<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>Vừa qua, nhân kỉ niệm 150 năm ngày ra đời của Gia Định Báo – tờ báo Việt ngữ đầu tiên (năm 1865), Khoa Báo chí và Truyền thông – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM đã tổ chức hội thảo “150 năm thành lập Gia Định Báo và sự phát triển của báo chí Việt Nam hiện nay”. Buổi hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tham dự của nhiều nhà nghiên cứu về Gia Định Báo cũng như sinh viên và độc giả.</em></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tại hội thảo, các báo cáo đề tài nghiên cứu sâu rộng về Gia Định Báo đưa ra thảo luận đã cung cấp nhiều kiến thức và những cái nhìn mới hơn cho độc giả và người quan tâm về tờ báo Việt ngữ đầu tiên của nước ta. Các đề tài bao gồm: Tìm hiểu những nhân tố góp phần vào sự ra đời của Gia Định Báo; Hình thức và kĩ thuật trình bày của Gia Định Báo; Trương Vĩnh Ký – Lá rụng về đâu; Nhà báo Huỳnh Tịnh Của; Tính chất chính luận – minh chứng cho chiều sâu thông tin của Gia Định Báo; Hệ thống thể loại trên Gia Định Báo; Một hình dung về tiếng Việt qua mục Thứ vụ trên Gia Định Báo; Độc giả thời Gia Định Báo.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Các khía cạnh từ hình thức đến nội dụng đều được khai thác sâu sắc dưới góc độ khoa học và trên nền tảng của báo chí hiện đại. Trước hội thảo, chắc hẳn ít ai biết được rằng Gia Định Báo được đánh số trang theo năm chứ không phải theo kì. Ngoài ra giá tiền để mua 4 kì Gia Định Báo tương đương số tiền mua 1 mét vuông đất ở vùng đất “bạch kim” tức Sài Gòn thời bấy giờ. Về yếu tố chính luận, thời Gia Định Báo đã bắt đầu định hướng nhận thức thông qua thao tác nghiệp vụ có chủ đích. Hệ thống lập luận có trước có sau, diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu kèm theo những bình luận của người cầm bút kiểu như “Chuyện này lợi hay hại, may hay rủi?” (Trương Vĩnh Ký). Có thể nói Gia Định Báo đã gieo mầm tư tưởng cho các thế hệ nhà báo sau này và khơi nguồn cho sự phát triển của nền báo chí Việt ngữ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Những phát hiện thú vị từ các đề tài nghiên cứu làm phong phú thêm hệ thống tư liệu về Gia Định Báo với tư cách là tờ báo Việt ngữ đầu tiên của Việt Nam, khẳng định những giá trị và đóng góp của Gia Định Báo trong tiến trình phát triển báo chí, văn học, ngôn ngữ dân tộc cũng như những tác động, ảnh hưởng của Gia Định Báo đối với báo chí hiện nay.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">TS. Huỳnh Văn Thông – Trưởng Khoa Báo chí và Truyền thông nhận định: “Trong bối cảnh báo in nói chung đang đối mặt với những thách thức khắc nghiệt từ sự phát triển bùng nổ của các phương tiện truyền thông mới, khi bản thân báo in có thể sẽ trở thành kỉ vật lịch sử của báo chí thì việc nhớ đến một sự kiện như ngày ra đời của tờ báo in tiếng Việt đầu tiên như thể một hoài niệm xưa cũ. Hi vọng rằng hội thảo này sẽ đem về không chỉ một hoài niệm đẹp từ Gia Định Báo mà còn là những bài học đáng ngẫm cho báo chí và tiếng Việt hiện nay”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Sau 150 năm ra đời và sau 10 năm kể từ hội thảo lần 1 kỉ niệm 140 năm ra đời Gia Định Báo đến nay tờ báo Việt ngữ đầu tiên vẫn mở ra nhiều đề tài nghiên cứu hết sức thú vị. Điều này càng khẳng định sức sống lâu bền, tầm ảnh hưởng cũng như vai trò lịch sử không thể phủ nhận của thời Gia Định Báo nói riêng và loại hình báo in nói chung trong tiến trình phát triển báo chí và trong đời sống xã hội.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><strong>THANH ĐỨC</strong></p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
</body></html>