<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Vừa qua, hơn 300 cựu cán bộ Đoàn, các cựu tù chính trị và đông đảo các bạn đoàn viên, thanh niên đã đến Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố để tham dự chương trình giao lưu kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017) mang tên “Nhớ ơn liệt sĩ – noi gương những người anh hùng bất khuất, kiên trung” do Đoàn Thanh niên các Cơ quan TW Cục miền Nam, Thành Đoàn TP.HCM và Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh TP.HCM phối hợp tổ chức.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tại chương trình này, nhiều bạn đoàn viên, thanh niên đã rất xúc động trước những câu chuyện của những người đi trước, những anh hùng từng chịu những trận đòn roi tra tấn dã man của quân xâm lược.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Không đầu hàng địch</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ở ngoài sân khấu trưng bày rất nhiều ảnh của cựu tù chính trị, những tấm ảnh tra tấn dã man của địch.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đồng chí Nguyễn Hữu Châu – Phó Chủ nhiệm Thường trực CLB Truyền thống Đoàn Thanh niên các cơ quan TW cục miền Nam – cho biết: “Trước đây, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM chính là địa điểm Khám Lớn của chế độ tay sai đế quốc năm xưa. Đây là địa điểm hết sức ý nghĩa để tôn vinh những tấm gương đấu tranh bất khuất trong nhà tù, quyết không gục ngã trước kẻ thù”.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2017/7/29066/IMG_8435.JPG" style="height:95%; width:95%" /></span></span></p>
<p style="text-align:center"><em><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Buổi chia sẻ là những câu chuyện xúc động, thấm đượm tình người, tình đồng đội.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Theo bác Châu, ở TP.HCM hình thành Ban liên lạc cựu tù chính trị, tù binh gồm trên 10.000 thành viên bị bắt ở khắp các nhà tù trong cả nước như Hỏa Lò, Sơn La, Phú Quốc, Côn Đảo, Dalat, Khám Lớn, bót Catinat, Chí Hòa, nhà lao Gia Định. Nhiều đồng chí đã từng bị giam giữ như Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng,… nhưng ý tưởng và niềm tin của họ lại có sức sống, sức mạnh hiệu triệu to lớn. Đồng chí Lê Hồng Tư (Phó Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh TP.HCM) chia sẻ: “Giặc muốn người tù yêu nước phải chết dần chết mòn cả thể xác lẫn tinh thần. Hậu quả để lại cho người tù không chỉ ở trong tù mà còn ở ngoài đời. Buổi lễ này chính là dịp để chúng ta tri ân, tôn vinh những tấm gương bất khuất dám chiến đấu đến giọt máu cuối cùng trong nhà lao”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Tấm gương sáng của thanh niên</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Qua chương trình, các cựu tù binh, các bạn học sinh sinh viên Thành phố có dịp giao lưu với những nhân chứng sống trong “thời hoa lửa” để nhớ lại năm tháng bất khuất của dân tộc. Đó là ông Trần Văn Mảnh (Hai Văn) – nguyên Tổng Đội trưởng Tổng đội TNXP Giải phóng, bà Bùi Thị Son – nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố - một cựu tù chính trị, ông Lê Tấn Tài – con của cựu tù chính trị đã trưởng thành.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bà Bùi Thị Son đã cho biết sự tàn bạo của quản giáo đối với tù nhân trong giai đoạn chiến tranh. Qua những lời kể của chứng nhân lịch sử, các bạn trẻ đã hiểu thêm về tình đồng chí và tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Con cựu tù chính trị - ông Lê Tấn Tài đã chia sẻ về thế hệ những người đi trước, trong đó có cha mẹ mình. Ông Lê Tấn Tài nói: “Những anh hùng đã có quãng đời tuổi trẻ cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước, giành độc lập cho dân tộc. Tuổi trẻ hôm nay cũng cần học tập, lao động cần cù để sống xứng đáng với cuộc đấu tranh anh dũng của người đi trước”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Còn ông Trần Văn Mảnh lại kể về câu chuyện tìm hài cốt liệt sĩ. Ông cho rằng: “Tình đồng đội thiêng liêng chính là động lực giúp tôi thực hiện công việc này”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Xúc động trước những thước phim, nhân chứng lịch sử, đồng chí Nguyễn Thị Lệ (Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy) nhấn mạnh: “Thế hệ trẻ cần sống xứng đáng với sự hi sinh của cha anh, tự hào lịch sử oai hùng, biết ơn những người có công với cách mạng từ đó biết sống trách nhiệm hơn. Người trẻ cũng cần kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc để viết tiếp trang sử vàng của đất nước”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bên cạnh việc giao lưu, ôn lại lịch sử với những người đi trước, khán giả còn được thưởng thức những bản nhạc thời hoa đỏ như Dậy mà đi, Mãi mãi ngọt vần thơ, Mùa hoa đỏ, Đồng đội ơi, Linh thiêng Việt Nam,… Ban tổ chức cũng tặng quà cho 5 đồng chí gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và học bổng cho 11 học sinh là con cháu cựu tù, liệt sĩ.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>PHƯƠNG VY</strong></span></span></p>
</body></html>