<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>New Page 1</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
“Bắt” sóng biển thành điện</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="bat%20song%20bien%20thanh%20dien.JPG" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Bùi
Nguyên Vọng thuyết trình, bảo vệ trước hội đồng giám khảo trên mô hình
máy phát điện thông qua sóng biển </font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đó là một trong 10 đề tài, công
trình được trao giải nhất “Phát minh xanh” lần 7 (do Sony Việt Nam, Bộ GD-ĐT, Bộ
Tài nguyên - môi trường tổ chức) tại TP Huế. Tác giả là Bùi Nguyên Vọng, sinh
viên của ĐH Cần Thơ vốn hoàn toàn “ngoại đạo” về lĩnh vực cơ khí.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Mô hình “Hệ thống
phát điện bằng năng lượng sóng biển” của Vọng có thể diễn giải: dùng hai chiếc
phao hình cầu lênh đênh trên sóng biển, một hướng ra khơi, một hướng vào bờ. Hai
cái phao cách nhau một nửa bước sóng (để khi một cái lên cao thì cái kia xuống
thấp), được liên hệ với nhau bởi một sợi dây cáp qua hệ thống ròng rọc đặt dưới
đáy biển dẫn dây cáp vào bờ. Phía trong bờ, một dàn máy phát điện đã được đặt
sẵn, chịu sự kích hoạt bởi dây cáp ngoài biển dẫn vào. Sự dao động của sóng
chính là “lực” để hai quả phao chuyển động và kích hoạt máy phát theo kiểu “cọ
cưa”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tại phiên trình bày,
Vọng đã khiến không ít người bất ngờ khi đưa ra mô hình đã thiết kế sẵn. Vọng
lấy sợi dây cáp kéo xuống kéo lên theo sự chuyển động hai chiều của ròng rọc và
khiến một bóng đèn trên “tổ máy” luôn phát sáng. “Khi không có sóng hoặc sóng
quá mạnh như sóng thần thì sao?” - một trong những câu hỏi khó mà ban giám khảo
chất vấn Vọng. “Đây là vấn đề nan giải thường gặp phải của việc dùng năng lượng
sạch nói chung - Vọng trả lời - Nếu dùng năng lượng mặt trời chẳng hạn thì ban
đêm đành... chịu. Nếu dùng sức gió mà không có gió cũng thế...”. “Vậy cơ sở nào
em tạo ra dòng điện công suất 8kW?” - một vị giám khảo khác hỏi. Vọng nói: “Dạ,
đó là tương ứng với khối lượng, kích cỡ của quả cầu phao ạ”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Mô hình này chưa
được áp dụng tại VN, còn ở nước ngoài thì Tây Ban Nha và Đan Mạch đã sử dụng phổ
biến. Vọng nói: “Đất nước ta có bờ biển dài từ Bắc vào Nam, nên công trình của
em thuận lợi về địa hình khi triển khai”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Điều bất ngờ với
nhiều người là không chỉ công trình của Vọng khá độc đáo mà vì tác giả lại là
dân... “ngoại đạo” với ngành cơ khí. Vọng sinh năm 1984, con út trong một gia
đình ở xã Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành
sư phạm vật lý (ĐH Cần Thơ) năm 2004, Vọng thi tiếp vào ngành điện tử - ĐH Cần
Thơ và hiện là sinh viên năm 2. Võ Quốc Tiếng, sinh viên ngành cơ khí năm 4 (ĐH
Cần Thơ), một “đối thủ” khác của Vọng (người đoạt giải ba với công trình “Năng
lượng dòng chảy trên sông”), tâm sự: “Anh ấy làm nhiều người bất ngờ. Là sinh
viên ngành điện tử mà lại nghĩ ra được những nguyên lý hoạt động khá phức tạp về
cơ khí. Thiết kế được bộ phận hoạt động thật tuyệt vời”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Vọng hi vọng công
trình này sẽ được ứng dụng, nhận được nhiều sự quan tâm của các mạnh thường quân,
các tổ chức, cá nhân. Nếu không, Vọng vẫn chờ một thời gian nào đấy để triển
khai. </font></p>
<table style="border-collapse: separate" bordercolordark="#456ae1" bordercolorlight="#4792d9" align="center" border="0" bordercolor="#ecf2fe" cellpadding="4" cellspacing="5" width="96%" id="table2">
<tr>
<td bgcolor="#cfe6f9" valign="center">
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#000000" face="Arial" size="2"><strong>GS.TSKH THÂN ĐỨC
HIỀN</strong>, viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu (ĐH
Bách khoa Hà Nội), trưởng ban giám khảo giải thưởng “Phát minh xanh” lần
7:</font></p>
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#000000" face="Arial" size="2">“Chúng tôi đánh giá lần này
các em đã đạt trình độ cao, công trình độc đáo, có tính sáng tạo... Qua
cuộc thi “Phát minh xanh” này, kết quả là một phần quan trọng, nhưng
quan trọng nữa là việc nghiên cứu khoa học, phương pháp làm việc. Các em
phối hợp nghiên cứu, làm việc theo nhóm. Cùng đó, để thực hiện đề tài
của mình, các em phải sưu tầm tài liệu, đọc sách, tìm kiếm thông tin
trên Internet... Đặc biệt là với đề tài “Hệ thống phát điện bằng năng
lượng sóng biển” Vọng đã phải tìm hiểu các mô hình đã ứng dụng ở các
nước, điều đó rất tốt. Biết khai thác thông tin và vận dụng sáng tạo”. </font></td>
</tr>
</table>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>