. Tuy nhiên, tuổi trẻ trôi qua rất vội. “Hãy dấn thân. Hãy chứng minh cho ba mẹ bạn thấy con đường thành công và niềm đam mê cháy bỏng trong bạn. Hãy cho ba mẹ bạn thấy bạn thật hạnh phúc khi sống thực với đam mê của mình”.</p>
<p style="text-align: justify;">“Cuộc sống thật vô vị nếu không sống với ước mơ của mình”-chị Mỹ Hạnh khẳng định. Ai cũng có trong mình một ước mơ. Dù cho đó là ước mơ giản đơn hay quá cầu kỳ. Ai cũng có trong mình những tiềm năng. Dù cho đó là tiềm năng chỉ ở một lĩnh vực nhất định. Tuy nhiên, được bao nhiêu người khám phá tiềm năng chính mình để hiện thực hóa ước mơ. Một khi bạn tin bạn có tiềm năng, bạn có động lực thì sớm hay muộn thì bạn cũng sẽ hạnh phúc trên ước mơ của mình. Như vậy chính thái độ sẽ là động lực cho quyết tâm hành động của bạn. “Dũng cảm không phải là đối diện với cái chết mà là dám sống với ước mơ của mình”-dẫn lời một nhà khoa học, chị Hạnh nhắn nhủ với các bạn trẻ.</p>
<p style="text-align: justify;"><strong>Thất bại, vậy thì đã sao?</strong></p>
<p style="text-align: justify;">Dựa trên mô hình tuần hoàn: Thái độ-> Hành động-> Trải nghiệm-> Thái độ, chị Quỳnh Anh (<em>Giám đốc điều hànhcủa trang thương mại điện tử zalora.vn</em>) khẳng định: “Trong quá trình thực hiên ước mơ, thất bại là chuyện bình thường. Nhưng bạn chọn thái độ đối diện với thất bại như thế nào sẽ quyết định tới sự sống còn ước mơ của bạn. Đứng dậy đi tiếp hay gục đầu nản chí”. Thất bại sẽ giúp cho ta có thêm nhiều trải nghiệm, đó là vốn kiến thức thực tiễn vô cùng quý giá. Lần này, đi theo phương pháp này thất bại thì lần sau ta sẽ đi theo phương pháp khác. Câu chuyện khởi nghiệp của chị Quỳnh Anh đầy những đổi thay. Từ công việc chụp ảnh, thời trang, làm bồi bàn để kiếm tiền theo học kiến trúc ở nước ngoài và đến hiện tại chị làm marketing. Trong mỗi công việc, chị chuyển đổi môi trường làm việc không ít lần. Nếu làm những việc mình không thích, bạn nghỉ việc, thậm chí bị đuổi. Vậy thì đã sao, ngày mai bạn đi kiếm một công việc mới và phù hợp hơn. Chị nói: “Cơ hội có đầy, ở đâu cũng có. Cơ bản mình có nắm bắt cơ hội hay không?”</p>
<p style="text-align: justify;">Một bạn sinh viên đến từ Đại học Văn Hiến chia sẻ ước mơ trở thành một cán bộ quy hoạch đô thị. Từ đó làm thay đổi bộ cảnh quan thành phố, cụ thể là quận 1, TP.HCM. Bạn cho rằng khối ngành đang học: xã hội học là khó khăn khiến bạn không đủ tự tin để theo đuổi ước mơ. Bạn nghĩ rằng việc thay đổi cả một thành phố là điều khó tin, chính bạn nhiều lúc từng cho đó là viển vong. Tư vấn cho bạn, chị Quỳnh Anh nói: Vậy thì bạn thi lại, học lại. Bạn có dám làm điều đó? Nếu như cảm thấy không phù hợp mà cứ luôn đeo đuổi, ước mơ của bạn sẽ bị vùi dập theo thời gian. Đến một lúc nào đó, bạn không còn muốn thực hiện nó nữa, bạn đã đánh mất nó. Bạn chỉ sống để tồn tại mà không sống vì niềm vui của chính bản thân.</p>
<p style="text-align: justify;">Bạn đang gặp rắc rối gì trong quá trình thực hiện ước mơ: sợ thất bại, thiếu khát khao hay không biết thực hiện như thế nào, bắt đầu ra sao, bắt đầu với ai? Chị Mỹ Hạnh cho rằng khát khao là nguyên nhân cốt lõi. Bạn có một khát khao cháy bỏng thì mới có đủ động lực để biến ước mơ thành hiện thực. Có mục đích, bạn sẽ tự tìm ra cho mình một con đường đạt tới ước mơ đó. “Hãy luôn giữ lửa cho ước mơ của mình dù có gặp khó khăn nào”-chị Hạnh nhắn nhủ.</p>
<p style="text-align: right;"><strong>Hoàng Hiếu</strong></p>
</body></html>