<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Chuyên gia</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span id="lbHeadline" class="text16b">Chuyên gia "báo động"</span> </font></b>
</p>
<table id="table1" align="left" border="0" cellpadding="0" cellspacing="3" width="1">
<tr>
<td align="left" valign="top">
<p align="justify">
<img border="0" src="chuyen%20gia%20bao%20dong.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr height="1">
<td align="left" valign="top">
<p align="center"><span id="AvatarDesc"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Chuyên gia "báo động" Huỳnh
Đức Thọ </font></i></span></td>
</tr>
</table>
<span class="indexstorytext">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Gần sáu năm trước, đề tài nghiên
cứu khoa học về báo cháy tự động qua đường dây điện thoại của Huỳnh Đức Thọ (Công
ty điện báo - điện thoại Quảng Nam) từng gây sự chú ý lớn. Nay lại thêm công
trình báo động khi cáp nội hạt bị cắt vừa đoạt giải nhất hội thi sáng tạo kỹ
thuật đã khiến anh xứng đáng với danh hiệu... chuyên gia "báo động". </font></p>
</span><span id="lbBody" class="indexstorytext">
<p align="justify"><font color="#008000" face="Arial" size="2"><strong>Hết báo
cháy, đến "báo tốt"</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Một chút tiếc nuối, thạc sĩ viễn
thông Huỳnh Đức Thọ bảo "báo cháy tự động qua đường dây điện thoại" của mình
ngày nào giờ đã là sản phẩm của một... công ty ở TP Hồ Chí Minh. Hóa ra, đề tài
nghiên cứu khoa học cấp Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông ấy, đã bị chính anh
"bỏ rơi" vì số tiền đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhưng đó thực sự là một ý tưởng
táo bạo: khi phát hiện cháy, ngoài việc báo cháy cục bộ, hệ thống qua đường dây
điện thoại sẽ gửi tín hiệu về trung tâm, từ đó một phần mềm cài đặt sẵn sẽ cung
cấp trở lại những thông tin cần thiết nhất giữa lúc "dầu sôi lửa bỏng", như con
đường ngắn nhất nơi xảy ra cháy, các phương án chữa cháy đã lập trình sẵn, kể cả
các số điện thoại lân cận để nhờ... kiểm tra độ chính xác của tin báo.<em> "Ý
tưởng ấy không quá khó, rồi sẽ có người nghĩ ra, mình chỉ may mắn hơn là nghĩ
sớm hơn mà thôi"</em> - Huỳnh Đức Thọ khiêm tốn. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ sau vụ cháy kinh hoàng ở ITC (TP
Hồ Chí Minh) mấy năm trước khiến một bạn thân thiệt mạng, anh càng thêm quyết
tâm để tung tất cả thông tin về đề tài nghiên cứu này lên mạng internet với hy
vọng "ai đó sẽ hiện thực hóa để giúp cho xã hội"... Bẵng đi mấy năm, Thọ lại có
thêm kiểu "báo" khác: báo sửa chữa tốt (nhân viên trong ngành quen gọi là "báo
tốt"). </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chuyện tưởng bình thường trong
thao tác sửa máy điện thoại hỏng của dịch vụ 119, mỗi khi hoàn tất công việc là
báo về tổng đài, nhưng với công ty xấp xỉ 250 công nhân làm việc trên mạng thì
tình trạng quá tải luôn xảy ra. Đến tháng 3.2006, "báo tốt" bắt đầu ứng dụng ở
Quảng Nam với chương trình tự động cập nhật 24/24 tin báo về, tương đương lượng
công việc của 8 nhân viên.</font></p>
<p align="justify"><font color="#008000" face="Arial" size="2"><strong>Nảy sinh
ý tưởng khi đi... bắt trộm</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Giai đoạn 2002-2004, Quảng Nam
nóng bỏng chuyện kẻ xấu cắt trộm cáp nội hạt. Huỳnh Đức Thọ được đặt hàng một
công trình "báo động", nhưng ròng rã hơn hai năm anh vẫn chưa tìm ra... Đến
tháng 5.2004, liên tục cáp nội hạt ở khu vực Tam Dân (H.Phú Ninh) bị phá, kẻ xấu
chỉ cắt rời chứ không thèm lấy đi. Trinh sát mật phục mãi nhưng đối tượng vẫn
bặt tăm, cáp vẫn bị đứt, dồn dập 6 vụ chỉ trong 2 tháng. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Huỳnh Đức Thọ khi ấy là Phó giám
đốc Công ty điện báo - điện thoại cũng tham gia mật phục kẻ trộm ban đêm. Sáng
ra, cứ nhìn lên múi cáp vừa bị cắt mà bực mình, thế rồi đột nhiên trưa về nhà
thì nảy sinh ý tưởng... Anh báo cáo ngay và "ban chuyên án" bí mật đưa hệ thống
này vào thử nghiệm. Chỉ vài ngày sau, kẻ gian bị tóm tại trận. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Giải pháp kỹ thuật của anh cũng
dễ hình dung. Trên mỗi tuyến cáp lập một thuê bao đường dây nóng tức thời (đấu
nối trên tuyến cáp nhưng không gắn thiết bị đầu cuối), tương ứng có một máy giám
sát đặt tại HOST trung tâm. Thêm một máy đo cáp cho vệ tinh có tuyến cáp cần
giám sát, sẽ "đo" khoảng cách từ nơi xảy ra sự cố đến tổng đài với sai số chỉ
khoảng 10 mét. Khi cáp bị cắt, đôi cáp đường dây nóng sẽ chập mạch (tương đương
nhấc máy), máy giám sát tại HOST liền đổ chuông. Nhân viên trực tổng đài, trực
vệ tinh xem số máy biết ngay tuyến cáp nào đang bị cắt, rồi đo khoảng cách và cơ
quan chức năng tóm được kẻ gian gần như ngay lập tức... </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 2005, sáng kiến "báo động khi
cáp nội hạt bị cắt" của anh được công nhận cấp Tổng công ty Bưu chính - Viễn
thông và áp dụng với tất cả các thành viên trên 64 tỉnh thành. Năm ngoái, sáng
kiến này chiếm ngôi đầu bảng Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ nhất ở Quảng Nam.
Tấm bằng Lao động sáng tạo mà Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trao cho anh hồi
năm 2006 là một ghi nhận xứng đáng đối với chuyên gia "báo động" sinh năm 1969
của Quảng Nam<i><b>.</b></i></font></p>
</span>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><i><b>Theo TNO</b></i></font></p>
</body>
</html>