<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2019/9/32750/anh%20minh%20hoa.jpg" /></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:10px"><em>Ảnh minh họa - Truyenhinhdulich.vn</em></span></p>
<p style="text-align:justify"><strong><span style="font-size:16px">Đầu năm 1974, chúng tôi lãnh nhiệm vụ đi xây dựng căn cứ mới ở miền Tây Nam bộ, điểm đến là Đồng Tháp Mười lúc đó là huyện Kiến Văn, tỉnh Kiến Phong (nay là huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).</span></strong></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Đoàn công tác gồm 8 người thuộc B.9 (Thanh niên Công nhân) và B.10 (Học sinh) gồm: Hoàng Đôn Nhật Tân (Sáu Triều), Lâm Văn Tiếp (Hai An), Nguyễn Minh Lân (Hai Lê), Nguyễn Tuấn (Tư Trung), Tám Thanh, Tư Đời, Út Đậm, Năm Thạnh. Đoàn khởi hành từ xã Thanh An, huyện Bến Cát. Lộ trình là đi ngược lại con đường mà chúng tôi đã đi “xuống đường” năm 1973 tức là về lại huyện Tân Biên - Tây Ninh, đi sâu vào đất Campuchia rồi xuống tỉnh Kiến Phong. Cuộc hành quân định tối đa là một tháng nào ngờ kéo dài gần 3 tháng vì địch hành quân chặn ngang biên giới, giao liên đi không được nên đoàn chúng tôi phải “ăn đợi, nằm chờ”, báo hại tại căn cứ Thành Đoàn không nhận được tin tức gì, lại nghe có đoàn 8 người bị Khmer đỏ thủ tiêu nên nhiều người lo là đoàn này “một đi không trở lại”.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Ấn tượng nhất trong chuyến hành quân này là đêm vượt Đồng Chó Ngáp thuộc tỉnh Kiến Phong. Chúng tôi nhớ khởi hành từ lúc 1 giờ trưa, giao liên cho đi xuồng một đoàn, đến đoạn không đi xuồng được nữa thì lội nước từ xẩm chiều tới rạng sáng hôm sau mới đến nơi. Cả một đồng nước mênh mông, tối thăm thẳm như giữa đại dương, xa xa có ánh đèn của các đồn bót giặc, không có con đường dù là đường mòn vẹt cỏ, không có cái gì là cột mốc để định hướng, vậy mà giao liên cứ dẫn chúng tôi lội sình, lội nước, chỗ cạn, chỗ sâu, giao liên này bàn giao với giao liên khác, suốt trọn một đêm. </span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Có lúc giao liên cũng cho nghỉ chân nhưng chỉ đứng khum khum, vì ngồi xuống là ướt ba lô và ruột tượng đựng gạo, vì chung quanh là đồng nước mênh mông. Đi mệt đến nỗi như mộng du, vừa đi như vừa ngủ. Có anh em mệt quá đề nghị với giao liên nghỉ chân chỗ gò cao, sáng đi tiếp, anh giao liên nói:<em> “Ở đây trống lốc hà! Sáng trực thăng nó quần nó thấy là nó tới “rỉa xương” mấy cha đó!”</em> Thế là phải đi.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Nhớ lúc đi đến kinh xáng An Long, tất cả mọi người phải vượt sông, cởi quần áo bỏ vào ba lô, chỉ mặt quần “xà lỏn”. Dùng tấm nylon bao kín ba lô, cột chặt lại như cái phao, để nổi trên mặt nước, súng gác lên trên rồi bơi qua sông. Do nước chảy xiết nên đến bờ bên kia người trôi xa người trôi gần phải tìm cách tập hợp lại nhưng không được kêu nhau vì gần đồn bót. Ac nỗi là lúc mình trần là lúc hàng ngàn con muỗi thừa cơ hội tấn công như hàng ngàn mũi kim chích.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Cuối cùng rồi chúng tôi cũng đến được xã Mỹ Long, huyện Kiến Văn, tỉnh Kiến Phong. Ấn tượng đầu tiên của tôi là buổi gặp gỡ lãnh đạo xã để trình giấy giới thiệu của Khu ủy. Anh Minh Tâm, Phó Bí thư xã không xem giấy chỉ nói: <em>“Bây giờ anh em uống thật tình rồi mới giải quyết giấy tờ”</em>. Báo hại tôi và anh Hai Lê phải “nhập gia tùy tục” đến nỗi bơi xuồng về đến nơi đóng quân thì… hết biết trời đất.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Anh em chúng tôi cố gắng để hòa nhập với Đồng Tháp này để làm nhiệm vụ của mình. Trước hết là phải biết bơi xuồng như dân Đồng Tháp, ở đây xuồng là phương tiện thiết yếu sống còn, đi công tác cũng bằng xuồng, đi câu lưới phải có xuồng, đi dân công tải đạn, cáng thương cũng bằng xuồng, đi vây bót giặc cũng bằng xuồng. Mùa nước nổi mà không có xuồng, không biết bơi xuồng thì… bó tay, gặp lúc giặc càn quét thì chịu chết. Tôi cũng được luyện bơi xuồng ở biên giới Campuchia, nhưng người dân ở đây nhìn thấy kiểu bơi của tôi hơi lạ vì “vừa bơi vừa nạy”.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Rồi phải biết bắt cá, bắt chuột, cấy lúa, cắt lúa… để cải thiện đời sống hàng ngày và giao lưu với bà con và du kích địa phương. Việc bắt cá là một kho kinh nghiệm lưu truyền ở đây từ thuở khẩn hoang. Cái lợp bắt cá sặc, cái lờ bắt cá lóc, ống trúm để bắt lươn… nói chung là phải có kỹ thuật và nghệ thuật mới mong có thứ để ăn, chứ dân xứ khác tới thì chỉ mong lượm ốc bưu nổi lềnh bềnh ngoài ruộng. Dân xứ này hiểu tánh ý, sở thích từng loại cá, biết vùng nước nào có loại gì, đồng hồ sinh học của từng loài… Như đặt trúm là phải mồi trùn hổ, bằm nhuyễn trộn với sình vo tròn bỏ vào ống trúm, phải đặt chỗ nước cạn dọc theo mương có rau cỏ, lục bình “bịt hù”, đặt lúc chạng vạng là lúc lươn bắt đầu đi kiếm ăn, khi để ống trúm xuống nước phải lắc lắc cho mùi trùn lan ra, có người còn trộn mồi với ớt vì “con lươn này ăn bị cay chép miệng con kia thấy thèm chui tiếp vào, lươn cũng như người ta vậy thôi!”. Khi không có dụng cụ thì họ bắt bằng tay rất tài tình, mò dưới lục bình một lúc là có cá, tôm…</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Chúng tôi xây dựng căn cứ kinh Xáng Phèn, căn cứ thứ hai ở rạch Ông Củng. Bàn đạp nối liền với Sài Gòn qua chợ Mỹ Long nằm trên lộ 30, và xã An Thới Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) thông ra Quốc lộ 4. Có một kỷ niệm đáng nhớ là: giữa năm 1974, lực lượng du kích áp sát sông Cửu Long đã chận bắt một ghe lớn “chở nhiều người tình nghi là biệt kích”. Du kích áp tải về nhà giam của xã an ninh huyện Kiến Văn gần căn cứ của chúng tôi.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Chúng tôi cũng tò mò hỏi thăm thì mới hiểu ra: đây là 7 em học sinh trường Trung học Hồ Ngọc Cẩn (cạnh chợ Bà Chiểu) rủ nhau về quê ở Long Xuyên chơi rồi gia đình có ghe máy lớn chạy theo đường sông về Sài Gòn, các bạn trẻ đều mặc đồng phục “quân sự học đường” (áo ka ki vàng), đến địa phận Cồn Bình Thạnh, hứng chí lấy cây sào móc chiếc áo kaki vàng cắm lên ghe phất phới như lá cờ vàng. Hôm đó du kích xã Mỹ Long áp sát sông Cửu Long thấy vậy chặn lại, bắt các bạn trẻ này giải về đây. Biết sự thể như vậy chúng tôi liền đến thăm các bạn học sinh, động viên tinh thần rồi sẵn đó tuyên truyền cách mạng, tập cho các bạn bài hát cách mạng. Một mặt tìm cách giải thích cho địa phương biết rõ các em này không phải là biệt kích hay lính tráng gì của quân đội Sài Gòn. Sau nửa tháng giam giữ, các bạn được trả tự do, nhiều bạn lén giấu các bài hát cách mạng trong người đem về Sài Gòn. Tôi nhớ tên vài bạn như: Trần Chiếm Hùng, Trần Văn Thuận, Kim, Hải… Một chuyến du lịch trở thành một chuyến phiêu lưu gian hiểm trong vùng đất nóng bỏng chiến sự này.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Đây là vùng hành quân của Sư đoàn 9 bộ binh Sài Gòn, lực lượng chuyên đánh phá vùng biên giới, nằm trong tầm pháo của cây pháo Cái Lân và Kiến Văn, hai trận địa pháo này khá lợi hại, chúng tôi cũng bị dập mấy trận sinh tử. Vùng này khi có hiệp định Paris, địch yếu hẳn, giảm bớt càn quét, chỉ có pháo binh “nện” hàng đêm, du kích ở đây cũng rất mạnh, bao vây chặt các đồn bót giặc. Cạnh căn cứ kinh Xáng Phèn là bót Ngã Cái nhưng chúng không dám bung ra vì du kích gài lựu đạn dày đặc. Có nơi du kích có ít lựu đạn. nhưng để hù dọa lính bót, chiều nào du kích cũng đội một thúng lựu đạn đi gài, sáng thì đi gở, thật ra chỉ có mấy trái thôi nhưng tụi lính bót nghe vậy cũng hoảng, không dám mò ra. Chúng nói với nhau: “Lựu đạn gài mà cả thúng, chắc đợi bọn Việt cộng chết già chứ ai dám vào đánh nó nổi”. Rồi lâu lâu du kích cho giật nổ một, hai trái lựu đạn và tung tin đồn là chuột chạy vướng lựu đạn nổ để nhắc nhở bọn lính trong bót.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Biết bao nhiêu câu chuyện bi hùng về người dân vùng đất này. Có bà má mỗi ngày vào thăm và tiếp tế cho con là bộ đội địa phương, hôm đó bơi xuồng vào thì thấy con bị địch bắn nằm chết ở bờ kinh, cạnh bên là xác một chiến sĩ miền Bắc, bà má chở cả hai xác đi chôn, bọn lính không cho, làm dữ nhưng bà má nói: “Phải cho tui chôn hai đứa cạnh nhau cho tụi nó có anh có em”.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Tương quan lực lượng thay đổi, dân thấy êm lần lần về dựng chòi rồi dựng nhà trên nền đất cũ. Lúc địch càn quét thì lánh ra chợ Mỹ Long, êm rồi thì về vùng giải phóng trồng trọt, kiếm tôm cá. Lúc khí thế tấn công thì dân tham gia dân công tải đạn, cáng thương. Chúng tôi xây dựng căn cứ cạnh nhà bác Trần Văn Ngọc tức Út Xệ, bác là “thổ địa” của xứ này, giúp đỡ, chỉ vẽ mọi chuyện, trong bụng bác cả một kho chuyện sống và chiến đấu ở Đồng Tháp.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Bác Út là người về cất nhà đầu tiên ở đây sau Hiệp định Paris, bác nói: <em>“Tao cất cái nhà thiệt bự ngoài chỗ trống lốc cho dân không sợ và kéo về vùng giải phóng”. Đầu trên xóm dưới ai cũng nói bác là “ông già gân</em>”. Vì bác gan góc lắm, cái gì bộ đội, du kích nhờ bác cũng làm, bác kể: “Mấy năm khó khăn có ai dám vào sâu trong này, vì “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh như bánh canh”, mấy du kích thèm thuốc rê quá tao thương quá nên bơi xuồng ra chợ mua, bơi cả buổi trong rạch vắng lạnh thấy ớn, gặp lính là nó nổ súng liền vì nó đâu biết tao là ai”.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Có câu chuyện làm cho bác nổi tiếng được truyền tụng ở Đồng Tháp. Số là năm 1972, Nguyễn Văn Thiệu bao vây kinh tế vùng giải phóng, lính Sài Gòn được lệnh xúc lúa trong nhà dân không để ai dự trữ tiếp tế cho cánh mạng. Chúng kéo đến nhà bác Út định xúc lúa. Bác rút dao phay dằn mạnh trên bàn và hét lớn<em>: “Thằng nào vô xúc lúa của tao là tao chém chết liền”</em>, bọn lính thấy ông già khí thế dữ quá nên rút lui. Hôm sau bọn Tề Xã kêu bác lên hăm he, bác nói: “Thử ai xúc lúa mồ hôi nước mắt của mấy ông thì mấy ông có giận không?” Đuối lý chúng chỉ bắt bác đi nhổ cỏ ở đồn rồi cho về. Khí thế chống cướp lúa của bác vang động cả Đồng Tháp, báo Cờ Giải Phóng đưa tin này trang nhất và đặt tên bác là “ông già Kiến Phong”.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Bác cùng gia đình giúp đỡ, chỉ vẽ mọi việc cho chúng tôi khi hoạt động ở đây nhưng không bao giờ hỏi chúng tôi thuộc đơn vị nào. Trên bàn thờ ở nhà bác chúng tôi thấy có ảnh một liệt sĩ tên Trần Văn Cầu, bác nói là con trai của bác đi bộ đội địa phương hy sinh. Sau này chúng tôi mới biết đó là chiến sĩ bảo vệ Thành Đoàn hy sinh tại căn cứ Thành Đoàn ở Cồn Bình Thạnh - Sa Đéc năm 1970.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Bác có 4 người con gái gọi là Bảy, Chín, Mười và Út. Mười mới 19 tuổi làm giao liên công khai cho chúng tôi bí danh là Bảy Anh. Là dân địa phương, quen đường đi nước bước, tính tình bạo dạn, mạnh mẽ như con trai nên rất được việc, các chuyến đi giao liên về Sài Gòn và nối liên lạc với căn cứ Thành Đoàn đều trót lọt, Bảy Anh kể: “Có lúc đi xe đò vắng vẻ bọn đàn ông chọc ghẹo, em đòi “vả miệng không còn cái răng ăn cháo”, tụi nó tưởng em là thứ dữ nên không dám làm gì…”.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Cuối năm 1974, chúng tôi từ giã bác chuyển căn cứ về Mỹ Tho, bác cho Bảy Anh cùng đứa cháu ngoại là bé Dũng, 14 tuổi, theo đoàn chúng tôi. Sau này Bảy Anh là giao liên cho chị Nguyễn Thị Châu (Ba Châu) và cùng đoàn quân của Thành Đoàn tiến về giải phóng Sài Gòn.</span></p>
<p style="text-align:right"><strong><span style="font-size:16px">SÁU TRIỀU - HẢI AN</span></strong></p>
<p><em>Nguồn: Sách căn cứ Thành Đoàn Sài Gòn – Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1960 - 1975), Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, 2009.</em></p>
</body></html>