<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Sinh viên chế tạo máy bón phân</title>
</head>
<body>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span id="lbHeadline" class="text16b" style="width: 100%; font-weight: 700">Sinh
viên chế tạo máy bón phân</span></font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span id="lbHeadline" class="text16b" style="width: 100%; font-weight: 700"> </span></font></p>
<span id="lbAuthor1" class="author"></span>
<table id="table1" align="left" border="0" cellpadding="0" cellspacing="3" width="1">
<tr>
<td align="left" valign="top">
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<img border="0" src="sv%20che%20tao%20may%20bon%20phan.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr height="1">
<td align="left" valign="top">
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font color="#808080">
<span id="AvatarDesc" style="font-family: Arial; font-size: 10pt; font-style: italic">
Thử nghiệm máy trên cánh đồng lạc Hương Vinh </span></font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2"><span class="indexstorytext">Vượt qua 132 đề tài,
chiếc máy bón phân cho lạc của nhóm sinh viên khoa Cơ khí trường Đại học Nông
lâm Huế là một trong hai sáng chế được Ban giám khảo trao giải đặc biệt tại Hội
nghị Khoa học - Công nghệ tuổi trẻ các trường đại học và cao đẳng khối nông lâm
ngư toàn quốc lần thứ 3.</span></font><span id="lbBody" class="indexstorytext"></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Lạc là loại cây ngắn ngày cho giá
trị kinh tế cao và ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp chế biến. Tuy nhiên,
năng suất cây lạc ở Việt Nam chưa đáng kể so với tiềm năng đất đai hiện có. Hiện
chỉ có khâu làm đất trồng lạc được cơ giới hóa, các công đoạn còn lại người dân
phải bỏ công sức ra làm mất nhiều thời gian. </font></p>
<table style="width: 20px; height: 10px" align="right" border="0" id="table2">
<tr>
<td>
<p align="center"><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="sv%20che%20tao%20may%20bon%20phan2.bmp" width="150" height="200"><br>
<em><font color="#808080">Kỹ sư Đỗ Minh Cường đang giúp Hiếu kiểm tra
các chi tiết máy</font></em></font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thời gian gần đây, trên thị
trường đã xuất hiện máy bón phân cho lạc nhưng do giá thành quá cao, nông dân
không có điều kiện trang bị. Chính vì vậy, nhóm sinh viên khoa Cơ khí - Công
nghệ trường ĐH Nông lâm Huế đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo
công cụ rạch hàng bón phân thúc cho cây lạc trên đất nhẹ". </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Theo trưởng nhóm Võ Hữu Hiếu: "Đa
số chi tiết máy là đồ tận dụng hoặc tự chế như bánh xe đạp, đĩa xích vì kinh phí
hỗ trợ eo hẹp lắm". Chiếc máy này nặng 14,5 kg, bao gồm bộ phận rạch hàng, bón
phân và lấp đất. Có cả bộ phận phụ chân chống và dây đeo để giữ cân bằng trong
quá trình di chuyển. Chỉ cần một người điều khiển đẩy chiếc máy này về phía
trước sao cho lưỡi rạch cách hàng lạc 8-10 cm, bánh xe quay và kéo trục cuốn
chuyển động. Phân bón sẽ theo ống dẫn rải đều ở các rãnh, lưỡi lấp đất sau cùng
sẽ kéo đất lấp lại như cũ. <br>
<br>
Đặc biệt, lưỡi rạch và lấp có thể thay đổi độ sâu, người sử dụng có thể điều
chỉnh theo ý muốn. Công cụ mới này ra đời chỉ sau 4 tháng nghiên cứu và chế tạo.
3 lần được mang ra thực nghiệm tại cánh đồng lạc ở xã Hương Vinh huyện Hương Trà,
nhiều nông dân đã đặt hàng mua máy. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Với thùng chứa 12,5 kg phân bón,
công cụ rạch hàng bón phân cho lạc trên đất nhẹ đạt năng suất 0,04 ha/giờ. So
sánh giá trị kinh tế, nếu cơ giới hóa hoạt động bón phân, nông dân sẽ tiết kiệm
được khoảng 110.000 đồng/ha. Giá trị một chiếc máy bón phân thúc cho lạc giá chỉ
500 nghìn đồng, vật liệu chế tạo sẵn có trên thị trường, dễ sử dụng, kích thước
phù hợp với địa hình ruộng đồng miền Trung. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Kỹ sư Đỗ Minh Cường, giáo viên
hướng dẫn nhóm sinh viên nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi chỉ định hướng làm mô
hình cho sinh viên làm quen với chế tạo nhưng thấy các em quyết tâm quá nên mình
cũng phụ một tay. Nếu muốn sản xuất đại trà máy bón phân thúc này, các em phải
thực hiện kiểm chứng, đối sánh trên thực tế. Tuy nhiên, cái khó bây giờ là kinh
phí và thời gian". Công cụ bón phân thúc cho lạc hiện giờ vẫn còn nằm trong kho
Cơ khí - Công nghệ của trường. Võ Hữu Hiếu cho biết: "Nếu sản xuất máy theo dây
chuyền, chúng tôi sẽ thay một số chi tiết từ sắt sang nhựa như: thùng chứa phân
bón, trục cuốn, lúc đó giá thành sẽ hạ hơn nữa". </font></p>
</span>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><i><b>Theo TNO</b></i></font></p>
</body>
</html>