<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Giáo dục tình cảm cách mạng cho</title>
<style>
<!--
p.MsoNormal
{mso-style-parent:"";
margin-bottom:.0001pt;
font-size:12.0pt;
font-family:VNI-Times;
margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
div.MsoNormal
{mso-style-parent:"";
margin-bottom:.0001pt;
font-size:12.0pt;
font-family:VNI-Times;
margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
-->
</style>
</head>
<body>
<p class="MsoNormal" style="text-align: center; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<b><span style="font-size: 10pt; font-family: Arial; color: blue">Giáo dục tình
cảm cách mạng cho trế hệ trẻ qua học tập, nghiên cứu cuộc kháng chiến chống Mỹ,
cứu nước</span></b></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: right; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<b><span style="font-size: 10pt; font-family: Arial; color: black">Phan Ngọc
Liên *</span></b></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">Giáo dục thế hệ
trẻ bao giờ cũng là mối quan tâm đặc biệt của mỗi dân tộc, của mọi thời đại,
nhằm làm cho xã hội tồn tại và phát triển. Trong việc giáo dục này, bộ môn Lịch
sử có vai trò và ý nghĩa quan trọng. Bởi vì, trong nền văn hóa dân tộc, kiến
thức lịch sử không chỉ giúp cho việc xây dựng một biểu tượng chính xác, đầy đủ
về quá khứ mà còn làm cho người đang sống có ý thức về xã hội, suy nghĩ, cảm thụ
những gì đã xảy ra trong ngày qua, rút ra bài học, kinh nghiệm lịch sử để làm
tròn trách nhiệm với hiện tại và mai sau.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">Cuộc kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại, khẳng định sức mạnh
của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để
lại nhiều bài học quý báu. Việc nghiên cứu đúng đắn, sâu sắc cuộc kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước là cơ sở khoa học quan trọng để tiến hành giáo dục cho thế hệ
trẻ. Bởi vì, việc bồi dưỡng trí tuệ, tư tưởng - chính trị, tình cảm, đạo đức,
phẩm chất trong giáo dục lịch sử bao gồm ba yếu tố, có quan hệ chặt chẽ với
nhau:</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">- Trình bày đúng
sự kiện lịch sử.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">- Rút ra kết luận
khoa học về sự kiện khách quan.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">- Sử dụng tri thức
lịch sử để chứng minh, giải thích lý tưởng, tiến hành giáo dục tư tưởng, tình
cảm, hành động thực tiễn.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">Cũng như trong
nghiên cứu lịch sử, việc giáo dục lịch sử về thực chất cũng là một cuộc đấu
tranh trên lĩnh vực khoa học và tư tưởng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là
một chủ điểm của Chương trình Lịch sử ở nhiều nước trên thế giới. Tùy theo quan
điểm nhận thức, yêu cầu, mục tiêu giáo dục mà sự kiện lịch sử này được trình bày
khác nhau ở sách giáo khoa của mỗi nước. Nhìn chung, sách giáo khoa của các nước
đều phác họa những nét lớn về diễn biến chiến tranh, về ảnh hưởng, tác động của
"Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai" <sup>(1)</sup> đến chính sách đối nội,
đối ngoại, tình hình kinh tế - xã hội của các nước tham chiến - chủ yếu là Mỹ -
và ý nghĩa lịch sử của nó đối với lịch sử thế giới.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">Trong các công
trình nghiên cứu về lịch sử nước Mỹ, lịch sử cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở
Việt Nam, sách giáo khoa lịch sử ở Mỹ, <i>"Cuộc chiến tranh Việt Nam"</i> có một
vị trí quan trọng. Trong cuốn "Niên giám lịch sử Hoa Kỳ" đã dành 47 sự kiện, mục
về cuộc <i>"Chiến tranh Việt Nam"</i>, kể từ ngày 2-8-1964 (ngày mở đầu chiến
tranh của Mỹ ở Việt Nam) đến ngày 27-1-1973 (ngày ký Hiệp định Pa-ri về kết thúc
chiến tranh). Dĩ nhiên, những mốc phân kỳ này không phản ánh đúng độ dài của
cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam (từ 1954 đến 1975), và nội dung cũng
khó tránh những nhìn nhận sai lệch về bản chất cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ
và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, chúng
ta cũng ghi nhận rằng, công trình nghiên cứu sử học và sách giáo khoa lịch sử ở
trường trung học Mỹ ngày một nhiều và cũng có những quan điểm tích cực hơn. Bởi
vì, những dư âm về "cuộc chiến tranh vô đạo đức", cụm từ mà nhiều người Mỹ
thường dùng, vẫn còn vang mãi trong tâm trí của các thế hệ người Mỹ "thời kỳ sau
Việt Nam". Lớp người Mỹ đã sống trong những năm tháng "Chiến tranh Việt Nam" vẫn
chưa tìm được đáp án câu hỏi: Vì sao Mỹ gây ra cuộc chiến tranh? Con em họ chết
ở Việt Nam cho ai và để làm gì? Thế hệ thanh niên Mỹ ngày nay khi đi qua Đài
tưởng niệm chiến tranh Việt Nam, nằm giữa Đài tưởng niệm Oa-sinh-tơn và Đài
tưởng niệm Lin-côn - những anh hùng của nước Mỹ - đọc danh sách hơn 58.000 người
Mỹ tử trận khắc trên đá hoa cương, đặt cạnh đài tưởng niệm cũng tự hỏi: Những
người này đã chết cho ai? Có nên tránh một cuộc chiến tranh Việt Nam như vậy
trong hiện tại và tương lai?</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">Các công trình
nghiên cứu, đặc biệt là sách giáo khoa lịch sử ở trường trung học Mỹ cũng cố
gắng tìm sự thật lịch sử và cay đắng rút ra những bài học về một sai lầm - sai
lầm khủng khiếp của Nhà trắng. R.S. Mắc-na-ma-ra đã nêu 11 nguyên nhân chính gây
ra thảm họa của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, trong đó có một nguyên nhân là Mỹ
"... đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc (trong
trường hợp này là Bắc Việt Nam và Việt Cộng), đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng
và các giá trị của nó, và cho đến nay, chúng ta vẫn tiếp tục đánh giá thấp chủ
nghĩa dân tộc ở nhiều nơi trên thế giới" <sup>(2)</sup>.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">Ngay khi đế quốc
Mỹ xâm lược Việt Nam, đặc biệt là 30 năm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước của nhân dân ta thắng lợi, việc nghiên cứu và dạy học về sự kiện này đã
được tiến hành. Giáo dục lịch sử đã góp phần không nhỏ vào đào tạo lớp lớp thanh
niên của thế hệ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chiến đấu trên mặt trận, lao động
sản xuất ở hậu phương. Thành tựu giáo dục này được phát huy trong đào tạo thế hệ
thanh niên trong thời kỳ cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội và hội nhập vào khu
vực và thế giới. Việc hội nhập này đòi hỏi phải giữ vững truyền thống dân tộc,
tự hào với những trang sử huy hoàng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên,
do tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, việc tiếp nhận không lọc bỏ
những mặt xấu trong giao lưu văn hóa nên một số người, nhất là thanh, thiếu niên
không trải qua những ngày chiến đấu gian khổ và anh dũng, đã chịu ảnh hưởng của
những luận điệu, quan điểm sai trái về lịch sử, trong đó có lịch sử cuộc kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước và do đó, có những suy nghĩ, hành động không đúng.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">Chúng ta có thể
dẫn một số điểm. Có người cho rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng như
cuộc kháng chiến chống Pháp trước đó, không phải là một "đụng đầu lịch sử tất
yếu" mà vì đường lối, chủ trương quá cứng rắn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi
vì, có nhiều nước giành được độc lập dân tộc, phát triển đất nước, trở thành
"con rồng", "những nước công nghiệp mới" của thế giới mà không phải trải qua một
cuộc kháng chiến gian khổ, tổn thất lớn về người, của cải. Những quan niệm nhận
thức như vậy có tác động đến tư tưởng, tình cảm của thế hệ trẻ mà chúng ta cần
phải uốn nắn, giáo dục thông qua việc giáo dục lịch sử.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">Trên cơ sở tài
liệu - sự kiện chính xác, cơ bản, toàn diện để tạo biểu tượng về cuộc kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta cần giáo dục cho thanh niên, học sinh những
nhận thức đúng về sự kiện lịch sử này.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<b><i><span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">Thứ nhất,
cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một cuộc chiến tranh chính nghĩa vì độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội</font></span></i></b></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">Các nhà chính trị,
quân sự, nghiên cứu lịch sử phương Tây khi dùng cụm từ <i>"Chiến tranh Đông
Dương lần thứ hai"</i> muốn làm nhầm lẫn tính chất của cuộc chiến tranh. Các
công trình nghiên cứu và sách giáo khoa lịch sử của Mỹ và nhiều nước tư bản
khẳng định rằng, cuộc chiến tranh Mỹ - Việt Nam bắt đầu từ năm 1964 khi mà "tàu
Việt Nam tấn công vào tàu Mỹ trên biển. Chính phủ Mỹ được Quốc hội cho phép đánh
miền Bắc, đổ quân vào Nam Việt Nam". Cách giải thích như vậy là phủ nhận, biện
hộ cho âm mưu, quá trình Mỹ trực tiếp can thiệp vào Việt Nam, dần dần thay chân
Pháp, biến Việt Nam thành đất thực dân mới của Mỹ, làm căn cứ tấn công vào Liên
Xô, các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào cách mạng thế giới, thực hiện chiến
lược toàn cầu của Mỹ.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">Để hiểu rõ tính
chất một cuộc chiến tranh, cần làm cho học sinh hiểu rõ quan điểm chủ nghĩa Mác
- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên nhân sâu xa và duyên cớ trực tiếp diễn
ra cuộc chiến tranh, tính chất của chiến tranh đối với hai bên tham chiến -
chiến tranh chính nghĩa hay phi nghĩa, chiến tranh xâm lược hay chống xâm lược.
Về điều này, V.I. Lê-nin đã chỉ rõ: "có nhiều loại chiến tranh, có chiến tranh
chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa... có chiến tranh của những giai cấp tiên
tiến và chiến tranh của những giai cấp lạc hậu, có chiến tranh nhằm củng cố ách
áp bức giai cấp và chiến tranh nhằm lật đổ ách áp bức ấy" </font><sup>
<font size="2">(3)</font></sup></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">Trên cơ sở các sự
kiện, cần làm cho học sinh hiểu rằng, Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam
là để thực hiện âm mưu xâm lược. Vì vậy, nhân dân ta phải tiến hành cuộc chiến
tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân, toàn dân và toàn diện, với trình độ phát
triển cao, chống lại và đánh lại cuộc chiến tranh xâm lược dã man, tàn khốc nhất
của đế quốc Mỹ trong thế kỷ XX. Đây là nhiệm vụ thiêng liêng nhất mà mọi người
dân yêu nước phải thực hiện với quyết tâm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:
"Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu,
quét sạch nó đi" <sup>(4)</sup>.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">Với tính chất
chính nghĩa, được Đảng lãnh đạo, nhân dân Việt Nam đã kết hợp sức mạnh của dân
tộc với sức mạnh của thời đại, được nhân dân thế giới, kể cả nhân dân Mỹ ủng hộ
nên đã chiến thắng.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">Việc giáo dục cho
thế hệ trẻ không mơ hồ về tính chất của cuộc chiến tranh - chính nghĩa về phía
nhân dân Việt Nam và phi nghĩa về phía Mỹ - là cơ sở để tạo niềm tin vững chắc
vào cách mạng, đấu tranh chống những luận điểm sai lầm về "cuộc chiến tranh giữa
quốc gia và cộng sản", "một cuộc chiến tranh về ý thức hệ" mà những bọn hiếu
chiến, "những tên lưu manh hiếu chiến" đã tiến hành việc "diễn biến hòa bình"
trên mặt trận tư tưởng, hòng dựng lại cái thây ma bù nhìn "Việt Nam Cộng hòa",
"lá cờ quả ly" đã rách nát tơi tả.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<b><i><span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">Thứ hai,
giáo dục những nội dung cơ bản của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho thế
hệ trẻ để họ có ý thức trách nhiệm trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay</font></span></i></b></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<i><span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">Một là,</font></span></i><span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">
cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tiếp tục và phát huy cao truyền thống đấu
tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta từ thời dựng nước đến nay.
Vì vậy, việc học tập, tìm hiểu cuộc kháng chiến này có tác dụng rất lớn đối với
giáo dục truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ. Trong đời sống xã hội, sự hiểu
biết lịch sử không chỉ là các kiến thức cần thiết của nền văn hóa nhân loại và
dân tộc mà còn là một công cụ giáo dục trí tuệ, tình cảm và năng lực hoạt động
của con người. Giáo dục truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ không phải vì hoài
cổ, nuối tiếc những gì đã qua mà là "ôn cố tri tân" như ông cha ta đã dạy; lấy
xưa phục vụ nay như một châm ngôn phương Tây: "Từ trong lò bếp tinh thần của cha
ông, chúng ta cần lấy ra không phải nắm tro tàn nguội lạnh mà là ngọn lửa đang
bốc cháy".</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">Trong công cuộc
đổi mới hiện nay, chúng ta cần đi sâu vào quá khứ của dân tộc nói chung, cuộc
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng, để giáo dục cho thế hệ trẻ một sức
mạnh hiện thực làm bệ phóng bay nhanh vào tương lai. Cần giáo dục cho họ ý thức
"Không có gì quý hơn độc lập, tự do!" trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế
và khu vực. Khơi dậy ở họ tinh thần "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" để đạt những
thành tựu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, không kém phần gian khổ
như trong sự nghiệp kháng chiến chống ngoại xâm.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<i><span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">Hai là,</font></span></i><span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">
trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân Việt Nam phải đương đầu với
một kẻ địch mạnh, nhưng chúng ta đã chiến thắng. Vì, khi một dân tộc đã đoàn kết
chặt chẽ, đã vùng dậy chiến đấu để giành lại quyền độc lập của mình, thì không
có lực lượng phản động nào ngăn được họ và họ nhất định thắng lợi.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">Đoàn kết là một
truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, nguồn gốc của sức mạnh trong công
cuộc dựng nước và giữ nước. Hồ Chí Minh đã tiếp thụ truyền thống quý báu này,
xây dựng tư tưởng về đoàn kết (dân tộc và quốc tế) trở thành chiến lược đại đoàn
kết của Đảng. Chiến thắng trong cuộc đấu tranh chống Mỹ xâm lược là nhờ một
trong những nhân tố quan trọng nhất - sức mạnh của đoàn kết dân tộc. Vì vậy, một
nhà báo đã rút ra một kết luận đúng: "Ai cũng biết rằng trong thế kỷ XX, chính
vật chất là sức mạnh thời đại chúng ta, thời đại có nhiều tên gọi: thời đại năng
lượng nguyên tử, thời đại phản lực, thời đại điều khiển học, thời đại chinh phục
vũ trụ, thời đại thông tin hóa... Dù đặt tên cho thiết bị nào thì Mỹ cũng đều có
và người Việt Nam đều không có. Sức mạnh duy nhất của Việt Nam là sức mạnh của
con người" <sup>(5)</sup>.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">Cần phải nói thêm
rằng, sức mạnh của con người Việt Nam được nhân lên nhiều lần với sự đoàn kết
dân tộc và đoàn kết quốc tế. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không chỉ huy
động được sức mạnh toàn dân mà còn tập hợp được sự ủng hộ, viện trợ, liên minh
chiến đấu của nhân dân thế giới, đặc biệt là nhân dân hai nước Lào và
Cam-pu-chia. Đoàn kết dân tộc là vòng trong, đoàn kết quốc tế là vòng ngoài để
tạo nên sức mạnh chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ dân tộc và nghĩa vụ quốc tế.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<i><span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">Ba là,</font></span></i><span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">
sự lãnh đạo của Đảng là một nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước. Từ khi Đảng ra đời, cuộc đấu tranh yêu nước, chống Pháp đã
ra khỏi cuộc khủng hoảng và với đường lối đúng, Đảng đã đưa cách mạng Việt Nam
đến những thắng lợi to lớn. Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước đã chứng minh đường lối của Đảng về giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và
chủ nghĩa xã hội, được vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng, là hoàn
toàn đúng. Đảng đã hoàn thành sứ mệnh mà lịch sử đã giao trong cuộc đấu tranh để
giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Và ngày nay, Đảng tiếp tục sứ mệnh của
mình trong việc lãnh đạo nhân dân cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hiểu rõ
điều này, thế hệ trẻ Việt Nam càng vững lòng tin vào Đảng, chống lại âm mưu của
bọn phản động trong nước và quốc tế đang tìm mọi cách để hủy diệt lòng tin của
nhân dân ta vào Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<i><span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">Bốn là,</font></span></i><span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">
cần làm cho thế hệ trẻ nhận thức được ý nghĩa lịch sử to lớn về thắng lợi của
cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà nhân dân Việt Nam đã thu được bằng bao
nhiêu hy sinh, mất mát. Tầm vóc của thắng lợi này không chỉ giới hạn trong phạm
vi đất nước mà tỏa sáng khắp thế giới. Về điều này, Đại hội lần thứ IV của Đảng
(1976) đã nêu rõ: "Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong
sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta
như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn
thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử
thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng
quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc"<sup>(6)</sup> Nhận thức đúng ý nghĩa
đó, thế hệ trẻ luôn biết ơn Đảng, Bác Hồ, các thế hệ cha anh đã hy sinh đem lại
thắng lợi này, tự hào về những chiến công đã qua và xác định trách nhiệm của
mình với ngày nay và mai sau.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">Như vậy, qua giáo
dục lịch sử nói chung, qua tìm hiểu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng
ta giáo dục cho thế hệ trẻ những mặt chủ yếu sau:</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">- Xây dựng niềm
tin vững chắc vào lý tưởng cách mạng trên cơ sở nhận thức đúng sự phát triển
khách quan, hợp quy luật của xã hội loài người.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">- Khơi dậy truyền
thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">- Bồi dưỡng phẩm
chất, đạo đức cách mạng và năng lực hành động thực tiễn.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">Giáo dục thế hệ
trẻ những mục tiêu trên qua giáo dục lịch sử nói chung, qua tìm hiểu cuộc kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng phải tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản sau:</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">- Đối tượng mà
chúng ta giáo dục chịu ảnh hưởng những tác động lớn của bối cảnh lịch sử, môi
trường sinh sống ngày nay, khác với những thập kỷ trước, khi mà cuộc kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước diễn ra. Vì vậy, phải linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tâm
lí, tình cảm của tuổi trẻ trong điều kiện hiện nay mà vẫn bảo đảm những yêu cầu
chung của việc giáo dục.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">- Phải tôn trọng
đối tượng giáo dục, tránh áp đặt, cưỡng bức, mệnh lệnh. Giáo dục là một hoạt
động nhận thức; chỉ có sự nhận thức một cách tự nguyện, tự giác thì kết quả giáo
dục mới cao. Việc áp đặt trong công tác giáo dục tư tưởng là biểu hiện của việc
thiếu dân chủ, không bình đẳng, không tôn trọng thế hệ trẻ - những người muốn tự
"khám phá" kiến thức, tự tiếp nhận việc giáo dục dưới sự hướng dẫn của người
lớn, thầy giáo, chứ không thích tiếp nhận một cách thụ động, máy móc.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">- Kết hợp giáo dục
lý trí với tình cảm; giáo dục tư tưởng, tình cảm phải gắn với hoạt động thực
tiễn.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">- Người giáo dục
phải làm gương cho người được giáo dục. Giáo dục "nêu gương" là một yêu cầu quan
trọng đối với thế hệ trẻ; họ thường học tập, làm theo những gì người lớn nói và
làm.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">- Chú ý xây dựng
lý tưởng, niềm tin, hình thành ý thức về thực hiện nghĩa vụ công dân đối với thế
hệ trẻ để họ xác định được trách nhiệm của mình đối với dân tộc, đất nước, cách
mạng, Đảng.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">Cuộc kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo
của Đảng, phát huy truyền thống dân tộc và đặt cơ sở cho việc phát triển tiếp
tục.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial; color: black"><font size="2">Việc giáo dục cho
thế hệ trẻ tư tưởng, tình cảm cách mạng, xác định thái độ đúng trong công cuộc
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là điều quan trọng, cấp thiết. Việc
giáo dục cần phải có hiệu quả với các biện pháp sư phạm. </font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<div class="MsoNormal" style="margin-right: -.8pt">
<span style="font-family: Times New Roman; color: black">
<hr size="2" width="100%" noshade color="silver" align="left"></span></div>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<i><span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black">* GS, TS,
Chủ tịch Hội giáo dục Lịch sử</span></i></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<i><span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black">(1) Theo
các sử gia phương Tây, Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất là cuộc chiến
tranh xâm lược của Pháp ở Việt Nam, 1945 - 1954</span></i></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<i><span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black">(2) Rô-be
Mắc-na-ma-ra: Nhìn lại quá khứ, tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr 316</span></i></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<i><span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black">(3) V.I
Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, t 38, tr 403</span></i></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<i><span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black">(4) Hồ Chí
Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t 12, tr 407</span></i></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<i><span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black">(5)
Duy-lơ-ran-nut: Làn gió mát từ thành phố Hồ Chí Minh, Nxb thành phố Hồ Chí Minh,
1975, tr 73 - 74</span></i></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<i><span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black">(6) Báo cáo
Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ IV, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977, tr 5 - 6</span></i></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: right; margin-right: -.8pt; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font size="2"><b><span style="font-family: Arial; font-style: italic">Theo Tạp
chí Cộng sản</span></b></font></p>
</body>
</html>