<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Ngày 25/7 vừa qua, Hội thảo Quốc tế: Xây dựng công trình nhân tạo trên biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại của khu vực do Trường Đại học Luật Tp.HCM kết hợp với Hội Luật gia Việt Nam thực hiện đã được tổ chức tại Hội trường Thống nhất. Tham dự hội thảo có GS.TS Mai Hồng Qùy, Hiệu trưởng trường ĐH Luật Tp.HCM; Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; TS Alena.I.Ponkina, giảng viên ĐH Luật Kutafin -Moscow, Liên bang Nga; GS.TS Erick Frankx, Trưởng khoa Luật Quốc tế và Luật Châu Âu.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Tại hội thảo, nhiều bài tham luận xoay quanh chủ đề về các công trình nhân tạo trên Biển Đông và sự tác động mạnh mẽ của các công trình này đối với hòa bình, thương mại, kinh tế của Việt Nam cũng như các nước có liên quan. Trong bài tham luận của TS. Ngô Hữu Phước có chủ đề “Xây dựng đảo nhân tạo theo quy định của Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 - những vấn đề pháp lí và thực tiễn”, TS đã phân tích làm sáng tỏ những vấn đề lí luận cơ bản về khái niệm và phân loại các loại đảo nhân tạo; làm sáng tỏ các quy định của UNCLOS về vị trí, thủ tục liên quan đến xây dựng đảo nhân tạo; làm rõ vai trò của đảo nhân tạo trong quy hoạch và phân định biển, đồng thời từ đó liên hệ đến thực trạng xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên các đá thuộc quần đảo Trường Sa chủ quyền Việt Nam. Bài tham luận khẳng định rõ rằng hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên quần đảo của nước ta là trái với Luật quốc tế, trái với UNCLOS và trái với cam kết chính trị giữa Việt Nam - Trung Quốc, ASEAN - Trung Quốc. Đồng thời, hành vi này có ảnh hưởng tiêu cực trên nhiều lĩnh vực. Nó làm cho tiến trình giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia liên quan trên Biển Đông ngày càng rơi vào bế tắc, làm cho các tranh chấp trên Biển Đông ngày càng phức tạp và nguy hiểm; đã, đang, sẽ cản trở và đe dọa tới tự do hàng hải, hàng không, thương mại khu vực và thế giới; cùng với đó hành động này tác động nặng nề đến môi trường biển, làm cho môi trường biển của chúng ta ngày càng ô nhiễm nặng nề và có nguy cơ suy thái trầm trọng.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Cùng với bài tham luận của TS. Ngô Hữu Phước, những bài tham luận của các học giả khác về vấn đề xây dựng các công trình nhân tạo trên Biển Đông và ảnh hưởng của nó cũng đồng loạt khẳng định rằng hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên khu vực biển Đông là hoàn toàn vi phạm về mặt pháp lí lẫn thực tiễn. Đặc biệt là những bài tham luận của các học giả nước ngoài lên tiếng ủng hộ Việt Nam tìm ra biện pháp để chống lại hành vi vi phạm pháp luật này của Trung Quốc. Trong bài tham luận của mình, GS-TS Jay.L.Batongbacal đã nhấn mạnh rằng: Bất chấp các lập luận của Trung Quốc và các yêu sách tương ứng của các quốc gia ven biển, tất cả đều được ràng buộc bởi Công ước UNCLOS về việc thông báo và tôn trọng quyền của các quốc gia khác khi thiết lập các đảo nhân tạo…Lập luận của Trung Quốc là các công trình này nhằm cung cấp các dịch vụ và hàng hóa công cộng thông qua các đảo này là sáo rỗng khi mà việc xây dựng những đảo ấy hoàn tòan bất đối xứng với những dịch vụ và hàng hóa công cộng được giả định là sẽ đem lại”</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Hành động xây dựng các đảo nhân tạo trên vùng đảo Trường Sa - Việt Nam không chỉ là vi phạm chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia mà còn là ảnh hưởng đến các quốc gia khác có liên quan. Vì vậy đây không phải là vấn đề đơn phương của riêng một quốc gia nào mà chính là vấn đề đa phương của nhiều quốc gia liên quan. Thế nên, cần có sự đồng nhất, kết nối, hợp tác của khu vực và thế giới để ngăn chặn hành vi vi phạm Công ước quốc tế này. Như GS.TS Mai Hồng Qùy phát biểu: Trung Quốc đã tìm cớ để biến những điều vốn không có gì để tranh chấp thành vấn đề tranh chấp căng thẳng, từ đó thu lợi ích về cho mình. Điều đó cho thấy, hành vi có chủ ý này của Trung Quốc cần các hiệp hội quốc tế, các quốc gia liên quan phải cùng chung tay để giải quyết. Có như vậy, Luật pháp, Công ước mới được tôn trọng và thực hiện chặt chẽ. Đó cũng là điều mà toàn bộ nhân dân, các cấp lãnh đạo Việt Nam mong muốn để có thể giữ gìn và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia mình.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>THỦY PHAN</strong></span></span><br />
</p>
</body></html>