<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>Trở về sau 22 năm chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, có lẽ các cựu chiến trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh vẫn không thể quên từng bước chân dính sình lầy với ước mong xóa mù chữ cho bà con nghèo tại huyện Cần Giờ năm nào…</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cần Giờ là mảnh đất các chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh bắt đầu chiến dịch “Ánh sáng văn hóa hè” - mở lớp dạy học, xóa mù chữ cho bà con năm 1996. Trong lớp học xóa mù chữ năm ấy, học viên là những người nông dân, chuyên đánh bắt cá trên biển (tuổi 15 - 40 tuổi), và thầy giáo là những cô cậu sinh viên tình nguyện lần đầu tiên đến xã đảo.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Có những buổi dạy sau khi người dân vừa đi làm về, có buổi dạy ngay trên thuyền đánh cá, cũng có buổi trong lúc người dân đang vá lưới. Chưa có điện, thầy trò cùng nhau thắp đèn dầu để tìm ánh sáng con chữ. Đôi bàn tay rắn chắc, khỏe khoắn ngày thường đánh bắt cá trên biển, khi cầm bút, vài lần bút gãy đôi. Các anh đi dạy, phải cầm theo sẵn con dao nhỏ, bút chì gãy, các anh gọt lại, rồi cứ thế, những con chữ dần được nắn nót hơn. Cũng năm 1996, anh Lê Xuân Sinh (nguyện Đội trưởng đội hình sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh trường năm 1996) có cơ hội ở nhà chú Tư Đặng (tên thật là Phạm Văn Đặng, 55 tuổi, ấp Thạnh Bình, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ).</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Thiếu nước ngọt, người dân “lén” thêm nước vào bình cho chiến sĩ. Còn mua thêm thức ăn để bồi dưỡng cho các anh. Có nhà dân thương cô giáo đi đường xa, nói: “Cô giáo ăn hết con cua này rồi mới học, còn không chúng tôi vẫn cứ ngồi im ở đây”, rồi ngồi trông cho cô gái ăn xong. Có bác còn bảo: “Các thầy cô đến xã nghèo vất vả để dạy học, nên các thầy cô phải khỏe mạnh mới có thể dạy được. Vậy, cô chú mới yên tâm học”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Những kí ức ấy tưởng chừng như quên lãng nay đã được khơi lại trên chuyến hành trình trở về huyện Cần Giờ của các cựu chiến sĩ. Chuyến đầu tiên là ghé thăm nhà Dì Tư Mến (tên thật là Võ Thị Thơm, ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ). Tại ngôi nhà từng có truyền thống nuôi quân hơn 15 năm, các cựu chiến sĩ ôn lại từng câu chuyện về chuyến tình nguyện cách đây 22 năm.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Là những ngày các anh cùng nhau vận động kế hoạch hóa gia đình trong khi bản thân vẫn chưa lập gia đình. “Năm đó, Xuân Sinh đến nhà cô vận động kế hoạch hóa gia đình. Lúc đó, nhà cô có 8 đứa con. Cô mới bảo, lên hỏi ý của chồng cô trước đã. Sinh lên trước nhà, nhìn quanh không thấy ai. Cô mới bảo: “Ổng ngồi trên bàn thờ đó. Con hỏi thử ổng có đồng ý không?”, Dì Tư Mến vừa cười vừa kể lại kỷ niệm.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/8/31300/IMG_1837.JPG" style="height:95%; width:95%" /></span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em><span style="font-size:14px">Đoàn tặng chú Tư một chiếc ghe lớn để mưu sinh.</span></em></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tiếp tục hành trình, các cựu chiến sĩ trở về lại nhà chú Tư Đặng. Bước vào căn nhà nay đã được lót gạch sạch sẽ, anh Sinh vẫn không quên câu chuyện dạy xóa mũ chữ tại nhà cô Tư năm nào. Để thực hiện mong muốn tưởng chừng giản dị, mộc mạc của người phụ nữ xóm nghèo - được bày tỏ tình cảm với chồng qua thư tay.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Những ngày đầu về nhà cô Tư cũng là ngày chưa có điện, lại thiếu nước. Buổi học đầu tiên dưới bóng đèn dầu, buổi thứ hai, các thầy cô đến nhà dạy chân dính đầy sình lầy. Buổi thứ ba, các thầy cô gánh 2,3 xô nước để sinh hoạt… Ấy vậy mà, lớp học vẫn duy trì đến 72 ngày. “Dạy xóa mù chữ đâu thể dạy một, hai tuần là biết chữ ngay được.Vì thế, mình cố gắng duy trì lớp học tiếp tục hơn 2 tháng. Hết đợt sinh viên này rồi đến đợt sinh viên khác thay phiên nhau dạy. Miễn sao bà con biết được con chữ thì mới hết dạy”, anh Sinh tâm sự.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Và có lẽ, ít ai biết cuốn nhật kí chi chít kỉ niệm về các chiến sĩ tình nguyện hè năm 1996 của cô Tư lại được viết nên bởi đôi bàn tay từng đôi lần làm bút gãy đôi, viết chữ A phải mất hai, ba trang giấy. Lần đầu dẫn anh Xuân Sinh (biệt danh Cá Thòi Lòi) về nhà ngủ lại nhưng nhà lại chỉ còn dư mỗi tấm ván. Cô Tư lo lắng hỏi chồng, “Nó cao quá làm sao ngủ vừa tấm ván này”. “Tối lại tôi thấy nó ngủ mà tội nghiệp… Em nó ngủ mà không thẳng cẳng thì làm sao mà ngủ được”, đôi dòng nhật kí của cô Tư (tên thật là Nguyễn Thị Lệ, 55 tuổi) về anh Sinh.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nuôi quân hơn 20 năm, nhưng cô chẳng thể cầm lòng mỗi lần chia tay. Cô bảo: “Thôi không nuôi mấy đứa nữa đâu. Mỗi lần chia tay cô buồn quá! Nhớ cảnh chục đứa con nằm dài từ nhà trên xuống mà không cầm nước mắt”. Vậy mà, năm nào mùa hè đến, nhà cô lại bận rộn hẳn với việc chuẩn bị dọn dẹp, chào đón sinh viên về ở. “Hai năm nay, sinh viên không về. Cô cũng buồn lắm”, cô Tư bộc bạch.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Còn chú Tư thì nhắn: “Chừng nào chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh còn thì cô chú vẫn còn nuôi quân. Mấy đứa có thời gian rảnh thì xuống đây thăm cô chú. Cô chú không bỏ đứa nào đâu mà lo. Đứa nào cô chú cũng thương như con mình”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Biết được điều kiện sinh sống của cô chú Tư gặp khó khăn, trở ngại - chiếc ghe là phương tiện duy nhất để chú Tư đánh lưới hằng ngày đã mục nát, anh Sinh đã cùng đồng đội vận động hỗ trợ kinh phí để làm chiếc ghe mới cho gia đình chú. Trở về lần này, anh cùng đồng đội đã trao tặng chiếc ghe chứa đựng nghĩa tình của các đồng chí, đơn vị và cựu chiến sĩ tình nguyện đến gia đình chú Tư.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>PHƯƠNG THẢO</strong></span></span></p>
</body></html>