<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Sáng ngày 17/7, tại Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe, Ban thường vụ Đoàn Sở Y tế tổ chức buổi nói chuyện về HIV/AIDS với chủ đề “Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con”. Khoảng 200 đoàn viên, thanh niên đến từ các đơn vị y tế trực thuộc Đoàn Sở Y tế đã đến tham dự.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Báo cáo tại buổi nói chuyện, bác sĩ Trần Thị Đoan Trang, cán bộ chương trình Phòng lây truyền mẹ - con (Ủy Ban Phòng chống AIDS thành phố) cho biết, HIV lây truyền từ mẹ sang con ở ba giai đoạn: trong khi mang thai, trong khi chuyển dạ sanh đẻ, và trong thời kỳ mẹ cho con bú.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Ở giai đoạn mang thai, HIV có thể qua thai do nhiễm khuẩn đặc biệt của bánh rau, giai đoạn này thường xảy ra trong ba tháng đầu hay ba tháng giữa của thai kỳ. Trong thời gian cuối của thai kỳ, hiện tượng các tế bào của mẹ di chuyển vào tuần hoàn thai không phải là hiếm và vào nửa sau thai kỳ do bề dày của bánh nhau mỏng đi. Có 3 yếu tố làm tăng nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong thời ký mang thai: thứ nhất, tuổi của mẹ cao; thứ hai mẹ mới bị nhiễm HIV trong khi đã có thai (khi đó nồng độ HIV trong máu rất cao vì vậy nguy cơ lây truyền HIV sang con qua bánh nhau tăng lên); thứ 3 là do mẹ nhiễm HIV ở giai đoạn muộn mới mang thai thì nguy cơ lây cho con cũng tăng lên.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Trong thời kỳ chuyển dạ, HIV truyền từ mẹ sang con là do các nguyên nhân như cơn co tử cung trong lúc chuyển dạ, đặc biệt là trường hợp đẻ khó và chuyển dạ lâu, dập nát nhiều âm đạo của mẹ; trong quá trình chuyển dạ, trẻ cũng có thể nuốt một số vi rút trong máu và dịch âm đạo của mẹ. Cũng vì lý do này một số chuyên gia có chủ trương mổ lấy thai khi bắt đầu chuyển dạ để làm giảm nguy cơ lây cho con. Theo bác sĩ Trang, một phân tích tổng hợp kết quả từ 15 nghiên cứu ở Bắc Mỹ và châu Âu cho thấy mổ đẻ có thể làm giảm khoảng 50% nguy cơ lây truyền mẹ con, tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng mổ đẻ được, bởi các chuyên gia nhận thấy tỷ lệ tử vong mẹ cao hơn sau khi mổ đẻ so với đẻ thường. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có quy định mổ lấy thai vì mẹ nhiễm HIV.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Trong thời kỳ cho con bú, do HIV có trong sữa mẹ nên khi bú HIV có thể xâm nhập qua niêm mạc miệng, lưỡi, lợi của đứa trẻ, sẻ lây nhiễm HIV cho trẻ, nhất là trong trường hợp trẻ có các viêm nhiễm trong miệng. Hoặc trường hợp vú mẹ có viêm nhiễm, có vết nứt, hay khi trẻ mọc răng cắn gây chảy máu thì HIV còn có thể theo máu vào miệng trẻ, xâm nhập qua niêm mạc trong miệng và gây nhiễm cho trẻ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Theo các nghiên cứu trên các bà mẹ nhiễm và con của họ, kết quả cho thấy có tới 30-40% trẻ sinh ra bị nhiễm HIV nếu mẹ không điều trị ARV và bé bú sữa mẹ. 15-30% trẻ bị nhiễm nếu mẹ không điều trị ARV và trẻ không bú sữa mẹ. Chỉ có 2-6% trẻ nhiễm nếu mẹ được điều trị dự phòng ARV và trẻ không bú sữa mẹ. vì vậy, bác sĩ Trang khuyến cáo các cơ sở y tế cần đẩy mạnh truyền thông và tư vấn để thai phụ khám thai sớm và xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">TP.HCM hiện là địa phương có số bà mẹ nhiễm HIV sinh con cao nhất nước. Tuy nhiên, đây cũng chính là địa phương có số trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV thấp nhất nước. Năm 2014, thành phố có 153.010 phụ nữ mang thai sinh, trong đó có 622 phụ nữ mang thai nhiễm HIV đã sinh, 571 phụ nữ nhiễm được điều trị ARV, 555 trẻ được xét nghiệm PCR và chỉ có 17 trẻ nhiễm. Hiện dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đang được bao phủ toàn thành phố. Cụ thể ở các Bệnh viện tuyến thành phố như Hùng Vương, Từ Dũ, Nhân dân Gia Định, Nguyễn Tri Phương, 24 Bệnh viện tuyến quận/huyện, các Khoa Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản, Trung tâm Y tế Dự phòng quận/huyện, tất cả các Trạm Y tế phường/xã và các Bệnh viện tư nhân như Bệnh viện Phụ sản quốc tế, Bệnh viện Mêkông./.</span></span></p>
<p style="margin-left: 252pt; text-align: right;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>TRANH PHẠM</strong></span></span></p>
</body></html>