<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><strong>Ở đất nước ta, có một điều tưởng chừng bình thường nhưng đã trở thành chân lý: khi có bất cứ hành động xâm phạm đất nước, thì sẽ có phong trào đấu tranh rộng khắp của mọi tầng lớp Nhân dân.</strong></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Xuân Mậu Thân 1968 - những người học sinh, sinh viên, thanh niên Sài Gòn – Gia Đình bằng mưu trí của mình với tình yêu nước, yêu cách mạng, yêu lẽ phải, yêu chính nghĩa, dám xả thân vì đại nghĩa, đã làm nên những điều kỳ diệu.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">50 năm đã qua, chú <strong>Hoàng Đôn Nhật Tân</strong> –<em> nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên huấn Thành Đoàn, nguyên Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố</em> vẫn xúc động khi nhắc lại những ký ức về Đại hội Văn nghệ sinh viên, học sinh mừng Tết Quang Trung trước thềm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.</span></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/2/30210/chu sau.JPG" style="font-size:14px; height:433px; text-align:justify; width:650px" /></p>
<p style="text-align:justify"><span style="color:#FF0000"><span style="font-size:20px"><span style="font-family:courier new,courier,monospace"><strong>TINH THẦN QUANG TRUNG BẤT DIỆT</strong></span></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Cầm trên tay cây đàn guitar trình diễn trong Đại hội Văn nghệ sinh viên, học sinh mừng Tết Quang Trung, chú Sáu Triều cho biết, khi ấy chú là học sinh trường Trung học kỹ thuật Cao Thắng (nay là trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Quận 1). Qua thông tin, chú biết được cuối năm 1967 Thành Đoàn (lúc này đang hoạt động bí mật) đã âm thầm tập hợp <em>Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Đoàn Văn nghệ học sinh sinh viên Sài Gòn</em>… để lên kế hoạch tổ chức một đêm văn nghệ dự kiến diễn ra vào ngày 26 tháng Chạp.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Mục đích đêm văn nghệ nhằm phát động Nhân dân sẵn sàng vùng dậy trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. </span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">“Năm đó chú 19 tuổi, đang là <em>Trưởng</em> <em>Ban Báo chí - Văn nghệ</em> trường Cao Thắng. Khi nghe Thành Đoàn phát động đêm văn nghệ, chú liền đăng ký tham gia với vai trò là<em> Trưởng</em> <em>Ban tác động </em>của đêm văn nghệ” – chú Sáu nhớ lại.</span></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/2/30210/chu sau luc tre.jpg" style="font-size:14px; height:480px; text-align:justify; width:363px" /></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><em>Chú Sáu Triều lúc trẻ.</em></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Điều khó khăn nhất lúc này là làm sao để chính quyền Sài Gòn không nghi ngờ và cho phép tổ chức đêm văn nghệ. Để giải quyết vấn đề, Ban tổ chức đêm văn nghệ quyết định chọn hình ảnh vua Quang Trung tiến về Thăng Long làm chủ đề. “Với hình ảnh vua Quang Trung, địch không ngăn cản mà còn ủng hộ. Qua đó chúng ta lồng ghép ý đồ phát động tinh thần yêu nước của nhân dân với hình ảnh quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, cũng như vua Quang Trung tiến vào thành Thăng Long đại phá quân Thanh. Có thể thấy ý tưởng này của Thành Đoàn rất khéo léo” – chú Sáu nhận định.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Ngoài ra chi phí cho đêm văn nghệ cũng là bài toán khó. Bằng những hoạt động quần chúng, Ban tổ chức kêu gọi các bạn học sinh cùng góp công lao động. Nhờ vậy các hoạt động chuẩn bị hết sức khẩn trương: một sân khấu hoành tráng cao 2.5m được dựng lên giữa sân trường Quốc gia Hành chánh (giờ là Học viện Hành chính Quốc gia, phân viện tại TP. Hồ Chí Minh), hơn 20.000 thiệp mời cũng đã được gửi đi.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Các biểu ngữ “<em>Tinh thần Quang Trung bất diệt</em><em>”</em> được treo khắp các trường học trong đô thị. Nhờ các hoạt động chuẩn bị diễn ra sôi nổi, nên chương trình còn nhận được sự chú ý và góp tiền ủng hộ từ những người giàu có, trí thức yêu thích văn nghệ.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="color:#FF0000"><span style="font-family:courier new,courier,monospace"><span style="font-size:20px"><strong>TIẾNG TRỐNG TRẬN HÀO HÙNG</strong></span></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Theo chú Sáu Triều cho biết: “Với lực lượng của thanh niên không thể mời các nghệ sĩ nổi tiếng thời đó như Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng… Nên những tài hoa trong học sinh Sài Gòn lúc bấy giờ từ Lưu Hữu Phước, Tôn Thất Lập đến họa sĩ Nguyễn Hữu Châu… có cơ hội thỏa sức vẫy vùng với tài năng nghệ thuật của mình”. Nếu như nhạc sĩ Tôn Thất Lập sáng tác hai bài <em>Người đợi người</em> và <em>Hát cho dân tôi nghe</em> chuyển tải rõ ý đồ của thời kì lịch sử lúc bấy giờ, thì những tác phẩm trước đó của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước như: <em>Hội nghị Diên Hồng, Bạch Đằng Giang</em>… cũng được dàn dựng thành những tiết mục hoành tráng trong đêm diễn.</span></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/2/30210/bieu dien.gif" style="font-size:14px; height:400px; text-align:justify; width:600px" /></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/2/30210/vu khuc.JPG" style="height:450px; width:600px" /></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><em>Các tiết mục văn nghệ trong đêm diễn - Tư liệu Thành Đoàn</em></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Nhưng điều khiến chú Sáu ấn tượng nhất là bức tranh vẽ đoàn quân Quang Trung tiến về Thăng Long. Do không có điều kiện nên các cô, chú học sinh lúc bấy giờ đã dùng bao xi măng may lại thành một tấm thảm to làm phong vẽ. Cùng với vôi sơn tường, họa sĩ Nguyễn Hữu Châu đã vẽ nên bức tranh đoàn quân Quang Trung tiến về thành Thăng Long cháy rực lửa vô cùng ý nghĩa, khiến ai cũng phải trầm trồ.</span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/2/30210/Picture1.jpg" style="height:336px; width:528px" /></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">“Trên nền nhạc hùng ca “Hội nghị Diên Hồng”, trong tiếng trống trận hào hùng, trước câu hỏi “Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?”. Cả hàng chục ngàn khán giả cùng hô vang: “Quyết chiến!”. Trước câu hỏi: “Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?”. Cả biển người cùng hô vang: “Hy sinh!”.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Tiếng hát và khí thế của Đại hội văn nghệ sinh viên, học sinh mừng Tết Quang Trung vang dội khiến kẻ thù khiếp sợ nhưng sâu lắng, như một lời hẹn ước kín đáo rung động trái tim tuổi trẻ Sài Gòn. Đúng 5 ngày sau, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân nổ ra.</span></p>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-size:14px">"Trong sắt thép và máu lửa của kẻ thù, tuổi trẻ Sài Gòn - Gia Định được truyền thụ sức sống mãnh liệt của dân tộc quật cường, hóa thân vào biển lớn Nhân dân, để hết đợt này đến đợt khác, không bao giờ vắng bóng ngọn cờ cách mạng giữa lòng Sài Gòn. Xuân Mậu Thân 1968 luôn nung nấu trong huyết quản của Tuổi trẻ Thành phố anh hùng" - </span></em><span style="font-size:14px">Chú Sáu Triều chia sẻ. </span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><strong>THÁI DUY - T.L.</strong></span></p>
</body></html>