<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Vị thế mới Việt Nam</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Vị thế mới Việt
Nam</font></b></p>
<div style="float: right; width: 219px; height: 163px">
<table border="0" width="100%" id="table2">
<tr>
<td>
<p align="right">
<img border="0" src="vi%20the%20moi%20cua%20VN.JPG" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Từ
hôm nay, cờ VN sẽ tung bay cùng cờ của 149 thành viên khác tại trụ
sở WTO của Genever (Thụy Sĩ)</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<font face="Arial" size="2"><em>Hôm nay, tại Geneva, VN trở thành một thành viên
mới của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Và chỉ vài tuần nữa, các nhà lãnh đạo
APEC sẽ nhóm họp ở Hà Nội. Chúng ta vừa vui vì có đủ tự tin để bước vào “sân
chơi” chung của số đông, vừa mừng vì không còn ở trong phần “thiểu số” còn lại
của thế giới. </em></font>
<p class="pBody"><em><font face="Arial" size="2">Sẽ không có những sự kiện này
nếu không có “đổi mới”. Và bài học giản dị mà chúng ta nhận ra ở đây là: một dân
tộc chỉ có thể thật sự “làm bạn được với tất cả” khi khẳng định được mục tiêu
độc lập dân tộc của mình.</font></p>
</em>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Cuối thập niên 1980, những biến cố
ở Liên Xô và các nước Đông Âu xảy ra khi mà đổi mới ở VN chỉ mới bắt đầu, khi mà
sản xuất vừa mới được phục hồi và lạm phát thì phi mã. Liên Xô lúc ấy là chỗ dựa
gần như duy nhất. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Không còn người “anh cả” để ta “hợp
tác toàn diện”. Không còn khoản viện trợ hơn 1 tỉ rúp hằng năm. VN không còn sự
lựa chọn nào khác hơn là phải độc lập thật sự, phải tự bước đi trên chính đôi
chân của mình. Kết quả là chúng ta không những không sụp đổ như nhiều dự đoán
lúc đó mà còn lớn mạnh hẳn lên. Không còn dựa được hẳn vào một người bạn, chúng
ta nhìn thấy bàn tay của rất nhiều người bạn khác. VN lần lượt gia nhập ASEAN,
VN bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, với Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF), với
EU, với Mỹ và giờ đây trở thành một thành viên của WTO.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Để có được vị thế như ngày nay, VN
đã phải từ bỏ cơ chế tập trung, bao cấp. Một cơ chế quan liêu tới mức trở thành
tác nhân chủ yếu, trong một thời gian dài kìm hãm các nguồn lực phát triển của
đất nước. “Đổi mới”, giờ đây nhìn lại, về bản chất là một quá trình giải phóng
các nguồn lực đó. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Sự tham gia của các thành phần kinh
tế, của xã hội, của từng hộ gia đình, của người dân đã làm cho nền kinh tế vốn
đang kiệt quệ khi chỉ có sự độc quyền của Nhà nước đã dần khởi sắc và rồi tăng
trưởng nhanh. VN đã rút dần được khoảng cách với phần còn lại của thế giới.
Người dân VN đã dễ dàng tiếp cận hơn với những giá trị của loài người. Không như
những lo ngại lúc đầu, từ bỏ tập trung quan liêu, đất nước chỉ đi theo một đường
hướng là hợp tác và phát triển không ngừng.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Tuy nhiên, chỉ có tự tin khi bước
vào cuộc chơi ở WTO là chưa đủ. Nền kinh tế của chúng ta gần như chỉ mới từ chỗ
như những chiếc lò xo bị nén vừa được bung ra. Sức cạnh tranh chỉ mới được thử
thách chủ yếu ở trên “sân nhà”. Những cuộc cọ xát ở sân chơi toàn cầu đang còn ở
phía trước. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Những thách thức mới này đòi hỏi
không chỉ sự năng động của các doanh nghiệp, tính hiệu quả của nền kinh tế mà
còn phải có sự hỗ trợ rất nhiều của bộ máy nhà nước. Một bộ máy không những phải
giảm bớt nhũng nhiễu, phiền hà, mà còn phải có khả năng tạo ra sức bật mới cho
những chiếc “lò xo” xã hội và kinh tế. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Để có một bộ máy nhà nước như vậy,
đòi hỏi chúng ta phải tiến hành thêm không ít những cải cách từ bên trong. Những
cải cách hướng tới sự gọn nhẹ và thật sự hữu hiệu cho hệ thống chính trị. </font>
</p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Những cải cách, theo đó: các cơ
quan quyền lực của dân như Quốc hội, hội đồng nhân dân phải do dân và được thiết
lập sao cho có thể chế ước được sự lộng quyền dẫn tới tham nhũng, lãng phí hay
sử dụng ngân sách vào những công cuộc đầu tư không hiệu quả; một hệ thống hành
chính gồm những viên chức thật sự là công bộc; một hệ thống tư pháp khôi phục
được niềm tin của nhân dân vào công lý. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Hành trình đi tới WTO của chúng ta
không chỉ bao gồm những cải cách kinh tế. Sở dĩ hành trình ấy khơi dậy và tập
trung được mọi nguồn lực là vì tính thuyết phục của mục tiêu mà nó hướng tới.
Một mục tiêu không có gì quan trọng hơn là đi tới tận cùng những giá trị nhân
văn của nhân loại và dân tộc. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Chính mục tiêu ấy đã đánh thức
những tiềm lực ở bên trong, đặc biệt là tiềm lực về con người và thu hút sự quan
tâm của những nguồn lực bên ngoài. Chính mục tiêu ấy mới có thể hóa giải, gắn
kết và tạo ra sức mạnh chung của cộng đồng người Việt ở trong và ngoài nước. Và
chỉ có đi tới tận cùng những giá trị nhân văn của nhân loại và dân tộc mới làm
cho nền độc lập của VN thật sự bền vững, làm tăng vị thế của VN và luôn kiến tạo
cho VN những mối quan hệ bạn bè. </font></p>
<p class="pAuthor" align="right"><font face="Arial" size="2"><b>VÕ VĂN KIỆT</b></font></p>
<table style="border-collapse: separate" cellSpacing="1" cellPadding="1" width="400" align="center" bgColor="#f3fdfd" border="0" id="table1">
<tr>
<td>
<p class="pTitle" align="center"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Đường vào WTO </font></b>
</p>
<p class="pHead"><font face="Arial" size="2"><b>* 4-1-1995:</b> Đơn xin
gia nhập WTO của Việt Nam được Đại hội đồng tiếp nhận.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">* <strong>31-1-1995:</strong>
Ban xem xét công tác gia nhập (WP) của VN được thành lập với chủ tịch là
ông Eirik Glenne, đại sứ Na Uy tại WTO.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">* <strong>24-8-1995:</strong>
VN nộp bị vong lục về chế độ ngoại thương VN và gửi tới Ban thư ký WTO
để luân chuyển đến các thành viên của ban công tác.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">* <strong>Năm 1998-1999:</strong>
Các phiên hỏi và trả lời với ban xem xét công tác xét duyệt. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">* <strong>Đầu năm 2002:</strong>
VN gửi bản chào ban đầu về thuế quan và dịch vụ tới WTO và bắt đầu tiến
hành đàm phán song phương với một số thành viên trên cơ sở bản chào ban
đầu về thuế quan và dịch vụ.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">* <strong>9-10-2004:</strong>
VN và EU đạt thỏa thuận về việc VN gia nhập WTO. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">* <strong>9-6-2005:</strong>
VN và Nhật Bản đạt được thỏa thuận cơ bản về vấn đề mở đường cho VN sớm
gia nhập WTO. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">* <strong>12-6-2005:</strong>
VN cử một phái đoàn đàm phán hùng hậu sang Washington trước thềm chuyến
thăm Mỹ chính thức của Thủ tướng Phan Văn Khải với quyết tâm đi đến kết
thúc đàm phán song phương.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">* <strong>18-7-2005:</strong>
VN và Trung Quốc đạt thỏa thuận về việc mở cửa thị trường để VN gia nhập
WTO. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">* <strong>31-5-2006:</strong>
Ký thỏa thuận kết thúc đàm phán song phương với Mỹ - nước cuối cùng
trong 28 đối tác có yêu cầu đàm phán song phương.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">* <strong>26-10-2006:</strong>
VN hoàn tất đàm phán đa phương tốt đẹp với các nước. Cuộc đàm phán trước
đó diễn ra căng thẳng và tưởng chừng không thể kết thúc được cho đến
phút chót.</font></td>
</tr>
</table>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>