<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>Vượt qua 16 sản phẩm dự thi khác, “Hệ thống bay không người lái MTQR” của cậu bé 10 tuổi Naphat đã giành giải Nhất cuộc thi “Thử thách sáng tạo cùng Intel Galileo – Young Makers Challenge lần II -2015”.</em></span></span></p>
<p><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Tài không đợi tuổi</strong></span></span></p>
<p><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Vòng chung kết diễn ra vào sáng 10/1 đã chứng kiến bất ngờ lớn với chiến thắng thuộc về Naphat Siripun, cậu học sinh 10 tuổi người Thái Lan. Vượt qua 16 sản phẩm dự thi của các anh chị học sinh cấp 2, cấp 3, “Hệ thống bay không người lái MTQR” điều khiển bằng sóng wifi của Naphat đã chinh phục toàn bộ ban giám khảo và xuất sắc đạt giải Nhất cuộc thi năm nay.</span></span></p>
<p><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Là thí sinh nhỏ tuổi nhất đến với cuộc thi, ngay từ vòng đầu tiên, ban giám khảo đã đặc biệt ấn tượng với cậu bé người Thái lém lỉnh Naphat Siripun. Đăng kí ý tưởng sáng tạo ra một chiếc máy bay điều khiển bằng sóng wifi thông qua một Ipad là một điều quá sức với một cậu bé 10 tuổi. Song Naphat đã làm cả hội trường vòng chung kết bất ngờ khi cậu điều khiển cho chiếc máy bay, đúng hơn là một động cơ cánh quạt, bay là là trên không.</span></span></p>
<p><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Không thể tin được là một cậu bé 10 tuổi lại có thể tạo ra được một hệ thống bay phức tạp đến thế” – các giám khảo quay nhìn nhau trao đổi về sản phẩm của Naphat. Bố của Naphat cho biết: từ khi chưa sang Việt Nam thì Naphat đã có sự ham thích những đồ vật điện tử; những lúc ở nhà em thường tìm những linh kiện điện tử và chế tạo những đồ chơi đơn giản. Tham gia cuộc thi lần này, Naphat được một chuyên viên lắp ráp chế tạo điện tử hỗ trợ việc thiết kế vi mạch, còn lại toàn bộ công việc từ ý tưởng, hình dạng, cơ chế hoạt động, phần mềm kết nối với Ipad đều do Naphat tự mình thực hiện.</span></span></p>
<p><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Nhiều sản phẩm sáng tạo từ các em học sinh </strong></span></span></p>
<p><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Là cuộc thi hướng đến các em học sinh từ cấp Trung học phổ thông trở xuống, “Thử thách sáng tạo cùng Intel Galileo” nhằm tìm kiếm những sản phẩm có ích cho đời sống do các “nhà sáng chế dưới 18” tuổi tạo ra. Lần thứ 2 tổ chức, cuộc thi năm nay đã nhận được 40 ý tưởng của các nhóm học sinh từ 20 đơn vị trường học toàn thành phố, trong đó có cả những nhóm học sinh nước ngoài.</span></span></p>
<p><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">17 ý tưởng vào vòng chung kết là các sản phẩm tập trung phục vụ nhu cầu về y tế, môi trường, giao thông và điện tử sáng tạo. Nguyễn Dương Kim Hảo năm nay đem đến “Hệ thống Energy Mesh - theo dõi điện năng tiêu thụ của thiết bị điện”, hướng đến việc kiểm soát tiêu tốn điện của từng loại vật dụng, giúp cho việc tiết kiệm điện hiệu quả hơn. Sản phẩm của Kim Hảo được trao giải Ba. Đồng hạng Ba với em là “Hệ thống quản lý sức khỏe” là một chiếc áo cảm biến theo dõi các hoạt động trong cơ thể kết nối với điện thoại di động của em Gia Khang trường Phổ thông Năng khiếu ĐHQG, và sản phẩm “Hệ thống chăm sóc cây trồng tự động” của hai học sinh trường Đinh Thiện Lý.</span></span></p>
<p><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đạt giải Nhì là sản phẩm khá thú vị: Robot Rùa. Đây là mẫu chế tạo của hai học sinh Phi Long (lớp 10) và Trung Kiên (lớp 11) của THPT Gia Định. Nó có thể bơi trong nước và dùng camera quan sát dưới nước. Với 2 cánh tay quạt nước phía trước và 2 chân vịt tạo lực đẩy thì Robot Rùa đạt vận tốc tối đa là khoảng 12km/h. Đây là công cụ dùng trong học tập nghiên cứu về các loài thủy sinh vật, hoặc tìm kiếm các đồ vật dưới nước có kích thước cho phép. Mặc dù cần phải cải tiến lại chất liệu cho phù hợp để chống các va chạm bên ngoài và tăng tính thẩm mỹ, Robot Rùa được đánh giá có tiềm năng có thể đầu tư phát triển.</span></span></p>
<p><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Theo ban tổ chức cuộc thi, 5 sản phẩm đạt giải sẽ được công ty Intel Product Việt Nam hỗ trợ để nâng cấp hoàn thiện sản phẩm, sớm đưa vào ứng dụng thực tế.</span></span></p>
<p><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Thử thách sáng tạo cùng Intel Galileo – Young Makers Challenge lần II -2015” do Trung tâm Phát triển khoa học & công nghệ trẻ phối hợp với công ty Intel Product Việt Nam và Tổ chức giáo dục Everest Education tổ chức.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>ĐỨC DUY</strong></span></span></p>
</body></html>