<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Trong những ngày tháng gợi nhớ về mái trường xưa, về công ơn dạy dỗ của thầy cô giáo hôm nào, tôi muốn kể bạn nghe câu chuyện về trường tôi và những người thầy của tôi – trường THPT Tân Hiệp, ngôi trường lớn lên cùng với quê hương “Lý đất giồng”.</span></span></em></p>
<p style="text-align:center"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2016/11/27204/Hinh%20anh%203.jpg" style="height:438px; width:600px" /></span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Chắc hẳn mỗi người dân Nam Bộ lớn lên đều quen thuộc với câu hát ru ngọt ngào của mẹ thuở ấu thơ: “Gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng, về sông ăn cá, về giồng ăn dưa” hay bài dân ca quen thuộc: “Trên đất giồng mình trồng khoai lang, trên đất giồng mình trồng dưa gang. Hỡi cô gánh nước đường xa, còn bao gánh nữa để qua gánh dùm”.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Trường tôi nằm dưới vùng chân đồi Trấn Định Giang trong lịch sử triều Nguyễn. Theo sử liệu Nam Bộ Xưa và Nay (NXB THỜI ĐẠI Tạp Chí Xưa và Nay, tác giả Lê Công Lý –Trang 87-88) ghi rõ, Tân Hiệp thuộc đất Ba Giồng xưa, nơi gắn liền với lịch sử của nhân vật lịch sử Nguyễn Huỳnh Đức, Đỗ Thanh Nhơn, Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt, Lê Văn Quân, Nhà yêu nước Nguyễn Hữu Huân, Âu Dương Lân, Nguyễn Khắc Minh, Nhà cách mạng Nguyễn Văn Trí (tự là Hai Trí)…và các bậc trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng như Phan Hiển Đạo, Học Lạc (Nguyễn Văn Lạc), soạn giả cải lương Trần Hữu Trang, GS-TS. Trần Văn Khê, NSND Bảy Nam…</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Được xây dựng từ năm 1961, thật tự hào khi trường tôi là một trong những ngôi trường cấp 3 danh tiếng và lâu đời của tỉnh nói riêng và cả miền Nam nói chung. Thuở ấy, trường có tên là trường Trung Học Bến Tranh do Thầy Ngô Thới Lai làm hiệu trưởng. 55 năm, qua nhiều biến cuộc và thăng trầm lịch sử, trường vẫn tồn tại và phấn đấu trong sự nghiệp giáo dục đến ngày hôm nay.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Sau ngần ấy thời gian kẻ còn người mất, tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng trường tôi vẫn luôn là “trường cửa ngõ” của tỉnh Tiền Giang, thầy cô giáo trường tôi luôn gồng gánh đưa lớp lớp thế hệ học trò đến bến bờ của công danh sự nghiệp, bến bờ thành nhân.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Trong trí nhớ của tôi, hồi phong trào “vượt khó, học giỏi”, nhiều học sinh đã đạt thành tích trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… Điển hình như GS-TS Võ Văn Hoàng cựu học sinh khóa 1978-1981, hiện nay là giảng viên môn Vật Lý trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, thầy được phong hàm Giáo sư năm 45 tuổi; là giảng viên của nhiều trường Đại học trong và ngoài nước.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Năm nay cũng là năm đánh dấu chặng đường 55 năm hoạt động của trường. Tôi về lại trường xưa với biết bao niềm xúc động. Tôi được gặp anh Hồ Nhựt Quang cũng là một cựu học sinh của trường. Giờ đây anh đã là một diễn giả văn hóa Nam Bộ, chủ nhiệm CLB Nghiên Cứu và Vinh Danh Văn Hóa Nam Bộ, một trong những môn sinh của cố GS-TS Trần Văn Khê, nối tiếp con đường của cố giáo sư để nghiên cứu và vinh danh văn hóa Việt Nam. Anh đã truyền tải rất nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật cổ truyền độc đáo của Nam Bộ nói riêng, Việt Nam nói chung tại các trường trung học ở TPHCM như trường PTTH Ten-lơ-man, trường PTTH Tân Túc, trường PTTH Lê Quý Đôn… Lần này anh về trường không chỉ là một chuyến viếng thăm mà còn mang theo cả một tinh thần văn hóa đến với các em học sinh, nối tiếp thầy cô trường tôi viết tiếp câu chuyện về những người thầy, về truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Thật tự hào khi những thầy cô giáo của trường tôi đã dạy dỗ nên những con người như thế.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Nhìn những cái bắt tay nồng ấm, những lời động viên qua lại đầy xúc động giữa các thầy trò, ngoài lời chúc sức khỏe cho nhau, tôi bùi ngùi nhớ lại thuở còn ngồi dưới mái trường, những kỉ niệm bên bạn bè và những bài học thật sâu sắc của thầy cô ngày trước. Miên man trong hồi tưởng, ngôi trường yêu dấu của tôi vẫn còn nằm đó trên quê hương đất giồng nhưng tôi lại thấy có chút gì đó như xa vắng lắm: “Rồi năm tháng cũng bào mòn gạch ngói, mái trường xưa bạn hữu đã về đâu, tôi lặng nhìn thầy cô cũ thật lâu, năm mươi lăm năm kẻ còn người mất…”.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Thầy cô cũ của tôi! Người còn đến nay cũng đã sắp nghỉ hưu! Cũng có những cựu học sinh như tôi hoặc trước tôi cũng về lại trường nhưng không tìm thấy một gương mặt thầy cô nào quen thuộc. Còn những người đưa đò hiện tại, có người tuổi đời chắc phải trẻ hơn tôi. Nhưng với tôi thì lũ học trò cũ chúng tôi mãi mãi vẫn là học trò, tôi vẫn nghiêng mình ngả mũ bằng tiếng “thầy” hoặc tiếng “cô”.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Tôi nhớ mãi lời dạy của thầy tôi ngày trước: “Mối quan hệ thầy trò của chúng ta xưa nay được định đặt bằng lễ nghi nên trước khi vào học, tâm của học trò phải khai sáng và hiểu biết giá trị đầu tiên đó là “Tiên học lễ, hậu học văn”. Lễ là thành kính, là ứng xử có tôn ti trật tự, biết luân thường và biết đạo lý trước khi học các thứ khác”.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Ở cái tuổi của tôi, tôi tin mình vẫn còn trẻ và tôi cũng cho rằng những giá trị đó lại càng phải phát huy hơn nữa trong thời buổi hội nhập văn hóa sâu rộng như hiện nay. Dù già hay trẻ, tôi tin rằng những ngày thầy của tôi đã làm được và những người thầy mãi mãi về sau cũng sẽ viết tiếp những câu chuyện rất đẹp về tình thầy trò. Giữ được truyền thống “Tôn sư trọng đạo” chính là điều đáng tự hào nhất đối với mỗi người hoc trò trên con đường lập thân lập nghiệp và con đường thành nhân.</span></span></em></p>
<p style="text-align:right"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>TÀI ĐỨC</strong></span></span></em></p>
</body></html>