<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:center"><span style="color:#FF0000"><span style="font-size:20px"><strong>THANH </strong><strong>NIÊN VỚI CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG </strong><strong>HIỆN</strong><strong> NAY</strong></span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:16px"><strong><span style="color:#0000CD">PGS, TS. VŨ TÌNH</span></strong></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:12px"><em>Nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG-HCM</em></span></p>
<p style="text-align:center"> </p>
<p style="text-align:center"><em>Lãnh đạo Thành ủy, Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh chúc mừng các đảng viên mới được kết nạp của quận Tân Phú - Ảnh: Hùng Khoa (QĐND)</em></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><strong>Với tư cách là đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo, dựa trên những quy luật phát triển của xã hội, thực trạng và nhu cầu phát triển trong từng giai đoạn cụ thể của Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam có quyền quyết định chiều hướng và những bước đi của dân tộc Việt Nam qua Cương lĩnh, qua Nghị quyết của các kỳ Đại hội và lãnh đạo dân tộc thực hiện những quyết định của mình để xây dựng và bảo vệ một quốc gia dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. </strong></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Xây dựng Đảng là hoạt động góp phần củng cố và nâng cao sức mạnh của Đảng để Đảng làm tròn, để Đảng xứng đáng với chức năng và nhiệm vụ của mình. </span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Cội nguồn sức mạnh của một tổ chức nói chung, của Đảng nói riêng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song khái quát nhất thì sức mạnh ấy phụ thuộc vào <em>số lượng</em> và <em>chất lượng</em> của thành viên trong tổ chức, của đảng viên trong Đảng. Chính điều này cho thấy vai trò của thanh niên và tầm quan trọng của công tác Đoàn trong công tác xây dựng Đảng.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><em>Về số lượng đảng viên</em>: Khi mới ra đời Đảng có trên 300 đảng viên<a href="#_edn1" name="_ednref1" title="">[1]</a>; phát triển đến 5000 đảng viên Đảng đã lãnh đạo dân tộc thực hiện thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945<a href="#_edn2" name="_ednref2" title="">[2]</a>, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Việt Nam từ một nước thuộc địa đã trở thành một quốc gia độc lập; người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người chủ quê hương của mình. Khi phát triển lên 1 triệu rưỡi đảng viên<a href="#_edn3" name="_ednref3" title="">[3]</a>, Đảng đã lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện đồng thời 2 cuộc cách mạng – cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Miền Nam để đến năm 1975 Miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất. Năm 1986, khi đứng trong hàng ngũ của Đảng là gần 2 triệu đảng viên<a href="#_edn4" name="_ednref4" title="">[4]</a>, Đảng đã lãnh đạo dân tộc từng bước thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới để khắc phục hậu quả rất nặng nề của chiến tranh, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội<a href="#_edn5" name="_ednref5" title="">[5]</a>, ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình<a href="#_edn6" name="_ednref6" title="">[6]</a>. Khi Đảng có gần 5 triệu đảng viên<a href="#_edn7" name="_ednref7" title="">[7]</a>, sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đưa nước ta gần trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, khẳng định vị thế và ngày càng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Lịch sử của dân tộc, của Đảng đã ghi nhận: Khi số lượng đảng viên của Đảng tăng thì sức mạnh của Đảng cũng tăng. Sức mạnh ấy đã giải quyết được những yêu cầu mà cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã đặt ra trong từng giai đoạn cụ thể. </span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Đối tượng nào đã tạo nên sự phát triển về số lượng đảng viên, góp phần đem lại sự phát triển về sức mạnh của Đảng? Đấy là “những công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện: thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm” như Điều 1 trong Điều lệ Đảng<a href="#_edn8" name="_ednref8" title="">[8]</a> đã quy định.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><em>Như vậy, nghiên cứu Cương lĩnh chính trị, Điều lệ của Đảng, thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh, Điều lệ để đứng vào hàng ngũ của Đảng, góp phần phát triển số lượng đảng viên là một trong những hoạt động rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.</em></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Có thể nói thành viên, hội viên của tất cả các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị ở nước ta đều đã và đang thực hiện hoạt động này; song đông nhất vẫn là những công dân ở tuổi thanh niên đang sinh hoạt trong tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh - đội hậu bị của Đảng. Tại thành phố Hồ Chí Minh, chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, số đảng viên được phát triển từ Đoàn viên ưu tú của Thành Đoàn luôn chiếm trên 50 % tổng số người được kết nạp vào Đảng, trong đó: Năm 2015 là 50,36%; năm 2016: 53,05%; năm 2017: 53,34%; năm 2018: 50,05% và năm 2019 là 57,02%<a href="#_edn9" name="_ednref9" title="">[9]</a>.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><em>Về chất lượng đảng viên: </em>Các học thuyết khoa học về con người, về xã hội và những sự kiện lịch sử cũng đã chứng mịnh rằng: Không phải lúc nào sức mạnh của một đảng cũng tỷ lệ thuận với số lượng đảng viên mà đảng ấy có. Khi Đảng Cộng sản Liên Xô có trên dưới 20 vạn đảng viên, Đảng đã lãnh đạo nhân dân xây dựng được chính quyền Xô-viết; khi Đảng có 2 triệu đảng viên, Đảng đã lãnh đạo quân, dân Liên Xô chiến thắng phát xít; nhưng khi Đảng có trên 20 triệu đảng viên thì lá cờ búa liềm 69 năm bay trên điện Kremlin bị rút xuống trong đêm đông nặng nề, giá lạnh<a href="#_edn10" name="_ednref10" title="">[10]</a>. Các chuyên gia nghiên cứu những vấn đề trong nhà nước, trong và ngoài nước của Liên Xô cho rằng, trước sự kiện 19 tháng 8 năm 1991, các tổ chức đảng các cấp của Đảng Cộng sản Liên Xô đã bị tầng lớp quan liêu đặc quyền và các phần tử tha hóa khống chế, ngoài cái danh là Đảng Cộng sản thì cón rất ít cái thực của Đảng. Trước và sau năm 1989, các nhà khoa học Xô-viết đã tiến hành điều tra xã hội học trong toàn Liên bang, trong đó có nội dung: Đảng Cộng sản Liên Xô đại biểu cho ai ? Kết quả thu được là: 7 % cho rằng Đảng đại biểu cho nhân dân lao động; 4% cho rằng Đảng đại biểu cho công nhân Liên Xô; 11 % cho rằng Đảng đại biểu cho toàn thể đảng viên của Đảng và 85 % cho rằng Đảng đại biểu cho đội ngũ có chức, có quyền, quan liêu, tham nhũng và nhân viên làm việc tại các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước <a href="#_edn11" name="_ednref11" title="">[11]</a>. Một đảng sinh ra từ nhân dân, được nhân dân che chở, đùm bọc, đi theo nhưng khi <em>chất lượng của đảng bị suy thoái</em>, đảng viên, đặc biệt là những đảng viên có chức, có quyền đã quay lưng lại với nhân dân, mất niềm tin của nhân dân thì sức mạnh của đảng đó sẽ không còn, sự sụp đổ của đảng đó là điều tất yếu.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Đối với nước ta, chỉ trong một thời gian ngắn so với lịch sử của Đảng, hiện tượng suy thoái đã ít nhiều bộc lộ, niềm tin của nhân dân đối với Đảng ít nhiều bị tổn thương. Không phải ngẫu nhiên mà khi số lượng đảng viên của Đảng nhiều gấp 1000 lần so với số đảng viên của Đảng khi chúng ta giành được chính quyền năm 1945 thì bài học kinh nghiệm thứ hai trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)” của Đảng lại có đoạn: “Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”<a href="#_edn12" name="_ednref12" title="">[12]</a> ; và cũng không phải ngẫu nhiên mà ngày 18/12/2019, tại Trụ sở Trung ương Đảng, trong cuộc họp của Ban Bí thư nghe 5 đoàn kiểm tra của Ban Bí thư báo cáo kết quả kiểm tra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Đảng viên ít mà tốt còn hơn đông không mạnh” <a href="#_edn13" name="_ednref13" title="">[13]</a>.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><em>Như vậy, cả về lý luận và thực tiễn đã chứng minh rằng: Số lượng đảng viên rất quan trọng nhưng chưa giữ vai trò quyết định sức mạnh của Đảng. Sức mạnh của Đảng chỉ có thể phát huy khi sự tăng về số lượng phải đi đôi với việc giữ gìn, củng cố và phát triển chất lượng của đảng viên. Đây là hoạt động vừa mang tính thời sự, cấp bách vừa mang tính lâu dài, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng.</em></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Thực hiện hoạt động này liên quan đến cả đời sống cá nhân và môi trường xã hội thuộc hầu hết các lĩnh vực như chính trị, tư tưởng, lý luận, tổ chức, kiểm tra, giám sát, đạo đức, lối sống, nếp sống, phương pháp, phong cách,... Mỗi lĩnh vực như một mắt khâu liên kết với nhau tạo thành một hệ thống các lĩnh vực bao hàm những công việc, những yêu cầu phải thực hiện trong công tác xây dựng Đảng. Trong hệ thống ấy, phần còn lại của tham luận này chúng tôi chỉ góp phần bàn về lĩnh vực <em>tư tưởng, lý luận.</em></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><em>Tư tưởng </em>và <em>lý luận </em>đều là kết quả của quá trình nhận thức, có mối quan hệ mật thiết với nhau nhưng khác nhau về cấp độ phản ánh hiện thực. Theo “Đại từ điển tiếng Việt” thì <em>tư tưởng </em>là quan điểm, ý nghĩ của con người; còn <em>lý luận </em>là tri thức, kinh nghiệm của con người đã được hệ thống hóa, khái quát hóa <a href="#_edn14" name="_ednref14" title="">[14]</a>. Tư tưởng là chất liệu hình thành lý luận còn lý luận thể hiện một cách có hệ thống nội dung, bản chất tư tưởng dưới dạng học thuyết thông qua các khái niệm, phạm trù, phán đoán về quy luật vận động của đối tượng mà tư tưởng phản ánh. Vì tư tưởng và lý luận gắn bó mật thiết với nhau nên trong xây dựng Đảng có nội dung <em>Xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận. </em>Thực chất đây là <em>công tác tư tưởng</em> và <em>công tác lý luận </em>trong xây dựng Đảng.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><em>Về công tác tư tưởng,</em> sức mạnh của Đảng chỉ được thể hiện khi có sự thống nhất về tư tưởng để dẫn đến sự thống nhất về hành động của đảng viên trong Đảng. Về vấn đề này, Lênin đã từng căn dặn: Chúng ta không được quên rằng, thống nhất về tư tưởng là cơ sở của mọi vấn đề thống nhất<a href="#_edn15" name="_ednref15" title="">[15]</a>. Người còn chỉ rõ: “Thống nhất về tư tưởng = truyền bá những tư tưởng nhất định, <em>làm sáng tỏ …</em>sự phân định ranh giới về tư tưởng. Thống nhất về mặt tư tưởng = truyền bá những tư tưởng <em>có khả năng đẩy lên phía trước</em>, những tư tưởng của giai cấp tiên phong”<a href="#_edn16" name="_ednref16" title="">[16]</a>, phải giác ngộ được quần chúng để quần chúng biết, quần chúng hiểu, quần chúng đi vào hành động một cách có ý thức<a href="#_edn17" name="_ednref17" title="">[17]</a>. Di huấn của Lênin không những cho chúng ta thấy tầm quan trọng đặc biệt của công tác tư tưởng để đem đến sự thống nhất về tư tưởng với tư cách là “cơ sở của mọi sự thống nhất” mà còn chỉ ra cách thức thực hiện và một số yêu cầu có tính nguyên tắc trong công tác này. Đấy là phải nắm vững tư tưởng của giai cấp tiên phong; phải truyền bá những tư tưởng ấy vào quần chúng để quần chúng thống nhất hành động theo nó một cách tự giác và không được xóa nhòa ranh giới giữa các tư tưởng, hệ tư tưởng trong quá trình nhận thức cũng như trong truyền bá tư tưởng.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><em>Về công tác lý luận, </em>ngay trong trang bìa của cuốn sách đầu tiên dùng làm tài liệu đào tạo những chiến sỹ cách mạng đầu tiên của Đảng - Tác phẩm <em>Đường Kách mệnh</em> - và sau này, nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại di huấn của Lênin: “Không có lý luận cách mạng, thì không có phong trào cách mạng”, “chỉ có một đảng có lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có thể làm tròn được vai trò chiến sỹ tiền phong”<a href="#_edn18" name="_ednref18" title="">[18]</a>. Lý luận tiền phong ấy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong Diễn văn khai mạc Lớp học lý luận Khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc, ngày 07/9/1957 tại Hà Nội, Người nói: “Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin là sự tổng kết kinh nghiệm của phong trào công nhân từ trước đến nay của tất cả các nước. Nó là: “Khoa học về các quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội; khoa học về cách mạng của quần chúng bị áp bức và bị bóc lột; khoa học về thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở tất cả các nước; khoa học về xây dựng chủ nghĩa cộng sản” …”<a href="#_edn19" name="_ednref19" title="">[19]</a> và cuộc cách mạng do giai cấp công nhân thực hiện chỉ có thể đi đến thắng lợi trên cơ sở “trung thành sắt đá với những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin”<a href="#_edn20" name="_ednref20" title="">[20]</a>. Chính vì vậy Người căn dặn: Cán bộ của Đảng phải “học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin, học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng”; “lý luận cách mạng không phải là giáo điều, nó là kim chỉ nam cho hành động cách mạng; và lý luận không phải là một cái gì cứng nhắc, nó đầy tính sáng tạo; lý luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động” <a href="#_edn21" name="_ednref21" title="">[21]</a>.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Từ lập trường “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động” được tái khẳng định trong các văn kiện của Đảng <a href="#_edn22" name="_ednref22" title="">[22]</a> và từ một số vấn đề về công tác tư tưởng, công tác lý luận trình bày trên cho thấy nội dung cốt lõi trong công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận là: Phải xây dựng được sự đồng thuận, thống nhất trong toàn Đảng trên quan điểm: Kiên định lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn lấy nó làm nền tảng giữ vai trò định hướng cho toàn bộ hoạt động của Đảng; phải tổng kết thực tiễn để không ngừng bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với nhu cầu của từng giai đoạn cụ thể; phải truyền bá được chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào quần chúng để nó trở thành tri thức, niềm tin hướng dẫn quần chúng hành động và phải nhận ra, phải chống lại mọi hình thức xuyên tạc, chống phá lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Với tư cách là đội hậu bị của Đảng, là nguồn cung cấp nhiều nhất và trực tiếp nhất đoàn viên, thanh niên ưu tú của mình cho Đảng, Đoàn thanh niên Cộng sản Hố Chí Minh đã đạt dược nhiều thành tựu trong công tác này. Tại thành phố Hồ Chí Minh, ngoài việc thực hiện những hoạt động chung do Trung ương Đoàn chỉ đạo, đã từ lâu, Thành Đoàn đã có nhiều sáng kiến, đưa ra nhiều giải pháp để khuyến khích đoàn viên, thanh niên, đảng viên trẻ học tập, nghiên cứu lý luận; tạo lập môi trường để đảng viên trẻ, đoàn viên, thanh niên tu dưỡng, rèn luyện. Có thể kể đến một số sáng kiến đó, như:</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">- Thành lập <em>Tổ Tu dưỡng, Nhóm Trung kiên</em> vào năm 2000. Tổ, Nhóm là nơi các tổ viên giúp nhau củng cố, nâng cao kiến thức về lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, tìm hiểu những tấm gương của các anh hùng, liệt sỹ qua các thời kỳ, tham gia nhiều hoạt động chính trị - xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh và các địa bàn lân cận để nâng cao ý thức cộng đồng và năng lực rèn luyện. Từ 385 Tổ, Nhóm ngày đầu thành lập, sau 19 năm, năm 2019 Thành Đoàn đã xây dựng được 8.762 Tổ, Nhóm với 19.068 đảng viên trẻ, đoàn viên ưu tú tự nguyện tham gia.</span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2019/4/32160/IMG_4413.JPG" style="height:400px; width:600px" /></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:11px"><em>Câu lạc bộ Lý luận trẻ Đoàn Khối Dân - Chính - Đảng TP. Hồ Chí Minh thảo luận giải pháp thực hiện chủ đề Năm đột phá cải cách hành chính và Nghị quyết 54 của Quốc hội, kỷ niệm 50 năm Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh</em></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">- Thành lập <em>Câu lạc bộ lý luận trẻ </em> vào năm 2001. Đây là tổ chức tập trung nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu các hệ tư tưởng ảnh hưởng nhiều đến đời sống của dân tộc Việt Nam; mời các chuyên gia tham gia các buổi tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu, giới thiệu thành quả nghiên cứu,… Từ 14 câu lạc bộ được thành lập thí điểm tại các Quận, Huyện và tương đương, cho đến nay Thành Đoàn đã có 55 câu lạc bộ với hơn 4.000 thành viên tham gia sinh hoạt. Từ sáng kiến này của Thành Đoàn, ngày 01/4/2019, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã ban hành <em>Hướng dẫn thành lập và tổ chức hoạt động Câu lạc bộ Lý luận trẻ, giai đoạn 2019 - 2022 </em>trên phạm vi toàn quốc. Theo đó các <em>Câu lạc bộ Lý luận trẻ</em> có nhiệm vụ góp phần để đội ngũ cán bộ Đoàn, đoàn viên nâng cao năng lực tư duy lý luận, năng lực nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, về Đảng Cộng sản Việt Nam và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn mới, nâng cao khả năng tổng kết thực tiễn để khái quát thành lý luận khoa học.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">- Tổ chức Hội thi <em>Olympic các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh “Tầm nhìn xuyên thế kỷ” </em>dành cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học và đoàn viên, thanh niên các tổ chức Đoàn cấp quận, huyện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2001; Hội thi <em>Olympic các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng thời đại”</em> dành cho giảng viên, giáo viên trẻ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2006. Đây là các hội thi được thực hiện với sự phối hợp giữa Thành Đoàn, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đảng ủy khối các trường đại học và cao đẳng tại thành phố Hồ Chí Minh và Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần. Nội dung các kỳ thi thuộc kiến thức các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử dân tộc, lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, lịch sử Hội sinh viên Việt Nam, các sự kiện lớn, các thành tựu khoa học trong và ngoài nước,... Hội thi được thực hiện dưới hình thức hỏi – đáp, thuyết trình, hùng biện, sân khấu hóa của các đội tuyển và trả lời câu hỏi dưới dạng trực tuyến. Các hội thi đã thu hút được lượng thí sinh rất lớn, tạo ra môi trường học tập, nghiên cứu rất sôi động trên toàn thành phố. Trung bình, mỗi năm có khoảng 90 đội tuyển dự thi và khoảng 50.000 lượt thí sinh tham gia thi trực tuyến. Từ mô hình trên của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2015, Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức phối hợp tổ chức Hội thi <em>Olympic các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường” </em>trên phạm vi toàn quốc cũng với định kỳ 2 năm l lần <a href="#_edn23" name="_ednref23" title="">[23]</a>.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Mặc dù các sáng kiến trên và toàn bộ hoạt động xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận của Thành Đoàn thu được nhiều thành tựu rất đáng trân trọng song vẫn có những biểu hiện về tư tưởng và hành động ở thanh niên, đoàn viên làm chúng ta băn khoăn; ví dụ, vì chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của lý luận nên ở một số đoàn viên, thanh niên tính tự giác đến với lý luận chưa cao, tiếp cận với lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nặng ở hình thức học thuộc, giải quyết các tình huống đa phần xuất phát từ cảm tính, từ kinh nghiệm cá nhân,... </span></p>
<p style="text-align:justify"><em><strong><span style="font-size:14px">Để góp phần thực hiện công tác trên có hiệu quả hơn, chúng tôi nhận thấy:</span></strong></em></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><strong><em>Một là,</em></strong><em> trước khi đi vào những nội dung cụ thể của lý luận Mác - Lênin cần nhận thức đúng cấp độ của lý luận trong sự phát triển của tri thức, tính ưu việt và những hạn chế của nó để tránh tư tưởng tuyệt đối hóa kinh nghiệm, xem thường lý luận. </em></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Kinh nghiệm và lý luận là 2 cấp độ tri thức khác nhau. Kinh nghiệm thuộc cấp độ thấp của tri thức, là kết quả của quá trình con người thực hiện một công việc gì đó lặp đi lặp lại nhiều lần hoặc quan sát một đối tượng nào đó lặp đi lặp lại nhiều lần. Kinh nghiệm rất quan trọng vì nó đem lại hiệu quả cao trong hoạt động của con người nhưng kinh nghiệm mới dừng lại ở bề ngoài chứ chưa đi vào được nội dung, bản chất của đối tượng phản ánh nên hiệu quả cao chỉ có thể có được khi điều kiện chưa thay đổi. Khi điều kiện thay đổi, tri thức kinh nghiệm sẽ không còn hoặc chỉ còn rất ít tác dụng. Trong bối cảnh hiện nay, tất cả mọi lĩnh vực của tự nhiên, của xã hội biến đổi rất nhanh, biến đổi khó lường nên nếu tuyệt đối hóa kinh nghiệm sẽ không đáp ứng được yêu cầu mà sự biến đổi ấy đặt ra.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Lý luận thuộc cấp độ cao của tri thức. Khác với kinh nghiệm, lý luận là kết quả của quá trình con người học tập, nghiên cứu, tổng kết, đúc kết kinh nghiệm trên nền tảng một vốn kiến thức nhất định, một năng lực tư duy nhất định. Lý luận là tri thức đã được hệ thống hóa, khái quát hóa; là tri thức đem lại cho con người sự hiểu biết về nội dung, bản chất, những quy luật chi phối quá trình vận động của đối tượng phản ánh nên nó giúp con người dự báo đúng tương lai, từ đó hoạch định đúng đường lối, chủ trương, chính sách và các phương pháp, biện pháp, v.v. để biến đường lối, chủ trương, chính sách thành hiện thực. Lý luận giúp con người thành công ngay cả khi điều kiện đã hoàn toàn biến đổi. Tuy nhiên, vì là kết quả của quá trình khái quát hóa nên giữa lý luận và hiện thực bao giờ cũng có một khoảng cách và vì nó là sự phản ánh hiện thực nên nó thường lạc hậu hơn so với hiện thực. Nếu không nhận thức được những tính chất này của lý luận, nếu chỉ nặng về lợi ích trước mắt, thiếu tầm nhìn về lợi ích lâu dài sẽ dẫn đến thái độ xem thường lý luận, tuyệt đối hóa vai trò của kinh nghiệm. Khi đã xem thường lý luận, tuyệt đối hóa vai trò của kinh nghiệm thì con người không chỉ không đáp ứng được yêu cầu mà sự biến đổi rất nhanh, rất khó lường của xã hội đặt ra mà còn coi quan điểm “sống lâu lên lão làng” như một tất yếu và dẫn đến thái độ xem thường tuổi trẻ, thậm chí ngăn chặn sự cống hiến, sự phát triển của tuổi trẻ vì tuổi trẻ chưa thể có kinh nghiệm như những “lão làng”.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><strong><em>Hai là,</em></strong> <em>không nên coi lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ thống lý luận khép kín mà phải xác định nó là “hệ thống mở”; không nên coi nó như một liều thuốc vạn năng đã bốc sẵn, chỉ cần uống là có thể chữa trị được mọi căn bệnh của xã hội mà phải xác định nó như “kim chỉ nam” định hướng cho nhận thức và hành động.</em></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Khái niệm “hệ thống mở” phản ánh lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin không phải đã hoàn toàn đầy đủ về tất cả các phương diện, không phải nhất thành bất biến mà nó đòi hỏi các thế hệ phải không ngừng tổng kết thực tiễn, tổng kết thành tựu khoa học bổ sung cho nó, từng bước hoàn thiện nó để nó không ngừng phát triển cùng sự phát triển của thời đại. Khái niệm “kim chỉ nam” mang tính định hướng, giống như khi gặp chướng ngại vật, người khách bộ hành có thể vấp váp, có thể phải trải qua những đoạn đường quanh co, khúc khuỷu nhưng kim chỉ nam của chiếc la bàn luôn giúp người khách bộ hành đi đúng hướng để đạt đến đích cuối cùng. Sự nghiệp giải phóng con người cũng quanh co, phức tạp, cũng có nhiều vấp váp nhưng thế giới quan, phương pháp luận và những nguyên lý mang tính chân lý bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin luôn thực hiện chức năng của kim chỉ nam để các cuộc cách mạng giải phóng con người đi đúng hướng đến đích cuối cùng. Bản thân các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng đã từng nhấn mạnh vấn đề này: “<em>Học thuyết của chúng tôi – </em>Ăngghen nói về mình và về người bạn nổi tiếng của mình – <em>không phải là một giáo điều mà là một kim chỉ nam cho hành động.</em> Luận điểm kinh điển ấy nhấn mạnh một cách đặc biệt rõ rệt và nổi bật một phương diện của chủ nghĩa Mác mà người ta thường hay quên không nhìn tới. Mà quên không nhìn tới phương diện ấy thì chúng ta sẽ làm cho chủ nghĩa Mác trở thành phiến diện, quái dị, chết cứng, sẽ vứt bỏ linh hồn sống cúa nó, sẽ phá hủy cơ sở lý luận cơ bản của nó”<a href="#_edn24" name="_ednref24" title="">[24]</a>.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><em>Ba là, cần quán triệt sâu sắc di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin không phải học lý luận vì lý luận, không phải học để thuộc lòng từng câu, từng chữ mà học tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin, học lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, học phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để giải quyết tốt những vấn đề mà nhu cầu của cách mạng đặt ra </em><a href="#_edn25" name="_ednref25" title="">[25]</a>.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"> Học tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin, học lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, học phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin là học tính khoa học, tính cách mạng, tính nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin; là học thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin, là thực hiện nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn để nhận thức và giải quyết những nhu cầu cụ thể trong từng nơi cụ thể, từng giai đoạn cụ thể của từng bối cảnh cụ thể đặt ra. Với tinh thần ấy, truyền bá lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin không nên nặng về câu chữ mà tùy vào từng đối tượng để truyền bá sao cho đối tượng hiểu, đối tượng tin, đối tượng nhớ, đối tượng làm theo; thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin nói riêng, các kỳ thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung cũng không nên nặng về câu chữ mà nên đi vào nội dung, bản chất các học thuyết, các nguyên lý, các quy luật, v.v. của chủ nghĩa Mác - Lênin và ý nghĩa phương pháp luận được rút ra từ việc nghiên cứu, tìm hiểu các học thuyết, các nguyên lý, các quy luật, v.v. ấy.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><strong><em>Bốn là,</em></strong><em> khi học tập, nghiên cứu, truyền bá tư tưởng Hồ Chí Minh cần tránh việc thần thánh hóa cuộc đời của Người.</em> Hồ Chí Minh là con người hiện thực, bình dị, gần gũi với nhân dân, được nhân dân gọi là Bác nhưng Người trở nên vĩ đại vì bằng phẩm chất và năng lực cá nhân, cả cuộc đời Người đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách để sống, để hoạt động vì nhân dân mình, Tổ quốc mình. Nếu thần thánh hóa Hồ Chí Minh, quần chúng sẽ thấy khó học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Trong tuyên truyền, việc đưa những câu chuyện về cuộc đời Hồ Chí Minh, đưa những tư liệu về Hồ Chí Minh vào nội dung truyền đạt là cần thiết song phải đặc biệt chú ý đến xuất xứ, đến nguồn để đảm bảo tính khoa học và độ tin cậy của tư liệu.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><strong><em>Năm là,</em></strong><em> cần nâng cao năng lực xử lý thông tin để nhận diện và chống lại những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.</em></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Trong đời sống xã hội, mọi hoạt động “xây” luôn phải thực hiện đồng thời với các hoạt động “chống” lại cái đối lập với nó. Công tác xây dựng về tư tưởng, lý luận cũng không ngoại lệ. Ngay từ khi chủ nghĩa Mác - Lênin mới ra đời, tư tưởng Hồ Chí Minh mới hình thành thì đã gặp phải sức chống phá mãnh liệt của nhiều thế lực thù địch. Sự chống phá này thể hiện dưới nhiều hình thức: Từ trắng trợn đến tinh vi, từ chê bai tính khoa học, tính cách mạng của các học thuyết đến cắt xén câu, chữ làm thay đổi nội dung của các quan điểm, quan niệm; từ xuyên tạc bản chất của các sự kiện gắn với hoạt động của các nhà kinh điển, của Hồ Chí Minh đến nói xấu, bôi đen đời tư của họ; từ việc sử dụng ngôn ngữ của phát thanh viên, bình luận viên đến ngôn ngữ của những kẻ du đãng, chợ trời; v.v. Trong thời đại khoa học – kỹ thuật, tin hóa, mạng hóa phát triển mạnh mẽ như ngày nay thì việc quần chúng nói chung, đoàn viên, thanh niên nói riêng phải tiếp cận với các loại thông tin đa chiều, trong đó có những thông tin của các thế lực thù địch là không thể tránh khỏi. Nếu không có biện pháp vạch trần bản chất của những lượng thông tin này, nếu không ngăn chặn sự lây lan của chúng thì công tác tư tưởng, lý luận sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực. Chính vì vậy việc nghiên cứu để hướng dẫn đoàn viên, thanh niên, quần chúng nhận diện và xử lý những loại thông tin độc hại một cách nhanh chóng, kịp thời, đúng đắn là công việc cần đưa vào hoạt động thường xuyên, liên tục của các tổ chức Đoàn.</span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px">*</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Di huấn của Lênin: <em>Thống nhất về tư tưởng là cơ sở của mọi vấn đề thống nhất </em>trong công tác xây dựng Đảng, là một trong những cội nguồn đem lại sức mạnh của Đảng cho đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị. Sự thống nhất này không thể hình thành một sớm một chiều trong Đảng mà là một quá trình phải được chuẩn bị khi những đảng viên của Đảng còn đứng trong đội ngũ hậu bị của Đảng. Những vấn đề trình bày trên muốn góp phần nâng cao hiệu quả của sự chuẩn bị này./. </span></p>
<div>
<p style="text-align:justify"> </p>
<hr />
<div id="edn1">
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><strong>Chú thích:</strong></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px"><a href="#_ednref1" name="_edn1" title="">[1]</a> Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: <em>Văn kiện Đảng toàn tập, </em>Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t.2, tr. 21.</span></p>
</div>
<div id="edn2">
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px"><a href="#_ednref2" name="_edn2" title="">[2]</a> Xem: Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Trụ sở Trung ương Đảng ngày 18/12/2018, trong cuộc họp của Ban Bí thư nghe 5 đoàn kiểm tra của Ban Bí thư báo cáo kết quả kiểm tra // Bài <em>Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Đảng viên ít mà tốt còn hơn đông không mạnh – </em>Báo diện tử của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV.VN), ngày 18/12/2018 // vov.vn/chinhtri/dang/tong-bi-thuchu-tich-nuoc-dang-vien-it-ma-tot-con-hon-dong-khong-manh-853345.vov.</span></p>
</div>
<div id="edn3">
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px"><a href="#_ednref3" name="_edn3" title="">[3]</a> Xem: Nguyễn Văn Phúc (Chủ biên): <em>Đảng Cộng sản Việt Nam từ Đại hội I đến Đại hội X, </em>Nxb. Lao động, Hà Nội, 2005, tr. 301.</span></p>
</div>
<div id="edn4">
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px"><a href="#_ednref4" name="_edn4" title="">[4]</a> Xem: Nguyễn Văn Phúc (Chủ biên): <em>Đảng Cộng sản Việt Nam từ Đại hội I đến Đại hội X, </em>Nxb. Lao động, Hà Nội, 2005, tr. 413.</span></p>
</div>
<div id="edn5">
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px"><a href="#_ednref5" name="_edn5" title="">[5]</a> Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: <em>Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, </em>Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.149</span></p>
</div>
<div id="edn6">
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px"><a href="#_ednref6" name="_edn6" title="">[6]</a> Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: <em>Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, </em>Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.91.</span></p>
</div>
<div id="edn7">
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px"><a href="#_ednref7" name="_edn7" title="">[7]</a> Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: <em>Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, </em>Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.6.</span></p>
</div>
<div id="edn8">
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px"><a href="#_ednref8" name="_edn8" title="">[8]</a> Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: <em>Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, </em>Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 7-8, Điều 1.</span></p>
</div>
<div id="edn9">
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px"><a href="#_ednref9" name="_edn9" title="">[9]</a> Nguồn: Ban Tuyên giáo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh.</span></p>
</div>
<div id="edn10">
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px"><a href="#_ednref10" name="_edn10" title="">[10]</a> Lá cờ búa liềm của Liên Xô bay 69 năm trên Điện Kremlin – Matx cơva bị rút xuống vào 19 giờ 30 phút ngày 25 tháng 12 năm 1991, đánh dấu cho sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô // Xem: GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm, PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, TS. Bùi Minh Thanh (Đồng chủ biên): <em>Phòng chống tham nhũng ở Việt Nam và trên thế giới, </em>Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 667, 675.</span></p>
</div>
<div id="edn11">
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px"><a href="#_ednref11" name="_edn11" title="">[11]</a> Xem: GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm, PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, TS. Bùi Minh Thanh (Đồng chủ biên): <em>Phòng chống tham nhũng ở Việt Nam và trên thế giới, </em>Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 668 – 670.</span></p>
</div>
<div id="edn12">
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px"><a href="#_ednref12" name="_edn12" title="">[12]</a> Đảng Cộng sản Việt Nam: <em>Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, </em>Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.65.</span></p>
</div>
<div id="edn13">
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px"><a href="#_ednref13" name="_edn13" title="">[13]</a> Xem: Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Trụ sở Trung ương Đảng ngày 18/12/2018, trong cuộc họp của Ban Bí thư nghe 5 đoàn kiểm tra của Ban Bí thư báo cáo kết quả kiểm tra // Bài <em>Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Đảng viên ít mà tốt còn hơn đông không mạnh – </em>Báo diện tử của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV.VN), ngày 18/12/2018 // vov.vn/chinhtri/dang/tong-bi-thuchu-tich-nuoc-dang-vien-it-ma-tot-con-hon-dong-khong-manh-853345.vov.</span></p>
</div>
<div id="edn14">
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px"><a href="#_ednref14" name="_edn14" title="">[14]</a> Xem: Bộ giáo dục và đào tạo - Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam: <em>Đại từ điển tiếng Việt, </em>Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1998, tr. 1757 & tr. 1016.</span></p>
</div>
<div id="edn15">
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px"><a href="#_ednref15" name="_edn15" title="">[15]</a> Xem: Lênin: <em>Toàn tập, </em>Nxb. TIến bộ, Matxcơva, 1975, t.5, tr.336.</span></p>
</div>
<div id="edn16">
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px"><a href="#_ednref16" name="_edn16" title="">[16]</a> Lênin: <em>Toàn tập, </em>Nxb. Tiến bộ, Matxcơva, 1979, t.7, tr.530.</span></p>
</div>
<div id="edn17">
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px"><a href="#_ednref17" name="_edn17" title="">[17]</a> Xem: Lênin: <em>Toàn tập, </em>Nxb. Tiến bộ, Matxcơva, 1978, t.35, tr.23.</span></p>
</div>
<div id="edn18">
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px"><a href="#_ednref18" name="_edn18" title="">[18]</a> - Trong tác phẩm <em>Làm gì?</em>, Lênin viết: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng” // Lênin: <em>Toàn tập, </em>Nxb. Tiến bộ, Matxcơva, 1975, t.6, tr.30.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px">- Trang bìa của tác phẩm <em>Đường Kách mệnh</em>, Hồ Chí Minh viết: “Không có lý luận kách mệnh, thì không kó kách mệnh vận động … Chỉ kó theo lý luận kách mệnh tiền fong, đảng kách mệnh mới làm nổi trách nhiệm kách mệnh tiền fong” // Hồ Chí Minh: <em>Toàn tập, </em>Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.2, tr.279.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px">- Trong <em>Diễn văn khai mạc Lớp học lý luận Khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc, ngày 07/9/1957, </em>Hồ Chí Minh viết: “Lý luận quan trọng với Đảng như thế nào? Lênin, người thầy vĩ đại của chúng ta đã tóm tắt sự quan trọng của lý luận trong mấy câu như sau: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng” và “chỉ có một đảng có lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có thể làm tròn được vai trò chiến sỹ tiền phong” // Xem: Hồ Chí Minh: <em>Toàn tập, </em>Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.11, tr.93.</span></p>
</div>
<div id="edn19">
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px"><a href="#_ednref19" name="_edn19" title="">[19]</a> Hồ Chí Minh: <em>Toàn tập, </em>Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.11, tr.96.</span></p>
</div>
<div id="edn20">
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px"><a href="#_ednref20" name="_edn20" title="">[20]</a> Xem : Hồ Chí Minh: <em>Toàn tập, </em>Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.2, tr.159 - 160.</span></p>
</div>
<div id="edn21">
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px"><a href="#_ednref21" name="_edn21" title="">[21]</a> Xem : Hồ Chí Minh: <em>Toàn tập, </em>Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.2, tr.95.</span></p>
</div>
<div id="edn22">
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px"><a href="#_ednref22" name="_edn22" title="">[22]</a> Xem: - Đảng Cộng sản Việt Nam: <em>Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, </em>Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.4.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px">- Đảng Cộng sản Việt Nam: <em>Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, </em>Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.21.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px">- Đảng Cộng sản Việt Nam: <em>Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, </em>Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.199.</span></p>
</div>
<div id="edn23">
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px"><a href="#_ednref23" name="_edn23" title="">[23]</a> Nguồn: Ban Tuyên giáo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh.</span></p>
</div>
<div id="edn24">
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px"><a href="#_ednref24" name="_edn24" title="">[24]</a> Lênin: <em>Toàn tập, </em>Nxb. TIến bộ, Matxcơva, 1980, t.20, tr.99.</span></p>
</div>
<div id="edn25">
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px"><a href="#_ednref25" name="_edn25" title="">[25]</a> Xem : Hồ Chí Minh: <em>Toàn tập, </em>Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.11, tr.95.</span></p>
<p style="text-align:justify"> </p>
</div>
</div>
</body></html>