<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Chàng sinh viên và khát vọng</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span class="text16b" id="lbHeadline">Chàng sinh viên và khát vọng... trái bầu
eo</span></font></b></p>
<div style="float: left; width: 47px; height: 54px">
<table border="1" width="100%" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="chang%20sv%20va%20khat%20vong%20trai%20bau%20eo.bmp" width="172" height="200"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Lê
Văn Thi</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><span class="indexstorytext">Đề
tài "Bầu eo xứ Huế" tham dự cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo đồng hành cuộc sống" do
Tỉnh Đoàn, ĐH Huế và Trung tâm học liệu ĐH Huế tổ chức đã vượt qua 64 đề tài
khác để đoạt giải nhì (không có giải nhất) với số tiền thưởng 10 triệu đồng. Bây
giờ thì Lê Văn Thi (sinh viên năm 2 khoa Hán Nôm - trường ĐH Khoa học Huế đang
biến ý tưởng đó thành hiện thực...</span> </font></p>
<span class="indexstorytext" id="lbBody">
<p align="justify"><strong><font color="#008000" face="Arial" size="2">Đi tìm
quả bầu eo</font></strong></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đến nhà, Thi lấy trong tủ ra một
bầu rượu và rót vào hai cốc. Tôi nhấp một ngụm. Thi cười ý nhị: "Răng, ông bạn
thấy sản phẩm của tui thế nào?". </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trái bầu có đến hai lần eo ánh
lên màu vàng bóng, nổi bật với chữ Phúc (bằng chữ Hán) do chính "đồ" Thi viết
trên nền phong cảnh đậm chất thiền. Rồi Thi dẫn tôi vào phòng trong: Cả một "giàn"
bầu trái nâu xạm, trái vàng bóng, trên mỗi trái đều có thư pháp chữ Hán hoặc chữ
Việt. Lần đầu tiên tôi thấy thế nào là bầu rượu túi thơ, nhưng lại là sản phẩm
của bạn mình. Ánh mắt Thi sáng lên trong mỗi cái chỉ tay lên "giàn" bầu. Ở đó,
còn có cả câu chuyện chàng sinh viên trẻ và trái bầu eo. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Lê Văn Thi hiện đang là sinh viên
năm 2 khoa Hán Nôm - trường ĐH Khoa học Huế. Thi đã sớm "chớp" được gợi ý của
một người thầy về trái bầu eo ngay từ năm đầu tiên lên giảng đường.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhưng từ ý tưởng đến thực tiễn
lại là cả một quá trình hết sức cam go. Ngay từ khâu tìm giống quả bầu eo, lâu
giờ chẳng còn ai quan tâm đến nó nữa, anh phải lại lặn lội lên tận A Lưới. Bắt
tay vào nhân giống nhưng Thi lại chưa có một kiến thức gì, kiếm sách thì không
có, hỏi quanh cũng chỉ được một vài kinh nghiệm của người già trong làng. Tự
mình đặt cây giống đầu tiên trên vườn và theo dõi sự phát triển của nó, niềm hy
vọng cứ tăng dần theo sự sinh trưởng của cây. Đằng đẵng 5-6 tháng trời nhưng
cuối cùng kết quả thu được cũng chỉ 50% dự tính ban đầu, "Dù sao cũng được một
bài học"- Thi tự an ủi. Đến khi quyết định sản xuất trên quy mô lớn- đem giống
cây ra các hộ dân đặt trồng, Thi lại bị mọi người từ chối, thậm chí còn bị gọi
là "Thi điên". Cậu phải dùng hết khả năng thuyết phục của mình, rồi nhờ bố mẹ
hay "vay nóng" tiền để đặt trước cho bà con tin.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Câu chuyện nóng dần như men rượu
Thủy Dương - đặc sản Huế. Bây giờ thì Thi chẳng khác gì một nhà "bầu eo học": "Trái
ni có thể trồng với mật độ 5m2/cây và mỗi cây cho từ 10 - 15 trái trong khoảng
tháng 10 đến tháng 4 năm sau ở đồng bằng và tháng 7 đến tháng 1 năm sau ở miền
núi". Sau đó là các công đoạn xử lý để có sản phẩm cuối cùng là bầu rượu.</font></p>
<p align="justify"><strong><font color="#008000" face="Arial" size="2">Khát vọng</font></strong></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Vừa tiến hành xử lý sản phẩm, Thi
vừa dồn hết tâm huyết vào việc hoàn thiện đề tài "Bầu eo xứ Huế" để tham dự cuộc
thi "Ý tưởng sáng tạo đồng hành cuộc sống". "Mình không biết nói gì để diễn tả
cảm xúc lúc đó. Thật hạnh phúc vì sản phẩm của mình được đánh giá cao cả về ý
tưởng và tính khả thi" - Thi nhớ lại. Bầu eo bây giờ không chỉ là món ăn truyền
thống (quả bầu eo săn chắc và ăn ngọt hơn các loại bầu khác) mà đang được xử lý
để biến thành hàng lưu niệm đặc sắc. "Với trái bầu chỉ để viết chữ, vẽ tranh thì
mất khoảng 7 tháng, còn bầu eo làm bầu rượu thì phải 9 tháng kể từ khi trồng".
Làm ra sản phẩm, Thi đem đi chào hàng tại các điểm có đông khách du lịch như
suối nước nóng Thanh Tân, khách sạn Queen, một số quầy hàng lưu niệm...</font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<img border="0" src="chang%20sv%20va%20khat%20vong%20trai%20bau%20eo2.bmp" width="350" height="467"></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Sản phẩm của Thi</font></i></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">"Trái bầu eo sẽ đem lại nguồn thu
nhập khá cho nông dân. Cậu cứ tính như ri: 500m2 ruộng mỗi vụ chỉ cho khoảng
500.000 - 600.000 đồng, nhưng với bầu thì thu nhập sẽ lên hàng triệu đồng", Thi
nói. Thi còn tạo việc làm cho người khuyết tật trong khu vực: "Công việc này
không mấy khó khăn và nặng nhọc lắm nên họ có thể làm được, mình biết quanh xã
có khoảng hơn 20 người khuyết tật, thương binh. Khi đi vào hoạt động mình sẽ trả
họ từ 800.000 đến 1.200.000 đồng/tháng". </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thi đang đăng ký bản quyền thương
hiệu "bầu eo Lương Thanh". Hiện tại, do kẹt vốn nên anh mới chỉ đang sản xuất
quy mô nhỏ, nhưng Thi muốn xây dựng được một cơ sở tầm cỡ như trong đề tài anh
viết. Thi đang đi liên hệ và rất mong muốn tổ chức, cá nhân nào đó có thể tài
trợ để biến khát vọng thành hiện thực.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TNO</i></b></font></p>
</span>
</body>
</html>