<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Tuyên ngôn thế giới về quyền con</title>
</head>
<body>
<div>
<p align="left"><b><font face="Arial" size="2">Kỷ niệm 60 năm Ngày Nhân
quyền thế giới (10/12/1948 - 10/12/2008):</font></b></p>
<p align="center"><font color="#0000FF" face="Arial" size="2"><b>Tuyên ngôn
thế giới về quyền con người với Việt Nam</b></font></p><div align="right">
<font face="Arial" size="2"><b>TS NGUYỄN ÐỨC THÙY</b></font></div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tư tưởng và yêu sách về quyền
con người đã có từ rất lâu trong lịch sử nhân loại. Ðến thế kỷ 17 - 18, tư
tưởng quyền con người phát triển thành lý luận về quyền con người, trở
thành ngọn cờ đấu tranh của các cuộc cách mạng dân chủ tư sản, lật đổ các
chế độ quân chủ chuyên chế, thiết lập nền dân chủ tư sản ở Anh , Pháp, Mỹ.
</font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sau đó trong một thời gian
dài, suốt cả thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20, giai cấp tư sản dùng ngọn cờ
nhân quyền để biện hộ cho bản chất bóc lột và áp bức đối với nhân dân lao
động, tiến hành các cuộc chiến tranh nô dịch các dân tộc khác. </font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhân loại chứng kiến và không
bao giờ quên những tội ác khủng khiếp chống lại nhân loại: hàng trăm triệu
người đã bị cướp đi quyền sống của mình bởi chiến tranh, nghèo đói, bệnh
tật ... </font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ðặc biệt, cuộc đại khủng
hoảng kinh tế thế giới, sự bạo hành phi nhân tính của chủ nghĩa phát-xít,
thảm họa chết chóc, tàn phá kinh hoàng của Ðại chiến thế giới lần thứ hai,
mặt khác, sự phát triển mạnh mẽ của các lực lượng dân chủ, tiến bộ trên toàn
thế giới đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo các quốc gia đồng minh chống phát-xít
thành lập LHQ với sứ mệnh bảo vệ hòa bình, an ninh thế giới và tôn trọng,
bảo đảm quyền con người của tất cả mọi người. Trên cơ sở Hiến chương của
LHQ, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người đã được soạn thảo và thông qua
ngày 10-12-1948. </font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tuyên ngôn thế giới về quyền
con người là văn kiện quan trọng có ý nghĩa tiến bộ lịch sử và giá trị to
lớn về mặt đạo đức, chính trị và pháp lý. Nó vượt qua các tuyên ngôn nhân
quyền trước đây của các nước phương Tây, đưa ra quan điểm hiện đại của cộng
đồng quốc tế về các vấn đề quyền con người, diễn tả một cách tổng quát và
thống nhất những giá trị, nguyên tắc hay chuẩn mực chung về quyền con người
đã đạt được trong di sản văn hóa của nhân loại. </font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tuyên ngôn khẳng định: "Tất
cả mọi người sinh ra đều tự do, bình đẳng về phẩm giá và các quyền. Họ được
phú cho lý trí và lương tri và phải đối xử với nhau trong tình anh em", "Mọi
người sinh ra đều được hưởng tất cả các quyền và tự do... không có bất kỳ sự
phân biệt đối xử nào về chủng tộc, mầu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo,
chính kiến hoặc các quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản,
nòi giống hay các tình trạng khác".</font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tuyên ngôn nhấn mạnh tính bất
di bất dịch và không thể bị xâm phạm của tất cả các quyền con người, vì đó
là "nền tảng của tự do, công bằng và hòa bình trên thế giới ". Không chỉ thể
hiện nhất quán triết lý chung và nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trên
lĩnh vực quyền con người, Tuyên ngôn còn bổ sung và phát triển khái niệm
quyền con người ở cấp độ mới, vượt khỏi quan niệm truyền thống nội địa Âu -
Mỹ trước đây, khẳng định và chi tiết hóa các quyền cơ bản, thiết yếu trong
các lĩnh vực cuộc sống mỗi người - không chỉ các quyền dân sự, chính trị, mà
còn các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội. </font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Phủ định tính tuyệt đối của
các quyền con người cá nhân, Tuyên ngôn khẳng định nguyên tắc gắn kết chặt
chẽ giữa các quyền và nghĩa vụ, quy định mỗi cá nhân "đều có những nghĩa vụ
đối với cộng đồng mà chính trong đó nhân cách của bản thân có thể phát triển
tự do và đầy đủ. </font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Mỗi người trong khi thực hiện
các quyền và tự do cho cá nhân phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục
đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với quyền và tự do
của những người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức,
trật tự công cộng và sự phồn vinh chung". Tuyên ngôn cũng đề ra nguyên tắc
tôn trọng chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ các quốc gia trên lĩnh
vực quyền con người, chống diễn giải sai lệch, can thiệp công việc nội bộ
nước khác dưới chiêu bài nhân quyền, mâu thuẫn với các mục tiêu và nguyên
tắc của LHQ. </font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Những giá trị đạo đức và
chính trị to lớn của Tuyên ngôn được các quốc gia trên thế giới thừa nhận và
tôn trọng. Tuyên ngôn dù có nhiều hạn chế có tính lịch sử, vẫn là lý tưởng
phấn đấu và chỗ dựa cho chúng ta ngày nay trong cuộc đấu tranh chống bất
công, xung đột, áp bức vì mục tiêu bảo đảm quyền con người, phẩm giá và công
bằng cho tất cả mọi người. Với sức mạnh đạo đức và chính trị to lớn, Tuyên
ngôn đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích và định hướng việc thúc
đẩy các quyền con người trên phạm vi toàn thế giới. </font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Dù không có ràng buộc pháp
lý, nhưng Tuyên ngôn là nguồn cơ bản và cơ sở tư tưởng để xây dựng nên các
văn kiện, tổ chức và thủ tục giám sát quốc tế về quyền con người trên quy
mô toàn thế giới, ở các khu vực và hiến pháp, luật pháp của các quốc gia.
</font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trên tinh thần của Tuyên
ngôn, khoảng hơn 80 công ước, tuyên bố quốc tế về quyền con người đã được
soạn thảo và ban hành, trong đó có những công ước quan trọng như Công ước
về các quyền dân sự, chính trị, Công ước về các quyền kinh tế , xã hội và
văn hóa, Công ước về chống phân biệt chủng tộc, Công ước chống tra tấn, các
công ước về quyền trẻ em, phụ nữ, người tàn tật, người di cư, các dân tộc
thiểu số... </font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ðến nay, Tuyên ngôn được dịch
ra 360 thứ tiếng khác nhau, là văn kiện được các quốc gia thừa nhận, tôn
trọng và truyền bá rộng rãi. Quan niệm nhân quyền của LHQ trong 60 năm qua
đã phát triển phong phú và mở rộng đáng kể. Nó không chỉ là Luật Nhân quyền
quốc tế, mà còn là một trong ba cột trụ hoạt động của LHQ: an ninh, phát
triển và quyền con người. Ba cột trụ này liên quan tương tác lẫn nhau, góp
phần ngăn ngừa chiến tranh, bảo đảm hòa bình, phát triển ổn định của thế
giới.</font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chúng ta đánh giá cao những
giá trị cao đẹp, nhân văn, lý tưởng và nguyên tắc chung của Hiến chương và
Tuyên ngôn thế giới về quyền con người. Việt Nam cho rằng, quyền con người
là thành quả đấu tranh lâu dài của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp
bức trên thế giới, là khát vọng của loài người, là giá trị nhân loại, đồng
thời là mục tiêu, động lực của quá trình xây dựng và bảo vệ thành quả cách
mạng ở Việt Nam. Phát huy dân chủ, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con
người được coi là bản chất của chế độ chính trị xã hội và sự nghiệp cách
mạng của Ðảng và Nhà nước ta. Dưới chế độ thực dân và phong kiến, nhân dân
ta không được hưởng các quyền con người.Con đường thiết lập và bảo đảm quyền
con người ở nước ta phải gắn với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống
nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. </font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Quyền con người ở nước ta
trước hết là quyền được làm công dân của một nước độc lập, tự do, quyền được
sống bình đẳng và mức sống không ngừng được nâng cao. Quyền của mỗi người
riêng lẻ phải gắn với vận mệnh và quyền của cả cộng đồng và của toàn dân
tộc, với nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong cộng đồng quốc tế, mỗi
dân tộc có quyền thiêng liêng tự do lựa chọn con đường phát triển và chế độ
chính trị của mình. Do đó, không một quốc gia nào có quyền can thiệp, dạy dỗ
về nhân quyền cho quốc gia khác. Sự khác biệt đặc thù trong việc thực hiện
các quyền con người ở các quốc gia khác nhau là lẽ đương nhiên, cho nên việc
tăng cường đối thoại và hợp tác quốc tế để nâng cao hiểu biết lẫn nhau, học
tập kinh nghiệm, bảo đảm tốt hơn các quyền con người là cần thiết và nên
làm. </font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ðại hội lần thứ IX (năm 2001)
của Ðảng khẳng định: "Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của tất cả mọi người; tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về
quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia". Hiến pháp Việt Nam
sửa đổi năm 1992, điều 50 ghi rõ: "Ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được
tôn trọng, thể hiện ở các quy định trong Hiến pháp và Luật". </font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Là một thành viên của LHQ,
Việt Nam tham gia tích cực vào việc ký kết, phê chuẩn và thực hiện nghĩa vụ
bảo đảm quyền con người, là một trong số nhỏ các nước tham gia 8/9 công ước
cơ bản về quyền con người của LHQ. Việt Nam cũng đã được bầu là thành viên
của Ủy ban nhân quyền của LHQ nhiệm kỳ 2001 - 2003. Dù là một nước nghèo,
gánh chịu hậu quả chiến tranh nặng nề, điều kiện vật chất còn hạn chế, Việt
Nam đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những thành tựu, tiến bộ to lớn, không
thể phủ nhận trong việc bảo đảm tốt các quyền con người, nhất là trong thời
kỳ đổi mới.</font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong hơn 20 năm qua, các
quyền con người ở Việt Nam đã được bảo đảm tốt hơn cả về pháp lý, nội dung
và điều kiện thực hiện. Trên lĩnh vực này, Việt Nam đã tích cực bổ sung, sửa
đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật, bao gồm các bộ luật, luật và các văn bản
pháp quy khác theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của
dân, do dân, vì dân vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân
chủ, văn minh". </font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ðến nay, một khối lượng đồ sộ
hơn 13 nghìn văn bản pháp luật các loại khác nhau được ban hành, trong đó
có hơn 58 bộ luật và luật quan trọng như Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng
Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Bầu
cử Quốc hội, Luật Giáo dục, Luật Chăm sóc sức khỏe, Luật Bình đẳng giới...,
hơn 120 pháp lệnh, hơn 4.000 các quy định của chính phủ và các cơ quan thuộc
chính phủ... </font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong các văn bản pháp luật
đó, các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa trong các công
ước cơ bản về quyền con người được nội luật hóa khá đầy đủ.</font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Xuất phát từ điều kiện cụ thể
của mình, Nhà nước Việt Nam đã xây dựng và thực hiện các chính sách phát
triển kinh tế, xã hội nhằm thực hiện tốt các quyền con người. Việt Nam cho
rằng việc thực hiện các quyền dân sự, chính trị phải tiến hành song song,
kết hợp quá trình thực hiện các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội. Quan điểm
cơ bản xuyên suốt quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách kinh tế -
xã hội của Việt Nam là tăng trưởng kinh tế gắn liền với thực hiện tiến bộ và
công bằng xã hội, thực hiện tốt các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội mới bảo
đảm tốt các quyền dân sự, chính trị, đồng thời gắn việc bảo đảm các quyền
dân sự, chính trị với yêu cầu ổn định chính trị, xã hội, phát triển kinh tế,
xã hội, văn hóa của đất nước.</font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hơn 20 năm đổi mới vừa qua,
Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, đạt được những thành tựu to lớn,
cải thiện và nâng cao sự hưởng thụ các quyền cơ bản của nhân dân. Trước đổi
mới năm 1986, thu nhập bình quân theo đầu người hàng năm khoảng 180 USD. Sau
hơn 20 năm đổi mới, thu nhập theo đầu người năm 2008, có thể đạt hơn 1.000
USD, tăng hơn năm lần. Tỷ lệ nghèo đói liên tục giảm mạnh: từ khoảng 3 đến
5% hằng năm. Khoảng hơn 30 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói. Theo đánh
giá của LHQ và cộng đồng quốc tế, Việt Nam là một trong những nước xóa đói,
giảm nghèo nhanh nhất, hoàn thành trước thời hạn 10 năm mục tiêu số 1của Các
mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Ðây là thành tựu lớn được cộng đồng quốc
tế thừa nhận.</font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chỉ số phát triển con người
của Việt Nam (HDI) bao gồm các chỉ số về thu nhập theo đầu người, về tuổi
thọ, về giáo dục cũng tăng nhanh đáng kể và liên tục, ngày một tốt hơn. Năm
1995 chỉ số này là 0,560, xếp thứ 122/201 nước trên thế giới; đến năm 2003,
vươn lên 0,704, đứng thứ 108/201 nước. Báo cáo phát triển con người 2007 -
2008 của LHQ ghi nhận, chỉ số HDI của Việt Nam đã tiến thêm bốn bậc, đứng
thứ 105/177 nước, vượt trên các nước như Indonesia, Ai Cập, Nam Phi, Ấn
Ðộ..... Ðiều này chứng tỏ tính nhân văn, sự coi trọng nhân tố con người
trong sự phát triển xã hội của Việt Nam. Bên cạnh các thành tựu nổi bật
trên, các quyền của phụ nữ, trẻ em,... cũng được quan tâm bảo đảm tốt.</font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ðể bảo đảm tốt hơn các quyền
con người, chúng ta cần tiếp tục thực hiện một hệ thống giải pháp liên quan
vấn đề nhận thức, tổ chức thực hiện, xây dựng và hoàn thiện các thể chế,
chính sách kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội xuất phát từ lợi ích của dân
và vì dân. Ðó là phát triển, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN,
giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, văn hóa, giáo dục, hội nhập quốc tế,
bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát huy dân chủ, hoàn thiện Nhà nước pháp
quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.</font></div>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo NDO</i></b></font></p>
</body>
</html>