<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Từ nương rẫy đến giảng đường</title>
<style>
<!--
p.MsoNormal
{mso-style-parent:"";
margin-bottom:.0001pt;
font-size:13.0pt;
font-family:"Times New Roman";
font-weight:bold;
margin-left:0cm; margin-right:0cm; margin-top:0cm}
table.MsoNormalTable
{mso-style-parent:"";
font-size:10.0pt;
font-family:"Times New Roman";
}
-->
</style>
</head>
<body>
<p class="MsoNormal" align="center"><span style="font-family: Arial">
<font size="2" color="#0000FF">Từ nương rẫy đến giảng đường</font></span></p>
<p class="MsoNormal"> </p>
<table class="MsoNormalTable" border="0" cellspacing="0" cellpadding="0" align="right" width="40" style="width: 30.0pt" id="table1">
<tr>
<td style="padding: 0cm">
<p class="MsoNormal">
<img border="0" src="tu%20nuong%20ray%20den%20giang%20duong.JPG" width="150" height="200"></td>
</tr>
<tr>
<td style="padding: 0cm">
<p class="MsoNormal">
<span style="font-family: Arial; color: #888888; font-weight: normal">
<font size="2">Đàm Thị Hương vừa làm rẫy vừa làm gia sư để đủ tiền ăn
học Ảnh: Bảo Trung</font></span></td>
</tr>
</table>
<p class="MsoNormal">
<span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: #5F5F5F">
Bí thư Đoàn Trường đại học Tây nguyên Nguyễn Tuấn Hùng nói: Trường ĐH Tây nguyên
là một trường ĐH “đa sắc tộc” vì có mặt SV của 43 dân tộc anh em. Đường đến lớp
của những đứa con đại ngàn là hành trình leo đèo lội suối vượt qua những nghịch
cảnh cuộc đời. </span></p>
<p class="MsoNormal"> </p>
<p class="MsoNormal">
<span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black; font-weight: normal">
Năm học vừa qua, R’Ông Ha Tuân được xếp loại xuất sắc của lớp sinh - khoa sư
phạm (ĐH Tây nguyên). Đó là niềm tự hào của bà con dân tộc Cil ở thôn Mê Ka, xã
Đạ Tông (huyện Đam Rông, Lâm Đồng). </span></p>
<p class="MsoNormal">
<span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black; font-weight: normal">
Như bao gia đình người Cil ở Lạc Dương, Đam Rông, từ năm học lớp 5 Tuân đã biết
lên rừng kiếm củi, biết lên rẫy bẫy con chuột, con rắn đổi gạo. Cách đây hơn
chục năm, trong một lần hai mẹ con đi chặt củi, chẳng may mẹ Tuân bị ngã trong
rừng sâu Đam Rông và bị tật nguyền từ đó. </span></p>
<p class="MsoNormal">
<span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black; font-weight: normal">
Lớn thêm một tuổi, công việc của Tuân càng nặng hơn, nhiều hơn; làm hết việc
trong nhà, ngoài rẫy cùng cha nuôi ba đứa em nhỏ dại và người mẹ nằm liệt một
chỗ. Các thầy cô trong trường thương học trò tìm cách giúp đỡ, chia sẻ. Bạn bè
trong làng, xã cũng thế. </span></p>
<p class="MsoNormal">
<span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black; font-weight: normal">
Từ đó Tuân càng cố học với mơ ước trở thành thầy giáo. “Em chọn học khoa sinh để
biết chăm sóc cây mì như thế nào cho nhiều củ, cây đậu xanh nhiều hạt, nhân
giống bò lai, nuôi dê lấy sữa... và để sau này sẽ dạy học trò ở Đam Rông, bày
cho bà con người Cil biết cách chăn nuôi, trồng tỉa”. Tuân nói đùa “điểm số của
em thì nhiều nhưng cơm thì ít”. </span></p>
<p class="MsoNormal">
<span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black; font-weight: normal">
Lưu Minh Tuấn (dân tộc Tày) và Nông Văn Linh (dân tộc Nùng) - hai SV khoa kinh
tế nông lâm, là đôi bạn thân nhau từ lúc cả hai cùng học lớp 6 ở xã Ea Ô, huyện
Ea Kar (Đắc Lắc). Tài sản chung của đôi bạn là chiếc xe đạp cà tàng từ hồi học
cấp II đèo nhau vượt rừng đi học tận đến nay và hai bộ quần áo mới để dành thay
đổi mặc chung. </span></p>
<p class="MsoNormal">
<span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black; font-weight: normal">
Cả hai cùng chọn ngành kinh tế nông lâm, nhưng năm đầu tiên Linh trúng tuyển,
còn Tuấn phải học dự bị một năm. Bây giờ cả hai đã học cùng khoa. Mọi chi tiêu
của hai bạn đều chung, từ mua sách, tài liệu, dụng cụ học tập. Những lúc ngặt,
hai bạn chỉ ăn chung một đĩa cơm 3.000 đồng. Năm học vừa qua điểm trung bình của
Linh đạt 8,23 và Tuấn đạt 7,36. </span></p>
<p class="MsoNormal">
<span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black; font-weight: normal">
Còn Đàm Thị Hương (dân tộc Nùng) đang học năm 2 lớp vật lý - khoa sư phạm cũng
là một gương mặt vượt khó điển hình. Năm Hương 3 tuổi, mẹ bị động kinh, lang
thang vào rừng và chết đuối trong một con suối ở Buôn Đôn. </span></p>
<p class="MsoNormal">
<span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black; font-weight: normal">
Bố Hương lấy vợ kế, Hương sống với bà nội và một người cô bị tâm thần. Vậy mà cô
học trò ấy luôn là HS tiên tiến suốt ba năm THPT, rồi trúng tuyển vào ĐH. Năm
trước Hương là SV giỏi. Không còn thời gian đi làm rẫy như trước, Hương dành
buổi tối dạy kèm tại nhà cho học trò trong xóm ở vùng ven phường Ea Tam. </span>
</p>
<p class="MsoNormal">
<span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black; font-weight: normal">
Riêng với cô SV Siu Thị Ngọc Thảo (dân tộc Jơ Rai) quê ở làng Plei Amin, xã Ia
Sol (huyện Ayun Pa, Gia Lai) đang học năm 2 khoa trồng trọt thì đang vừa học vừa
sợ phải bỏ học nửa chừng. Ba mất sớm, mẹ ở làng đã già yếu mà vẫn phải ngày ngày
dạo khắp các buôn làng ở Ea Sol bán hàng rong, tích cóp gửi cho con mỗi tháng
khoảng 150.000 đồng. </span></p>
<p class="MsoNormal">
<span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black; font-weight: normal">
Trước khi vào ĐH, Thảo cũng vừa đi học vừa bán hàng rong giúp mẹ. “Em mơ ước học
xong có việc làm để nuôi mẹ. Từ khi lớn lên đến giờ chỉ thấy mẹ cười vui một lần
khi nghe tin em đậu ĐH, hình như cả đời mẹ chưa có bữa cơm no”.</span></p>
<p class="MsoNormal">
<span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black; font-weight: normal">
Tìm đến những tấm gương vượt khó khác như Siu Bên (Jơ Rai), Y Min R’Căm, Y Sai
Niê Siêng (Êđê), Criêng Miêng (K’Tu)... mỗi bạn mỗi cảnh. Nhưng chúng tôi cảm
nhận một điểm rất chung: từ những buôn làng xa xôi ở vùng sâu nghèo khó, họ cùng
bươn chải kiếm sống nhưng các bạn đều học tập khá giỏi và mơ ước về một ngày mai
tươi sáng, không chỉ cho mình, gia đình mà còn cả với đồng bào mình giữa đại
ngàn Tây nguyên. </span></p>
</body>
</html>