<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Chiều 28 Tết Mậu Thân 1968, anh Trương Thìn trong Ban Chấp hành Tổng hội Sinh viên Sài Gòn cùng tôi và hai học sinh Cao Thắng là Nguyễn Văn Hoàng, Nguyễn Văn Kỷ trong Ban đồng ca Cao Thắng vào Đài phát Thanh Sài Gòn ghi âm "Chương trình phát thanh Sinh viên".</span></span></p>
<p style="text-align: center;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2017/10/29508/DAIPHAT%20THANH%20SAIGON.jpg" style="height:365px; width:600px" /></span></span></p>
<p><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Chúng tôi vào phòng thu âm, không khí Đài chiều cuối năm vắng lạnh êm ắng lạ thường, chỉ có một nhân viên kỹ thuật phụ trách ghi âm và nhóm chúng tôi. Tôi nhớ, phía bên kia tấm kính cách âm, nhân viên của Đài nhắc nhở: "Các anh không chịu đưa trước bài đọc để duyệt, bài lại viết tay thế này, lần sau không được như vậy…". Hình như cả guồng máy của chính quyền Sài Gòn đang “mê ngủ” trong không khí mừng xuân mới.</span></span></p>
<p><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"> Mở đầu là nhạc hiệu của chương trình với ca khúc "Hát từ đồng hoang" của nhạc sĩ sinh viên Miên Đức Thắng do chính tác giả trình bày vang lên hùng tráng:</span></span></p>
<p><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"> <em>Rồi ngày mai đất ta vươn thơm mùi lúa mới</em></span></span></p>
<p><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><em> Rồi ngày mai đất ta hoa lên hồng môi cười</em></span></span></p>
<p><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><em> Rồi ngày mai quê hương xanh lên màu sông núi</em></span></span></p>
<p><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><em> Vì ngày mai dân ta quyết sống vì đất này</em></span></span></p>
<p><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Tiếp theo là "Bản tin sinh viên" do anh Trương Thìn đọc mô tả hình ảnh sống động và hào hùng của "Đêm văn nghệ Quang Trung" diễn ra trước đó hai ngày. Giọng Huế trầm ấm của anh Trương Thìn vang lên: “ <em>Đêm ấy, trời như mở ra, đất như mở ra, dòng người cuồn cuộn đổ về như trẩy hội, rừng cờ đỏ rực, ánh đuốc lung linh, như đêm hẹn ước ăn Tết vui mùa đông.Ôi đêm Thăng Long! Ôi đêm Sài Gòn! …</em>”</span></span></p>
<p><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Sau phần thu âm “Bản tin sinh viên”, anh Nguyễn Văn Hoàng cân lại dây cây đàn thùng, chúng tôi cùng cất cao tiếng hát:</span></span></p>
<p><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"> <em>Hát cho dân tôi nghe tiếng hát tung cờ ngày nào</em></span></span></p>
<p><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><em> Hát qua đêm thiên thu lửa cháy trên trại giặc thù</em>…</span></span></p>
<p><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"> <em>Giành lại dòng sông này cho lúa chín khắp đồng xanh</em></span></span></p>
<p><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><em> Giành lại thành phố đó Việt Nam nâng cao hòa bình… </em></span></span></p>
<p><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Thật sự chúng tôi cũng không hề biết giờ G sắp diễn ra và nơi chúng tôi ngồi đây là trọng điểm “nóng nhất” của cuộc Tổng tiến công… Ba ngày sau, Đài Phát thanh Sài Gòn bị lực lượng Biệt động Sài Gòn chiếm lĩnh và nổ tung.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"> <strong>Hoàng Đôn Nhật Tân (Trích “Tuổi trẻ Sài Gòn Mậu Thân 1968 – NXB Trẻ 2013)</strong></span></span></p>
</body></html>