<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Sáng 22/02/2016, tại Nhà Sách Phương Nam (đường sách Nguyễn Văn Bình), NXB Tổng hợp TPHCM đã giới thiệu cuốn sách Tổng tập Ca Văn Thỉnh. Tham dự buổi giao lưu có các nhà nghiên cứu văn học, nghiên cứu văn hóa xã hội, các giảng viên, sinh viên các trường đại học và nhiều đọc giả trẻ tuổi.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Đến tham gia giao lưu, các vị học giả đã trình bày quá trình nghiên cứu những tư liệu quý giá về nhà cách mạng, nhà ái quốc, nhà văn, nhà nghiên cứu Nam Bộ Ca Văn Thỉnh. Ông chính là thân phụ của nhà thơ Lê Anh Xuân (tên thật là Ca Lê Hiến). Giáo sư Ca Văn Thỉnh sinh ngày 21/03/1902 tại Mỏ Cày-Bến Tre, mất ngày 05/10/1987, ông là thân phụ của 6 người con Ca Lê Dân, Ca Lê Du, Ca Lê Thuần, Ca Lê Hồng, Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân), Ca Lê Thắng.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2016/3/24795/(4)-cac-hoc-gia-giao-luu-chia-se.jpg" style="height:450px; width:600px" /></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Thuở nhỏ được hấp thụ tinh thần yêu nước và hiếu nghĩa từ 2 người thầy: Võ Văn Thơm và Nguyễn Văn Vinh, chứng kiến cảnh nước mất nhà tan do ách thực dân phong kiến, ông đã ý thức được tinh thần cách mạng và trách nhiệm giữ gìn phát huy giá trị lịch sử-văn hóa-nghệ thuật cổ truyền Việt Nam. Tác phẩm tổng tập Ca Văn Thỉnh là tác phẩm rất giá trị, mang tính giáo dục cao vì ở đó hiện lên hình ảnh của người cha, người thầy, người chí sỹ yêu nước rất bi hùng.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">“Chữ rằng vấn tổ vấn tông - Cháu con nỡ bỏ cha ông sao đành” hay “Chim bay về núi Điện Bà - Phân chồng rẽ vợ, ai mà chẳng thương” rồi lại “Đêm khuya ôm lấy cây chèo - Sương sa gió lạnh, thân nghèo anh phải đi” là những lời ca dao rất hay và ý nghĩa trong những hồi ký viết tay của cố Giáo sư Ca Văn Thỉnh. Những câu ca dao ấy đã phần nào nói lên tâm tư, tính cách và chí hướng của ông trong sự nghiệp cũng như tâm nguyện đối với đời.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang đã phát biểu rằng: “Sinh thời, cụ Ca Văn Thỉnh nhà rất nghèo, cha mẹ mắc khoản nợ mà tính ra hai vợ chồng ông làm để trả phải mất 8 năm trời. Lúc còn trai trẻ, có hai nhà phú hộ muốn chọn cụ làm rễ và hứa sẽ trả hết số nợ cho gia đình nhưng cụ đã có nhìn nhận về cuộc đời và lý tưởng rất riêng. Đó là tình yêu không hề để vật chất tiền tài xen vào”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Cụ đã chọn cô gái nghèo nhưng rất đoan trang hiền thục tên Lê Thị Tài làm vợ. Sau này họ có tất cả 6 người con đều nên danh và trong đó có nhà thơ - chiến sĩ Lê Anh Xuân đã hy sinh anh dũng trong trận Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm Mậu Thân 1968.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Theo diễn giả Hồ Nhựt Quang, cảm động nhất trong quyển sách là đoạn kể về ông sau 2 năm 5 tháng xa vợ hiền đi ra Bắc công tác và gặp Bác Hồ, ngày trở về gặp lại vợ đang sống lẫn trốn ở vùng Đồng Tháp Mười vô cùng khốn khó, sinh con trong cảnh đói nghèo và lửa đạn mưa bom. Cuộc đời của gia đình họ như một thước phim rất bi hùng.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Xúc động nhất là đúng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, về tới phi trường Tân Sơn Nhất ông đã làm bài cảm tác khi nhớ đến con trai Lê Anh Xuân:</span></span></p>
<p style="margin-left:36pt; text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><em>Con ơi,</em><br />
<em>Ba đã về rồi, ba chục năm xa cách,<br />
Tân Sơn Nhất hiện lên “Dáng Hình Đất Nước”<br />
Hiện thân con<br />
Máu xương xây đài chiến công lịch sử,<br />
Tiếc thân tằm vẫn còn nặng nợ,<br />
Không kịp nhả tơ mừng khúc khải hoàn ca!</em></span></span></p>
<p style="margin-left:36pt; text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><em>(Trích trang 27 trong Tổng tập CA VĂN THỈNH)</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Phát biểu tại buổi giao lưu, bà Phạm Phương Thảo cho rằng Thành phố chúng ta đang hướng đến cuộc sống tình nghĩa và nghĩa khí, hào khí, do vậy cần nối bước tiền nhân học tập-lao động trong môi trường văn hóa đạo đức làm định hướng và công lao của GS. Ca Văn Thỉnh vô cùng rất lớn. Rất cảm ơn hội đồng nghiên cứu đã dày công biên soạn. Là một quyển sách hay mà hiện nay mới chỉ ra được 700 cuốn, đó là con số rất ít, bà hi vọng Nhà Xuất Bản sẽ cố gắng đưa ra nhiều đầu sách hơn nữa, phía nhà nước sẽ hỗ trợ hơn nữa để các độc giả có đủ điều kiện tiếp cận.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Cố GS Ca Văn Thỉnh, bút danh Ngạc Xuyên, được ghi nhận bởi những công trình nghiên cứu văn hóa, văn học Nam bộ từ những thập niên 30 của thế kỷ trước. Trước Cách mạng Tháng Tám, những bài viết của ông từng xuất hiện trên các báo Đồng Nai, Tri Tân, Đại Việt… Từ sau Cách mạng Tháng Tám cho đến khi qua đời, ông tiếp tục có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu được đăng tải và công bố, nhưng còn rất nhiều bài viết chưa được ra mắt bạn đọc. Lần đầu tiên, những di cảo gia đình còn lưu giữ cùng với những công trình do Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ sưu tập được đã được NXB Tổng hợp TPHCM tổng hợp khá đầy đủ, hệ thống và giới thiệu với bạn đọc. Trong đó, điều tâm huyết trong suốt cả cuộc đời làm cách mạng và làm học thuật của GS Ca Văn Thỉnh là nghiên cứu về Nam bộ ở cả lịch sử, vùng đất, con người, và văn học sử Nam bộ.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><strong>THANH ĐỨC</strong></p>
</body></html>