<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Năm 1972, trên nhà sàn giữa cánh đồng nước mênh mông ở biên giới Việt Nam - Campuchia, trong những phút giây yên tĩnh đạn bom, khi bàn về phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn, tôi nhớ, anh Phạm Chánh Trực (Năm Nghị) có phác thảo ý tưởng về ngày giải phóng, biến số 4 Duy Tân (nay là Nhà Văn hóa Thanh niên – 4 Phạm Ngọc Thạch) thành nơi hội tụ thanh niên, nơi lễ hội tưng bừng của giới trẻ...</span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2017/10/29527/nha-van-hoa-thanh-nien-2-1441371713.jpg" style="height:400px; width:600px" /></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Ngày 1/5/1975, Thành phố được giải phóng, hàng ngàn thanh niên đổ về số 4 Duy Tân tham gia văn nghệ, nghe thời sự, gặp gỡ bộ đội giải phóng… đúng là “cách mạng là ngày hội của tuổi trẻ”. Tháng 9/1975, Thành đoàn chính thức hình thành Câu Lạc bộ Thanh niên, sau đó chuyển thành Nhà Văn hóa Thanh niên, các lễ hội tiếp nối nhau…</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Nhiều ý tưởng từ đó nẩy nở thành những lễ hội chung như Quốc Khánh 2/9, Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, Kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 1984, 20 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1988, Kỷ niệm 20 năm lực lượng TNXP 1986, ngày truyền thống thanh niên công nhân 15/10/1984… Tôi nhớ nhân kỷ niệm 30/4/1985, Nhà Văn hóa Thanh niên tập hợp những thiếu nhi sinh ngày 30/4/1975, tay cầm cờ Tổ quốc tuần hành vào Dinh Thống Nhất như giới thiệu một thế hệ mới, sinh ra trong chế độ mới.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Để thu hút thanh niên, tôi nhớ những đêm lễ Giáng sinh, ngoài chương trình các chương trình ca khúc “xoay tua” các sân khấu trong Nhà Văn hóa Thanh niên, còn có chương trình cũng chẳng phải đầu tư gì lớn, một bục gỗ và một micro để giữa sân, ai muốn hát đến đăng ký lên hát gọi là chương trình “Hát với nhau”. Có thanh niên ngồi trên xe lăn nhờ mọi người nâng để trên sân khấu và xin được hát. Kết hợp với hát, người hát có thể giới thiệu bộ thời trang của mình… cứ thế hết lượt này đến lượt khác, suốt đêm, thu hút hàng vạn lượt người.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc trong giai đoạn mới của đất nước, nhằm lôi cuốn tuổi trẻ vào sinh hoạt tập thể lành mạnh, không tụ tập các quán “cà phê đèn mờ’ nhạc đĩa, nhạc băng inh trời lúc đó nhan nhản khắp đường phố không kiểm soát nổi, Thành Đoàn có chủ trương “phong trào ca khúc chính trị”, hình thành những tốp vừa đàn vừa hát phục vụ cho các lễ hội, đi vào công nhân, học sinh sinh viên, các công trường nông trường từ mô hình của nhóm “ca khúc chính trị” Lứa tuổi 49 của CHDC Đức với bài hát rất ấn tượng “Bài ca Hồ Chí Minh”. Lúc đầu chưa có mô hình nên sinh ra lẫn lộn “ca khúc chính trị” với “nhạc trẻ”, nhiều nhóm chạy theo doanh thu, làm cho nhiều người e ngại khi nhớ chương trình “nhạc trẻ” trước năm 1975 tại Thảo Cầm viên Sài Gòn tụ tập phần lớn là các nhóm chơi nhạc Mỹ “đầu bù tốc rối, áo quần tả tơi” bắt chước “phong trào Hippy” nên báo chí lúc bấy giờ gọi là “nhạc Sở Thú”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Rồi chương trình “ca khúc mới” của Hội trí thức Yêu nước gây nhiều tranh luận trong giới nhạc sĩ và báo chí. Thành đoàn chỉ đạo Nhà Văn hóa Thanh niên mời các nhạc sĩ, ca sĩ này như nhạc sĩ Hoàng Hiệp, Miên Đức Thắng, Phạm Trọng Cầu… tổ chức trình diễn tại Nhà Văn hóa Thanh niên. Trong đám đông khán giả trẻ tôi chợt thấy một người mặc đồ bộ đội đội nón kết, mang kính đen… hình như quen quen, Ồ! Tôi suýt kêu to lên thành tiếng: “Chú Sáu”. Chú Sáu Dân (Võ Văn Kiệt – Bí thư Thành ủy) ngồi lẫn trong đám đông nhìn tôi ra dấu im lặng để các nhạc sĩ, ca sĩ hát tự nhiên và giúp chú lắng nghe được hiệu ứng của đám đông. Chú Võ Văn Kiệt còn đến Văn phòng Báo Tuổi Trẻ ngồi kín đáo sau bức màn che khuất im lặng lắng nghe các ca sĩ, nhạc sĩ thảo luận vấn đề âm nhạc và tuổi trẻ do nhạc sĩ Xuân Hồng chủ trì. Sau đó Thành ủy ra nghị quyết về văn hóa văn nghệ định hướng cho phong trào văn nghệ Thành phố.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Để góp phần thực hiện Nghị quyết này, Thành đoàn giao cho Nhà Văn hóa Thanh niên hình thành nhóm ca khúc Rạng Đông dự Liên hoan ca khúc chính trị tại CHDC Đức. Thế là tôi phải mời các nhạc sĩ như Chánh Trực, Thanh Trúc đi “tuyển” ca sĩ, cuối cùng tập hợp được Sĩ Thanh, Họa Mi, Minh Phượng, Thanh Long Bass, Hùng Organ… Thanh Long hát bài “Thành phố tình yêu” của nhạc sĩ Thanh Trúc, giọng bass truyền cảm: “<em>Còn nhớ tiếng nói Bác Hồ, bạn ơi tuổi xuân hiến dâng cho cuộc đời, thành phố thắm thiết tiếng cười biết mấy ân tình mến yêu</em>…”. Nổi bật là Sĩ Thanh vừa đàn ghi ta vừa hát “Đôi mắt hình viên đạn” của nhạc sĩ Trần Tiến: “<em>Đoàn quân vội đi đi từ biên giới, nhưng từ biên giới về những người mẹ già, đoàn quân lặng yên nhìn đàn em bé, từng đôi mắt đen xoe tròn, những đôi mắt mang hình viên đạn, những đôi mắt cháy lên, sáng lên như ngàn ánh lửa</em>… Nhạc sĩ Trần Tiến, tác giả bài này trầm trồ khen mãi tiết mục này vì tìm được ca sĩ thể hiện xuất sắc tác phẩm của mình.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Sau đó nhóm nữ “30 tháng 4” được hình thành dự Liên hoan các nhóm ca khúc chính trị tại Bulgaria gồm Kim Phương, Cẩm Vân, Kim Yến, Thúy Quang…. Nhóm ca khúc 30/4 màu sắc nữ Việt Nam thướt tha áo dài, kết hợp đàn điện tử với bộ gõ dân tộc. Bạch Lý dễ thương vừa đánh trống vừa hát “Em đi nuôi dạy trẻ” của nhạc sĩ Phan Nhân, Kim Phương, Cẩm Vân, Kim Yến tươi tắn, hồn nhiên với “Ơi! Cuộc sống mến thương” của Nguyễn Ngọc Thiện, Kim Yến mượt mà với “Câu hát bông sen”. Tôi nhớ mãi cô con gái của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết và ca sĩ Ngọc Cẩm là Hồng Danh cầm ghi ta thùng vừa đàn vừa hát, đôi mắt tròn đen như gửi gắm cả tình cảm khát khao trong ca khúc “ Em vẫn đợi anh về” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Nhớ buổi tổng duyệt nhóm 30/4 có chú Năm Xuân - Mai Chí Thọ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP đến dự, sau chương trình, chú Mai Chí Thọ hỏi: “Mỗi cháu được may mấy áo dài để diễn”, Kim Phương, Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên, trả lời: “ Dạ! Kinh phí chỉ cho may một áo dài”, Chú Mai Chí Thọ nói: “May cho mỗi cháu thêm áo dài, không lẽ thành phố không lo nỗi mỗi cháu ba áo dài hay sao?”. Rồi Đoàn ca khúc 30/4 ra Hà Nội tổng duyệt và đi Bulgaria trình diễn thành công.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Khi về nước nhóm 30 tháng 4 rất hấp dẫn thanh niên, sau đó là phong trào ca khúc chính trị nở rộ khắp ở cơ sở, có nhiều nhóm tiêu biểu như: Nhóm ca khúc Câu Lạc Bộ tháng 9, nhóm nữ Sinco với Hồng Hạnh, nhóm ca khúc Thanh niên Xung phong của Nguyễn Đức Trung, Thúy Hồng… nhóm ca nhạc dân tộc Phù Sa với Ngọc Yến, Văn Tài, Ngọc Điệp… phong trào ca hát của tuổi trẻ thành phố trở nên sống động, hấp dẫn, lôi cuốn tuổi trẻ đến các lễ hội, sân chơi tập thể…</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Không chỉ âm nhạc, từ 1982 với Cúp bóng đá thế giới và Châu Âu đã cuốn hút giới trẻ. Tôi nhớ lúc đó ở Nhà Văn hóa Thanh niên có cuộc triển lãm các đội bóng tham dự World cup Espana 1982 thu hút 30 ngàn lượt người đến xem. Rồi đến Tiger Cup 1994, Việt Nam vào bán kết và chung kết, thanh niên tự động xuống đường tuần hành với cờ Tổ quốc trên tay. Từ đó, Nhà Văn hóa Thanh niên biến những giải bóng đá Đông Nam Á, những cúp Châu Âu và thế giới thành ngày hội thể thao cuồng nhiệt của tuổi trẻ. Sau mỗi trận Việt Nam thắng là cuộc xuống đường tuần hành rợp màu cờ đỏ trong toàn Thành phố… Từ đó Nhà Văn hóa Thanh niên có một tên khác: “Chảo lửa Mỹ Đình 2”…</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Trích hồi ký “Đường chúng ta đi”-</strong> <strong>Hoàng Đôn Nhật Tân – Nguyên Chủ nhiệm - Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên (1980- 1989)</strong></span></span></p>
</body></html>