<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>Buổi giao lưu trò chuyện với chú Nguyễn Long Trảo - tác giả cuốn Hồi kí “Khi Tổ Quốc gọi” đã diễn ra tại đường sách TP. Hồ Chí Minh vào sáng 1/9. Bạn đọc không chỉ được lắng nghe câu chuyện về tình yêu nước, mà còn học hỏi thêm nhiều bài học kinh nghiệm sống.</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Mong cuốn sách như câu chuyện lịch sử</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Kỷ niệm 73 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2018) và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2018), Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Đường sách TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình giao lưu với tác giả Hồi kí “Khi Tổ Quốc gọi”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Chú Nguyễn Long Trảo - nguyên là Phó Tổng giám đốc Khu Chế xuất Sài Gòn - Sepzone, Phó Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu IMEXCO, chuyên viên Tổng hợp Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Cuốn Hồi kì “Khi Tổ quốc gọi” của chú Nguyễn Long Trảo do Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh tái bản bổ sung năm 2018. </span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Chia sẻ về cái tên của cuốn sách “Khi Tổ Quốc gọi”, chú cho biết, chú đi theo Cách mạng cũng từ tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc. Vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ cũng vì chú yêu Tổ Quốc này. Khi Tổ Quốc gọi chú cũng chỉ mới 15, 16 tuổi nhưng tiếng gọi ấy vẫn xuyên suốt cuộc đời chú, đến tận bây giờ vẫn nghe văng vẳng tiếng gọi ấy.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nói về cuốn sách Hồi kí “Khi Tổ Quốc gọi”, chú Long Trảo nói: “Chú không phải là nhà văn, nói về viết sách thì chú chỉ có một cuốn này duy nhất. Năm 2013, chú mắc bệnh hiểm nghèo, cơ thể yếu. Lúc đó, con gái Bạch Dương nói chú viết Hồi kí, chú cũng lúng túng: “Biết viết gì đây?”. Sau đó, con gái mua cho chú một cái latop và chú bắt đầu viết từ đó. Cuốn hồi kí là những gì chú nghe, thấy trong suốt cuộc đời mình. Bắt đầu từ đất nước bị xâm lược cho đến khi đất nước đã hòa bình xây dựng Chủ nghĩa xã hội, không gian trải dài từ mặt trận miền Đông đến miền Tây, từ Nam ra Bắc”.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/9/31362/IMG_3608.JPG" style="height:95%; width:95%" /></span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/9/31362/IMG_3610.JPG" style="height:95%; width:95%" /></span></span></p>
<p style="text-align:center"><em><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Những chia sẻ chân thành của chú Long Trảo nhận được sự quan tâm </span></span></em></p>
<p style="text-align:center"><em><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">của đông đảo đoàn viên, thanh niên Thành phố.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"> “Ban đầu, chú viết bằng cách nhớ gì viết nấy, trí nhớ theo dòng thời gian rồi viết. Chú lấy cuộc đời thật của mình, kỉ niệm ngày đó để phân tích chiều sâu, suy tưởng hơn về cuộc đời của những người lính cách mạng, quá trình sự kiện lịch sử, liên quan đến cuộc kháng chiến. Sau này, chú càng muốn viết cho các bạn thanh niên hơn. Chú mong các cháu đọc cuốn sách như đọc một cuốn truyện và tiếp nhận lịch sử đất nước như là một câu chuyện xuyên suốt dòng thời gian”, chú Trảo tâm sự.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Hỏi về điều trăn trở nhất hiện tại, chú cho rằng, khi đọc lại cuốn Hồi kí, chú vẫn còn trăn trở về những câu chuyện của người lính không đi tập kết ở miền Bắc mà tiếp tục chiến đấu ở miền Nam trong 21 năm. Hiện tại chú đang cố gắng tìm cho đủ tài liệu để tiếp tuc viết. Có thể những người lính ấy đã ra đi, có người mất, có người vẫn còn sống, nhưng chú vẫn sẽ tiếp tục tìm và viết. Điều chú hằng mong ước là hoàn chỉnh cuốn tư liệu một cách đầy đủ nhất.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Phải biết “lăn” vào cuộc sống</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bạn Hà Phương Vi (22 tuổi, Đoàn viên quận Đoàn Thủ Đức) hỏi: “Trong quá trình công tác ở Nhà máy V-119, chú từng làm Quản đốc Phân xưởng sửa chữa Radar và quản lý nhiều nhân viên ở đây. Vậy chú có thể chia sẻ bí quyết trở thành một nhà lãnh đạo trong công xưởng nhà máy hiệu quả được không ạ? Bên cạnh đó, chú còn là người đầu tiên thành lập Khu chế xuất của TP. Hồ Chí Minh, vậy chú có thể cho cháu biết người trẻ khởi nghiệp hiện nay đang thiếu điều gì không ạ?”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trả lời câu hỏi về nhà lãnh đạo, chú Long Trảo cho biết, một người lãnh đạo giỏi là người phải am hiểu một cách đầy đủ nơi làm việc của mình. Phải thương yêu cấp dưới, luôn động viên các thành viên tận tâm tận lực với công việc. Còn về vấn đề khởi nghiệp, chú cho rằng, bạn trẻ hiện nay vẫn còn thiếu kĩ năng “lăn vào cuộc sống”. Kĩ năng đó phải được rèn luyện bằng cách biết khắc phục khó khăn, không đầu hàng bất cứ cái gì, đặc biệt là không thể quên đi tri thức.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Qua chia sẻ của ông Nguyễn Long Trảo, em hiểu thêm về cuộc sống những người lính, những trận chiến năm ấy cũng như cuộc đời những người phụ nữ luôn đứng sau lưng hỗ trợ ông. Đọc cuốn sách Hồi kí “Khi Tổ Quốc gọi”, em cảm thấy cảm động và đã rút ra nhiều bài học cho bản thân mình, về đời sống, cách sinh hoạt, về sự kiên cường chiến đấu nhiều khó khăn cùng đồng đội và kĩ năng viết văn trôi chảy”, bạn Hồ Lưu Lợi (lớp 10C1, trường THPT Lê Trọng Tấn) chia sẻ.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>PHƯƠNG THẢO</strong></span></span></p>
</body></html>