<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà tư tưởng về đạo đức đạo đức học <em>- </em>mà "bản thân Người là một tấm gương về đạo đức cách mạng"2. Chính vì vậy chúng ta phải học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức của Người.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2017/3/27999/Nang_cao_dao_duc_cach_mang.jpg" style="height:376px; width:531px" /></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh được hình thành trong quá trình cách mạng Việt Nam và thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng của Người. Có thể nói, ngay từ buổi đầu tinh thần yêu nước, ý thức cứu nước và hoạt động yêu nước, cách mạng là cơ sở hình thành rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của Người.Cho nên: "Hồ Chí Minh bắt đầu sự nghiệp cách mạng là bắt đầu giáo dục lý tưởng cách mạng và đạo đức cách mạng cho những người yêu nước, cho thanh niên, cho quần chúng nhân dân, chủ yếu là đảng viên và cán bộ. Suốt đời Bác luôn luôn quan tâm làm việc đó”3.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Về mặt tư tưởng <em>- </em>lý luận chỉ kể từ <em>Tư cách của một người cách mệnh </em>trong quyển <em>Đường cách mệnh </em>(1927) đến <em>Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân </em>(đăng báo <em>Nhân dân </em>ngày 3-2-1969) và <em>Di chức, </em>trong gần 40 năm Người đã viết hơn 60 bài báo, sách về đạo đức cách mạng. Trên thực tế, hầu như bài nói, bài viết nào của Người đều đề cập đến vấn đề đạo đức cách mạng và trong cuộc sống ở bất cứ hoàn cảnh nào, cương vị nào, Người cũng thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Vì sao Người đặc biệt quan tâm coi trọng vấn đề đạo đức cách mạng? Bởi vì, "nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa.. "4. Đó là cốt lõi của truyền thống đạo đức dân tộc. Cho nên, khi tiếp nhận và làm theo chủ nghĩa Mác <em>- </em>Lênin, xây dựng chủ nghĩa xã hội đích thực thì cũng "phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác <em>- </em>Lênin được"5. Và như vậy sẽ gây tổn thất cho cách mạng.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Nội dung cơ bản của đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh và sự thể hiện ở<em> </em>bản thân Hồ Chí Minh là gì? Và điều này đã có nhiều bài viết công trình đề cập và nhất trí với nhau, xin không nhắc lại, song cũng cần nhấn mạnh điều tiêu biểu, chủ yếu, có ý nghĩa quan trọng bậc nhất mà cũng phổ cập nhất đối với mọi người, mọi tầng lớp. Đó là “trung với nước hiếu với dân", "cần, kiệm, liêm, chính", "chống chủ nghĩa cá nhân". Đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh là đạo đức của giai cấp công nhân nhưng đồng thời là đạo đức của dân tộc; bởi vì đạo đức của Người được hình thành trên cơ sở đạo đức của dân tộc kết hợp với quan điểm đạo đức của chủ nghĩa Mác <em>-</em>Lênin và tinh hoa văn hóa, đạo đức của nhân loại. Vì vậy, mọi người đều có thể học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Qua hành động, cử chỉ lời dạy cũng như lý luận của Hồ Chí Minh, chúng ta nhận thấy Người đề ra mục tiêu chuẩn mực, yêu cầu chung với mọi người trong nước cùng có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Người chỉ rõ: "Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có <em>quyền lợi </em>làm chủ thì phải có <em>nghĩa vụ </em>làm tròn bổn phận của công dân, giữ đúng đạo đức công dân, tức là:</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">- Tuân theo pháp luật nhà nước.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">- Tuân theo kỷ luật lao động.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">- Giữ gìn trật tự chung.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">- Đóng góp (nộp thuê) đúng kỳ, đúng số để xây dựng lợi ích chung.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">- Hăng hái tham gia công việc chung.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">- Bảo vệ tài sản công cộng.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">- Bảo vệ Tổ quốc"6.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Một cách cụ thể và chi tiết Hồ Chí Minh nêu rõ đạo đức cách mạng và cách "thực hiện đạo đức cách mạng" cho từng giới, từ em bé đến cụ già, nam, nữ, các tầng lớp nhân dân. Và điểm nổi bật là Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tin tưởng vào nhân dân ta có đạo đức cách mạng, luôn thể hiện đạo đức cách mạng. Người khẳng định: "Có thể nói trong mỗi nhà đều có anh hùng, như thế ra ngõ mới gặp anh hùng chứ! Nhìn lại lịch sử mấy nghìn năm của ông cha ta, ta cũng thấy điều đó. Cứ mỗi lần có những thử thách lớn thì nhân dân ta lại tỏ rõ khí phách, nêu cao phẩm chất tốt đẹp của mình..<em>. </em>Người tốt, việc tốt nhiều lắm. Ở đâu cũng có. Ngành, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có"7. Đã là anh hùng, người tốt, việc tốt thì có đạo đức cách mạng và tiêu biểu cho đạo đức cách mạng. Đương nhiên trong xã hội vẫn còn người xấu, việc xấu cần được giáo dục, sửa chữa.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Điều mà Bác Hồ quan tâm, lo ngại là đạo đức cách mạng, việc giáo dục, tu dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Bởi vì, làm cách mạng thì: "Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?"8.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Việc giáo dục đạo đức cách mạng và đòi hỏi việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ ở hai thời kỳ khác nhau <em>- </em>trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Trước cách mạng, Người đòi hỏi mỗi người khi tự nguyện dấn thân vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc thì phải có "Tư cách của một người cách mệnh" trong việc xác định nhiệm vụ, lý tưởng của mình, mối quan hệ của bản thân đối với người khác <em>- </em>đối với đoàn thể, đồng chí <em>- </em>đối với công việc được thực hiện. Những mối quan hệ này thể hiện rất rõ đạo đức của người cách mạng. Vì vậy bài mở đầu của<em>Đường cách mệnh </em>không chỉ được xem như cơ sở lý luận <em>- </em>trực tiếp của đạo đức cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng xây dựng mà còn là phác thảo mục "Đảng viên" <em>- </em>quyền lợi và nghĩa vụ - trong các "điều lệ Đảng" sau này.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Những nội dung nêu trên được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển ngày càng sâu sắc hơn, trở thành cơ sở khoa học của đạo đức Hồ Chí Minh. Các nội dung này hướng người cách mạng phải “Trung với nước, hiếu với dân", suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "Tư cách của một người cách mệnh" đó thể hiện ở những tấm gương chiến đấu dũng cảm, khí tiết của người cộng sản trước kẻ thù, trở thành một nhân tố quan trọng đưa cách mạng đến thành công. Đó cũng là biểu hiện của đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh. Vì vậy, trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chúng ta không thể không học tập tấm gương chiến đấu, đạo đức cách mạng của những anh hùng, chiến sĩ khác. Điều quan trọng hàng đầu mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm sau khi Đảng ta cầm quyền là giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, đấu tranh loại bỏ ngay, loại bỏ triệt để những thói hư tật xấu của các "quan cách mạng". Chỉ một tháng rưỡi sau khi đọc <em>Tuyên ngôn độc lập </em>khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 17-10-1945, trong <em>Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, </em>Người chỉ rõ nghĩa vụ của chính quyền với nhân dân lao động và cảnh báo, phê phán những sai lầm, khuyết điểm của cán bộ chính quyền các cấp chỉ sau một thời gian rất ngắn "cầm quyền".</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Đọc những lời dạy, sự phê phán và cảnh báo “Những lỗi lầm chính" của cán bộ, đảng viên cách đây hơn nửa thế kỷ thì thấy bây giờ những tệ hại này khá phổ biến, lan rộng ở nhiều nơi, ở các cấp mà lại trắng trợn, lỳ lợm, tinh vi, xảo quyệt hơn. Điều này đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng nghiêm khắc phê phán: "Thoái hóa biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài... Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng của chế độ"9.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Nguyên nhân của tình trạng diễn ra nghiêm trọng và kéo dài này có nhiều, như chế độ phong kiến thực dân tuy đã bị đánh đổ song tư tưởng của nó còn sống dai đẳng, ảnh hưởng mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, sự hội nhập theo xu hướng toàn cầu hóa, tác động của xã hội tiểu nông truyền thống... Những vấn đề này chúng tôi không trình bày ở đây mà chỉ nhấn mạnh rằng, chúng ta chưa học tập, thấm nhuần sâu sắc và làm đúng, có hiệu quả tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thực tiễn cách mạng đã khẳng định rằng: khi nào chúng ta vận dụng đúng, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nói riêng thì sẽ giữ vững được phẩm chất, đạo đức và góp phần đưa cách mạng đến thắng lợi. Vì vậy, phải thường xuyên tăng cường nghiên cứu, học tập, tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Tác phẩm <em>Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân </em>ra đời vào dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng (3-2-1969) <em>- </em>42 năm sau <em>Đường cách mệnh </em>và 11 năm sau tác phẩm <em>Đạo đức cách mạng. </em>Có thể xem đây là ba tác phẩm đánh dấu những mốc quan trọng trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam và hoàn chỉnh tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. <em>Tư cách của một người cách mệnh </em>xác định những yêu cầu đối với người tự nguyện đi theo con đường cứu nước mới mà Nguyễn Ái Quốc xác định, lựa chọn cho dân tộc. <em>Đạo đức cách mạng </em>ra đời vào lúc nhân dân ta đang kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khôi phục kinh tế và cải tạo quan hệ sản xuất, chuyển sang xây dựng chủ nghĩa xã hội. <em>Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân </em>là sự hoàn chỉnh tư tưởng đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh, chủ yếu hướng vào cán bộ, đảng viên <em>- </em>đối tượng mà Người rất quan tâm và lo lắng. Có thể xem đây là lời di huấn của một chiến sĩ cộng sản, một lãnh tụ kính yêu của Đảng đến những đồng chí thuộc các thế hệ kế tiếp nhau, vào dịp kỷ niệm thành lập Đảng.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Bối cảnh lịch sử ra đời của tác phẩm khiến chúng ta mỗi khi đọc lại vô cùng xúc động và nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa lời dạy của Người về đạo đức cách mạng. Ngày nay đọc lại tác phẩm <em>Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân </em>chúng ta ôn lại lời dặn dò của Bác trong <em>Di chúc, </em>phần <em>Trước hết nói về Đảng </em>để ghi nhớ "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần <em>đạo đức cách mạng, </em>thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân"10.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Tác phẩm <em>Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, </em>trên cơ sở những luận điểm lý luận về đạo đức cách mạng nói chung tập trung vào một chủ điểm quan trọng nhất mà người cán bộ phải rèn luyện gian khổ và quyết tâm thực hiện. Đó là việc nâng cao đạo đức cách mạng với đấu tranh triệt để xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đặt mối quan hệ giữa nâng cao đạo đức cách mạng với đấu tranh triệt để xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân? Ở đây, người đặt vấn đề <em>nâng cao đạo đức cách mạng </em>tức là xem những người cán bộ, đảng viên đã được giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, song không vì thế mà chủ quan, lơ là mất cảnh giác, phải luôn luôn tu dưỡng để nâng cao đạo đức cách mạng... Bởi vì, trong cuộc sống, trong điều kiện Đảng cầm quyền, có không ít những con người tổ chức ngày hôm trước là cách mạng là anh hùng song không biết giữ mình, bị những tác động, ảnh hưởng xấu có thể trở nên thoái hóa biến chất. Trong những nguyên nhân quan trọng ấy, có một nguyên nhân chủ yếu là "mang nặng <em>chủ nghĩa cá nhân, </em>việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết". Không lo "mình vì mọi người”, mà chỉ muốn "mọi người vì mình”11.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Chỉ rõ một nguyên nhân chủ yếu nhất làm suy giảm đạo đức cách mạng, trong tác phẩm này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích những hậu quả của chủ nghĩa cá nhân dẫn tới việc "phạm nhiều sai lầm”12. Về những sai lầm này, Người đã nói nhiều lần song vẫn còn tồn tại, nên Người nhắc lại và còn căn dặn lần cuối trong <em>Di chúc.</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Từ đó, Người đề ra những biện pháp đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân "để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng". Biện pháp mà Người đề ra gồm có hai mặt: Nhiệm vụ giáo dục đường lối của Đảng và nhiệm vụ tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đảng viên. Để làm tốt công việc này, Người nhấn mạnh "Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ"<em>.</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Như vậy, việc nâng cao đạo đức cách mạng chống chủ nghĩa cá nhân vừa là công tác giáo dục và tự giáo dục, vừa đấu tranh và tự đấu tranh; đó là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và mỗi cá nhân.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh nói chung, việc "nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng, thiết thực trong cuộc vận động "Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cần thực hiện nguyên tắc "Nói đi đôi với làm" trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc học tập, nhận thức tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã thu được kết quả tốt, song điều chủ yếu là làm theo gương đạo đức của Người. Đây là điểm nhân dân đang mong chờ, thể hiện mục tiêu, kết quả cuộc vận động này, chứ không phải dừng ở việc nhận thức, cảm xúc.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong tác phẩm <em>Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc, </em>viết cách đây 60 năm, khi đồng chí công tác ở miền Nam Trung Bộ, đã khẳng định: “Học Hồ Chủ tịch thực ra dễ lắm, vì những điều Hồ Chủ tịch dạy chúng ta, chúng ta đã sẵn có trong tâm hồn, trong khối óc. Chúng ta hãy phản tỉnh lại thì thấy trong đáy lòng, trong ký ức, câu trung với nước, hiếu với dân, đoàn kết phấn đấu, cần, kiệm, liêm, chính chúng ta đã học từ thuở cha ông. Chúng ta hãy hồi tỉnh lại, chúng ta sẽ thấu hiểu Hồ Chủ tịch hơn nhiều và làm những điều Hồ Chủ tịch dạy sẽ không khó nữa"12. Song việc học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh sẽ khó nếu chúng ta không quyết tâm, không loại bỏ những biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, nói không đi đôi với làm...</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">"Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được xây dựng trên cơ sở tình cảm, nhận thức lý trí, có sự rung động và tự nguyện; điều quan trọng là quyết tâm thực hiện, thông qua sự giáo dục, giám sát, kiểm tra của Đảng và nhân dân một cách công minh, nghiêm khắc, thật sự dân chủ...</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Việc giáo dục tư tưởng, hướng thái độ và hành động làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải tiến hành chung cho toàn quốc, song cần chú trọng nhiều hơn đến cán bộ đảng viên. Đây là những người tiên tiến, giác ngộ nhất, phải đi đầu làm gương cho một người tin theo và cũng dễ phạm sai lầm, vi phạm đạo đức cách mạng khi không ngăn cản bệnh cá nhân chủ nghĩa. Cho nên "bên cạnh những đồng chí tốt ấy, còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém”13. Trong điều kiện hiện nay, số ít này lại ngày một đông. Việc giáo dục, giám sát kiểm tra đảng viên cần phải chặt chẽ, nghiêm minh, công bằng hơn... Nếu không làm điều này, nhất là đối với cán bộ, đảng viên ở cấp cao, đảm nhận những chức trách quan trọng thì kết quả học tập sẽ còn hạn chế. Chúng tôi nghĩ rằng, đợt 2 cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" phải chuyển trọng tâm sang cán bộ, đảng viên, giảm bớt những việc tổ chức hình thức, kém hiệu quả, đi sâu thực chất của vấn đề để đạt được mục tiêu đề ra là "... lập nên những thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại" như Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nêu trong Diễn văn kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đảng và phát động cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", ngày 3-2-2007.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">__________</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">1. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">2. Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Chủ biên): <em>Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, </em>Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 239.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">3. Phạm Văn Đồng: <em>Hồ Chí Minh quá khứ, hiện tại, tương lai, </em>Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.31.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">4, 5. Hồ Chí Minh: <em>Toàn tập, Sđd, </em>t. 12, tr. 554.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">6. Hồ Chí Minh: <em>Toàn tập, Sđd, </em>t. 7, tr. 452.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">7. Hồ Chí Minh: <em>Toàn tập, Sđd, </em>t. 12, tr. 547 - 549.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">8. Hồ Chí Minh: <em>Toàn tập, Sđd, </em>t. 5, tr. 252 - 253.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">9. Đảng Cộng sản Việt Nam: <em>Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X.</em></span></span></p>
<p style="text-align:right"><strong> GS. TS. NGND. Phan Ngọc Liên</strong></p>
<p style="text-align:right"><em>Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam</em></p>
<p> </p>
<p style="text-align:center"> </p>
</body></html>