<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đó chỉ là một trong rất nhiều những chia sẻ của thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh - nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 (Bộ Quốc phòng) – chia sẻ với các bạn sinh viên ĐH Mở trong chương trình “Nhân vật và sự kiện”, chủ đề: “Giải phóng Sài Gòn – Thời khắc lịch sử” vừa qua.</span></span></em></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2016/4/25490/GIAO-LUU-LS-DH-MO-1 (1).JPG" style="height:90%; width:90%" /></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>Nhiều câu chuyện ý nghĩa, cảm động đã được kể lại trong buổi giao lưu.</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Những câu chuyện kỷ niệm hào hùng</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Gặp gỡ các bạn sinh viên ĐH Mở trong những ngày cả nước sắp bước vào dịp kỉ niệm 41 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2016), vị tướng lớn tuổi Nguyễn Ngọc Doanh vẫn rất hào hứng khi chia sẻ những câu chuyện trong cuộc đời binh nghiệp hào hùng của mình cho thế hệ trẻ .“41 năm đã trôi qua nhưng bác vẫn rất nhớ cảm giác hạnh phúc khi ngắm lá cờ giải phóng tung bay trên dinh Độc Lập trưa ngày 30/4 năm 1975”. Thiếu tướng xúc động: “Giải phóng Sài Gòn, đó là thời khắc mà bác không thể nào quên!”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bạn Nguyễn Thị Hường, sinh viên năm nhất của trường cảm động với những câu chuyện của bác Doanh, liền hỏi bác : “Điều gì đối với bác là sâu sắc nhất và dành nhiều tâm huyết nhất trong những năm tháng đấu tranh?”. Thiếu tướng liền trả lời: “Đời bộ đội quý nhất là tình thương yêu của đồng đội”.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2016/4/25490/GIAO-LUU-LS-DH-MO-4 (1).JPG" style="height:90%; width:90%" /></span></span></p>
<p style="text-align:center"><em><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Các bạn sinh viên giao lưu cùng khách mời chương trình.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nhắc lại kỉ niệm ngay trận đầu ra quân trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, lúc ấy bác Doanh đang là Tiểu đoàn trưởng của Tiểu đoàn 1, Trung Đoàn 141, Sư đoàn 7; khi ấy đơn vị của bác bị địch phục kích dồn dập nhưng vẫn chiến đấu kiên cường, bộ đội hết lớp này đến lớp khác nằm lại nơi chiến trường. Bản thân bác cũng bị bắn gãy xương đùi, vỡ quai hàm khiến bác chết lâm sàng, đồng đội tưởng bác đã hi sinh; tối đó có người đồng đội thân thiết ra chôn cất bác, sờ thấy bàn chân còn ấm liền hô hoán các anh em khác đưa bác về cứu chữa. Nhờ đó 6 tháng sau bác quay lại chiến trường tiếp tục chiến đấu cùng anh em.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Mặc dù mang trong mình nhiều vết thương nặng do chiến tranh (bàn chân bị đạn pháo nổ nát chỉ còn một nửa; từng chịu mổ sống để gắp mảnh bom ra khỏi đầu, bị thương ở đầu gối khiến cơ chân bị teo …), thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh chia sẻ rằng luôn cảm thấy nặng nợ với tình cảm anh em đồng đội dành cho mình. Họ đã chết cho mình được sống đến hôm nay. Bác dặn dò các bạn sinh viên phải luôn ý thức được: hòa bình của chúng ta có được là thành quả chiến đấu và hi sinh của hàng triệu người yêu nước, thế hệ trẻ phải ra sức giữ gìn, không để các thế lực thù địch chống phá đất nước.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>“Tái hiện lại chiến tranh là phải cho thật!”</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bên cạnh thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, chương trình còn mời Nhà lý luận – phê bình điện ảnh Thúy Nga đến giao lưu với sinh viên về các bộ phim điện ảnh làm về đề tài chiến tranh Việt Nam.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nhiều năm làm công tác đánh giá, phê bình phim điện ảnh, cô Thúy Nga không ít lần xem xét các bộ phim nói về cuộc chiến tranh chống Mỹ - Ngụy của quân và dân ta. Cô thống kê: từ sau giải phóng đã có 24 bộ phim nói về đề tài này, trong đó có 5 bộ phim làm trực tiếp về chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn. Trong đó, phim Giải phóng Sài Gòn sản xuất từ năm 2001 đến 2004, ra mắt năm 2005 – đúng vào dịp kỉ niệm 30 năm thống nhất đất nước – là bộ phim thành công nhất. Với kinh phí sản xuất 12,5 tỉ, chưa kể sự hỗ trợ của các Quân khu về vũ khí như xe tăng, máy bay, hàng trăm quả đạn pháo, quân trang, quân dụng … Đặc biệt là số diễn viên phụ lên đến 1.000 người. Do đó khi phim ra mắt đã được người dân ủng hộ rất mạnh mẽ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trả lời vấn đề của một bạn sinh viên, rằng phim chiến tranh Việt những năm gần đây liên tục thua trên phòng vé, có phim lỗ đến mức phải chuyển sang chiếu miễn phí cho người dân, nhà phê bình Thúy Nga cho rằng do nền điện ảnh nước ta chưa đủ khả năng làm phim chiến tranh kiểu “bom tấn” như nước ngoài, bên cạnh đó lý do chủ yếu là vì ta quá nặng về tính tuyên truyền, xây dựng nhân vật đơn điệu, dùng lại những khuôn mẫu cũ. Cô cho biết: “Phim Giải phóng Sài Gòn năm 2005 được người dân đánh giá là các cảnh phim rất thật, rất sống động. Và thật sự bộ phim đó không hề dùng một kĩ xảo nào cả, từ cảnh di dân chạy loạn, những cảnh pháo nổ lửa cháy, đến hai cảnh đắt nhất là lúc 40 chiếc xe tăng từ dưới đất chui lên và cảnh xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập, tất cả đều là người thật, vật thật và diễn thật”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cô tâm sự rằng nhiều bác cựu chiến binh sau khi xem những bộ phim chiến tranh bây giờ đã nhận xét: “Chúng tôi không thấy hình ảnh chúng tôi trong phim của các bạn bây giờ.” Do đó cô nhấn mạnh cho các bạn sinh viên hiểu rằng: “Tái hiện lại chiến tranh là phải diễn cho thật. Thật ở đây không phải là cứ lột tả sự ghê rợn của chiến tranh, mà phải biết diễn tả chủ đề chiến tranh dưới góc nhìn sao cho vừa nghệ thuật, vừa phải đúng với hiện thực lịch sử”.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>ĐỨC DUY</strong></span></span></p>
</body></html>