<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>Thế hệ thanh niên R có dịp gặp lại nhau tại Hội trường Thành phố (111 Bà Huyện Thanh Quan, phường 9, quận 3, TP.HCM) vào sáng 19/3 trong Lễ Kỉ niệm 50 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam (26/3/1966-26/3/2016).</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Thanh niên R là tên gọi tắt của thế hệ Đoàn viên Thanh niên hoạt động ở “Mật khu R” Căn cứ địa Cách mạng chiến khu Bắc Tây Ninh thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>“Coi tương lai của dân tộc là tương lai của mình”</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đó là tinh thần của thế hệ thanh niên R cách đây 50 năm. Trước tình hình đế quốc Mỹ đưa quân ồ ạt vào chiến trường miền Nam, thực hiện chiến tranh cục bộ với ý đồ đánh nhanh, thắng nhanh. Nhiệm vụ cấp bách đặt lên vai của quân dân cả nước là “Làm sao đánh bại được quân đội hùng mạnh nhất thế giới”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Quyết tâm, quyết tâm, quyết tâm” - hàng trăm đại biểu tại Đại hội Đoàn lần thứ nhất hô vang trước câu hỏi của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với tư cách là Chính Ủy, chỉ huy trưởng: “Các đồng chí có dám đánh Mỹ không”.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2016/3/25173/_nh (2).JPG" style="height:80%; width:80%" /></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2016/3/25173/_nh (1).JPG" style="height:80%; width:80%" /></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>Những khúc hát chứa chan tình cảm và cảm xúc một thời kháng chiến.</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tại lễ kỉ niệm, đồng chí Nguyễn Hữu Châu (Phó chủ nhiệm thường trực CLB Truyền thống Đoàn Thanh niên các cơ quan Trung ương Cục Miền Nam) ôn lại một thời hào hùng của thế hệ thanh niên R.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Hơn 10.000 Đoàn viên Thanh niên làm nên “Một đội ngũ tham mưu giúp việc, phục vụ với chất lượng cao, một đội ngũ giàu lòng yêu nước, cháy bỏng khát vọng hiến dâng sẵn sàng hy sinh để giành lấy độc lập, tự do… Họ sống như Paven Cooc Sơ Ghin trong “Thép đã tôi thế đấy”” - đồng chí Nguyễn Hữu Châu phát biểu bằng giọng hùng hồn.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bóng hình những chiến sĩ đã ngã xuống trong Mùa khô năm 1967, Cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy năm 1968, Mùa xuân năm 1975 dường như vẫn hiển hiện đâu đây qua từng thước phim tư liệu, từng giọt nước mắt của đồng đội.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>“Vui sao nước mắt lại trào”</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ngày gặp lại trong tà áo dài, trong bộ com lê, ai nấy cũng không giấu nổi vẻ nghẹn ngào. Những câu chuyện mấy chục năm về trước ùa về. Những câu chuyện của mấy năm sau ngày giải phóng, chuyện công việc, chuyện con cái cũng làm cả hội trường chộn rộn trước giờ kỉ niệm.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cô giao liên ở đơn vị C17 ngày đó không khỏi bồi hồi: “Hồi đó, bữa đói bữa no, ăn cơm phải trộn với mì cho mau no, sốt rét liên miên. Đi liên lạc phải đi bộ ngày dài chứ đâu xe cộ như bây giờ. 12 tuổi, ngày ngày mang theo cơm nắm bên mình rồi cứ thế mà đi”. Rồi cô cười xòa: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, đan bọm vù vù bên tai nhưng mà không sợ, vì có biết sợ là gì đâu. Nhưng mà vui lắm, thương nhau cũng nhiều. Ai cũng dám hy sinh cho nhau”. Cô nghẹn lại: “Giờ gặp nhau ở đây, người còn kẻ mất”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Hỏi thăm sức khỏe, gia đình chồng con thế nào. Ngày đó đi học rồi ra Bắc tập kết. Cô làm dược tá ở Bệnh viện C17 chăm sóc cho các chiến sĩ bị thương. Chứng kiến cảnh đồng đội trút hơi thở cuối cùng khi mới vừa nằm trên giường cấp cứu..”, cô Huỳnh Thị Ánh Minh xúc động.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ngày hòa bình lập lại cũng là lúc bước vào một mặt trận mới, nhiều đồng chí giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Đồng chí Nguyễn Minh Triết từng gánh vác trọng trách ở vị trí cốt cát Chủ tịch nước. Xúc động nhớ lại, đồng chí kể về những ngày “hăng hái, dấn thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc” và dặn dò thế hệ trẻ: “Với trí tuệ, tri thức và sự đoàn kết của dân tộc sẽ làm cho đất nước giàu mạnh và đi lên xã hội chủ nghĩa”.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>HOÀNG HIẾU</strong></span></span></p>
</body></html>