<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đó là sự lựa chọn của rất nhiều sinh viên hiện nay. Dẫu biết điều đó chưa bao giờ là dễ dàng.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Lĩnh vực khởi nghiệp ngày càng đa dạng</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Chỉ còn vài tháng nữa thôi, sinh viên Nguyễn Văn Đàn (Trường Đại học Giao thông vận tải Hồ Chí Minh) sẽ nhận tấm bằng cử nhân sau bốn năm học tập ở ngôi trường này. Không đợi đến khi ra trường, hiện tại Đàn đang cùng một vài người bạn của mình kiếm thêm thu nhập từ việc trở thành đối tác của Google. Đó cũng chính là công việc mà Đàn lựa chọn sau khi ra trường mặc dù chuyên ngành học của Đàn là kinh tế xây dựng. Đàn biết nếu chuyển sang một lĩnh vực khác để khởi nghiệp sẽ gặp không ít vấn đề, tốn kém tiền bạc và công thức học tập nhưng Đàn vẫn luôn muốn theo đuổi cái mà mình thích. Đối với Đàn, việc học tập và hành trang để lập nghiệp là sự lựa chọn của mỗi người. Không ai giống ai.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bạn Lê Thị Thương – sinh viên năm 3 trường ĐHKHXH&NV đã chia sẻ về dự định khởi nghiệp sau khi ra trường. Theo đó Thương dự định sẽ về quê ở Hà Tĩnh để kinh doanh trên lĩnh vực mỹ phẩm và quần áo. Hiện tại, Thương đang kiếm thêm thu nhập nhờ vào việc kinh doanh mỹ phẩm qua mạng. Còn đối với với Nguyễn Hoàng Hải (trường Đại học kinh tế) lại có ý tưởng khởi nghiệp dựa trên đề tài: “Đào tạo kĩ năng thuyết trình và thiết kế thời gian của sinh viên”. Theo khảo sát của Hải và các bạn cùng trường, hiện nay, có khoảng 70% sinh viên ở các trường đại học quan tâm tới kĩ năng thuyết trình. Và thực tế thì khả năng thuyết trình của sinh viên Việt Nam chưa được đánh giá cao. Không chỉ vậy, rất nhiều bạn sinh viên chưa biết cách sắp xếp quỹ thời gian của mình một cách khoa học. Bởi hiện nay sinh viên không chỉ có việc học mà còn phải tham gia rất nhiều hoạt động xã hội khác hoặc thử sức trên nhiều vị trí và vai trò để tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm. Do đó sắp xếp thời gian một cách hợp lý, khoa học là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với sự thành công của mỗi người. Đây chỉ là một số ví dụ trong vô vàn những ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên. Khởi nghiệp đang trở thành một xu hướng nổi trội mà các lĩnh vực khởi nghiệp thì ngày càng đa dạng.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Khởi nghiệp từ giảng đường – nên cân bằng giữa việc học và kiếm thêm thu nhập</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Dù khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên sẽ gặp không ít khó khăn nhưng điều này cũng đã trang bị cho sinh viên rất nhiều những bài học bổ ích. Học đi đôi với hành – vừa học vừa làm không chỉ giúp các bạn sinh viên có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống mà còn có thêm nhiều kinh nghiệm làm hành trang cho tương lai sau này. Bạn Tô Khánh Tường – sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM chia sẻ: “Khởi nghiệp từ giảng đường, một trong những điều mà các bạn sinh viên có được là làm công việc yêu thích, tích lũy kiến thức kinh nghiệm từ cuộc sống – điều mà nếu chỉ ở trong khuôn viên trường đại học chưa hẳn bạn đã học được. Va vấp nhiều cũng sẽ giúp các bạn trưởng thành hơn”.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2017/6/28545/Hinh anh 1.jpg" style="height:95%; width:95%" /></span></span></p>
<p style="text-align:center"><em><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nhiều cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên là cơ hội </span></span></em></p>
<p style="text-align:center"><em><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">để các bạn có thể trình bày ý tưởng của mình với các chuyên gia khởi nghiệp.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Không những thế, khởi nghiệp khi còn là sinh viên sẽ giúp các bạn trau dồi thêm nhiều kĩ năng cần thiết như kĩ năng giao tiếp, kĩ năng sắp xếp quỹ thời gian, kĩ năng thiết lập các mối quan hệ - điều mà các nhà tuyển dụng luôn rất cần ở nhân viên của mình.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tuy nhiên tất cả mọi thứ đều phải được nhìn nhận ở nhiều phương diện và xu hướng này cũng vậy. Ngoài những mặt tích cực mà chúng ta đã thấy thì cũng cần tỉnh táo để nhận thức rõ ràng những mặt hạn chế mà vấn đề đem lại. Bạn Nguyễn Hữu Sơn – sinh viên trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TP.HCM chia sẻ: “Nhiều bạn do không làm chủ được bản thân nên khi bị cuốn vào công việc thì không thể tập trung học tập tốt, dẫn tới rớt môn, thi lại và thậm chí mất thêm 2-3 năm nữa mới có thể ra trường”. Một bạn sinh viên khác thuộc trường Đại học Công nghệ thông tin – ĐHQG TP.HCM đã tỏ ra lo lắng khi chứng kiến nhiều bạn sinh viên gặp khủng hoảng về mặt tinh thần vì dự án khởi nghiệp thất bại, dẫn tới nợ nần và kéo theo những điều khó khăn khác. Một số trường hợp khi kiếm ra tiền đã đâm ra chán nản với việc học trên trường, cảm thấy việc học trở nên vô bổ, thậm chí bỏ học giữa chừng để kiếm tiền.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Trang – giảng viên khoa Ngôn ngữ học trường ĐHKHXH&NV chia sẻ: “Việc khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên đã cho thấy các em đang chủ động hơn với tương lai của chính mình. Điều quan trọng nhất đối với các em là cần tập trung tối đa vào việc học trên giảng đường, nắm vững kiến thức nền tảng, tích lũy từ những cái nhỏ nhất, trau dồi lớn dần lên và sau đó đưa ra thực tế để chứng minh. Kiến thức nền tảng sẽ là cơ sở để các em không đi chệch hướng và luôn làm chủ hành vi của mình. Làm việc sẽ tạo ra đồng tiền nhưng làm chủ đồng tiền do chính mình tạo ra mới là điều đáng trân trọng. Con đường phía trước của các em còn rất nhiều thử thách và chông gai. Cô hi vọng trong khoảng thời gian ngồi trên ghế giảng đường các em sẽ chuẩn bị thật tốt về kiến thức, kĩ năng lẫn tâm thế vững vàng trước khi bước vào cuộc đời khốc liệt ngoài kia. Đối với những em mong muốn khởi nghiệp thì có thể học hỏi qua bạn bè, anh chị, thầy cô để có thêm kinh nghiệm, hay tìm thêm đồng đội chung ý tưởng, đam mê để bước đi và hỗ trợ nhau trên chặng đường dài. Hiện nay ở các trường đại học cũng đã có các diễn đàn khởi nghiệp, các câu lạc bộ hay các chương trình học thuật. Đó là môi trường tốt để các em tham gia học hỏi, trau dồi kiến thức, bản lĩnh tạo những bước đệm vững chắc vào đời”.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong> HỒ HIỀN</strong></span></span></p>
</body></html>